Cuối năm, mùa thiên nhiên tươi mới, đường phố trang hoàng đẹp hơn, muôn hoa đua nở, mọi người đi chơi, dã ngoại đó đây, và vô số khoảnh khắc sinh hoạt hiếm có tại gia đình. Đây là thời điểm rất tốt để các bạn luyện khả năng chụp ảnh của mình. Đề tài chụp thì bao la đa dạng để chụp, từ cảnh chuẩn bị Tết, không khí gia đình, chân dung bạn bè người thân, đến cận cảnh hoa kiểng các loại, không gian trải rộng mọi nơi thời gian thì trải dài từ trước Tết trong những ngày này kéo dài đến sau Tết ít cũng 2 tuần, ai cũng có thể sắp xếp chụp được cái mình thích trong vô số chủ đề đó.
Mình chia sẻ lại một số kinh nghiệm bản thân giúp chụp ảnh tốt hơn / đẹp hơn cho anh em thích chụp bằng điện thoại:
Đo sáng quan trọng
Chụp ảnh bằng điện thoại, có một thao tác quan trọng mà nhiều người bỏ qua hoặc không biết, đó là đo sáng. Trên hệ thống camera điện thoại, đo sáng gần như tự động do máy làm việc, khác với máy ảnh có sự can thiệp nhiều hơn của người dùng. Việc đo sáng khi chụp bằng điện thoại theo mình là quan trọng nhất nếu muốn ảnh có ánh sáng đúng ý muốn và ấn tượng cho hình ảnh. Hãy chạm ngón tay vào màn hình để máy đo sáng và lấy nét. Chạm vào vị trí nào là do ý muốn của bạn tuỳ theo bối cảnh ánh sáng thực tế lúc đó. Nếu thấy ảnh tối, chạm vào chỗ tối trong khung để máy nó đo, nếu thấy ánh có vùng sáng quá, hãy chạm vào vùng sáng để máy cân bằng lại. Và gia giảm giá trị sáng toàn khung bằng thanh tăng giảm +-EV (hầu hết các điện thoại bây giờ đều đã có tính năng này).
Đừng giơ điện thoại lên là bấm chụp ngay tức thì! Hãy thử đo sáng, bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Bố cục hài hoà
Các thành phần xuất hiện trong khung hình đều có sự liên kết với nhau, bạn sẽ có bức ảnh tốt hơn, truyền tải thông điệp theo ý bạn với người xem tốt hơn và ý nghĩa hơn. Hãy nhìn xung quanh bao bọc cái mà bạn định chụp rồi bố cục khung hình, tức là bạn chọn cái gì làm nội dung mà bạn thấy thích, thú vị, muốn ghi hình lại nó. Cái gì xuất hiện trong khung hình đều do ý bạn muốn và có lý do của bạn. Nếu không hài lòng vì bối cảnh lộn xộn làm bạn không thích, thì hãy di chuyển vị trí khác để chọn góc nhìn có bố cục như ý bạn hơn. Bản chất của một bức ảnh được cho là đẹp, là bức ảnh có các nội dung trong khung hình sắp đặt theo một sự hài hoà nào đó của tự nhiên. Các loại bố cục mà có thể bạn từng nghe hay được giới thiệu là những gợi ý đúc rút ra từ một trải nghiệm về sự hài hoà ấy. Bạn có thể tìm kiếm một sự hài hoà, cân đối, nhịp điệu thú vị nào đó từ cảm hứng sáng tạo của bạn.
Đừng giơ máy lên chụp đại!
Càng gần càng tốt
Có một số điện thoại có khả năng zoom hình rất xa. Hiệu quả do thuật toán AI tạo ra thì không tự nhiên và biểu đạt được như hiệu quả quang học của ống kính như trên máy ảnh. Một phần không thật, một phần chi tiết được tái tạo do phần mềm làm sẽ suy giảm đi cảm xúc mà ảnh tạo được cho người xem. Hãy tiến lại gần đối tượng chụp chứ đừng đứng ở xa zoom, bởi vì với điện thoại khi bạn zoom nghĩa là nó cắt bớt khung hình còn nhỏ lại, chất lượng giảm đi rất nhiều. Hơn nữa, khi bạn tiến lại tiếp cận đối tượng muốn chụp, bạn sẽ cho người xem sự hiện diện của chính bạn trong bối cảnh đang diễn ra cảnh đó. Dĩ nhiên là trừ khi bạn ở vị trí bất khả kháng mà vẫn phải chụp, hoặc bạn muốn vậy thì làm vậy theo ý thích của bạn. Nhưng về mặt hiệu quả thị giác hình ảnh, hãy tiến lại gần, bạn sẽ có nhiều cảm xúc hơn khi chụp.
Hãy tiến lại gần!
Thay đổi góc chụp
Mỗi góc nhìn sẽ thấy sự vật mỗi khác. Hãy thử chụp 10 tấm ảnh với 10 góc nhìn khác nhau về một đối tượng nào đó. Sau đó bạn chọn 1 góc nhìn ưng ý nhất. Đó là cách tập chụp, rồi bạn sẽ quen và nhìn thấy thế giới khác hẳn, trở thành phản xạ tự nhiên mỗi khi quan sát một khung cảnh nào đó. Nếu bạn chụp góc thấp chụp lên cao, tựa như góc nhìn của con kiến ngước nhìn công trình kiến trúc, sẽ khác góc nhìn của con chim bay trên không trung nhìn xuống các chóp mái và ngọn cây trong khu phố. Trước – Sau – Trên – Dưới – Phải – Trái – Ngang ngang… bạn thử đi nha.
Đừng đứng đâu giơ máy lên chụp tại đó!
Thao tác thành thạo
Khai thác và làm chủ các chức năng mà máy cho phép. Rất nhiều điện thoại có những công cụ chụp rất tốt, bạn đã trả tiền rất nhiều cho chúng, hãy khai thác. Đừng biện minh bằng những câu “Ồ, chụp cho vui mà!” hay “Ồ, chụp điện thoại mà, vui thôi!” Mình từng review và hướng dẫn hơn 10 năm và cho rất nhiều người chụp hình, cả chụp hình bằng điện thoại, mình có trải nghiệm về điều này rõ lắm. Cả người đời lẫn người nhà. Điện thoại tốt, nhiều camera, nhiều tính năng, nhưng không dùng. Khi nhận ra sự hay ho của các tính năng, các ống kính, các công cụ mà điện thoại có, họ rất thích và có cảm hứng chụp.
Hãy mở ứng dụng camera và đọc hướng dẫn!
Khoảnh khắc quyết định
Luôn sẵn sàng bấm chụp. Nếu cất máy quá kỹ, bạn sẽ không kịp với nhiều động tác cho một khoảnh khắc xuất hiện làm cho bạn rất thích. Chúng sẽ qua đi và không bao giờ lập lại. Nếu không sẵn sàng lôi máy ra xử lý nhanh những thao tác khởi động camera… bạn sẽ không có được những khoảnh khắc đẹp.
Luôn sẵn sàng bấm chụp!
Thông điệp bức ảnh
Bạn phải luôn trả lời được các câu hỏi bạn muốn chụp cái gì? Chụp ở đâu và lúc nào thì tốt nhất với “cái gì” đó? Rồi có thể tìm hiểu kỹ thuật để chụp nó như thế nào để đạt được ý đồ của bạn? Trừ phi bạn không muốn tiến bộ hơn trong chụp ảnh thì không cần hỏi gì. Gần đây, mình có làm workshop cho một lớp học sinh cấp 2, một buổi zoom trước để trao đổi cách chụp, một buổi đi chụp quanh thành phố, về biên tập hình, lên thuyết trình lại câu chuyện ảnh của họ, rất nhiều bất ngờ! Ảnh có sức mạnh truyền đạt và truyền cảm hứng tuyệt vời.
Hãy cho mỗi bức ảnh một câu chuyện muốn kể!
Ứng dụng sửa hình
Cài vào điện thoại một hoặc hai ứng dụng chỉnh sửa ảnh phù hợp với bạn để chỉnh sửa tấm hình cho chỉnh chu hơn. Một bức ảnh được chụp nghiêm túc thì nó được hoàn tất sau khi bạn làm cho nó chỉnh chu hoàn hảo hơn. Chả ai cần xem một tấm ảnh bạn bảo là “ảnh gốc” mà nó còn nhiều rác hay khuyết điểm mà nó có thể được hậu kỳ. Trừ phi bạn là nhà báo, ảnh tư liệu và ảnh cung cấp cho toà báo. Mình dùng snapseed và VSCO.
Hãy trân trọng từng tác phẩm của mình!
Trước & sau khi chụp
Hãy luôn lau sạch ống kính camera vì trên đó luôn đầy dấu vân tay, bụi bẩn… giảm chất lượng ảnh rất nhiều. Khi chụp, cầm thật chắc tay, để không bị rung lắc gây mờ nhoè ảnh. Sau khi chụp, cắt cúp chỉnh sửa nếu cần trước khi chia sẻ cho mọi người.
Học chụp liên tục
Đọc bài kiến thức, học hỏi kỹ thuật, xem ảnh của những bậc thầy để trau dồi thêm. Thường thì nhiều bạn sẽ rất hứng thú chụp ảnh, lăn tăn sắm nhiều thiết bị chụp ảnh, rồi sau một thời gian cảm thấy bế tắc một điều gì đó, mất cảm hứng hồn nhiên ban đầu, chán chụp… Xem ảnh đẹp của người khác, dự các buổi trò chuyện ảnh, trao đổi thảo luận về các khuynh hướng nhiếp ảnh… cũng là cách nuôi dưỡng cảm hứng.
Một số ảnh bằng điện thoại:
tuanlionsg – iPhone 5
Em bé tưởng trái cây thật, chạy lại, và ngay tức thì chụp kịp khoảnh khắc ngộ nghĩnh ấy.
tuanlionsg – LG V10
Chụp bằng chế độ panorama và crop bớt bằng ứng dụng trên V10
tuanlionsg – Lumia 950XL
Trong nhà ga tàu lửa, thấy em bé bước ra chuẩn bị nhảy xuống, mình giơ máy lên và vừa khung tức thì.
tuanlionsg – Oppo Find7
Tấm này mình phải lội ra gần ngang cổ, khi dậy đi dọc biển thấy hai bạn trẻ bơi ra và trèo lên một cây cầu đã bị gãy và không còn sử dụng. Về up FB và tình cờ cách nào đó bạn nữ nhận ra họ và liên hệ xin ảnh này.
tuanlionsg – Lumia 1020
Ảnh chụp từ Plaza ở gần sân bay Tân Sơn Nhất. Cảnh kẹt xe một buổi chiều.
tuanlionsg – LG G4
G4 là một trong vài điện thoại có chế độ thủ công lúc bấy giờ (hình như 2014), chỉnh các thông số để chụp tốc độ chậm. Cảnh thác nước mịn như dải lụa là chụp bằng M, rất lâu rồi.
tuanlionsg – Galaxy Camera
Lùi ra sau chỗ thắp nến và hương ở một ngôi đền, bối cảnh sẽ có gì để nói hơn là chỉ chụp chân dung thầy.
tuanlionsg – HTC One 10
Ánh sáng chênh rất nhiều. Đo sáng vào vùng sáng nên vùng trong nhà tối sẽ tối đen, việc đo sáng ở đâu và muốn thế nào là do bạn, chẳng phải do cái máy nó chụp tối hay sáng.
tuanlionsg – HTC U11
Bình minh ở hồ Tuyền Lâm. Chụp xong tấm này thì mình chờ cho những thuyền chèo thả lưới vào bờ, rất nhiều ảnh khác và câu chuyện về họ.
tuanlionsg – Oppo FindX7
Những cảm xúc khác nhau.
tuanlionsg – Mobiistar Primex
Ở một vùng ven ruộng mùa lũ ở Châu Đốc An Giang.
tuanlionsg – Huawei Nova 2i
Chụp bằng tính năng light-painting có sẵn trong điện thoại.
tuanlionsg – LG V20
Hiệu ứng góc rộng của V20 là rất thú vị. Khó chụp nhưng nếu dùng được, hiệu ứng góc rộng sẽ mang lại nhiều ảnh với tính chất “gần to xa nhỏ” lạ mắt.
tuanlionsg – Galaxy S6
Vũng nước ven đường sau cơn mưa.
tuanlionsg – Galaxy S6
Bóng nắng chiều trên bờ hồ
tuanlionsg – Sony XZ1
Lò gạch ở Sa Đéc, loại lò nung gạch truyền thống này sẽ dần bị thay thế bằng lò nung hiện đại hơn. Các lò kiểu này sẽ dần dần không được dùng nữa.
tuanlionsg – Lumia 830
Nghe ríu rít giọng hai cha con ở dưới hẻm chỗ mình ở. Kịp chụp một tấm thế này.
Cảm ơn anh em theo dõi và chúc anh em có nhiều ảnh tốt bằng điện thoại.