Trang chủNgẫm nghĩĐời & ngườiChuyện chụp hình của tôi

Chuyện chụp hình của tôi

-

Bạn tôi nói rằng: “Người ta đã quen tiêu hoá những ý tưởng ‘gia công hàng loạt’ cho đám đông, những cảm xúc ‘đóng hộp’ được các giới truyền thông ‘dọn sẵn’, những trào lưu hiệu ứng của thói quen, tự tin hài hước với những bảo đảm nào đó, lạc quan tếu với thang giá trị ở đời đo lường tâng bốc. Anh chụp bằng cái gì mặc kệ anh! Anh chụp thế nào mặc kệ! Nhưng, anh đừng bỏ quyền độc tôn của bản thân, nói điều mình muốn nói bằng kiểu cách chụp và hình ảnh của anh, say mê thích thú, cảm thông với người đời và đời người, lắng nghe trải nghiệm, bao dung với cuộc sống!

thuthiem 1.001

Chỉ là thích chụp ảnh thôi. Nó có thể chỉ là một sở thích giải trí hay thú vui chơi. Dù gì thì khi không được đi đó đây lang thang chụp choạch cũng có phần “ngứa chân”. Ngồi nhà lục lại ảnh cũ, xem ảnh của nhiều anh em. Thời gian này có lẽ yên lặng để nhìn thấy sâu hơn về chúng. Chúng ta chia sẻ, kể lại cho nhau nghe chuyện của mình với thú chơi chụp ảnh. Một kỷ niệm, một cơ duyên mua máy, một cảm hứng chụp, một bức ảnh mình thích… tất cả.

Đây là bức ảnh Selfie khoảng 1998/1999 – mình tự gác máy chụp trong phòng riêng hồi còn đi học. Mình có may mắn được học và sử dụng máy ảnh phim từ 1986, chiếc Zenit E, nhưng sớm bị hỏng do vài lần mang theo đi câu biển, không rành nên sau bị rỉ sét. Có lẽ dấu vết ảnh còn sót đến bây giờ để kể rõ nhất với sở thích chụp ảnh là chiếc Nikon FM2 sau này lớn lớn. Chủ yếu dùng chụp bài học, các bản đồ trong sách và linh tinh lưu niệm bạn bè. Nó theo mình rất nhiều năm với cặp ống 35-70mm và 70-210mm.

Mình lục được tấm ảnh chụp chồng hình này (khoảng 2002 từ Nhatrang). Chiếc FM2 có cần gạt lên phim 2 lần chụp trên cùng 1 khung phim. Một buổi tối, ở bàn học, mình che ½ ống kính chụp tiêu cự hẹp và che ½ bên trái chụp rộng hơn. Thời đó, đúng nghĩa máy ảnh như vật ghi hình nhật ký vậy. Cứ cuối tuần chạy ra tiệm tráng, treo lên cọc mùng, lựa phim để rọi ra giấy, bỏ cẩn thận vào album.

2007, mình có em bé. Chụp phim và tráng rọi không dễ dàng như trước. Mình bán FM2 cùng rất nhiều phụ kiện và bù tiền đổi chiếc máy số đầu tiên trong đời: D200 với ống Tamron 17-50mm, chủ yếu để chụp con gái, làm thành Album Proshow cho con. Sau đó, công việc biến động, có biến cố ngoài khả năng tiên liệu, mình chán nản gác máy nghỉ chụp hơn một năm. Có anh bạn mang cái máy Yashica 124G qua nhượng lại và khích lệ chơi tiếp. Lấy máy trong đêm và một mình mình ra quán cafe chụp luôn 1 role phim khổ 6×6 được 12 tấm.

Cafe Country House ở Bình Thạnh. Mình trở lại với chụp ảnh bằng chiếc máy này. Cảm hứng khơi dậy với 12 tấm phim vuông đêm hôm đó. Quay lại mua mua sắm sắm, đổi tới đổi lui các kiểu… đoạn trường ai có qua rồi mới hay thế nào! Thời gian ấy, mình còn mê cả chuyện in ảnh, nghiên cứu rất sâu về máy in mặt phẳng, giấy và hóa chất phủ bề mặt chất liệu bản in…

Mình lại mua thêm chiếc FM3A. Và, bắt đầu chuỗi cuối tuần chạy xe máy rong ruổi khắp nơi chụp như chưa từng được chụp. Cái đoạn này, nó cho mình hiểu nhiều điều ở đời và ở người lắm. Có người chẳng phải lo toan cơm áo gạo tiền, họ chỉ chơi cho khuây; có người thiếu cơm thiếu áo nhưng vẫn chơi cho thỏa cái mà họ gọi là “đam mê”; có lẽ chỉ là 1 chút sở thích lấp đầy khía cạnh khoái lạc nào đó mà thôi. Đam mê nó như cây lúa có khả năng ra nhiều bông hạt lan tỏa cho đời cho người, chớ không chỉ thỏa cái ích kỷ cá nhân, nó có thể gọi là sở thích riêng thôi. Lại có người bao dung quãng đại, Trời cho họ công ăn chuyện làm thuận buồm, tạo ra sân chơi giao lưu nhiều hữu ích… Nhưng, tất cả đã qua đi một ít, đang qua đi, và rồi sẽ qua đi hết!

Hồi đó, chụp hình nó hồn nhiên, cứ theo những gì đã được truyền lại, vòng khẩu vòng tốc nó xoay như bản năng, chẳng nghĩ gì tư duy phức tạp. Thấy vừa con mắt thì chụp. Thấy ánh sáng nịnh mắt thì chụp. Ai rủ đi đâu thì đi đó. Sắp đặt hay không sắp đặt không quan tâm. Sống trọn vẹn với thời buổi cuộc sống, cảnh quan, anh em. Chụp ảnh nó như vậy thôi.

Mình bắt đầu trở lại niềm vui thử nghiệm nhiều loại máy, thử nhiều loại phim, tráng rọi đủ kiểu chơi tốn kém. Mỗi chuyến đi cuối tuần là thử một kiểu. Rồi offline chia sẻ mấy cái đó cho nhau, cho mọi người. Cũng chẳng để làm gì. Chỉ vui thế thôi.

Ở nhà, mình cũng chụp con bằng phim. Chụp rất nhiều và tốn nhiều tiền. Phim càng ngày càng đắt, có mấy tiệm tráng rọi như Phương Quỳnh, Lab Saigon cũng thu hẹp dần và dẹp tiệm luôn. Sau này mấy anh em trẻ mới mở Lab, mọi người bắt đầu tìm cách trải nghiệm chụp ảnh phim cho đến giờ. Nhiều anh em trẻ hiểu biết sâu sắc và nghiện luôn.

Đến 2012, mình chụp ảnh như một reviewer, các máy ảnh số, những chuyến đi, cảm xúc thật sự chỉ có ở khoảng thời gian say sưa với cảnh đời, cảnh người. Còn lại thì công việc kiếm cơm nó chi phối, soi chi tiết này chi tiết nọ về mặt thiết bị rất nhiều, nó làm cho mình sợ một cảm giác thiếu sự sống gì đó. Từ 2013 thì mình chuyển qua bắt đầu khai phá khả năng chụp hình bằng điện thoại và tập trung sức lực rất nhiều cho đến gần đây.

Bắt đầu với Lumia 1020 (2013), mình có trải nghiệm tuyệt vời khi chụp hình bằng điện thoại càng ngày càng có những phát triển thú vị. Rất nhiều hãng và nhiều tính năng được các nhà sản xuất giới thiệu. Việc viết nhật ký bằng ảnh trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. 10 năm làm việc này, cảm nhận cái thật cái giả vô cùng, cuộc sống nó cứ trôi theo thời gian, không phải lúc nào cũng là tiến.

Có một lần đi sự kiện nọ, hầu hết đại diện các nhãn sản phẩm liên quan camera đều có mặt, cả máy ảnh lẫn điện thoại. Sau khi BTC mời mình lên trao giải gì đó, thì hỏi: “Theo anh, chuyên đánh giá và hướng dẫn camera, anh thấy ngày nay camera điện thoại phát triển rất nhanh thì có thay thế máy ảnh không?” Mình hơi khó xử, nếu nói đàng nào cũng dễ mích lòng. Mình bèn: “Trước đây, để là thợ chụp thì sau khi mua máy ảnh là phải đi học và thực hành nhiều, trả giá nhiều mới có thể chụp ảnh đủ tốt dù làm nghề hay không. Việc lan tỏa kiến thức sử dụng và chụp này gần như là của các hãng phải làm, họ cố gắng phổ thông hóa càng nhiều người biết thì họ càng bán được nhiều máy. Nay, chỉ cần có tiền mua cái điện thoại, giơ lên bấm nút là một tấm hình được tạo thành, đơn giản đến mức ai cũng có thể làm, từ trẻ em đến cụ già, không cần học gì cả… Như vậy, các hãng điện thoại đã làm thay phần khó nhất cho các hãng máy ảnh, phổ thông hóa nhiếp ảnh. Sau khi dùng điện thoại một thời gian, họ nhận ra giới hạn, sẽ khó chịu, và họ xuống tiền mua cái máy ảnh. Như vậy, cả hai cũng phát triển.” Bà con cười rôm rã vỗ tay!

Mình chỉ muốn kể vắn tắt sự chuyển đổi của thú chơi chụp choạch trong một đoạn thời cuộc và con người. Một thú vui thôi, giơ máy lên bấm nút ghi hình, nó cũng biến chuyển như cuộc sống vậy. Có những điều hay ho mới, nhưng cũng có những điều mắc dịch xuất hiện. Sự hồn nhiên của tâm hồn khi mới chụp hình, đôi khi bị nhiều ý kiến hay tư duy nào đó bóp nghẹt. Chụp ảnh phải đắn đo quá nhiều. Đôi khi, phải thú nhận, là chẳng còn chụp ảnh cho chính mình nữa. Chụp cho ai đó, cho cõi nào đó.

@tuanlionsg

Bài trước
Bài tiếp theo
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận