Trang chủBlogNgẫm nghĩCái gì cản trở "tôi là tôi"?

Cái gì cản trở “tôi là tôi”?

-

Nếu tự hỏi “tôi là ai?” thì bạn gặp được “cái tôi” của mình không? Bạn từng thấy, một người nào đó không tìm thấy cái tôi của họ kiểu như sau: Họ rất năng nỗ và ngập tràn năng lượng sống, họ nói rất hay, thiện cảm dễ mến, nhưng họ không ý thức rõ ràng họ thực sự là ai. Họ cho bạn thấy một điều là, cả buổi nói chuyện với “chẳng là ai cả”, bạn chỉ gặp một chiếc mặt nạ, hoặc bạn chỉ gặp một chức năng nào đó của họ mà thôi. Rồi bạn nghĩ, họ đang che giấu cái tôi đích thực của họ. Nhưng cái thực lúc này là chẳng có một cái tôi nào trước mặt bạn cả. Những người như vậy, họ đang sống bằng những mặt nạ khác nhau, những chức năng thay đổi khác nhau, không bao giờ phát triển cái tôi đích thực của mình. Vì sao con người đó có thể sống mà không là một ai cả? Vì sao một cá nhân sống mà không trở nên một bản ngã? Những gì đã gây trở ngại để “tôi là tôi”?

Nội dung:
    1

    Mang mặt nạ

    Ai cũng có kinh nghiệm “mang mặt nạ”. Chúng ta thể hiện sắc thái, cảm xúc, sự quan tâm, sợ hãi, tử tế trước người khác nhưng tất cả những thứ đó lại không thật sự thuộc về chúng ta. Chúng ta đã tạo ra một cái tôi không phải là cái tôi của mình, rồi đưa nó ra trước mặt người khác. Đó là một cái tôi giả tạo, giả hình, một “mặt nạ” của cái tôi.

    Một loại mặt nạ có thể dễ thấy trong giao tế hàng ngày. Chúng ta bị chi phối bởi một loại luật gọi là phép xã giao, phép giao tiếp, những thủ thuật người ta dạy cho nhau như một “đắc nhân tâm”, một loại công thức “khéo léo ở đời” ăn sâu vào vô thức. Chúng ta làm việc, sống với người khác với cách thế ấy, trơn tru, không va chạm xung đột nào xảy ra, thì được gọi là “tử tế”, “văn hoá”. Những tiêu chuẩn ấy rất có thể ngăn trở những tương tác như một con người sinh động chân thật. Chúng trở thành mặt nạ, vỏ bọc trá hình ngăn cản biểu lộ cảm xúc và đời sống của ta. Mối liên hệ chằng chịt trong xã hội giữa người với người trở nên một chuỗi những giả tạo. Nịnh nọt, tâng bốc, ca ngợi một người nào đó cả khi bản thân mình không thích; cố tỏ ra lạnh lùng, tạo khoảng cách với một người nào đó mà bản thân mình thật sự có cảm tình; những lời hoa mỹ trong tương tác hàng ngày đầy nhân ái nhưng trong lòng đầy ganh tỵ dèm pha nói xấu… Trong kinh nghiệm này, chúng ta đã không tỏ bày cảm xúc thật của bản thân mình.

    Một loại mặt nạ khác có thể thấy ngay trong bản thân ta. Đó chính là ý thức của chúng ta về cái tôi của bản thân mình. Có thể chúng ta thấy bản thân mình “rất tốt” như một vị thánh. Hình ảnh lý tưởng này làm chúng ta bị mù loà không còn nhận ra những tiêu cực của bản thân để xử lý nó. Ngược lại, chúng ta có hình ảnh rất tệ về bản thân, chẳng ra gì. Hình ảnh tiêu cực ấy lại gây cản trở sự đáp trả những động lực tốt đẹp bên trong bản thân mình. Cả hai hình ảnh về cái tôi này là một loại mặt nạ như bức tường ngăn cản ta “biết chính mình” và đáp trả cho cái tôi đích thực đang mời gọi. Biết rõ chính mình cũng là cách rất tốt để tránh ảo tưởng về bản thân. “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” (Biết mình biết người, trăm trận thắng trăm). Còn Socrate, triết gia người Hylạp thì dạy “Nosce teipsum” (hãy biết mình) và coi đó là nguồn gốc của sự khôn ngoan. Nhiều bài học về việc rèn luyện để luôn luôn tự thức, tỉnh thức và kiềm chế, làm chủ chính mình, hiểu rõ bản thân. Chính khi “biết chính mình” cũng tránh được tình trạng tự kỷ, tự ti, bi quan yếm thế về bản thân, đáp trả mạnh mẽ hơn với lời mời gọi tích cực tự bên trong cái tôi của chính mình.

    Một loại mặt nạ khác nữa, nó đến từ bên ngoài. Khá nhiều đòi hỏi trong tình huống xã hội bó buộc ta phải làm những việc gì đó, mà tự bản thân ta không hề có một cảm xúc sâu xa nào. Chẳng hạn bạn hữu yêu cầu ta phải tham dự một buổi tiệc mà lòng ta không hề muốn. Ta phải tỏ ra vui vẻ cho “họ vui”. Chẳng hạn ta phải dự một đam tang, ta buộc phải tỏ ra buồn bã mà lòng ta chẳng biết gì về bối cảnh để có cảm xúc. Chẳng hạn ta phải tỏ ra điềm tĩnh, tự tin ngay lúc ta đang rất sợ hãi vì phải đứng trước một đám đông và làm một việc nào đó “họ muốn”. Chúng ta có thể gắn bó với nhiều loại mặt nạ này. Chính nó cản trở việc bộc lộ đúng cái tôi của mình, làm cho ta không ý thức về điều hướng đến cái tôi sẽ là. Ta không biết điều thực sự ta cảm nhận là gì và cả điều ta thực sự muốn là gì.

    3

    Thiếu trách nhiệm với bản thân

    Để là một cái tôi đầy đủ, tôi phải chịu trách nhiệm đời tôi và khẳng định nó. Thiếu sự tự khẳng định (self-assertion) ấy, một người có thể “chẳng là ai” với chính đời sống của họ. Tôi đến trường vì cha mẹ muốn tôi đến đó. Tôi kết hôn vì tất cả bạn hữu đồng trang lứa đã và đang kết hôn. Tôi chọn làm việc này việc nọ vì “mọi người đều thế”. Tôi đã bị cuốn theo những tác động bên ngoài, không tự hướng dẫn chính mình một cách đúng đắn. Dần dần, tôi thiếu vắng trách nhiệm với đời mình.

    Tính chất cá vị đích thực của tôi không hề hiện diện trong cách sống như vậy. Đời sống của tôi bị định đoạt bởi văn hoá định sẵn, các tình huống xã hội chi phối. Tôi không khẳng định đời sống tôi sẽ là, bởi vì tôi không khẳng định về cái tôi của tôi, chấm dứt sự tồn tại như là một bản ngã. Có một thực tại vô danh nào đó tạo nên cảm xúc, phán đoán, quyết định bởi văn hoá sống của tôi. 

    Sợ là một lý do. Sợ làm một mình, tự quyết định riêng tôi cho một chuyện gì đó và lãnh trách nhiệm. Sợ thất bại khi không thành công, ảnh hưởng đến đời sống tôi và người khác. Sợ phạm sai lầm gây hậu quả. Cái tôi đích thực mường tượng ra sự cô độc và khổ đau ở giây phút khủng hoảng đó. Cái tôi ấy đòi tôi không né tránh, dám đối diện với nỗi lo sợ, quyết định đối diện với nó. 

    Cái tôi thì quý giá. Nhưng nó có giá trị cho điều có ý nghĩa và giá trị. Mà điều có ý nghĩa và giá trị thì cần sự đấu tranh và đạt được bằng một nỗ lực. Khi ấy, cái tôi vượt qua những yếu kém của tôi. Không dễ dàng. Cái tôi ấy không hình thành rõ rệt ở người nóng không nóng, lạnh không lạnh, dở dở ương ương. “Để là tôi” cần một sự thắng vượt, một sự chiến thắng với những yếu tố yếu đuối bất trị trong bản thân tôi.

    2

    Thiếu nhạy cảm với cái tôi

    Tôi rất có thể không ý thức về điều mà tôi dự định trở nên, tức là nhạy cảm đối với chính cái tôi của mình. Kinh nghiệm trong đời sống, khi ai đó thiếu nhạy cảm thì thường thiếu ý thức về cảm xúc của người khác. Họ dễ trở nên cộc cằn thô lỗ, vì họ không ý thức về nỗi đau, sự tổn thương do lời nói hay hành động họ làm cho người khác. Ở đây, chúng ta muốn nói đến sự thiếu nhạy cảm với chính cái tôi của mình. Chúng ta không biết về cái tôi của mình. Chúng ta không đủ ý thức về nỗi khổ đau, sự sợ hãi, niềm mong ước ẩn sâu trong chính con tim của bản thân mình.

    Lý do của sự vô cảm ấy thường được đổ thừa cho hoàn cảnh trong đời sống. Những việc phải chu toàn, áp lực thành công đòi chúng ta phải bận rộn hoàn thành, luôn tay luôn chân luôn cả cái đầu và con tim. Chúng ta biện minh cho khuynh hướng lờ đi cái tôi của mình bằng cách lấp đi bằng cái tôi do hoàn cảnh tạo ra. Chúng ta ăn trộm hết thời gian để nghe cái tôi của ta lên tiếng, để nghe điều đang xảy ra trong sâu thẳm bản thân.

    Lý do cho sự vô cảm ấy còn là do chúng ta mãi bơi lội trong cảm xúc của cái tôi được hình thành trong quá khứ cuộc đời. Có những cái khung đặt sẵn về sự hiểu biết về đời sống, những bước ngoặt quan trọng, những ước mơ muốn đạt được, những mục tiêu đã từng đặt ra, những quyết định trong quá khứ bám chặt lấy chúng ta. Giờ đây, sống trong hiện tại, tính chất cá vị của bản thân lại được tổ chức sao cho phù hợp với hiểu biết về đời sống đã được định sẵn trong quá khứ. Kết quả là đời sống của cái tôi như vậy không có gì thay đổi.

    Gắn bó với những ý nghĩ trong quá khứ ấy, tôi có khuynh hướng phớt lờ đi những gì con tim đang đối diện trong hiện tại. Tôi không đủ nhạy cảm cho những đổi thay trong cái tôi của mình. Có thể đó là nỗi đau mới, những ước mơ mới, những thách đố mới, những thái độ mới. Tôi chai lì trước tiếng mời gọi trở nên là mình hơn với việc đổi mới mình. Trong khi, luật căn bản của cuộc sống là luôn thay đổi. Con người muốn tồn tại phải thay đổi để đương đầu với thách đố mới. Chìm đắm trong quá khứ, không nhạy cảm với tiếng gọi của hiện tại, kết quả là sự chết của cái tôi. Chìm vào vũng bùn quá khứ, tôi trở thành “chẳng là ai” cả.

    4

    Bị cuốn vào một vai trò

    Muốn làm cho ai đó trở nên “chẳng là ai” đó là đồng nhất họ với những chức năng/ vai trò đặc thù xã hội. Tôi nhìn mình, là một người con, là một người bạn, là một kỹ sư, hay là một thành viên của một diễn đàn, một câu lạc bộ. Một chức năng hay vai trò đó mang lại cho tôi ý nghĩa nào đó của đời sống, mục đích công việc, những hướng dẫn hành động… Khi ấy, rất có thể, tôi bị hút hoàn toàn vào đó với tất cả suy nghĩ, phản ứng, thái độ, cảm xúc bị điều khiển bởi vai trò đó. Đời sống của tôi khi ấy trở nên như ngục tù giới hạn của vai trò hạn hẹp đó.

    Chẳng hạn, một người mẹ bị cuốn theo vai trò là người mẹ đến độ cô ấy không còn đời sống nào ngoài vai trò ấy. Cô ấy chỉ thoải mái khi cô ấy sống vai trò làm mẹ. Cô ấy tương tác với mọi người trong cộng đồng như một người mẹ. Cô ấy dấn thân vào các hoạt động, công việc cũng thể hiện như vai trò làm mẹ. Cô ấy đã đánh mất khả năng sống đời sống riêng của bản thân, thú tiêu khiển ưa thích, thăng tiến nghề nghiệp, phát triển tài năng, các mối quan hệ, thiên hướng nghệ thuật chẳng hạn. Một vai trò giới hạn như thế sẽ ngăn cản một cá nhân trở nên một cái tôi đích thực.

    Vai trò là một cấu trúc xã hội chung cho mọi người. Với một vai trò cụ thể, thì bất kỳ ai cũng hoạt động theo luật lệ, ý nghĩa, thái độ tương ứng với vai trò đó. Một bà mẹ thì có những giá trị chung của những bà mẹ, một vị lãnh đạo có những giả định hành động chung như mọi vị lãnh đạo. Sống độc nhất với vai trò theo giới hạn của nó, có nghĩa là tính duy nhất của người đó bị giam hãm.

    toi 1

    Tạm kết

    Nhiều cách sống khác nhau, có thể làm cho tôi không đạt tới tính chất cá vị đích thực. Có quá nhiều mặt nạ mà tôi đang mang, nhiều khó khăn cản trở khẳng định chính mình, ngăn trở đáp trả thôi thúc bên trong bản thân, hoặc bị thu hút bởi những vai trò, chức năng khác nhau trong đời sống. Tất cả chúng dẫn tôi đến chỗ “chẳng là ai” cả với chính bản thân mình.

    tuanlionsg 7/2022

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận