“A, ha… giới trẻ bây giờ …”
Người lớn hay nói như vậy.
Họ nói như vậy thường để so sánh đối nghịch với “giới trẻ ngày xưa”, những người trẻ như họ hồi đó.
Họ nói như vậy không phải luôn có ý xấu gì. Vô số người lớn quý mến “giới trẻ bây giờ“. Họ yêu quý bằng cách trút lên đầu con trẻ những ước mơ vô vọng của họ. Họ chất lên vai chúng những hoài bão bị dồn nén trong chính tâm khảm họ. Họ mang tất cả lòng khâm phục, niềm tự hào, khát khao hy vọng mà đời họ không thực hiện được, để rồi bây giờ họ đặt lên chúng. Họ cho đó là định hướng giáo dục cần thiết. Họ nói, phải vậy chúng mới nên người!
Họ nói như vậy khi mà họ đang nhốt giới trẻ vào những công thức giản đơn, vô ngộ do họ tạo ra. Họ bổ lên đầu con trẻ những câu nói phủ nhận cả đám: “A à… thanh niên mà! Đẹp lắm! Chúng đâu còn tôn trọng điều gì thuộc truyền thống nữa! Chúng chẳng còn biết thế nào là vâng lời, là lao động, là thanh cao. Chúng có quan tâm gì đâu là hôn nhân, là chung thuỷ, gia đình, tiết độ… Thanh niên bây giờ mà, không biết đến tôn giáo, đến đạo nghĩa…!“
Ờ, đạo nghĩa. Người lớn chúng ta đã thốt ra một danh từ rất lớn rồi đó. Đạo nghĩa, đạo đức của giới trẻ! Dồn hết mọi thở than vào cái danh từ ấy. Những thở than từ các vị cha mẹ tất tả bù đầu loay hoay vội vã và bận bịu kiếm tiền, từ các nhà giáo dục lỗi thời khó tánh một cách phi lý, từ những nhà giáo huấn lý thuyết độc thân đời tu chẳng biết chuyện ấp nở những con vịt quạc quạc ở đời…
Thôi thì cứ nhìn vào sự thật xem sao. Giới trẻ có đủ mọi màu sắc. Quan sát về trang phục của họ, rất vui nhộn đường phố. Thay đổi màu sắc một chút cũng như thay cái áo thôi mà. Bạn này trước khi trời tối là hình tượng vlog cho nhiều bạn khác ngưỡng mộ, nhưng khi thức dậy lại thành tả phái ở một kênh mạng xã hội nào đó, để rồi kết thúc bằng một drama đình đám. Bạn khác lại nhất định lập trường chống đối đời sống hôn nhân để rồi đột nhiên trở thành người tình sét đánh. Nhiều chuyện lắm. Người lớn chẳng phải cũng đã kinh qua biết bao tình huống đổi thay ấy sao!
Giới trẻ đại diện cho một lứa tuổi phức tạp cũng như đám người lớn. Nói về vấn đề “đạo đức” ư? Họ chẳng cần? Có phải họ đang mất gốc luân thường chăng? Chẳng khác cha mẹ họ lắm đâu nhỉ. Những thứ “đạo đức” lý thuyết ấy mà, là tổng số các nguyên tắc đóng gói đông cứng, họ có thiết tha gì. Trái lại là đàng khác. Cứ nghe đến bộ luật “đạo đức” thì liền gợi ra nào là cấm đoán, hàng rào kẽm gai, ngăn chặn, dây trói, kỷ luật… thậm chí bạo lực. “Bạn phải đi lối này, không được đi lối kia“. Đạo đức à? Một trò cũ rích, nhàm chán, người ta vẫn dạy ở nơi này nơi nọ. Để rồi sao? Bạn trẻ rồi sẽ tin vào bản cửu chương với vô số công thức, nhớ các trận đánh cùng những nhân vật lịch sử … chứ mớ mệnh lệnh, cấm đoán mà người ta áp đặt lên con trẻ, chúng từ đâu ra? Ai ra lệnh? Ai cấm đoán? Tại sao lại như thế?
Rút cuộc, với đa số bạn trẻ, đạo đức đi liền với ý tưởng triệt hạ, giới hạn, bóp nghẹt cơ hội, bức bách… Bao nhiêu bạn hiểu được đạo đức đúng nghĩa là gì? Những giá trị, cột mốc, hướng dẫn và mọi xã hội đều luôn dò tìm để sống còn, để trở thành người hơn… là gì? Trong khi, đạo đức là khơi gợi cuộc kiếm tìm thẳm sâu hạnh phúc thật mà ai ai cũng đều cần đạt tới. Đạo đức như con đường giúp mọi người đạt tới, có thể lớn lên về nhân tính, về giá trị, về hữu thể… với tất cả tự do chớ không phải một mớ mệnh lệnh đạo đức làm cho người ta luôn cảm thấy là người có lỗi có tội.

Họ nhìn cách người lớn sống
Nguyên tắc, mệnh lệnh không nói gì với họ cả. Mà là cuộc sống. Cuộc sống của họ song hành với cuộc sống người lớn, cha mẹ, nhà giáo dục, người trưởng thành. Vấn đề sống, chớ không phải đề tài triết lý, vấn đề tôn giáo. Làm gì còn những xác tín bất khả xâm phạm của chân lý áp đặt. Bạn trẻ bây giờ biết phản biện tất cả những gì là lý thuyết. Họ muốn kiểm chứng. Mọi thứ sẽ vô nghĩa, quan trọng là phải có thể thực thi trong khả năng trải nghiệm. “Tôi không chọn cái có vẻ là căn bản trừu tượng, mà chọn cái mà mình có thể làm được!” Một bạn trẻ nói. Đã biết bao câu chuyện người lớn cố đặt lên cổ kẻ khác những gánh nặng không tài nào vác nổi, khi chính họ thì đầu ngón tay cũng không thèm động đến!
Bạn trẻ rất dễ dị ứng với các “gương mẫu” với lời nói trôi chảy. “Cha mẹ tôi, những người giáo dục tôi dạy cho tôi điều này tốt, điều kia xấu. Rất nhiều. Từ thuở bé đến lớn. Nhưng, bản thân họ có thật sự xác tín không? Không biết. Cứ xem cách họ sống. Cứ nghe cách họ nói. Nghi ngờ lắm!” Ngẫu nhiên không khi mà người lớn luôn đưa ra những lý thuyết thật tốt đẹp, nhưng chịu khó nhìn sâu hơn thử, sẽ thấy thì ra họ làm như vậy để tìm cái gì đó cho bản thân họ hơn là tìm lợi ích cho đám trẻ tương lai. Về nhiều điều, như vấn đề giới tính, đam mê một thú vui, về tinh thần làm việc, về thói quen khí chất… dường như người lớn bị ám bởi những điều cấm kỵ, trong mắt họ là một màu đen khi nói đến lối sống của giới trẻ bây giờ.
Có nên chăng trước khi truyền đạt một điều mà ta nghĩ là tốt, là đẹp và dĩ nhiên phải là thật, cần nghĩ về cuộc sống thực tế của chính bản thân mình. Cả trong đời sống tinh thần lẫn bề ngoài. Đời sống ấy có đáng để người khác tin không? Đó là một hành vi lương thiện rồi đó! Có thế, ta mới có cái nhìn mới hơn, tiên vàn có thiện cảm, về cách sống của bạn trẻ nam hay nữ, những người có quyền chờ đợi một gương sống tốt.
Bởi vì, trước khi lên án, xem xét đã, trước khi xét đoán, phải hiểu đã. Và, khi đã hiểu, lại khó có thể kết án! Vậy mà, làm sao có thể hiểu bạn trẻ qua thấu kính màu của ta. Ta phải làm một hành trình ngược. Đó là tìm hiểu họ từ bên trong. Mà phải là bên trong của chính họ và của chính bản thân mình, nếu không thì lầm lẫn lại chồng chất những phê phán sai lạc, bởi vì chúng ta ít khi chịu nhìn nhận thực tế. Chúng ta suy diễn nhiều. Ta sống nhiều thời gian ở đời hơn, và ta giỏi mà, nên ta luôn cho ta đúng tuốt.
Có lẽ ít nhất, thử tìm hiểu bằng cách nghe ngóng họ. Rồi tiếp theo là học cho biết họ thích gì. Không dễ đâu! Gay cấn! Tuổi càng nhiều, người lớn dễ mất đi khả năng thụ nhận điều mới lạ. Đang khi giới trẻ toàn “nói tiếng lạ” với thứ ngôn ngữ lạ. Nghe mà không hiểu, nhìn mà chẳng thấy. Giới trẻ có một cách nhìn sự vật khác hẳn. Một lối sống khác người. Thời trang của trái tim. Nhưng tình yêu thương lại không bao giờ có phong cách yêu thương khác. Nó luôn như vậy. Yêu thương là đặc điểm của sự trẻ trung muôn thuở. Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm!
tuanlionsg 8/4/2025
