Chụp ngược sáng có tác dụng thị giác mạnh, nhất là ánh sáng mặt trời lúc mọc và lặn, dễ thu hút người xem. Còn nội dung ý tứ thì tuỳ mỗi người cảm nhận và chọn lựa. Chọn lựa nguồn sáng để chụp hình, chọn góc máy để có sự sắp xếp cái gì xuất hiện trong khung, các ý đồ đối tượng luôn bao la thảo luận vô tận. Ở đây, mình chỉ có ý hèn mọn là cùng chia sẻ để tập thực hành chụp một loại ngược sáng mà người ta hay gọi là “Silhouette”, cơ bản cho người mới tập chụp.
Silhouette là gì?
Là chụp một chủ thể tối trên nền sáng. Chủ thể đó không nhất thiết là con người, có thể là ngôi nhà, cành lá, cục đá, con chim,… Nền sáng đó thường là ánh sáng bình minh hoặc hoàng hôn, hoặc đèn. Thiết lập máy ảnh theo kiểu cố ý chụp thiếu sáng, không theo thước đo sáng đúng của máy ảnh. Ảnh dưới chụp ở Ninh Thuận, bằng máy phim.
Thời gian thuận tiện
Dễ chụp loại ảnh này là khi mặt trời mọc và lặn được dân chụp hình gọi là “giờ vàng”. Thời gian này không kéo dài, theo kinh nghiệm của mình thì ánh sáng đẹp nhất thường chỉ khoảng 5 – 10 phút tuỳ thời tiết và mây trời lúc đó. Muốn chụp loại ánh sáng này thì phải dậy sớm để chụp bình minh và cần có mặt ở địa điểm chờ đợi hoàng hôn. Ảnh dưới chụp ở Nha Trang trong một lần đi ngang buổi sáng.
Địa điểm thích hợp
Để chụp Silhouette là một không gian mở thoáng rộng để hình bóng chủ thể nổi bật trên nền hậu cảnh mặt trời vàng. Tiền cảnh sẽ là hình dáng của chủ thể, đường nét của một bóng đen, nên việc chọn hình dáng thế nào là tuỳ ý thích của bạn trước nền sáng vàng của mặt trời. Ảnh dưới chụp ở Đà Lạt, nhìn xuống khu nhà kính bạt ngàn.
Góc đặt máy làm sao
Để làm nổi bật chủ thể trên nền sáng? Đặt sao cũng được, miễn theo ý mình là muốn in bóng toàn thân lên nền sáng hay là bán thân, hoặc tạo cảnh vui vẻ … và tuỳ thuộc ống kính có tiêu cự rộng hay hẹp mà chọn vị trí đặt máy cho phù hợp với ý muốn. Chỉ lưu ý là chủ thể nằm trong vùng sáng nhất của mặt trời thì hiệu quả càng cao. Ảnh chụp ở Bảo Lộc trên đường Trần Phú nhìn về Đại Bình.
Thiết lập máy ảnh
Với máy ảnh thì nên chụp chế độ M để chủ động, mình thường chọn ISO thấp nhất (100), tốc độ màn trập đủ nhanh vì chủ thể cũng có chuyển động từ 1/125s – 1/500s tuỳ lúc; khẩu độ ống kính khép nhỏ thường từ f/8 – f/16 tuỳ tình trạng ánh sáng mạnh hay yếu. Nếu chụp chế độ A ưu tiên thì cũng những thông số khẩu đó và dùng thêm nút +-EV để giảm từ -1 đến – 3EV hoặc hơn.
Với điện thoại, nhiều lúc là chụp bằng điện thoại, thì cứ chạm điểm đo sáng vào thẳng mặt trời, nếu máy đo sáng ngu (nó cứ tăng sáng để tiền cảnh sáng), thì giảm thay EV xuống đến khi nào nhìn thấy ảnh vừa ý thì chụp. Thường mấy máy ảnh flagship thì chạm đo sáng vào mặt trời là nó shilhouette và chỉ giảm EV không nhiều. Ảnh chụp ở góc phố đi bộ Saigon.
Tiêu cự ống kính
Thường thì chụp loại này sẽ dùng ống có tiêu cự hẹp, chẳng hạn từ 18mm – 50mm (FF), vì chủ thể nhỏ trên nền phong cảnh. Còn nếu muốn có thêm hiệu ứng kéo các lớp ảnh sát lại, thì dùng ống kính tele, dài hơn 100mm trở lên, càng dài thì càng hiệu quả ý muốn đó. Như tấm dưới mình chụp 300mm trên máy Crop Pentax K20 trong một chuyến đi làm workshop ở Cần Thơ.
Đo sáng, lấy nét
Mình chỉ thấy khó khăn thường gặp là với nguồn sáng mạnh thì khi chụp dễ bị loá mắt, hoặc màn hình LCD cũng khó thấy rõ hình, thấy tối thui thì hay chỉnh cho vừa mắt lại không đạt bóng shilhoutte như ý. Nên mình chụp nhiều và theo kinh nghiệm quen tay cho các trường hợp này khi gặp, tốt nhất là bạn tập nhìn biểu đồ Histogram trên màn hình máy ảnh số để biết vùng highlight và shadow đang thế nào. Hoặc là thử để chủ thể ẩn đàng sau mặt trời để tạo ven sáng và cũng để bớt chói mắt. Ảnh chụp biển Nha Trang.
Lấy nét, vì tương phản sáng rất mạnh giữa nguồn sáng và chủ thể, đôi khi rất khó lấy nét AF chủ thể, có thể do máy hoặc do diện tích chủ thể nhỏ so với nguồn sáng quá mạnh và lớn, thì bạn chịu khó lấy nét MF, và cả khi có lấy AF được rồi thì cũng nên khoá nét luôn. Kẻo AF nó chạy lung tung trong khi loay hoay bấm chụp. Tập quen với chủ thể cố định, rồi tiếp tục tập với chủ thể di chuyển. Ảnh chụp ở Cần Giờ, crop.
Đo sáng, mình thường chọn cách đo sáng điểm. Đo sáng vào vùng sáng nhất, để vùng chủ thể thiếu sáng tạo bóng đen. Nếu quen chụp chế độ M thì trong bối cảnh này, có thể chủ động chọn thông số như nói bên trên, chỉnh cho thiếu sáng 1 – 3EV tuỳ hoàn cảnh. Không bật đèn Flash trong trường hợp này, trừ khi nào muốn sáng một chút chủ thể ở gần. Ảnh ở hồ Đại Ninh Lâm Đồng, nhóm bạn CBS đi trải nghiệm.
Và, dù gì thì cũng nên chụp thật nhiều, thực hành nhiếp ảnh thật nhiều. Kỹ thuật chụp chung thì đơn giản là vậy thôi. Khuyên người mới chơi chụp, chịu khó đọc cuốn sách hướng dẫn sử dụng máy ảnh, làm theo cho quen cách sử dụng máy. Nếu khó khăn thì tham gia nhóm chia sẻ học hỏi, hoặc tìm một người hướng dẫn nhanh từ đầu, đừng để mất nhiều thời gian cho “hướng dẫn sử dụng”. Dành nhiều thời gian học tư duy nhiếp ảnh hơn thì tốt. Nội dung ý tứ hay chủ đề cao sâu là tuỳ mỗi người, miễn nhiếp ảnh mang lại niềm vui cuộc sống.