Trang chủBlog"con người" - ngươi là ai?

“con người” – ngươi là ai?

-

Có một cảnh phim, con người soi gương, thấy nó trong đó, nó chỉ tay hỏi: “Mày là ai?” Nó lại thấy cái người trong gương hỏi nó, nó càng hét lớn… cùng cực đỉnh điểm thì nó đập bể gương! Nó ngừng hỏi… nhưng kể từ đó, trong suốt đời nó, nó không ngưng tự hỏi: “Tao là ai?” Câu chuyện phim đại loại len lỏi một chút triết lý thôi, trên nền một câu chuyện tình vô cùng lãng mạn. Nó nhận ra nó là ai, vào đúng giây phút cuối đời nó, khoảnh khắc nó nhận ra một loại tình yêu mà nó khát vọng tưởng chừng ảo giác lại xuất hiện.

Hỡi con người! Ngươi là ai?

Câu hỏi xuất hiện từ khi con người biết ý thức về sự có mặt của mình, cho đến ngày nay, chưa có lời giải đáp nào thoả đáng.

Con người không chỉ là những gì xuất hiện trước mặt nhau, bằng xương bằng thịt, ta vẫn đang có thể rờ chạm được. Con người là một hữu thể huyền nhiệm, nhiều triết gia lập đi lập lại. Huyền nhiệm con người vừa mênh mông bao la diệu kỳ, lại vừa nhỏ bé mong manh yếu hèn. Con người bao la huyền nhiệm vì nó quá đỗi tuyệt vời ngay trong cái rất đời thực này, nó vĩ đại ngay trong cái rất đời thường, bình dị với tất cả giới hạn mong manh, nó sâu thẳm ngay trong chính cái xuất hiện rất cụ thể. Cái cụ thể, cái tuyệt vời và cái huyền nhiệm ấy kết dệt lại thành sự hiện diện, giá trị và phẩm giá con người.

Lặng thinh một chốc, lắng nghe trải nghiệm của mình, bạn nhận ra một hành trình đã, đang và sẽ đi của mình. Hình ảnh mỗi cuộc đời, mỗi con người bằng xương bằng thịt, trong hành trình trần gian này: Từ là con người làm việc sinh tồn (homo faber), đến con người khôn ngoan (homo sapiens), đến con người suy tư (homo philosophicus) thì con người ấy lại là một lữ khách (homo viator) lữ hành chông chênh bước đi giữa những nghiêng ngã trần đời. Có lẽ vì vậy mà nơi sự hiện thân của từng con người, là từng khuôn mặt chứa những khắc khoải thẳm sâu xen lẫn cả những bất an. Con người luôn vươn tới, cùng nhau, tìm chân tướng khuôn mặt chính mình, trong tương quan với nhau, với vạn vật, với siêu việt.

Ở trời Tây – Họ đã gặp thấy con người?

Họ – những bậc tiền nhân, những nhà hiền triết, tư tưởng, những con người khắc khoải tìm kiếm một lý do để sống cho có ý nghĩa cuộc đời, đi tìm nguyên nhân đệ nhất (le principe premier) cho mọi sự, tìm một hữu thể viên mãn (le plénitude de l’être) để mà theo đuổi. Thử ngược dòng lịch sử, xem họ đã gặp thấy con người như nào? Mình chỉ lướt qua ở đây một vài câu cốt lõi thôi.

Thales – Câu trả lời của ông về mọi vật là nước. Hậu duệ của ông là Anaximenes lại cho là khí, rồi là lửa… Thuở đầu người ta đã cố gắng nêu lên câu hỏi về nguồn gốc căn bản của vạn vật và con người. Họ chưa phân định được vật chất và tinh thần. 

Các tìm kiếm quan trọng của Socrates – ông nhấn mạnh giá trị của tinh thần, trong ý thức và ước muốn của con người. Ống thấy tầm quan trọng của hiểu biết, của sự khôn ngoan đích thực nếu được chăm sóc đúng đắn. Với ông “hiểu biết và sống tốt là một. Tức là biết điều gì là đúng thì  cũng sẽ làm điều đúng đó. 

Học trò của ông là Plato – đi xa hơn. Hiểu biết không phải là nhận thức cảm giác, xuất hiện đơn giản trước mắt.  Sự hiểu với ông không phải trừu tượng mà là cụ thể, mang tính thực hành. Con người biết điều gì là tốt để có thể làm điều tốt. Ông là người đầu tiên mở trường và ông tổ của từ “academy” – hàn lâm.

Học trò xuất sắc của Plato là Aristotle đã nói con người như là sinh vật có lý trí. Hiểu biết khởi đầu từ cảm giác. Ông nói về thuyết nhị nguyên (chất thể & mô thức) ảnh hưởng đến mãi sau này. Cùng đích của con người là hạnh phúc. 

Một vài người sau đó, như Marcus hay Epictetus đã phát triển những điều trên, “con người không làm điều ác một cách tự ý”, hay “con người cần tìm kiếm hạnh phúc nơi chính mình, không phải nơi những điều kiện bên ngoài mà họ không thể làm chủ được nó.” 

Đến thế kỷ thứ V, Augustino (người đã nói câu “yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”) đã gọi “con người là một huyền nhiệm (great mystère). Và đến thế kỷ thứ 13, Thomas Aquinas đã phân biệt rõ ràng mọi sự hiểu trước tiên khởi đi từ cảm giác. Con người tồn tại trong một thế giới với sự phân biệt thực tại (actual) và tiềm năng (potential). Con người trở thành chính mình như mình xứng đáng là … một hành trình lữ hành mà chúng vẫn hay nói đến.

Réné Descartes thế kỷ 17 hoài nghi tất cả và đề ra công thức “tôi suy tư nên tôi hiện hữu” (Cogitum ergo sum) nổi tiếng. Đề cao bản thể tinh thần. 

Trong tác phẩm Ông Hoàng (The Prince), Nicolo Machiavelli ở Ý đã viết các câu cách ngôn về con người như này:

  • Tất cả con người đều xấu và sẵn sàng phô bày bản tính xấu ấy mỗi khi có dịp.
  • Con người chỉ làm đúng dưới sự ép buộc.
  • Phần lớn, người ta chỉ thoả mãn cái bên ngoài, chóng qua, như thể chúng là cái vững bền trường tồn.
  • Con người dễ thay đổi những chủ nhân, với hy vọng mình sẽ khấm khá hơn.

    Ở Hà Lan, Benedict Spinoza lại bàn về con người dưới những cặp hạn từ  căn bản tốt & xấu, nhân đức  tội lỗi. Chúng luôn giằng co trong con người phải dùng lý trí nhận diện, ý chí với tự do và hành vi hướng về điều tốt cho chính mình và người khác.

    Ở Anh, giáo sư John Locke của đại học Oxford trong khảo luận về sự hiểu của con người thì cho rằng “sự hiểu biết của con người vượt trên chính năng lực của con người để vươn tới.” David Hume trong thẩm tra các nguyên lý sống đạo đức lại lưu ý rằng tất cả mọi người đều có lòng nhân từ, và nó là nền tảng cho mọi phán đoán luân lý. 

    Immanuel Kant – triết gia quan trọng nhất của nhân loại với đổi mới căn bản. Với các tác phẩm phê bình, ông đặt ra 4 câu hỏi:

    • Tôi có thể biết điều gì?
    • Tôi có bổn phận phải làm điều gì?
    • Tôi có thể hy vọng gì?
    • Con người là gì?

      Câu đầu tiên được trả lời bởi môn siêu hình học; câu hai bởi luân lý học, câu 3 bởi tôn giáo, câu 4 bởi nhân học (anthropology). 

      John Stuart Mill là người đã đặt lương tâm con người một vị trí căn bản trong nền móng của luân lý.

      Và, chúng ta không thể không nhắc đến Frederich Nietzsche – tác giả của tác phẩm nổi tiếng Zarathustra đã nói như thế. Ông đã giải thích con người như là siêu nhân (superman), con người cần tạo nên giá trị có thể làm cho nó vượt lên trên chính mình để hướng về siêu nhân. Tư tưởng này đã ảnh hưởng đến Hitler trong 2 cuộc thế chiến.

      Một nổ lực tìm kiếm câu trả lời hơn 2 thiên niên kỷ, có vẻ bế tắc. Con người đã vấp phải bao nhiêu thất bại với những điều tưởng chừng là cuộc cách mạng để tìm được lối cho một cuộc sống đạt được mục đích tối hậu của mình – hạnh phúc. Bế tắc và khổ đau bao nhiêu!

      Hiện tượng luận ra đời! Bắt đầu với Soren Kierkegaard – người Đan Mạch, chúng ta đến thế kỷ 20 rồi, với tác phẩm “Sợ hãi & Rùng mình”.

      Chúng ta hay gọi là các thuyết hiện sinh về con người. Chính là hiện tượng luận mang tính hiện sinh. Con người đang sống với tất cả những gì trong và với chớ không chỉ là đối tượng để nghiên cứu.  Con người là một hữu thể tại thế (being in the world). Ta dừng lại nói về việc “nghe không phán xét” một chút ở đây. Họ nói đến 3 bước phản tỉnh của Gabriel Marcel:

      1. Tiếp cận đối tượng với con mắt trong sạch, không thành kiến.
      2. Phản tỉnh lần thứ nhất, rồi lần thứ hai.
      3. Sự thật sẽ thoát ra khỏi sự ẩn giấu.
        Một cuộc gặp gỡ chính mình, bắt đầu với:
        • Xác định thân thể của mình. Tôi có một thân thể. Có là sở hữu nhưng không như có một quyển sách. Ta không sử dụng thân thể của ta như sử dụng quyển sách, và dĩ nhiên, mọi người phải tôn trọng.
        • Tôi trong tương quan với thế giới và người khác. Tôi là một phần trong đó.
        • Tôi trong những tình huống, tình huống do ta tạo ra và cả tình huống của ta mà không do ta tạo ra. Ví dụ như không chọn cha mẹ cho mình, quê hương cho mình, ngày sinh cho mình. Cùng đó là những yếu tố cho ta tự do quyết định: chọn bạn, chọn thú vui, chọn hoạt động riêng mình… 
        • Tôi và cuộc sống của tôi. Tôi sống cuộc sống của tôi, khác với cuộc sống của tôi được sống. Tôi sống cuộc sống của tôi, là tôi làm chủ cuộc đời tôi; còn cuộc sống của tôi được sống thì tôi bị sai khiến, can thiệp bởi người khác, bởi truyền thông, sống trong ánh mắt người khác, sống bởi dư luận. Phong trào “hãy sống chính mình” xuất phát từ chủ thuyết này.
        • Có một giá trị được nhận biết về trong chúng ta, đó là chúng ta xảy ra tại đây và ngay lúc này (here and now), trong một tình huống cụ thể. Chủ thuyết này tạo nên phong trào “hãy sống cho hiện tại” đấy!
        • Những giá trị ta có và giá trị chúng ta là (value we have / are): có thì là đối tượng bên ngoài, là thì trong mức độ chủ thể làm nâng cao sự hiện hữu của chính ta.

        Và còn những quan điểm khác nữa… hy vọng có dịp trình bày. Đến gần thời chúng ta, các bạn tìm đọc:

          • Karl Jasper (giáo sư người Đức) viết về tâm lý học về những quen điểm của thế giới. Con người tự do và luôn luôn đang hình thành, không phải sanh ra là hoàn tất, hình thành nên cái riêng của nó. Cái myself gồm cả cái rất là tôi (my very self), chủ quan hoàn toàn, hoàn toàn tự do. Sự hiện hữu của tôi là chính tôi và trong thế giới.
          • Jean-Paul Sartre (Pháp – mới mất đây, 1980 – từng tranh luận với triết gia Việt Nam là Trần Đức Thảo về vấn đề con người và hạnh phúc). Sartre tin rằng con người hiện hữu (existence) đi trước bản chất (essence) của nó. Những giới hạn bao quanh con người, và con người bị bao quanh bởi những người khác – sự tồn tại khốn khổ và ông viết cuốn nausea (buồn nôn). Từ đây, người ta tạo ra phong trào sống phóng túng và thất bại, phản ứng lại là hãy sống tích cực chứ không như là sự tồn tại.
          • Gabriel Marcel (Pháp) ông trình bày rõ ràng nhất về hiện tượng luận. Anh mất một chiếc đồng hồ đeo tay, anh có một con thú cưng, hình ảnh của bạn trẻ về thiếu nữ đẹp mà anh gặp sáng nay… tất cả là minh hoạ cho sự phản tỉnh (reflextion).
          • Martin Heidegger (Đức) bị người cùng thời nhạo báng rất nhiều. Ông là thầy của Edmund Husserl. Cha đẻ của hiện tượng luận cho đến ngày nay. Ông nói về con người như một sinh vật đặt câu hỏi về chính sự hiện hữu của mình. Tôi có mặt là gì? Ngày nay, nhiều người hay hỏi “sống là gì?” đó, thay vì hỏi “sống để làm gì?”.

          Chúng ta quay về Đông Phương

          Ấn độ giáo nhìn về con người thế nào?

          Trong kinh Upanishads, có một thực tại được gọi là Đại vũ trụ – Brahman, làm nền tảng cho bản tính con người, được gọi là Atman (tiểu vũ trụ). Brahman là hạnh phúc tinh ròng mà Atman cần đạt đến. Nhưng Atman người trần bị bao phủ bởi các vỏ bọc là con người thể lý, sinh lý, tâm lý, trí năng và hạnh phúc), chúng không phải là cái tôi thật, chỉ là ảo ảnh. Bao lâu con người còn nhìn thế giới là thực thì họ bị trói buộc bởi một thế giới vốn không có thực. Con đường duy nhất phá tan cõi u mê ấy là con đường của hiểu biết. Hành trình ấy đòi thực hành thiền định (Yoga), tập chú, nhập định vào trong siêu ngã – Brahman. Rồi giai đoạn thứ tư, là giai đoạn cuối cùng của đời sống, đó là hành khất khắp nơi. Không còn bị bó buộc bởi thế giới ngoại cảnh, hoàn toàn tự do, một sự giải thoát của tinh thần.

          Phật giáo nhìn về con người như nào?

          Suốt đời ngài, Phật Thích Ca không ngừng nhắc môn đệ về tính chất tạm thời của các hiện tượng bên ngoài. Tất cả sự vật đều bị điều kiện hoá, mang tính hiện tượng, nhất thời chóng qua, chúng lệ thuộc để lớn lên và rồi tiêu tan đi. “Đêm qua sân trước một cảnh hoa.”

          Con người là gì? Con người chỉ là một cái tên được gán cho toàn bộ thực tại. Con người cũng có khuynh hướng nhìn sự vật như là vĩnh cửu nhưng thật ra chúng chỉ nhất thời. Ai bám víu vào sự vật như là gia tài vĩnh cữu trường tồn thì khổ đau phiền não. Con người bị trói buộc bởi vô tri, nên mục đích cuối cùng của con người là đạt tới sự giác ngộ, để giải thoát chính mình khỏi xích xiềng của vô tri. Để làm được điều này, con người phải nhận ra tính nhất thời của vạn vật. Vươn tới Nirvana, là sự dập tắt mọi ước muốn tham dục. Cần một sự chiêm niệm sâu xa (deep meditation).

          Cái nhìn của Khổng giáo về con người

          Lý tưởng của Khổng giáo là mang nơi mình hai đặc tính:

          1. Khôn ngoan bên trong
          2. Vương giả bên ngoài

          Theo Khổng Tử, một con người đích thực phải là một quân tử, một người tốt và một người như thế được gọi là người nhân nghĩa. 

          • Nghĩa: hãy làm cho người khác điều mà mình muốn người khác làm cho mình.
          • Tín: làm việc mà mình có bổn phận phải làm. Không phải vì lợi ích cá nhân, làm việc ngay thẳng và thích hợp với tình huống không vì tư lợi.
          • Lễ: Khiêm nhường và kính trọng người khác, xem người khác lên hàng đầu.
          • Trí: Hiểu rõ về nhân nghĩa, công chính, lễ giáo … 

          Theo Mạnh Tử, “nhân chi sơ tính bản thiện” – con người tự bản chất là tốt. 

          • Nghĩa: con người có khuynh hướng cảm thông với người.
          • Tín: cảm giác xấu hổ và ghét bỏ, xấu hổ trước điều xấu và ghét bỏ điều xấu.
          • Lễ: cảm giác nhún nhường và ước muốn điều tốt cho mình và cho người.
          • Trí: cảm giác về đúng và sai. Hiểu điều gì đúng, điều gì sai, tốt, xấu. 

          Theo Lão tử, điều đầu tiên con người phải biết đó là mọi vật thay đổi và theo quy luật chi phối chúng, chứ tự chúng không thay đổi. Đạo vô vi. Thuận theo tự nhiên. Cái gì thái quá đều sinh ra khổ. “Khi một vật đạt tới cực đỉnh của nó, thì nó sẽ di chuyển theo hướng ngược lại”. Trăng tròn thì sẽ khuyết, nước lên thì sẽ xuống, đi xa thật xa là trở lại một lần nữa. Kiểu ăn uống giúp gia tăng sức khoẻ, nhưng ăn uống thái quá thì gây hại cho sức khoẻ. Đạo không làm gì hết, vô vi, nhưng không có gì là không được làm. Không làm gì là không làm quá (overdoing), làm quá sẽ đem đến hậu quả phá huỷ. 

          Hiền nhân là người có sự hiểu biết bản tính vạn vật như thế, không bị quấy rầy bởi cảm xúc, nhưng vui thú với bình an tĩnh mịch trong tâm hồn. Hiền nhân không bị tác động bởi thay đổi của ngoại giới, không còn lệ thuộc sự vật bên ngoài, hạnh phúc của hiền nhân không bị giới hạn. Ban đầu hiền nhân có sự hiểu thấu mọi thứ, sau đó vượt lên mức độ cao hơn mà Lão Tử gọi là “hiểu mà như không hiểu”, “biết mà không biết”. Hạnh phúc.

          Con người như “Chủ Thể Tri Thức”

          Nếu tôi hỏi anh “anh đang làm gì?”

          Anh có thể sẽ trả lời ngay rằng anh đang viết thư, đang đọc quyển sách, đang vẽ bức tranh phong cảnh… Nhưng nếu tôi hỏi “anh muốn nói điều gì khi anh trả lời rằng anh đang viết, đang đọc, đang vẽ? thì chắc chắn câu trả lời sẽ đến chậm hơn.

          Người ta gọi đó là hai loại ý thức của con người: 

          • Tiền phản tĩnh (pre-reflective)
          • Phản tĩnh (reflective)

          Tiền phản tĩnh thì không đòi suy nghĩ. Phản tĩnh mới là sự thấu hiểu đích thực. Cái tiền phản tĩnh là nền ban đầu, thuộc giá trị của cảm tưởng, cảm giác của ta về điều gì, đối tượng nào đó.

          • Quan điểm: là điều ta thấy
          • Khía cạnh: là mọi thành phần của điều mà ta thấy

          Người càng nhiều quan điểm và khía cạnh thì sự hiểu càng nhiều về một điều gì đó. Ví dụ bạn đọc cuốn sách, bạn kể tôi nghe tóm tắt. Tôi biết về cuốn sách. Nhưng ai là người có sự thấu hiểu nhiều hơn? Rõ ràng là bạn. 

          Con người như “Chủ Thể Đối Thoại”

          Có 2 loại đối thoại:

          1. Là loại tự nhiên đi đến sự đồng thuận, nhất trí.

          Loại này khách quan trong tranh luận, loại bỏ bạo lực, không thật…

          1. Là loại không hoặc khó đi đến sự đồng thuận, liên quan đến giá trị, tôn giáo, quan điểm cá nhân. Loại này tạo nên những nguồn mạch mới mẻ, sống động ngay trong sự khác biệt. 

          Nếu ai đó nói với chúng ta, chúng ta phải trả lời, phải đáp lại. Đó là trách nhiệm. Trả lời gì? Trả lời với điều xảy ra với tôi, điều được thấy, được nghe, được cảm nhận. Chúng ta vỗ tay sau khi nghe buổi hoà nhạc, chúng ta buồn khóc tại đám tang người thân yêu. 

          Chỉ khi ta sống thật với từng phút giây, ta mới kinh nghiệm đời sống là một cái gì đó khác tổng số thời gian của đời mình. Một con chó nhìn anh, anh đáp trả cho cái nhìn của nó; một đứa bé nắm chặt tay anh, anh đáp trả cho sự đụng chạm của nó; người bạn đi quanh anh, anh đáp trả cho nhu cầu của họ. 

          Cho nên, hoạt động căn bản của đời sống là hướng về người khác. Đối thoại là việc hướng về người khác trong thực tại của họ, đó là mối liên hệ giữa “tôi và anh”, đó là sự mở ra, một hoạt động cho tình yêu, con người với con người.

          Con người như một “Chủ Thể Yêu Thương”

          Tương tự như nãy giờ, đây cũng chỉ là một quan điểm về tình yêu nhân loại với nhau của triết học về con người. 

          Teilhard de Chardin nói về tình yêu giữa những tế bào (cells) và ông gọi đó là “yêu hoá” (amorization).

          • Tế bào khoẻ mạnh thì dưỡng nuôi chính mình, nhưng cũng nhìn đến hạnh phúc xung quanh. Ở đây, muốn nói, những hình ảnh tế bào, hàng triệu hàng tỷ, không phải chúng được đặt cạnh nhau, mà là sự biến mất tính chất cá nhân, để hoà hợp với sự duy nhất của toàn thể. 
          • Tình yêu đích thực là luôn ước muốn điều tốt cho kẻ khác. Mọi vật đều bị thu hút bởi điều tốt và không ưa điều xấu. Chẳng ai ưa thích điều xấu cho chính mình, điều dối cho chính mình, điều không tốt cho chính mình cả. Những tế bào có sự sự sống cần những tế bào giống như chúng, tình yêu hợp nhất cả tinh thần lẫn thể lý. 

          Con người tự bản chất, là một chủ thể không chỉ được đặt cạnh với vô số chủ thể khác. Nó cần sự nhận biết của người khác, cảm thông và chấp nhận. Người ta chỉ có thể đạt đến điều đó nhờ tiềm lực kế cận của một sự hiện diện nào đó khác. Con người sống và hoàn thành mình với, với người khác, thông dự vào nhau thì mới tiếp cận phần nào huyền nhiệm người. Sự thông dự ấy, mở ra chiều hướng tương quan.

          Con người là tương quan

          Đến lúc này,
          không còn bàn con người là “cái tôi suy tư” nữa, mà “chúng ta là” – liên chủ thể. Người khác không còn là đối tượng như các đối tượng đồ vật để tôi tìm hiểu, mà người khác và tôi dệt thành cái chúng ta. Người khác không còn là “nó” mà trở thành “anh, chị, em” (ngôi thứ 2), cùng với tôi, hình thành cùng nhau, trong nhau, và vì nhau. Người khác với tôi thế nào để tôi cảm nhận về chính mình. Hiểu người để hiểu mình và hiểu mình để yêu người. 

          Chúng ta nhắc lại:

          Con người là hữu thể như một sự chờ đợi thành toàn, nghĩa là con người đã là người rồi, nhưng vẫn còn tiếp tục là hơn. 

          Các bạn hãy nhắm mắt hình dung thử, một người bình thường, sống trong một ngôi làng nhỏ, gia đình với công việc, bà con chòm xóm… hình ảnh ấy có vẻ hài hoà bình yên, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn anh, có điều gì đó cào cấu tận sâu thẳm, ý nghĩa gì cho chính sự có mặt của anh ta trong đời này?

          Chúng ta, mặc dù vấn đang sống trong túp lều cuộc đời, ngày tháng trôi qua với tất cả những gì chúng ta có, với những việc ta làm, nhưng hãy đối diện với chính mình, trong sâu kín, có gì đó khuấy động bởi câu hỏi: tôi là ai? Tại sao tôi sống thế này? Tất cả những cái tôi có thì chúng mang ý nghĩa gì?

          Thì tất cả sẽ được thành toàn trong tình yêu. Nghĩa là con người sẽ thành toàn trong sự mở ra và gặp gỡ chân tình giữa những con người. Cho nên, đóng mình lại với tình yêu thì không chỉ ra khỏi tương quan với người khác, mà còn rút chính mình ra khỏi chính mình. 

          Mỗi người tìm thấy trong mình sự hiện diện chân thực của người khác nhờ vào tình yêu. Mỗi người là mình hơn khi sống cho tình yêu, và trong tương quan tình yêu. Tính thống nhất liên chủ thể được thiết lập, từ những cá nhân yêu nhau, sống cho nhau, và trong nhau. Nếu không có cái “chúng ta” thì cũng chẳng có “cái tôi”. 

          Tìm sẽ gặp …

          Vấn đề nhân luận vẫn luôn là trung tâm điểm của truy tầm triết học. Người ta còn bàn đến các hoạt động khác của con người, như ngôn ngữ, văn hoá, kỹ thuật, đạo đức… 

          Con người là một hữu thể lữ hành, bước đi trên chặng đường khó khăn. Cuộc sống con người là cuộc xuất hành qua nắng gió sa mạc cuộc đời, nhưng lại biết rõ đích đến. Đích đến thì tự mỗi người cần truy vấn bản thân để gặp được. Nơi đó là quê hương tinh thần của mỗi người, cho đến khi nào không còn nhu cầu gì nữa. Và, nếu có một Ai Đó dẫn dắt đồng hành, thì sẽ thật tuyệt vời! Hãy tìm sẽ gặp!

          tuanlionsg 12/2024

          Để nhận thông báo bài hay, quà tặng, sự kiện:

          *tuanlionsg tôn trọng quyền riêng tư của bạn.

          Bài dành cho bạn:

          Theo dõi
          Thông báo của
          guest
          0 Bình luận
          Phản hồi nội tuyến
          Xem tất cả bình luận