Thật mà không thật. Bạn từng kinh nghiệm về một điều gì đó có vẻ rất chân thật, chắc chắn, nhưng rồi nó lại không thật, trống rỗng, giả tạo phải không? Chẳng hạn, bạn có một cảm nhận sâu sắc về tình yêu. Bạn nhận ra rằng mình có những cảm xúc rất lớn, toàn bộ tâm tư được dẫn vào một nhịp điệu bay bổng mới mẻ đầy ý nghĩa và phong phú. Rồi trong khoảnh khắc nào đó, bạn tự hỏi đó có phải là tình yêu đích thực? Bởi vì trong quá khứ, bạn từng có cảm xúc tương tự và nó đã không phải là thật, mau chóng tan biến đi. Qua từng trải nghiệm, bạn cảm thức rõ hơn một nắm bắt tưởng chừng rất thật, nhưng thực chất lại không thật. Dưới đây là câu chuyện thằng Mỗ đi tìm sự thật.
Tình huống thật-giả
Thằng Mỗ có một giấc mơ. Mỗ phân biệt cái nó biết trong giấc mơ với cái nó biết khi tỉnh thức. Có thể nhận thức ở giấc mơ rất mạnh mẽ, đến mức để lại dư âm phiền muộn nhiều giờ sau khi thức giấc. Giấc mơ tỏ lộ phần nào đời sống nội tâm của Mỗ. Nhưng, dù gì thì Mỗ vẫn nhận thức giấc mơ hoàn toàn không thực, Mỗ thở phào nhẹ nhõm, đúng là một hành vi xấu tốt trong giấc mơ thì không như hành vi xấu tốt trong đời sống thật.
Thằng Mỗ xem phim và đọc những câu chuyện trong sách. Mỗ biết rõ những câu chuyện ấy có thể bày tỏ cuộc sống con người rất sâu sắc, có thể tác động lên suy nghĩ của Mỗ. Nhưng Mỗ biết rõ nhân vật trong đó không có cùng cá tính với hành động như những con người nó đang sống trong đời thật. Điều lạ là, rõ ràng là không thật, nhưng thằng Mỗ vẫn thấy người ta lẫn lộn chúng với đời sống thật. Chẳng hạn nó thấy người ta gán luôn tính cách của nhân vật cho người diễn viên trong đời sống thật.
Giấc mơ hay phim ảnh thì còn dễ phán đoán đúng đắn về sự thật. Còn trong đời thực, khi đối diện với một quyết định liên quan đến giá trị cuộc sống thì khó khăn vô cùng. Trong tình huống thế này, điều cốt yếu là phải phân biệt điều có giá trị đích thực với điều chỉ mang dáng dấp bên ngoài. Sự thật của cuộc sống tuỳ thuộc vào phán đoán, rất khó khăn, vì nó không hiển nhiên, không rõ ràng giá trị được chọn có thật sự là đích thực hay không.
Thằng Mỗ tự hỏi, tất cả những sự thành công mà nó đang tìm kiếm có phải là sự thành công đích thực không? Những thành đạt mà nó đã sở hữu có phải là đích thực không? Có phải tình yêu đang gợi nhiều cảm hứng trong thâm tâm nó, là một tình yêu đích thực không? Có phải hạnh phúc mà nó đang tìm kiếm vun đắp là một hạnh phúc đích thực không?
Phải chăng nó là thật?
Mỗ nói: không nên nói “phải chăng nó là thật?” mà phải là “phải chăng nó thực sự là thật?” Bởi vì sao? Bởi vì ở một mức độ nào đó, mọi sự xuất hiện trong đời nó đều có một sự thật nào đó. Hãy xem nhé: Giấc mơ, dù chúng có thể giả dối và trống rỗng, nó cũng thật trong chừng mực nào đó. Có rất nhiều giải thích về chừng mực sự thật ấy trong tâm lý học chiều sâu. Những nhân vật huyền thoại, dù sao đi nữa, cũng gần giống như thật, cho thấy một đời sống như thật. Cho nên, câu hỏi “phải chăng nó thực sự là thật” ở đây, hướng đến điều thật hơn, điều hoàn toàn thật.
Thằng Mỗ kể chuyện “Hang Động” của Platon. Platon trình bày những người chú tâm vào những cái bóng trên bức tường trong cái hang của họ. Việc cả đời chú tâm vào đó, đã cản trở mọi nỗ lực dẫn họ thoát ra khỏi cái bóng và cái hang giam hãm họ, không thoát ra thế giới bên ngoài được. Platon mô tả một cuộc sống mà ông xem là có giá trị phổ quát cho tất cả mọi người. Con người, trong phần lớn đời mình, bị nắm bắt bởi vẻ bề ngoài giả dối của cái bóng, cảm thấy khó khăn để giải thoát chính mình, để được sống trong không gian của điều thật sự là thật. Con người cần đấu tranh để thoát ra khỏi cuộc sống hời hợt, để sống trong ánh sáng của một sự thật tràn đầy.
Vẻ ngoài dễ lầm lẫn
Đầu tiên phải kể đến là lập trường của thằng Mỗ về khổ đau và sung sướng. Khi cơn đau ập đến thì lập tức nó được cho là một điều xấu. Mỗ sẽ coi đó là một điều không nên có, một điều mà ai cũng phải tránh bằng mọi giá. Nhưng, trong trải nghiệm thực tế, có những nỗi đau có thể đem lại hiệu quả tốt thì sao. Một nỗi lao nhọc mang lại thành quả nào đó chẳng hạn. Việc lao nhọc học hành lại gắn liền với học hỏi kiến thức chẳng hạn.
Ngược lại, sự sung sướng cũng gây lầm lẫn. Ăn uống mang lại khoái lạc nhưng có khi lại không tốt cho sức khoẻ. Thức ăn đôi khi rất ngon lại không nên đưa vào cơ thể. Cha mẹ đáp ứng mọi đòi hỏi thoải mái cho con lại có thể làm hỏng đứa con. Nỗ lực làm “hài lòng” mọi thứ cho ai đó bằng mọi giá có thể đưa đến kết quả phá hỏng cá tính người đó. Vẻ bên ngoài của sự sung sướng về một điều tốt lại ẩn giấu một đặc tính thật của nó.
Chiến thắng và thất bại cũng có vẻ bên ngoài dễ lầm lẫn. Chiến thắng được xem là đương nhiên tốt. Nhưng người chiến thắng có thể trở nên kiêu ngạo, vô cảm, xuẩn ngốc. Thất bại có vẻ là điều xấu với Mỗ, nhưng lại có thể đem thêm nhiều giá trị vào cuộc sống. Qua thất bại, người ta trở nên khiêm tốn, khôn ngoan và nhạy cảm hơn với đời với người. Điều dường như là xấu thì lại là một phúc lành.
Mấy tình huống trên, Mỗ thấy vấn đề phân biệt vẻ bên ngoài và sự thật luôn là khó khăn để đánh giá một cách khôn ngoan cho nhận thức của mình. Không may là trong nền văn hoá chung, không có một sự đồng nhất rõ ràng về điều thật sự là thật. Có những lập trường, quan điểm lệch nhau về sự phân định mà đôi khi ai cũng phải theo. Một số trong đó là:
Sự thành công là thật?
Thằng Mỗ thấy ai cũng cố gắng làm mọi cách để có cuộc sống thành đạt, thành công. Nó ghi vào sổ mấy thứ, đó là: danh dự, danh thơm tiếng tốt, có vị thế trong xã hội, quyền lực, có ảnh hưởng trên người khác, của cải, nhiều của cải và tiền bạc. Nó ra đường, thấy người ta đánh giá nhau dựa trên mấy tiêu chí mà nó gạch đầu dòng trong sổ tay ấy. Nó nghe bạn nó ca ngợi người thành công, tin rằng đời sống của mấy người đó đầy ý nghĩa. Nó ra nhà sách, không thấy cuốn tiểu sử, hồi ký nào của một người mà chẳng ai biết đến, hay của một kẻ thất bại nào đó trên kệ sách. Nó vào một quán Café, người ta đang đọc say sưa và nói say sưa về mấy ngôi sao điện ảnh, âm nhạc hay thể thao nào đó. Họ nói rành mạch đời sống đến từng chi tiết của những người nổi tiếng ấy. Những chi tiết ấy rất mạnh mẽ và thật hơn cả chi tiết trong đời sống riêng của họ.
Thằng Mỗ vò đầu bứt tai, nghĩ rằng chính sự thành công nào đó, đã làm cho cuộc sống những thần tượng của thiên hạ thật hơn. Nó nhớ lại nhà bác nó. Ông bác từ ngày có được một tấm huy chương đã làm cho cuộc sống nhà bác khác đi. Con trai đầu của bác thằng Mỗ được thăng chức, anh ấy luôn tỏ vẻ thực sự là một ai đó, cuộc sống của nhà anh ấy như được làm đầy hơn với một sự thật được mọi người công nhận. Nhà bác thằng Mỗ khấm khá lên dần, tự nhiên được mọi người kính trọng hơn. Thằng Mỗ cảm thấy khi người ta sở hữu của cải và danh phận, thì trong con người của họ có điều gì đó xuất hiện lớn hơn. Nhìn lại nhà nó, thằng Mỗ thấy đời sống trống rỗng và vô nghĩa bởi hết thất bại này đến thất bại khác. Có phải thành công là một điều gì đó rất thật? Thằng Mỗ nốc một ngụm cafe, rồi tự hỏi: “Phải chăng cuộc sống của Mỗ thực sự sẽ thay đổi khi Mỗ thành công hơn hay không trong cuộc sống?”
Đang miên man thì có người vỗ vai. Một thằng bạn đã lâu không gặp. Từ ngày nó nổi tiếng trên mạng, được nhiều fan ủng hộ, vô số hợp đồng béo bở, nó trở nên bận rộn kín lịch, chẳng còn giờ với bạn bè không riêng gì với Mỗ. Hai thằng kéo nhau ra quán bia. Chén tạc chén thù. Nó nói, tự dưng nó thấy cuộc đời trống rỗng và vô nghĩa, chính thời khắc nó thành công rực rỡ nhất. Đàng sau những hào quang của thế giới kia thì nó lấp đầy sự trống rỗng ấy bằng rượu bia và các loại thú vui. Thành công không mang đến sự thật mà nó tìm kiếm. Khoảnh khắc thật nhất của nó là khi mọi sự thật phía sau hào quang kia lộ diện, mặt tối của danh vọng trần gian, phía sau của những toan tính lợi ích, sống không là chính mình suốt quãng đường dài, kinh nghiệm sự thật của thất bại có khi lại là thật. Thằng Mỗ nghe rồi nốc hết cốc bia. Mỉm cười.
Sự lâu bền là thật?
Cuộc sống biến đổi nhanh chóng mặt. Thằng Mỗ nghĩ, sự thật có phải là điều tồn tại lâu bền và vĩnh viễn không? Điều gì tồn tại mãi mãi thì nó là thật. Còn điều gì thay đổi chỉ là vẻ bên ngoài? Cái gì mau chóng qua đi, dù cho rực rỡ ấn tượng, thì cũng thiếu vắng sự thật?
Thằng Mỗ cũng biết yêu. Nhưng nó lại sợ yêu. Nó tự thấy cảm xúc trong nó xuất hiện rồi tan biến đi nhanh chóng. Dĩ nhiên là cảm xúc chóng qua như giận, như say đắm, như thất tình thì kém thật rồi. Nó từng nghĩ, tình yêu nó dành cho bạn gái nó thì lâu bền nên được xem là thật hơn. Nhưng mà sự lâu bền ấy cũng bấp bênh như nó cảm thấy trong gia đình nó. Cha mẹ nó chia tay sau khi có nó. Bao nhiêu tổn thương chưa lành vẫn còn trong tâm trí nó. Nỗi sợ còn tồn tại trong tâm hồn nó.
Thằng Mỗ thích ngắm bình minh, ánh sáng trên những cánh đồng hay vườn hoa. Nó thích ngắm như vậy, có lần nó nói, ở đó nó cảm nhận được một cuộc sống ngắn ngủi của bao nhiêu sinh vật. Ở đó, nó biết một thế giới không chắc chắn và không thật. Vẻ đẹp của mọi thứ quanh nó, nhìn bằng mắt, nó thấy trống rỗng. Tại sao nó phải quan tâm đến kiểu quần áo người ta mặc hôm nay khi mà họ sẽ mặc kiểu khác vào hôm sau. Nó nhìn thấy cả cái “khuynh hướng” đú trend cũng trống rỗng vô nghĩa. Tự trong bản thân nó, cũng giống như mọi người, luôn mong một sự tồn tại kéo dài mãi mãi. Nó tin có một sự sống đầy ý nghĩa và sự thật trong cái tồn tại vĩnh cửu ấy. Nó đi tìm.
Ngày nọ, cậu học viên cũ đến gặp Mỗ với tình trạng mất ngủ và chán nản. Cậu ta biểu lộ nội tâm tụt cảm xúc chỉ với một câu: “Nếu tôi sẽ chết, thì tại sao tôi phải sống?” Thằng Mỗ từng chứng kiến nhiều cái chết. Chính cái chết hiện diện trong thế gian này, không ai thoát được, dù có là ai, cho Mỗ thấy rằng vô số điều nó quan tâm, nó gặp, xâm chiếm tâm trí, hầu như là trống rỗng cả. Bởi vì chúng mau chóng qua đi, bị quên lãng. Phải chăng, chỉ những điều vượt lên trên sự chết mới đáng được quý trọng? Nó nói với cậu học viên, nếu một điều không tồn tại thì tại sao phải quan tâm? Cuộc sống của cậu được làm đầy bằng những thực tại không vĩnh cửu, nó vô nghĩa, nó không thật. Cái chết hiện diện để lấy chúng đi.
Thằng Mỗ nói thế. Nhưng nó cũng biết rõ là bản tánh con người luôn dính dáng tới những điều luôn thay đổi. Ai mà chẳng muốn vươn tới điều tốt lành vĩnh cửu. Nhưng nghi ngờ rằng có thể đạt tới tình trạng vững bền đó không. Mà điều đáng ngờ thì có thật sự đáng mơ ước và nó có thật không. Kinh nghiệm cho thấy, thời khắc thật nhất là thời khắc của sự sáng tạo, cuộc sống ở thời khắc sáng tạo như chuyển động về phía trước, đầy sự mới mẻ và hào hứng.
Cái được xác thực là thật?
Thằng Mỗ đọc sách. Nó say sưa với một chủ thuyết có tên là “hiện sinh thuyết đương đại”. Chủ thuyết này trình bày sự thật ở cuộc sống cá vị và duy nhất của từng người. Theo đó, mỗi người là một ngôi vị độc đáo duy nhất, đó là sự thật xác thực. Cái tôi biến mất trong sự vô danh của “đám đông” thì đó là kiểu sống không cá tính, mất chính mình, không thật.
Thằng Mỗ sẽ là thằng Mỗ thật hơn khi dấn thân vào việc nó làm, kiểu cách riêng, ý nghĩa riêng của Mỗ. Bao lâu nó hành động theo đám đông, lề thói, hành động theo thói quen của người máy, thì sẽ kém thật. Cuộc sống của Mỗ sẽ thật hơn khi nó tạo ra mục tiêu và giá trị cho đời sống của cái tôi tự do. Kém thật khi mục tiêu và giá trị được xác định bởi đám đông không tên tuổi.
Thằng Mỗ sẽ là thằng Mỗ thật hơn khi nó ý thức về chính sự có mặt của nó trong đời, với tất cả những giới hạn, kể cả sự chết cũng như những gì phong phú của chính nó. Mỗ sẽ kém thật khi nó sống nông cạn với ý thức hời hợt với những gì là nó đang hiện hữu. Mỗ sẽ là Mỗ với cuộc sống thật hơn khi dấn thân với người khác trong mục tiêu xác định nào đó. Nó sẽ kém thật hơn khi không có mối quan tâm cá vị là Mỗ, khi nó làm mọi điều chỉ vì “mọi người đều làm điều đó”. Mỗ sẽ có cuộc sống thật hơn khi mở ra cách sống mới, tràn đầy sáng tạo ngạc nhiên. Sẽ kém thật khi nó đi theo lối mòn, mọi sự lặp đi lặp lại.
Đọc hết cuốn sách, Mỗ thấy con người mình là một khả thể dịch chuyển đến hiện thể, từ chỗ kém thật chuyển đến đầy tràn sự thật, từ chỗ bóng tối dịch chuyển đến hiện hữu xác thực rõ ràng. Thế nhưng Mỗ vẫn băn khoăn. Nó băn khoăn rằng cuộc sống như thế có bắt mình mong đợi quá nhiều không. Giá trị của đời sống một cá nhân có là một ảo ảnh không? Sự thật được tìm thấy ấy có là sự hẹp hòi của cá nhân tính không?
Trải nghiệm là thật?
Điều gì đích thực là thật? Mỗ sẽ nói điều mà nó cảm thấy có “tại đây và lúc này” là điều thật. Khi hãng Coca Cola nói sản phẩm của họ là “sản phẩm thật” thì họ đang hướng người dùng nếm thử ngay tức khắc. Thời khắc nếm thử ấy là rất thật. Trải nghiệm trong khoảnh khắc ấy sống động hơn bất kỳ kỷ niệm quá khứ hay giấc mơ tương lai nào của Mỗ. Nó mạnh mẽ hơn bất kỳ lý thuyết hay giá trị suy luận logic nào. Trải nghiệm thực tế đích thực là thật!
Mỗ nhớ lại những cảm xúc mà nó nhận biết “tại đây và lúc này”, đó là cảm xúc “thật” của Mỗ. Thế giới cảm xúc thật ấy, trong Mỗ, là những nỗi đau, những câu chuyện cụ thể được nó nhận biết rõ trong cuộc sống. Với Mỗ, những lý thuyết không cắm rễ trong điều “thật” như thế, đều rất nguy hiểm, nó vẫn đang thu hút đám đông tin vào một thứ trống rỗng.
Mỗ từng làm nghề review thiết bị công nghệ. Mỗ tin vào phương pháp thực nghiệm và thử nghiệm, để đến gần với sự thật hơn. Mỗ vất vả nhiều hơn vì không review bằng niềm tin trống rỗng, của dư luận, của quảng cáo truyền thông, của việc định hướng cộng đồng bằng những ý kiến vốn không cắm rễ từ điều “thật”. Mỗ hiểu rõ ai cũng muốn đời sống cắm rễ trong “nơi đây và lúc này”. Đó là một nỗ lực tìm kiếm sự thật. Nhưng, Mỗ cũng tự hỏi: “cái tại đây và lúc này ấy, tự nó có ý nghĩa không? Phải chăng sự thật về cuộc sống con người không đầy tràn hơn cái tức thời?” Mỗ lại đi tìm.
Ý tưởng là thật?
Thằng Mỗ lại bị cuốn vào các cuộc tranh luận về công bằng, về tự do, về tình yêu. Những cuộc tranh luận rất mạnh mẽ, thu hút Mỗ giống như thu hút nhiều người khác. Mỗ tin những điều đó là có thật. Bởi vì Mỗ thấy có nhiều người hy sinh nhiều điều vì những thứ tốt đẹp, để gia đình họ được hạnh phúc vui vẻ, để xã hội của họ được tốt đẹp hơn.
Cùng với đó, cũng như nhiều người, Mỗ tin chân lý khoa học, chân lý tôn giáo, chân lý triết học là điều thật. Sự thật tuyệt đối được tìm thấy trong ý tưởng. Đến một lúc, Mỗ lại ngờ rằng, những ý tưởng như thế từ đâu ra, nguồn mạch nào sản sinh ra chúng? Chúng được tìm thấy trong những tình huống thông thường và quen thuộc từ cuộc sống. Trong khi con người vẫn lệ thuộc vẻ bên ngoài thất thường của những tình huống cuộc sống. Làm sao những tình huống ấy có khả năng sinh ra sự thật và có sức mạnh như thế?
Vấn nạn còn đó
Thằng Mỗ đã đi khá xa đủ đề đặt ra câu hỏi rất thực: Câu trả lời nào là câu trả lời thoả mãn? Điều gì đích thực là thật đối với con người? Đâu là con đường mà Mỗ phải theo để đi từ bóng tối của vẻ bên ngoài vào trong ánh sáng của sự thật? Bạn có đồng ý với lập trường nào ở trên không và có đề nghị một giải đáp nào khác về sự thật cho thằng Mỗ không? Nhiều người gợi ý đến con đường của tôn giáo.
tuanlionsg 8/2022