Ảo tưởng

-

Thằng Mỗ hồi mới trở về Saigon, nó muốn có cái nhà. Nó có. Nó muốn có cái xe. Nó có. Nó thích chụp ảnh, nó thích bộ Leica full lens, rồi nó muốn có nhiều đồ công nghệ, nó muốn những chuyến đi, nó muốn rất nhiều thứ. Nó nghĩ, chúng sẽ mang lại hạnh phúc trọn đầy cho cuộc sống của nó. Đời nó sẽ vui, người người sẽ ngưỡng mộ nó. Thế là nó ra sức cày để tậu mấy thứ đó. Rồi nó cũng có tất! Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ một thời gian ngắn, thằng Mỗ lại chán, đi tìm những thứ khác. Trải qua quãng đường dài, không có cái nào là cùng đích cả. Thằng Mỗ nhận biết nó đang xuẩn ngốc và cười nhạo chính nó. Nhưng thật lạ lùng, nó cứ tiếp tục bám chặt vào ảo tưởng đó. Nó tự nhủ: “mình đang sống theo tự nhiên và mọi người cũng đang sống vậy mà”.

Ảnh trong bài là ảnh đi chơi chụp vui vẻ, chèn vô bài cho đỡ chán chữ, không minh hoạ nội dung đâu.
    IMG20180108080906

    Ảo tưởng về đạo đức

    Đầu tiên, thằng Mỗ nhận ra một thứ ảo tưởng núp kín trong thâm tâm nó, ảo tưởng về “sự đạo đức”. Một cách tự động nó luôn ý thức nó là người tốt, tốt hơn những người khác. Cái “tốt” trong phương diện luân lý đạo đức. Tự bao giờ, nó luôn cho nó là người đặc biệt hơn, tốt hơn, thuộc nhóm người cao cấp hơn vì sự tốt hơn của nó. Gia đình nó thì tốt hơn gia đình khác. Cộng đồng ở vùng miền nó thì tốt hơn những người ở vùng miền khác. Tôn giáo của nó tốt hơn các tôn giáo khác. Điều khó hiểu là, những người khác, những người mà thằng Mỗ xem là thấp kém cũng có ảo tưởng giống như nó. Họ cũng nghĩ rằng họ tốt hơn thằng Mỗ. 

    Thằng Mỗ luôn có cái bóng tốt lành song hành với thằng Mỗ thật. Cái bóng ấy luôn ủng hộ thằng Mỗ. Nó tự cho nó là tốt và đáng được quý trọng, cho người khác là hiện thân của thấp kém, sẵn sàng lên án chê bai, nhanh nhẹn ném gạch quăng đá người nọ người kia… nó cảm thấy nó đạo đức hơn tất cả. 

    Một cái tôi mang tên Mỗ không muốn chấp nhận sự thật nơi chính mình. Nó đã giả định ngầm trong nó một ảo tưởng rằng nó thuộc về “nhóm người tốt hơn”. Thực thế thì có quá nhiều điều xấu nơi nó, không khác biệt với người khác kể cả những người mà nó kết án. Thằng Mỗ bắt đầu ngờ vực về dáng vẻ đạo đức hay sự ưu tú mà bấy lâu nó vẫn tự động ý thức về mình một cách mặc định. Một dịp để nhìn lại và thấy rằng sự tốt ấy rất hời hợt.

    1

    Ảo tưởng về hạnh phúc

    Ngồi nhìn lại đời sống hiện tại, thằng Mỗ thấy quá nhiều ưu phiền, khổ đau, thất bại, đổ vỡ, chán ngán, âu lo. Làm quái thế nào mà lắm sự trục trặc thế! Tại sao tôi phải chấp nhận những điều ấy trong đời mình, ngoài xã hội! Thằng Mỗ thấy khó chịu với những thứ ấy trong cuộc sống, không chấp nhận chúng. 

    Chính lúc không muốn chấp nhận mấy cái hắc ám không hoàn hảo ấy, là lúc thằng Mỗ vươn tới một tương lai hoàn hảo. Oh, mình sẽ đi qua “cầu vồng” để có được cuộc sống thoả mãn trọn vẹn, tràn niềm vui, bình an hoàn toàn. Đó là một ảo tưởng căn bản về sự hạnh phúc rất phổ biến. Dù tình trạng đang bèo bọt thế nào thì thâm tâm sâu thẳm cũng luôn có một ước vọng sẽ hoàn toàn hạnh phúc trong tương lai. Thằng Mỗ luôn giả định ngầm rằng trong tương lai sẽ có một trải nghiệm bình an, niềm hoan lạc, sự sung mãn trọn vẹn.

    Thằng Mỗ từng nghĩ, học xong nó sẽ thoả mãn và hạnh phúc, vì sẽ có công ăn việc làm tốt, mua  những thứ nó muốn, có gia đình tuyệt vời, sở hữu mọi thứ. Nhưng, mọi nỗ lực để đạt được hạnh phúc viên tròn ấy đã không xảy ra. Làm sao có thể chấp nhận một đời sống bao gồm cả đau khổ và tổn thương? Phải sống thế nào nếu giấc mơ hạnh phúc kia không xảy đến? Trải nghiệm cuộc đời thăng trầm, thằng Mỗ nhận ra sự thoả mãn trọn vẹn là điều không thể có trong thế giới trần gian này. Đó là một ảo tưởng về hạnh phúc. Nhận ra như thế, làm cho tâm hồn thằng Mỗ khó chịu và cảm thấy trống rỗng. Một khát vọng vô biên xuất hiện.

    IMG20181108224441

    Ảo tưởng về “tiêu khiển”

    Thằng Mỗ lại cho rằng, phải lao vào trải nghiệm những thứ mới mẻ, cái mới mẻ sẽ mang lại niềm vui. Không ngồi yên, nó lao vào những trải nghiệm mới, những trò chơi mới, sở thích mới, dài vô tận. Nào là đi du lịch, nào là thiết bị hi-end, nào là băng đĩa cổ, nào là thiết bị chụp ảnh từ cổ đến tân, nào là điện thoại di động, nào là xe cộ đồ chơi, thể thao bóng đá, ca hát nhạc kịch, trò chơi trí tuệ, cờ tướng cờ vua, ngồi lê đôi mách, lễ hội văn hoá… thằng Mỗ tự nhủ rằng những ồn ào nhộn nhịp ấy sẽ mang lại niềm vui cuộc sống, hạnh phúc miên trường.

    Nó sợ ở yên một mình. Nó sợ một cuộc sống không có thú vui. Nó không hiểu tại sao có nỗi sợ ấy. Không làm gì một hôm, nó thấy cuộc sống vô nghĩa. Sống thinh lặng và một mình là một cuộc sống bất hạnh. Thằng Mỗ tìm mọi cách làm cho tâm hồn mình bay bổng. Cuộc chạy đua với tiêu khiển ấy là một cuộc đấu tranh quyết liệt, trốn tránh thực tại của sự vô nghĩa. Nó rùng mình. Phải chăng đời sống lấp đầy ý nghĩa và phong phú khi bận rộn với những hoạt động không ngừng ấy? Làm sao sống mà không có mấy thứ đó? Nó bắt đầu nghi ngờ về sự thật của ảo tưởng này. Những thứ ấy không lấp đầy khoảng trống ước vọng của đời nó.

    10

    Ảo tưởng về danh tiếng

    Thằng Mỗ nghĩ rằng đời nó được nâng cao hơn và làm cho phong phú hơn khi có một chiến lợi phẩm nào đó, một bằng cấp nào đó, một phần thưởng nào đó, một kỳ tích nào đó, một địa vị, một danh vọng, một quyền lực nào đó. Nó tin mấy thứ đó mang đến cho đời sống nó một thực tại mới mẻ hơn, là “ai nào đó” hơn trước thiên hạ. Đời nó sẽ trọn vẹn.

    Nhưng, nó không thể hiểu vì sao báo đăng tin một người nổi tiếng lẫy lừng lại sống trong bất hạnh khổ tâm, một ngôi sao tìm đến cái chết khi đối diện sự thất vọng trống rỗng cùng cực ngay khi giàu có và đầy danh vọng, một thần tượng thể thao bỗng nghiện ma tuý… Chúng khiến cho Mỗ nghĩ rằng phải chăng danh vọng, quyền lực, tiền tài không làm cho đời sống của họ được nâng cao hơn. 

    Bấy lâu, thằng Mỗ vẫn tìm cho được chút hơi hám của danh tiếng, sự đảm bảo của vật chất tiền tài… cơ mà. Nếu chúng là trống rỗng thì cuộc hành trình này thật mất đi ý nghĩa. Không thể đối diện với điều đó, thằng Mỗ tiếp tục với ảo tưởng này và cuốn theo nó. Ngoài kia, người ta vẫn đánh giá dựa trên quyền lực, danh vọng, tiền tài và bị chi phối bởi những giá trị đó mà. “Miệng nhà quan có gang có thép” mà. Không có chúng thì mặc nhiên thuộc nhóm vô danh tiểu tốt, thấp cổ bé họng. Ừ thì ai cũng đồng ý chúng là những giá trị thật, rất thật. Ảo tưởng ấy tiếp tục tồn tại.

    IMG20181115210256 scaled

    Ảo tưởng về bất tử

    Thằng Mỗ sợ chết. Mà ai cũng vậy và Mỗ cũng như ai thôi. Thằng Mỗ cũng lên rất nhiều kế hoạch chương trình, hướng tới tương lai, giả định rằng có đủ thời gian hoàn thành chương trình cuộc đời và không tính đến cái chết ập đến phá vỡ xáo trộn chương trình ấy. Dĩ nhiên, tuần sau thằng Mỗ vẫn còn sống để đến trả lại cho thư viện cuốn sách. Dĩ nhiên, hai tháng nữa thằng Mỗ đi dự khai trương quán chè của thằng em. Nó luôn mặc định như thế.

    Không phải thằng Mỗ không chấp nhận chết là một phần của đời sống con người. Nhưng, sự thật này không được xét đến trong trường hợp của Mỗ. Làm sao Mỗ có thể ngồi nghĩ về tấm bia mộ với tên nó trên đó, không thể tưởng tượng nổi mọi người nói về Mỗ thế nào sau khi nó chết. Xét cho cùng, bọn họ sẽ chết trước Mỗ chứ! Ý thức tiềm ẩn luôn là như thế trong Mỗ. Lạ lùng là Mỗ luôn nghĩ rằng chết chỉ đến vào giây phút đặc biệt nào đó. Không phải nó có thể đến bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Một sự thật bị giấu đi, rằng đời sống của Mỗ sẽ tiếp tục tồn tại vô hạn định. Một ảo tưởng về một đời sống bất diệt bao trùm lên tâm trí Mỗ cách lặng lẽ như thế.

    IMG20181109201142

    Ảo tưởng về lãng mạn

    Thằng Mỗ đọc vài tiểu thuyết và xem vài bộ phim. Ở đó, những anh hùng và nữ anh hùng đối diện với thử thách và xung đột, nhưng cuối cùng mọi thứ có hậu. Họ kết hợp với nhau và một tương lai tràn đầy tình yêu hoàn hảo. Thằng Mỗ thấy đời mình sẽ giống như câu chuyện tình lãng mạn trong tiểu thuyết và phim ảnh. Hoàng tử gặp công chúa, phải lòng nhau, rồi sống đời đời hạnh phúc. Một ảo tưởng về sự lãng mạn ngự trị trong tư tưởng thằng Mỗ.

    Quay lại thực tế, quan sát đời sống cha mẹ thằng Mỗ, đời sống người thân của Mỗ, bạn bè của Mỗ, nó thấy giấc mơ lãng mạn kia thật ra là một sự hời hợt. Tình yêu của con người không bao giờ đạt tới kết hợp hoàn hảo của con tim. Nhất thiết phải gồm có khổ đau và xung đột. Mối liên hệ tình cảm của con người luôn khiếm khuyết, đòi hỏi một khả năng đón nhận, bao dung.

    Biết thế, nhưng mà thằng Mỗ vẫn có khuynh hướng ở lại trong ảo tưởng của nó. Nó cứ tin một cách trấn an rằng đời nó thì đặc biệt và không phải trải qua những trải nghiệm như người khác trải nghiệm. Nó cứ nghĩ nó sẽ hoàn hảo hơn người khác. Thằng Mỗ trong sâu thẳm, biết thì biết vậy, vẫn không chấp nhận phần lớn tình yêu con người là không hoàn hảo.

    IMG20181115210256 scaled

    Ảo tưởng về chuyện buồn

    Sáng nay, thằng Mỗ đang nghe tin trên Timi về lạm phát, vật giá leo thang, sự khan hiếm hàng hoá, khó khăn về kinh tế, những cuộc chiến tranh, sự đàn áp chính trị, những tai nạn, những lừa đảo, những vụ án, chết chóc, tội ác, thảm hoạ… Dường như cả giới truyền thông tập trung vào tình trạng tiêu cực của cuộc sống. Hình như đó mới là “tin tức” với họ. Ở đâu những chuyện về thịnh vượng, bình an, ổn định, hạnh phúc? Vào nhà thờ thì đó là nơi không có niềm vui, những buổi suy niệm về tội lỗi con người. Đến nhà chùa thì được thuyết giảng sứ điệp về sự dữ ở lòng dạ con người. Tại sao mọi người có khuynh hướng khó nhìn nhận một điều gì đó cao quý, đẹp đẽ, hạnh phúc có thể hiện diện trong đời sống con người?

    Thằng Mỗ tự thấy, ảo tưởng về “chuyện buồn” có ngay trong mối liên hệ của nó. Nó dễ dàng giả định rằng người khác nghĩ xấu về nó, không thích nó, không ủng hộ nó. Khi phải nói về một sản phẩm, một lối sống, một ai đó hay một cộng đồng, thằng Mỗ nghĩ ngay đến nhưng tiêu cực, xấu xa, những khó khăn và đáng buồn đáng chê bai. Rất khó để thằng Mỗ nhìn những tiêu cực chỉ là ngoại lệ, những người nó gặp thường là người tốt. Nó vẫn có khuynh hướng sống trong ảo tưởng về “cái buồn” rất mạnh mẽ.

    IMG20181116215805

    Một điều lạ lùng!

    Lạ lùng làm sao cuộc sống bình thường của Mỗ lại quá vòng vèo. Điều thú vị là khuynh hướng sống trong ảo tưởng đến từ một nền văn hoá. Nó như là di sản văn hoá dẫn dắt từng người trong cách sống và nhìn đời sai lạc. Chẳng phải chỉ cho người bị tâm thần, mà là cho tất cả. Có lẽ, phải ngẫm để thấy rằng mình có thể thoát khỏi ảo tưởng này, để sống với đòi hỏi của sự thật, phải tách ra khỏi sự tiếp cận mang tính truyền thống văn hoá định sẵn. Mỗ nghĩ thế.

    Dẫu thế nào, Mỗ từng miêu tả con người là sinh vật có lý trí. Tức là lý trí hướng dẫn con người một cách hợp với phẩm tính lý trí ấy. Nhưng cũng lý trí này, con người lại tương thích với sự vô lý hiện diện trong những ảo tưởng kia. Phải chăng, con người cần được mô tả như là những sinh vật vừa có lý trí, vừa không nhỉ! Mỗ thấy lạ lùng!

    IMG20181109201142

    Làm sao bây giờ?

    Mỗ biết “ảo tưởng” là cái nhìn sai lạc về thực tại. Phải chăng ảo tưởng bám lấy con người, vì con người luôn có nỗi sợ hãi? Một sự sợ hãi không dám chấp nhận sự thật về đời sống mình? Phải chăng con người không muốn đối diện với đau khổ mà cuộc sống mang đến? Phải chăng chính sự sợ hãi trong sâu thẳm làm cho con người muốn chạy trốn thực tế, chối bỏ thực tế? Hay phải chăng con người đòi cho mình một thứ vốn không bao giờ là của mình? Phải chăng đó là vì Mỗ cần sự đồng thuận của người khác, một cảm giác an toàn đến từ của cải và danh vọng, một sự trấn an của việc tự cho mình là đúng? 

    Nhiều khoá học ra đời, nhiều đạo lý xuất hiện, nhiều tôn giáo đề nghị một số phương pháp, để thoát khỏi những ảo tưởng và để sống trong sự thật. Có những phương pháp bao gồm từ việc khai trí đến khai tâm và thực hành, có phương pháp bao gồm cả những thực hành đời sống khổ hạnh buông bỏ, có phương pháp suy ngẫm và giải phóng ý thức, có phương pháp thực hành luân lý lôi kéo con người ra khỏi chính mình… Sự cố gắng của các phương pháp không hề đơn giản và dễ dàng, nhưng đó là con đường đối ngược lại với những ảo tưởng này cho cuộc sống con người. 

    tuanlionsg 8/2022

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận