Danh vọng…

-

Ai mà không tham danh chuộng lợi? Hãy nói thật đi! Tận thẳm sâu trong lòng mỗi người, có nhu cầu ấy, nhu cầu danh vọng. Có sự nghiệp đứng trong trời đất. Không công danh, thà nát với cỏ cây. Chữ “danh” liền với chữ “thân” mà. Danh vọng tự thân nó tốt mà.

Danh vọng có khi là kết quả của tài đức, của sự cố gắng, sự cố gắng như cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa:
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng phi thường đâu đấy tỏ
.” 

Lòng tham vọng ấy cao quý lắm! Đầy chí khí. Nhờ nó mà nhân loại có biết bao nhân tài kiệt xuất, trong mọi lãnh vực, từ cầm súng chiến đấu đến cầm cày làm kinh tế, từ cầm bút làm khoa học đến cầm tiền làm kinh doanh…  Hồi ký lẫn tổng hợp danh nhân đầy hết ngoài nhà sách, nên không cần kể ra ở đây.

Nhưng,
thời nay,
một thứ danh vọng khác mà tổ tiên xưa ít biết đến. Một thứ danh vọng chỉ có chiều rộng mà không sâu. Danh vọng này dựa trên cái mà người ta gọi là “đắc nhân tâm”. Kiểu như:

Anh này, chị nọ bình dân lắm. Được lòng người. Có tiếng khắp gần xa… nổi tiếng trên mạng.”

Mối nguy hiểm của thế hệ giới trẻ hiện đại không phải là chủ nghĩa khoái lạc, hưởng thụ tiện nghi, cuốn theo sự chi phối của công nghệ, cho bằng sự tôn thờ những anh hùng giả tạo.
Anh hùng gì? Anh hùng rơm!
Cho một bó lửa, hết cơn anh hùng
”.

Danh vọng, theo quan niệm thời mạng xã hội, căn cứ vào dư luận đám đông quần chúng, của truyền thông định hướng hơn là vào tài đức cá nhân thật. Quần chúng cho tôi là có tài đức? Chỉ một lời khen, những còm-men, những con số lai, bấy nhiêu đủ làm cho tim tôi nở ra, ngực tôi phồng lên, má tôi ửng hồng, trán tôi vênh vang… Còn tôi tài đức thật hay không? Đó là một chuyện khác. Mà cũng chẳng ai bàn đến làm gì. 

Nhưng thật khổ!

Có cái gì bấp bênh hơn dư luận? Khi may thì sát cánh, tâng lên chín tầng mây xanh, tung hô nói tốt. Khi rủi thì tránh xa, đả kích, nói xấu dèm pha vu khống:
Khi vui thì vỗ tay vào,
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai?

Có cái gì vụ lợi cho bằng dư luận? Nhất là thời dư luận định hướng theo mọi mục đích phía sau, từ chính trị cho đến kinh tế, từ giáo dục đến vui chơi. Cái gì có lợi thì có đám đông. 
Khó hèn thì chẳng ai nhìn,
Đến khi đỗ trạng, chín nghìn anh em!

Có cái gì hời hợt, bất công, bị tình cảm chi phối cho bằng dư luận? Nó như con sóng. Ném hòn sỏi xuống mặt nước, càng lâu nó càng lớn, càng nhây nó càng lan rộng… cho tới khi mất tích trên mặt hồ. 
Còn duyên kẻ đón người đưa…
Hết duyên, đi sớm về trưa… một mình.

Có cái gì bi đát cho bằng dư luận? Khi sống được hàng trăm triệu người theo dõi, khi chết chỉ có 12 tên gia nhân lạnh lùng đưa tang, là chuyện Louis XIV hoàng đế Pháp. Khi sống thì cả thế giới khao khát thả tim, khi chết thì cô độc như Marylin Monroe. “Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa” (Không Tên số 4).
vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi
.” (Tản Đà)

Danh vọng xây trên dư luận phải được hưởng thụ như làn gió mát giữa trưa hè. Nó tới mơn trớn vuốt ve mặt mũi tóc tai tôi, rồi qua đi trong chốc lát, để lại cơn nóng bức càng nóng bức hơn. Để rồi cảm thấy buồn rười rượi “chống tay ngồi ngẫm sự đời… muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm.”
Cây cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng, càng dày gian truân
.”

Nhưng danh vọng có mang lại hạnh phúc hơn không? Hạnh phúc phải là cái gì đó thuộc về hoàn toàn và vĩnh viễn chứ nhỉ! Nhưng danh vọng nói chung và dư luận nói riêng phải lệ thuộc thị hiếu thất thường của người đời.
Mùi phú quý nhử làng xa mã, 
Bã vinh hoa lừa gã công khanh… 
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không
.” 

Đó là chưa kể, “có những người cho tôi là đức độ vì họ thấy tôi không quịt nợ, thấy tôi nghiêm trang… Nếu họ biết rõ sự thật về tôi, họ sẽ xa lánh tôi như xa lánh ôn dịch vậy.” Nếu mà nói tốt, họ cũng nói tốt quá lên; nếu mà nói xấu, họ cũng nói quá xấu lên. Mấy khi được tôn trọng sự thật như là sự thật. 

Người hạnh phúc thật ít khi bận tâm về dư luận mổ xẻ mình. Danh vọng thật, không ở chỗ dư luận quần chúng, mà ở sự phán xét của Trời Phật, của Chúa.
Ta không sợ lời anh em bình phẩm,
không sợ tòa án thế gian
.” (Qui judicat me, Dominus est).

Danh vọng lâu bền chỉ được xây đắp ở cuối đường đời, chết mục nát đi, khi mà lớp sơn hào nhoáng bên ngoài đã được Trời Đất cạo rửa đi, mọi thực trạng trưng bày ra ánh sáng. 

  • Nguyễn Trường Tộ mất rồi, hậu thế mới thấy đây là một bậc “anh tài bác học, tri thức quốc tế” vào bậc nhất.
  • Hàn Mặc Tử qua đời, dân Việt mới biết có một thi sĩ thiên tài đến vậy.
  • Têrexa chết rồi, thế giới mới hay đó là một vị đại thánh.

Danh dự ngoài xã hội và danh dự thật trong tâm hồn vẫn cứ giằng co. Khó lắm! Đến một đoạn nào đó của đường đời, trải qua bao thăng trầm thế sự, với người với đời, người ta lại mới có thể “sống hiền từ và khiêm tốn, với niềm hy vọng gặp được sự an nhàn.”

tuanlionsg 11/2022

Bài trước
Bài tiếp theo
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận