Trang chủBlogNgẫm nghĩLưỡi không xương...

Lưỡi không xương…

-

Chuyện rằng một danh nhân tên là Xanthos sai người hầu Esope đi chợ và dặn:
Esope, mày ra chợ mua cho tao món ăn gì quý nhất, tốt nhất, đặc biệt nhất.
Esope nhanh nhẹn phi ra chợ mua một xâu lưỡi mang về. Xanthos hỏi:
Sao mày mua toàn lưỡi thế?
Vì tôi nghĩ trên đời không có gì tốt hơn lưỡi. Đó là mối dây đoàn kết của xã hội, chìa hoá của khoa học, cơ quan của lý luận, của luân lý, của mỹ thuật và chân lý.
Hôm sau, Xanthos sai đi chợ nữa và dặn:
Ra chợ mua món gì dở nhất, xấu nhất.
Esope cũng mua toàn lưỡi. Xanthos hỏi vì sao.
Thưa ông, tôi trộm nghĩ, lưỡi là thứ lợi khí nguy hiểm nhất trên đời. Nó là mầm loạn ly tranh đấu, là nguyên nhân mọi chia rẽ, hiềm thù, ghen ghét, quê hương của ngụy biện, của vu cáo, của hành vi bất tín bất thành.

Do câu chuyện đó mà có thành ngữ “Lưỡi của Esope” (Langues d’Esope)

Tục ngữ ta có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.”
Kiểu gì nói cũng được.
Ở sao cho vừa lòng người?
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê!
Cao chê ngổng, thấp chê lùn,
Béo, chê béo trục béo tròn
Gầy, chê xương sống xườn sườn bày ra
Không ngoan thì bảo rằng ngoa
Vụng dại thì bảo người ta rằng đần.
..”

Người xưa dạy: “Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.” Bây giờ thì kiểu như ngược lại: “Phải nói bảy lần trước khi uốn lưỡi.” Thấy ai chống cằm suy nghĩ thì bảo: “Mày bị viêm màng óc à!” Nhưng nói nhanh nói vội nói sai thì cũng bị chê là: “Mồm nhanh hơn não.” Có người còn chủ trương “không cần nói hay, chỉ cần hay nói“, “nói sao cho cuốn” mà không cần “nói sao cho đúng”.

Cụ Tản Đà nói: “Cái chứa đầy trong bụng” sẽ trào ra đầu lưỡi. Lòng đầy sẽ trào ra miệng. Có lẽ vậy mà khi muốn biết bệnh tình thế nào, bác sĩ hay bảo bệnh nhân: “Lè lưỡi!” Lưỡi có những tín hiệu nói lên tình trạng của thân thể. Lưỡi cũng bộc lộ được tình trạng của tâm hồn. Muốn biết tâm trạng của một người, không có cách nào hiệu quả bằng lắng tai nghe họ nói. Sách Huấn Ca nói rằng: “Sự khôn ngoan và lương tri của một người được chứng minh bằng đầu lưỡi của họ” (In lingua sapientia dignoscitur, et sensus et scientia et doctrina in verbo sensati) Hc 4,29.

Socrate thường nói chuyện với bạn ông rằng:
Hãy nói lên đi!
Cho tôi biết được ngài là người thế nào
.”
Kiểu như: “Vàng thì thử lửa thử than, chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.” Quả đúng “Lời nói là tiếng dội lại của tâm hồn.” (Mt 22,34).

Từ thời Aristote, khoa hùng biện được thiên hạ khai thác triệt để, nhưng chú trọng nhiều đến kỹ thuật nói, ít quan tâm đến phương diện luân lý. Nếu phải chọn một nghề, thì nghề đáng sợ nhất là nghề dạy học, nghề làm sách, làm báo. Một bác sĩ vụng về có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Kẻ lợi dụng ngôn ngữ, tư tưởng, xáo trộn sự thật, đánh lạc hướng, gieo vào đám đông những mầm tư tưởng sai lạc, cũng là những sát nhân vậy. Hậu quả có thể là tiêu diệt cả thế hệ, chôn vùi cả nền văn hoá. Cho nên, cổ nhân dạy: “Kẻ làm thuốc dở, thì hại một người. Kẻ làm văn hoá dở, sẽ hại cho cả dân tộc.”

Khoa học vẫn đang cố gắng nghiên cứu ghi lại tiếng nói của con người dựa vào các luồng sóng âm. Người ta hy vọng rồi sẽ được nghe lại tiếng nói của các danh nhân từ thời thượng cổ, trung cổ. Nếu thành công thì có sự trùng hợp:
Trăm năm bia đá còn mòn,
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
.”

Có thành công không? Không biết. Chỉ biết rằng một lời phán xét, khi đã ra khỏi miệng, muôn ngựa cũng không đuổi kịp. Lời nói gió bay. Muôn ngã đường. Vào tai người này, lại chui ra miệng người nọ mà lan đi. Cái từ “phong thanh” (hay nói là phong phanh) là theo nghĩa đó, phong thanh là âm thanh bay theo gió. Lời nói như chim sổ lồng bay đi theo gió.

Vàng sa xuống nước khôn tìm,
Người sa lời nói như chim sổ lồng
.”

Nếu là lời xấu thì nó bay đi gieo rắc âm u trong không gian, làm cho bao lá phổi hít vào phải nghẹt thở. Sống trong một không khí xã hội quá ít lời lẽ khích lệ, an ủi, yêu thương, nhưng ngập tràn dày vò ném đá, lạnh lẽo, chán đời, thất vọng. Một lời vô tâm, thiếu lễ độ, sắc cạnh chua cay mà bao người chung quanh bị sỉ nhục cay đắng, khóc trộm tủi thầm. Thay vì đa nghi, chanh chua, thổi lông tìm vết, vạch lá tìm sâu, giả như cao trọng hơn, xây dựng hơn, đi tìm điểm đẹp nơi nhau. Lắng nghe đã khó. Lắng nghe không phán xét, không vội vã dán nhãn thì càng khó vạn lần.

Nhân vô thập toàn!
Nếu trên đời không ai tốt toàn diện, thì cũng không ai xấu toàn diện. Nếu mình không thấy họ xấu toàn diện, nhưng vẫn không nhận thấy một điểm tốt nơi họ, thì chỉ vì, mình ghen tức. Nếu không nói được lời xây dựng, phản biện tích cực, lòng tốt tràn ra, thì lời người xưa sẽ nói: “tham thân hại kỷ, lợi khẩu tổn thân”.
Lòng tham lợi thì hại mình,
Miệng hay nói bậy thì tổn thân.
Ngươi xét đoán người đời như thế nào,
Ta cũng sẽ xét xử ngươi như vậy.
Ngươi đong cho họ đấu nào,
Ta sẽ dùng cùng một đấu ấy,
đong lại cho ngươi
.” (Mt 7,2)

tuanlionsg 9/2022



Bài trước
Bài tiếp theo

2 BÌNH LUẬN

Theo dõi
Thông báo của
guest
2 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận