“Không có cô gái nào thích một chàng trai có 6 múi hơn chàng trai có 6 chiếc xe. Thế nên, hãy ngưng tập gym và lăn ra đường kiếm tiền đi.” Bạn mình share lại lời ấy của một Shark nào đó trên phết-búc và bảo: “Bốc phét ít thôi!”
Có lẽ Shark ấy chỉ muốn khuyên các bạn trẻ hãy chăm lo làm việc nhiều hơn, điều tốt đẹp sẽ đến thôi nhỉ. Bởi cũng có nhiều bạn trẻ quá chăm lo bản thân mà quên công ăn việc làm chăng. Nhưng, rất dễ tạo cảm nghĩ tức thì khi đọc câu ấy, đó là một câu nói rất chủ quan và có thể làm buồn nhiều cô gái lẫn nhiều chàng trai. Chẳng phải cô nào cũng chọn như thế, vì nếu như thế thì thật không biết loài người đang sống trong nền văn minh gì. Cũng thế, chẳng phải chàng trai nào tập gym cũng đang không có 6 xe, biết đâu họ đang có tận 60 xe và cần chăm sóc bản thân hơn. Về mặt lập luận, đó là một câu giả định ngụy tạo, thậm chí xúc phạm nữ giới và xem thường các chàng trai kia. Nhưng đó chỉ là cảm nghĩ chợt đến khi đọc. Cái mà mình nghĩ tiếp theo là, tại sao người ta có thể nói được câu như thế? Có lẽ đó cũng là một phần thực tế đang diễn ra? Một xã hội đang khoe khoang tô điểm, đến với nhau bằng lợi ích, tiền là tiên là phật chăng?
“Có tiền kẻ rước người mời,
Hết tiền chẳng thấy một người nào ưa.”
Không ai phủ nhận công dụng tiền tài. “Không tiền cạp đất mà ăn”, người ta hay nói thế. Trên răng dưới cát-tút đói meo chém gió bằng phím cũng không nổi thì to mồm với ai. Bao nhiêu cái sĩ diện ngày nay có vẻ chẳng còn thá gì. Kiểu như tiền chi phối mọi thứ, có tiền là có tất cả. Nên muố như người thì bằng mọi cách phải lắm tiền. Tiền cho ta tiếng nói, giúp ta bịt miệng người. “Trong tay đã sẵn đồng tiền, dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì” (Nguyễn Du).
“Hễ không điều lợi khôn thành dại,
Đã có đồng tiền dở cũng hay.”
Trong phim Prison Break, nhân vật chính Michael nói với anh mình: “Không có tiền, đi đâu làm gì cũng khó.” Sau đó hai anh em quyết chí đi lấy cho được bao tiền. Chẳng biết có chắc chắn rằng: “Mạnh về gạo, bạo vì tiền. Lắm tiền lắm gạo là tiên trên đời” hay không. Chỉ thấy, vô số điều tréo ngoe trong cuộc sống. Người ta nhìn nhau qua lăng kính đồng tiền. Tình nghĩa nếu có, là thứ tình nghĩa đậm mùi kim tiền. Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa có nói:
“Đồng tiền không phấn không hồ,
Đồng tiền khéo điểm khéo tô mặt người.”
Mà, chẳng phải là đời người với người đời, người dưng nước lã đâu. Cả những người trong nhà đồng xương đồng thịt, đồng tịch đồng sàng, lắm khi cũng có những câu chuyện như vậy. “Đồng tiền đi liền khúc ruột” mà không phải là ruột thịt anh em. Bao nhiêu tranh giành, cãi cọ, kiện thưa, dèm pha, nói xấu, ép người. Tóc trên đầu, dẫu nhiều bao nhiêu, bứt ra một sợi, thấy đau. Tiền bạc, dẫu mông mênh đến mấy, mất đi dăm đồng, cũng điếng người lên. Không khéo, tiền làm cho tâm hồn người nên sắt đá.
“Chim quyên nó đậu bụi riềng,
Dẫu bà con ruột không tiền cũng xa.”
Nhắc lại chuyện anh Shark bên trên, bạn mình viết sờ-ta-tút rằng: “Lớn rồi, bốc phét ít thôi. Phúc đức may mắn là 1 đặc ân, phải biết trân trọng và thầm cảm ơn số phận, đừng dựa vào đó để nói phét, không ai may mắn mãi được. Nhìn anh Quyết mà làm gương… Nói nhiều thành ra nói tào lao. Mỗi người một đặc ân… Chưa chắc ai giỏi hơn ai!!!” Đọc rồi nhớ câu chuyện rằng:
Năm ấy, mưa thuận gió hòa. Trên các cánh đồng quê, lúa mùa nặng trĩu, chín đỏ rực. Một gia chủ giàu có nọ, đã giàu lại còn giàu thêm. Lúa thóc gặt về chất thành cồn thành núi. Sân trước đày tràn. Sân sau hết chỗ! Ông chủ lim dim cặp mắt:
– Phải thu xếp sao đây? Trữ mùa vào đâu cho gọn được? Ta sẽ gọi thợ dựng thêm dăm bảy cái kho nữa! Hỡi hồn ta ơi, hay vui say lên! Chúng ta thành nhà đại phú. Hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi, nếm sao cho hết mùi đời…
Bỗng một tiếng từ đâu vọng xuống, kinh khủng hơn sấm sét bên màng thái dương:
“Hỡi người khờ dại!
Đời mày đến đây là tận số.
Hãy đứng dậy
Ra khỏi đây với hai bàn tay trắng.”
(Lc 12, 16)
tuanlionsg 9/2022