Trang chủNgẫm nghĩĐời & ngườiMối liên hệ ở đời

Mối liên hệ ở đời

-

Thằng Mỗ là người vui tính. Nó có nhiều bạn lắm. Bạn bè nó có người nó kêu bằng chú và cả người kêu nó bằng chú. Bạn thằng Mỗ ở khắp nơi. Họ đến từ nhiều tầng lớp khác nhau. Thằng Mỗ thấy đó là niềm vui cuộc sống. Nó nâng niu và trân trọng từng người bạn nó. Chẳng hiểu sao, dạo gần đây, nó thấy khó hiểu về những mối liên hệ ấy. 

    “Cái tôi” chơi với “cái mày”

    Thằng Mỗ đứng trước gương, nó thấy hình nó trong đó. Nó gọi tên, chỉ nghe tiếng của nó. Nó kéo tai, chỉ có tai nó có cảm giác. Nó nghĩ, cái hình trong gương không phải là nó. Nó bước ra ngoài, trước mắt nó là dòng người đang chen nhau ngoài phố. Nó thấy nó “tách biệt” với người khác. Nó nhìn người khác như nhìn một đối tượng bên ngoài tâm hồn nó. Bỗng có ai đó giơ tay lên chào nó giữa dòng người ấy. Thằng Hùng, đứa hay đi chụp hình chung với nó. Thằng Mỗ một thời say mê ảnh do thằng Hùng chụp. Nó từng nói là nó “phải lòng” cách thằng Hùng nhìn cảnh vật và cuộc sống. Từng khung ảnh của thằng Hùng đều được thằng Mỗ ngấu nghiến. Mỗi khi gặp thằng Hùng, Mỗ rất hào hứng và vui vẻ. Nó từng nói, Hùng là bạn của nó. Nhưng nay, nó nghĩ khác.

    Nó nghĩ khác. Mỗ nó có trải nghiệm cảm xúc rất riêng tư, chủ quan, không hề có một sự ràng buộc hay nối kết nào giữa Mỗ và thằng Hùng cả. Cả hai vẫn là hai cá nhân tách biệt, khác biệt. Cảm xúc chủ quan của Mỗ chỉ là thể hiện cái biết của Mỗ về một người khác đặc biệt hơn dòng người kia thôi. Người khác bị xem là đáng ghét là vì cảm xúc giận của Mỗ, người khác được xem là đáng thèm muốn vì đó là sự thèm muốn của riêng Mỗ. Hình ảnh người khác thế nào là do Mỗ phác hoạ bên trong nó. Hình ảnh ấy không là một ý thức về tính chất cá vị duy nhất của người khác. Mỗ chỉ thấy người khác với cách mà cảm xúc của nó tỏ bày cho nó thấy mà thôi. 

    Cái tôi sống như một chủ thể tách biệt và kinh nghiệm về người khác như một đối tượng. Trong mối liên hệ này, không có một sự đáp trả “cá nhân” với người khác. Ý thức về người khác chỉ gói gọn trong những cảm xúc riêng tư. Cái tôi của Mỗ ở đây tồn tại theo cách không liên hệ tới ai cả, như là một chủ thể cô độc, nó không phải là một ngôi vị. Thằng Mỗ bắt đầu hoang mang, nó duyệt xét lại các mối liên hệ xem trúng trật thế nào.

    Thằng Mỗ nhận ra có rất nhiều mối liên hệ chẳng có dính líu gì giữa cái tôi nó với người khác, và ngược lại, cái mày cũng chẳng dính líu gì đến thằng Mỗ. Cái tôi và cái mày chẳng khác gì ra cửa nhìn thấy đám đông, cảm xúc riêng biệt trong từng cái tôi ấy chẳng có liên can gì nhau cả. Trong nhiều mối liên hệ, thằng Mỗ thấy nó thấy thích hay ghét, thấy xấu hay tốt, từ thái độ chủ quan của riêng nó. Nó cố nhớ câu chuyện làm cho nó ghét thằng X con Y là vì gì, thích thằng Z con M là vì sao, nhưng dù là gì, thì cái thái độ chủ quan đó chính là cặp kính để nó nhìn người khác. Thằng Mỗ nhìn ai đó và chọn là kẻ thù thì nó là kẻ thù, chọn là bạn thì nó là bạn, chọn là ân nhân thì nó là ân nhân. Thằng Mỗ vỗ đùi cái đét. Nó như thợ vẽ “tô màu” cho bất kỳ điều gì nó nhìn nơi cá nhân người khác.  Cái tôi và cái mày không là một mối liên hệ!

    Mối liên hệ trục lợi

    Thằng Mỗ lọc ra những mối liên hệ khác, được gọi là “trục lợi”. Nó nhớ lại, một vài tình huống đời sống, nó cần đạt được mục tiêu nào đó. Nó lại nhớ đến người có thể giúp nó nên nó cố gắng tiếp cận và lợi dụng họ để đạt được điều Mỗ muốn.

    Thằng Mỗ thấy việc “lợi dụng người khác” là có thể đáng bị chê trách. Nó cố gắng biện minh cho bản thân. Chẳng cần ai đó thích hay không thích, nó lại thấy đó là chuyện bình thường trong cuộc sống xã hội hàng ngày. À thì cũng tuỳ lý do khi tôi cần người khác chứ. Tôi cần bác sĩ cho việc chữa bệnh và thuốc men. Tôi cần tài xế để đón đưa. Tôi cần bạn bề để an ủi và khích lệ động viên lúc lọ lúc chai. Mọi người vẫn tìm kiếm nhau để thoả mãn nhu cầu của nhau. Có qua có lại. Tài xế đưa tôi đi làm, anh ta có tiền để sống. Khách hàng thuê Mỗ sáng tạo ra sản phẩm thì Mỗ có tiền ăn cơm. Mỗ nghĩ miên man theo hướng đó, nó cũng thấy dễ chịu hơn.

    Người ta nói thằng Mỗ có “tài ngoại giao”. Đó là một kỹ năng giao thiệp với người khác. Thằng Mỗ nói đó là khả năng bắt người khác làm điều mình muốn. Thằng Mỗ từng làm nhiều việc có tên là “những mối quan hệ cộng đồng”. Công việc của nó là tạo ra và chăm sóc những mối liên hệ trong cộng đồng, là cách ứng xử linh hoạt nào đó với người khác, để điều khiển họ. Mỗ thấy mối liên hệ này có các đặc điểm chung:

    • Cao hơn mối liên hệ chủ thể và đối tượng trên kia. Mối liên hệ vì lợi ích này ý thức về người khác và có thêm tương tác với họ.
    • Ý thức về người khác trong mối liên hệ này xuất phát từ một mục đích nào đó của “tôi”. Người khác được hiểu như phương tiện để “tôi” thoả mãn mục tiêu của mình.
    • Mối liên hệ này chỉ dừng lại ở những hoạt động riêng lẽ, cá nhân, độc lập giao thiệp với người khác. Một mối liên hệ với nỗ lực làm chủ người khác, luôn có khoảng cách giữa chủ thể và người khác. 
    • Chủ thể không đối xử với người khác như những ngôi vị. Họ không có phẩm giá cá vị của riêng họ trong mắt anh ta, ngay cả khi cố gắng đạt mục tiêu của mình thì anh ta cũng phớt lờ thực tại ngôi vị của họ.

    Mối liên hệ theo chức năng

    Thằng Mỗ lại thấy, có một loại liên hệ thứ ba nữa. Đó là những dấn thân của nó với người khác. Trong đó, mỗi người đảm nhận những vai trò hay chức năng khác nhau. Thằng Mỗ ý thức người khác trong chức năng nào đó, liên hệ với họ trong giới hạn chức năng hay vai trò ấy. 

    Mỗ dạy học, mối liên hệ của Mỗ đối với học viên cơ bản là mối liên hệ theo chức năng. Học viên nhìn Mỗ – “một người” có chức năng trong lớp. Học viên nói chuyện với Mỗ hoàn toàn như là một giảng viên của họ. Mỗ nhìn học viên là “một người” ở trong lớp thôi, học và làm bài như là học viên. Mỗ và học viên không cảm nhận sâu về ngôi vị của nhau, vì điều đó nằm ngoài lớp học. Mỗ và học viên không có mối liên hệ với nhau như những ngôi vị. Tương tự, khi Mỗ xem một người giúp việc chỉ như người phụ các việc trong nhà, người ấy cũng coi Mỗ đóng vai trò trả lương. Trong ý thức giới hạn này của mỗi người, có sự thiếu vắng về ý thức người khác như là một ngôi vị. Mỗi người ý thức về cái tôi của mình giới hạn trong vai trò của họ, không còn ý thức về mình như là ngôi vị. 

    • Mối liên hệ này, có sự dấn thân sống động với người khác. Chúng ta sống với nhau trong ý thức rằng sự dấn thân là có qua có lại. Không có khoảng cách giữa cá nhân, không là một chủ thể độc lập và cô độc nữa. Học viên không đứng ở một góc nào đó quan sát ông thầy Mỗ. Ông Mỗ không phả là đối tượng của họ, họ cũng không phải là công cụ mà Mỗ tìm kiếm để đạt mục đích riêng. Sự dấn thân theo vai trò riêng của mỗi người, gắn bó vào trong việc đạt tới mục tiêu chung. Họ cùng hoạt động để hướng tới kết quả mục tiêu này.
    • Mối liên hệ này, có một lợi ích qua lại trong sự dấn thân. Thầy Mỗ và học viên làm việc cùng nhau để đạt được sự giáo dục và ở mức độ nào đó họ có sự tăng trưởng cá nhân. Trong xã hội, mối liên hệ hoạt động qua lại như thế với người khác, mọi người hướng tới sự phát triển con người tròn đầy hơn.
    • Mối liên hệ này, trong đó không có những cảm xúc cá nhân, không có liên hệ ngôi vị với người khác. Sự ý thức về người khác bị giới hạn trong vai trò chức năng họ đảm nhận khi dấn thân vào cùng một hoạt động. Nên mối liên hệ loại này cũng gần như có giới hạn.

    Mối liên hệ cá vị

    Loại thứ tư của những mối liên hệ xã hội được thằng Mỗ gọi là “liên hệ cá vị”. Để dễ hiểu, nghe thằng Mỗ kể chuyện. Bố thằng Mỗ mất đã lâu. Người qua đời, dù đã không còn, vẫn là yếu tố sống động trong đời sống thằng Mỗ. Ở đây, ta thấy không có mối liên hệ trục lợi, nó không thể nhờ Bố nó để đạt được một mục tiêu nào trong đời sống cả. Nó cũng không thể liên hệ theo chức năng hay vai trò, vì Bố nó không còn hoạt động gì nữa. Một liên hệ chủ thể – khách thể là khả dĩ, vì thằng Mỗ nhớ tới ông ấy và nghĩ về ông ấy. Chỉ có điều, sự hiện diện đích thực của ông trong đời sống thằng Mỗ thì vượt trên trí nhớ khách quan đó. 

    Thằng Mỗ, dù cho nó có mối liên hệ loại nào với người khác, thì người khác cũng luôn có đó nhận biết nó và chấp nhận nó. Chính hướng ngược lại này, mà thằng Mỗ biết về chính mình, ý thức về cái tôi của nó. Chính việc người khác có liên hệ với thằng Mỗ, làm cho cái tôi Mỗ trở nên như là ngôi vị. Một trong số những người khác đó, chính là Bố nó. 

    Đến đây, thằng Mỗ thấy, một phần ý nghĩa đời nó có bởi sự hiện diện của người khác, mà cụ thể ở đây là Bố nó. Không phải chỉ xảy ra trong khoảnh khắc khi nó nhớ đến ông và nghĩ về ông. Nó là sự hiện diện nơi hiểu biết của thằng Mỗ trong mọi hoạt động. Mối liên hệ với Bố, đã tạo nên thằng Mỗ như một ngôi vị, làm nên cái tôi của thằng Mỗ, tồn tại mãi trong ý thức của nó xuyên qua tất cả trải nghiệm cuộc sống cá nhân của nó. Những hành động nó làm là sự đáp trả ý nghĩa đối với Bố nó. Tất cả là một phần của cuộc đối thoại liên tục mà thằng Mỗ đang làm với ông ấy.

    • Trong mối liên hệ cá vị, có một cuộc sống với người khác, một sự qua lại lẫn nhau, tạo thành liên kết “chúng ta”. Một cuộc đối thoại không chỉ biểu lộ bằng từ ngữ, mà còn trong từng hoạt động của đời sống của hai cá nhân. Bên ngoài có thể tách biệt nhau, nhưng nhìn từ bên trong, cuộc sống này đan dệt lẫn nhau, trao đổi liên tục. Vượt cao hơn các mối liên hệ trên kia.
    • Trong mối liên hệ cá vị, có ý thức về người khác là duy nhất, tự do, lịch sử tính. Người khác xuất hiện như một quà tặng cho nhau. Mỗi người khác đáp trả theo cách khác nhau và mới mẻ không ngừng. Từng cá thể luôn mong mỏi nơi người khác và chính mình sự đáp trả ngạc nhiên vào ngày hôm sau.
    • Dẫu cho thằng Mỗ có thể liên hệ với người khác theo chức năng vai trò, nhưng ý thức về họ như một ngôi vị, không bị giản lược vào tính khách quan, sự lợi ích, phận vụ. Thằng Mỗ không cô đơn khi đối diện với đau khổ. Chính cái liên hệ cá vị làm thành cái “chúng ta”, chính “chúng ta” cố gắng, kiên nhẫn khi đối diện với nghịch cảnh khó khăn, khổ đau mà cuộc sống đem đến.
    • Trong mối liên hệ cá vị, có sự truyền đạt thường xuyên. Hai người gắn kết sẽ tiêu tốn lượng lớn thời gian bất thường để nói chuyện. Khi mối liên hệ phát triển, việc nói chuyện sẽ ít đi, nhưng luôn là một nhu cầu thường hằng có liên lạc cá vị. Không có nó, mối liên hệ này sẽ chết. Cuộc nói chuyện không chỉ là cảm xúc hay trải nghiệm của một người, mà là mỗi người tìm kiếm sự hiện diện của “đời sống người khác” như đang hiện tại. Trong đó, có một sự lắng nghe tích cực với người khác, một nỗ lực nghiêm túc nhạy cảm với điều đang xảy ra với đời sống người khác. Sự truyền đạt cá vị đòi hỏi không chỉ chia sẻ bản thân mà còn lắng nghe chia sẻ của người khác. Cuối cùng, sự truyền đạt ủng hộ tích cực cho cuộc sống cá nhân của người khác. 

    Tạm kết

    Cuộc sống con người phức tạp đáng ngạc nhiên. Mối liên hệ cá vị là mối liên hệ sâu xa nhất của con người. Chúng ta không thể chạy trốn cuộc sống, trong một thế giới ở đó ba mối liên hệ khác thống trị. Dẫu có nhiều thất vọng với giới hạn của các mối liên hệ kia, ai cũng được mời gọi vượt lên trên chúng, để sống một thế giới của những ngôi vị độc đáo. 

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận