Trang chủNgẫm nghĩĐời & ngườiTừ chuyện "Cậu bé rừng xanh"...

Từ chuyện “Cậu bé rừng xanh”…

-

Đôi lúc chán chường với bao nhiêu hắc ám ở đời và những nhiễu nhương của cuộc sống, thằng Mỗ muốn trốn xa con người. Một mái nhà tranh hai quả tim vàng, hoặc một đời sống cô tịch yên tĩnh nào đó, hoặc một mình ta giữa đất trời trên đảo hoang. Bao nhiêu chuyến thử nghiệm, tìm về với thiên nhiên cô tịch, rồi lại mò về với cuộc sống “nặng tính xã hội”. Tại sao thế?

    Cậu bé rừng xanh

    Có một cậu bé lớn lên bên ngoài xã hội loài người. Câu chuyện nổi tiếng trong tiểu thuyết của Kippling (Ấn Độ). Lạc vào khu rừng từ bé, cậu được chăm sóc bởi đàn sói thế giới loài vật, báo đen. Chúng nuôi cậu, bảo vệ che chở cậu. Cậu học hỏi để sống với chúng và tồn tại trong rừng cho đến khi 15 tuổi, cậu được người ta tìm thấy và đưa về đời sống của loài người. Ai đến gặp cậu đều sợ hãi, cho rằng cậu giống thú hơn giống người. Câu chuyện này giống với chuyện Tarzan được kể bởi Edgar Rice Burroughs). Điều gì xảy ra với cậu bé rừng xanh?

    Không có ngôn ngữ, cậu không hiểu người khác nói, không diễn tả trọn vẹn cảm xúc cho họ. Cậu không chắc chắn ai là bạn, ai là thù. Có hiểu lầm lớn trong đời sống cậu, vì cậu không tin người khác và họ cũng không tin cậu. Cuộc sống cậu khép lại nơi chính bản thân, không có khả năng biểu lộ nó cho người khác.

    Không có ý thức về luật lệ xã hội và ý thức luân lý. Đời sống cậu từng hoàn toàn chỉ là vấn đề sinh tồn “giống như loài vật”. Kiếm đủ thức ăn và bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm. Cậu không biết mình là thành phần của một gia đình hay của một cộng đồng. Cậu không biết mình được đòi hỏi để làm việc, để ăn, để mặc, để trả lời cho người khác như thế nào. Cậu sống vô luật lệ, không có ý thức về tội lỗi hay xấu hổ.

    Không có những mối liên hệ cá vị trong đời mình. Cậu không biết ai là cha mẹ mình, không biết tình huynh đệ, tình bạn. Trong rừng, cậu phát triển một quan hệ nào đó với loài vật, nhưng đó không thể là một quan hệ cá vị, chẳng hạn làm sao để thực hiện một lời hứa và giữ lời hứa ấy. Và, dĩ nhiên cậu cũng không có các kỹ năng cơ bản của con người, như đọc, viết, nuôi, trồng, nấu ăn, may mặc, làm nhà… không biết tán thưởng âm nhạc, nhạy cảm nhu cầu thánh thiêng…

    Cậu bé rừng xanh thiếu vắng phẩm tính căn bản của con người, khiến cho người ta gọi cậu là con vật hơn là một con người.

    Robinson Crusoe 

    Câu chuyện Robinson Crusoe cũng là một hình thức sống không có xã hội tính. Một người đã từng lớn lên trong xã hội, nhưng chọn lựa hoặc bị bó buộc sống một mình. Robinson Crusoe bị đắm tàu và dạt vào đảo hoang, bị bó buộc sống hoàn toàn cô độc. Để tồn tại, anh có ít đồ dùng từ con tàu. Khi đọc truyện này, chúng là thường khen ngợi sự tháo vát và tài năng của anh trong việc thích ứng trong tình huống khó khăn, để tồn tại. Chính khi khen những sáng tạo của anh là lúc nhìn nhận tính người mất dần nơi tình trạng cô độc của anh. Cái kết có hậu, là sự vui mừng khi anh được cứu thoát khỏi đời sống thiếu vắng nhiều điều quan trọng cho một cuộc sống con người. 

    Thiếu vắng người đồng hành, Robinson Crusoe không có ai để sống với, để nói với, để liên hệ với. Sự cô độc mà anh cảm nhận là sự trống rỗng trong đời anh. Cuộc đời con người không thể là con người tròn đầy khi thiếu sự đồng hành của người khác. Việc cơ bản nhất, hành vi nhân sinh thôi, ăn uống, chỉ có con vật ăn một mình. Chơi, cần có “bạn chơi”, chẳng có gì vui thú khi chơi một mình. Chẳng ai ăn một mình, chơi một mình, yêu một mình cả. 

    Robinson Crusoe rất bận rộn, nhưng không hề có một phận vụ nào để làm trong một xã hội cả. Anh chỉ bận rộn kiếm ăn, chỗ trú ẩn, chốn an toàn cho bản thân. Anh không có một vai trò xã hội nào để thực hiện. Anh không là cha một gia đình, một công nhân hay một lãnh đạo trong một cộng đồng. Nếu một công việc của cá nhân không được xã hội quan tâm, đời sống của người đó trở nên vô nghĩa và trống rỗng. Một cá nhân có sự đóng góp cho gia đình hay cộng đồng nhờ bởi kỹ năng và sức lao động của anh ta. Xã hội lệ thuộc lương thực mà người nông dân, người đánh cá làm ra, người thợ mộc, tài xế, công nhân… Nỗi buồn lớn lao của Robinson Crusoe là như thế đó.

    Thiếu vắng cơ hội để học hỏi điều mới, là phần chính yếu của cuộc sống. Là người, anh ta sẽ không bao giờ ngừng lớn lên, học hỏi kỹ năng mới, quen biết mới, thích ứng tình huống mới, tìm kiếm hiểu biết mới…. Quá trình như thế đòi hỏi sự hiện diện của người khác. Tất cả điều đó đều thiếu vắng trong đời sống của Robinson Crusoe. Anh dựa vào kỹ năng đã học trước đây, bây giờ anh sử dụng phát triển kỹ năng ấy, nhưng anh không thể học thêm kỹ năng mới.

    Cuộc sống cô tịch

    Một ví dụ thứ ba về đời sống tách ly xã hội. Có một gia đình nhỏ, sống trên hòn đảo cách xa đô thị. Họ sống với nhau, ăn với nhau, làm việc với nhau. Không ai phải sống cô độc một mình cả. Nhưng, thấy thì có vẻ rất đẹp và an bình, lại thiếu phương diện con người. Chúng ta cũng thường thích một kiểu sống như thế, nhưng chỉ trong thời gian ngắn ngủi thôi, chúng là lại chọn sống nặng tính xã hội hơn. Tại sao vậy?

    Những đứa trẻ trong gia đình đó chỉ biết anh chị em và cha mẹ chúng. Chúng không có cơ hội để làm bạn với đám cùng trang lứa khác. Không gặp người lớn hơn chúng, không gặp được người ăn mặc khác chúng, nói ngôn ngữ khác chúng, tôn giáo khác chúng, nghề nghiệp khác nghề đánh cá của gia đình chúng. Cuộc sống của chúng bị giới hạn, tước đi khả năng nơi chúng những tương tác nhân loại rộng lớn hơn. 

    Trên đảo hoang cô tịch, tài năng của chúng không được phát triển, nhân tính bị hạn hẹp. Không có cơ hội cho một đời sống tinh thần, giải trí, nghệ thuật, trò chơi, câu chuyện mới, thậm chí là cơ hội cho một đời sống niềm tin tôn giáo đầy đủ. Trong khi, một xã hội đầy đủ, một cá nhân có thể viết, sáng tác, làm phim, đan dệt, ẩm thực, chụp hình… làm giàu cuộc sống, trở nên một con người tròn đầy sáng tạo. Ở nơi cô tịch đó, con người không có cơ hội cho một sự phát triển đầy tràn về nhân tính.

    Cuộc sống xã hội không hoàn hảo

    Từ ba ví dụ trên, cuộc sống con người “không có xã hội” cho thấy thiếu vắng nhiều phẩm tính của con người, tuỳ trường hợp. Con người cần sống trong xã hội để có cuộc sống tròn đầy. Nhưng, đời sống con người thì luôn không hoàn hảo, ngay trong cá nhân lẫn đời sống xã hội. 

    Không ai có vẻ đẹp, sức khoẻ, trí khôn hoàn hảo. Không cá nhân nào đạt tới sự tin cậy hoàn toàn, có mối liên hệ hoàn hảo với người khác, phát triển tài năng của mình một cách hoàn toàn. Cũng vậy, không có dạng thức xã hội nào hoàn hảo, không có gia đình nào, tình bạn nào, văn hoá nào là hoàn hảo. Sống trong xã hội, không có nghĩa là ta vươn tới sự hoàn hảo về đời sống. Nó chỉ có nghĩa rằng, chúng ta có sự “đầy đủ” nào đó không có trong đời sống của cậu bé rừng xanh, của Robinson Crusoe hay của gia đình nơi đảo hoang tịch kia thôi. Có một điều gì đó hơn hẳn, nhưng hơn hẳn này không đạt tới sự hoàn hảo.

    Tạm kết

    Ba câu chuyện trên, mang chúng ta đến kết luận rằng con người trở nên con người đầy tràn hẳn là phải ở trong xã hội. “Tự bản tính, con người là xã hội” là vậy. Aristotele nhận ra rằng, nếu con người đã sống một cuộc sống cô tịch thì nó đã là một con thú, một điều gì đó kém tính người. Con người cần đạt tới cách sống của con người. Theo bạn, phải chăng nhân tính đời sống lệ thuộc tất yếu trong tình huống xã hội? Phải chăng những ai tách biệt khỏi xã hội hay người sống trong xã hội kém phát triển thì bị trở ngại trở nên con người đầy tràn hơn? Có thể có người đạt tới cuộc sống con người tròn đầy mà không cần xã hội? 

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận