Trang chủBlogThích & ghétNhu cầu hay nghiện?

Nhu cầu hay nghiện?

-

Năm 1850, Paul Julius Reuter dùng “nhân viên bưu tá” là chim bồ câu để trao đổi tin chứng khoán giữa Aachen (Đức) và Brussels (Bỉ). Phương tiện chuyển tin này rút ngắn thời gian nhiều hơn so với bằng tàu lửa lúc bấy giờ. The Reuter’s Telegram Company được thành lập không lâu sau đó. Reuters là hãng đầu tiên đưa tin về vụ ám sát Abraham Lincoln. Có hơn 14 ngàn nhân viên là phóng viên ảnh, nhà báo, nhà quay phim với gần 200 văn phòng ở 90 quốc gia. Dĩ nhiên, Paul Julius là người sáng lập hãng tin thời sự và tài chính quốc tế lớn nhất này.

Năm 1895, tại quán cà phê Grand Café ở Paris, hai anh em nhà Lumière đã tổ chức một buổi trình chiếu bán vé lần đầu tiên để xem 10 đoạn phim ngắn quay những cảnh đời thường, trong đó có bộ phim nổi tiếng La Sortie de l’usine Lumière à Lyon (Buổi tan ca của công nhân nhà máy Lumière ở Lyon). Buổi chiếu đó chính thức khai sinh nền điện ảnh và hiệu ứng lan truyền của nó dẫn tới sự ra đời phương tiện có khả năng trình chiếu hình ảnh chuyển động, chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngành phim tài liệu, phim tin tức ra đời và phát triển.

Năm 1900, Anh em nhà Pathé của Pháp trỗi dậy với công ty sản xuất và thiết bị điện ảnh lớn nhất thế giới, phát minh ra phim truyền hình được chiếu trong rạp chiếu phim trước khi làm phim truyện. Đặc biệt họ tiên phong trong việc sản xuất các thước phim tin tức (newsreels) hằng tuần tại châu Âu, và tần suất dần dần được rút ngắn xuống thành tin tức hằng ngày.

Năm 1960, Gordon McLendon, một doanh nhân người Mỹ, đã lập ra kênh phát thanh tin tức 24/7 đầu tiên ở Mexico. Sáng kiến này đã thu hút nhiều nhà đầu tư cho loại hình tin tức mới nổi. Đến năm 1980, Ted Turner đã thành lập CNN (Cable News Network – Mạng lưới Tin tức Truyền hình cáp), kênh truyền hình tin tức 24/7 đầu tiên trên thế giới.

Năm 1980, CNN ra đời kéo theo hàng loạt các kênh 24/7 khác, các nhà đài đối diện với áp lực phải tạo ra nội dung liên tục. Nội dung quyết định. Nhưng “sức người có hạn” thì không nói, mà là “lấy đâu ra thứ thức ăn dạng tin tức thu hút thị hiếu” mới là vấn đề. Và họ đã giải quyết vấn đề bằng cách mở rộng nội hàm “tin tức” là hầm bà lằng nồi lẫu gầm bất kỳ thông tin nào có thể thu hút sự chú ý của công chúng.

Năm 1990, vô số dạng tin tức ghi hình trực tiếp với nhiều suy diễn ngoài lề, suy đoán sự việc với nhiều bình luận dựa trên ý kiến chủ quan và các tin đồn. Người làm tin phải “diễn” trước ống kính mà không có đầy đủ chất liệu thông tin hoặc nguồn thông tin đáng tin cậy. Dĩ nhiên, càng ngày nội dung tin tức càng thiếu giá trị và chiều sâu. Nhưng áp lực phát sóng, đưa tin liên tục đã làm cho nội dung dần trở nên quen thuộc với độc giả và dần dà họ coi đó như dạng tin hàng ngày.

Năm 2000, truyền hình cáp tin tức 24/7 được xem là nguồn tin tức chính thống và có ảnh hưởng nhiều trong cộng đồng. Nhưng không lâu sau đó, Internet và mạng xã hội đã thay thế vị trí này và trở thành nguồn tiếp nhận tin tức chủ yếu của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Giờ đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) được kỳ vọng sẽ tạo ra các cuộc cách mạng tin tức tiếp theo.

Hôm nay, tốc độ truyền tin được tính bằng phần giây, hệ lụy của nó chính là sự lây lan của tin giả. Các nhà làm tin và nền tảng trực tuyến cạnh tranh gay gắt với nhau càng làm vấn đề thêm trầm trọng. “Ai cũng có thể là một phóng viên” đưa tin. Tin tức có thể là hình ảnh, quan điểm, sự kiện, thông tin đủ cả. Một vòng xoáy tin tức cấp tốc đã biến truyền thông, công luận lẫn cuộc sống mọi người vào vòng quay khó cưỡng tránh.

Một số trở thành “con nghiện” trong lốc thông tin như bão tố suốt ngày đêm. Chúng ta, và dĩ nhiên từ phóng viên chuyên đến chơi và cả người dân dùng mạng xã hội ở mọi ngóc ngách hang cùng ngõ hẻm trong xã hội, đủ mọi hạng tầng tầng lớp lớp, luôn có khuynh hướng như phản xạ tự nhiên là “chia sẻ ngay lập tức” cái mà họ nhận được bằng giác quan (tai nghe, mắt nhìn, mũi ngửi, lưỡi nếm, tày mò…) với khối tin sai lệch tràn lan khắp nẻo. Họ không đủ thời gian để kiểm chứng, đánh giá.

Công nghệ và điều kiện phát triển đáp ứng “nhu cầu thông tin” hay biến chúng ta thành “con nghiện thông tin” vô thức? Có lẽ dừng một chút, để không vội vàng võ đoán, suy nghĩ trước một thông tin, sẽ là cần thiết hôm nay.

tuanlionsg 12/11/2024

Để nhận thông báo bài hay, quà tặng, sự kiện:

*tuanlionsg tôn trọng quyền riêng tư của bạn.

Bài dành cho bạn:

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận