Hôm qua, mình đi Vĩnh Long dự tiệc cưới. Cũng như mọi tiệc cưới, anh dẫn chương trình nói những câu cung chúc cho đôi uyên ương. Nhưng lần này, nghe hơi khác. Anh ấy chúc cho đôi hôn nhân một cuộc sống hạnh phúc viên mãn tròn đầy, chúc cho họ sống lâu và trẻ mãi. Xét cho cùng, ngoài khao khát mãnh liệt một cuộc đời hạnh phúc tròn đầy, thì sống lâu và trẻ mãi là hai mơ ước phổ biến nhất của thế giới loài người, chớ không chỉ khi họ cưới nhau. Người người vẫn đang làm mọi cách để hiện thực hoá chúng. Thế thì hạnh phúc là gì? Viên mãn tròn đầy là thế nào? Sống lâu nghĩa là sao?
Khuynh hướng cận hiện đại
“Sống thuận theo tự nhiên” là một lời mời gọi nền tảng của khuynh hướng này. Sự sống và sự chết của con người được hiện thực ngay trong sinh hoạt đời sống với việc tôn trọng tự nhiên, theo nhịp điệu và cân bằng tự nhiên. Tự nhiên ở đây là chính bản thân lẫn môi trường sống. Theo đó, ai sống sáng suốt nghĩa là sống theo trật tự tự nhiên. Chúng ta sẽ nghe thuyết Khắc Kỷ nói: “Ăn uống điều độ, tập luyện thể dục, thuận theo nhịp điệu của tự nhiên, khéo léo xen kẽ những giờ làm việc mệt mỏi và nghỉ ngơi … là những quy tắc để duy trì sức khoẻ và cuộc sống lâu dài.” Theo Aristote, hạnh phúc là giá trị cao quý nhất của đời người và người ta có thể đạt tới nó với “đời sống lành mạnh”, với “hành động ngay chính”. Với hai điều đó, con người tạo được ý nghĩa cho cuộc đời và toàn vẹn cuộc đời.
Khuynh hướng thời hiện đại
Con người bị đè nặng bởi sự trau chuốt vẻ đẹp thể xác, bị cuốn hút bởi lối sống tiêu thụ vật chất và hưởng thụ, người ta nghĩ ra nhiều cách cấy ghép tái cấu trúc diện mạo cơ thể, thay thế sửa đổi các cơ phận, cấy ghép nội tạng, an tử, tác động trên gen di truyền cả trên thực vật lẫn động vật và cả con người. Họ miệt mài tìm cách triệt tiêu cái chết với nhiều dự án kỳ lạ. Người ta chuyển từ viễn cảnh hoà điệu với tự nhiên sang nhãn quan sinh học, đặt niềm tin và chạy theo kỹ thuật khoa học can thiệp vào chính con người, con người được đặt dưới sức mạnh của sinh học và xã hội. Mở rộng hơn, khuynh hướng sống tập trung tìm kiếm những thứ gì có thể làm thỏa mãn cái vẻ đẹp thân thể, cái no đầy vật chất, cái dung dưỡng của tiện nghi cuốn con người đi tìm trong mù mịt và đi đến đâu gây ra nhiều xáo trộn trật tự đến đó.
Sống lâu và sống lâu là gì?
Kệ các khuynh hướng kia, chúng ta vẫn cứ phải hỏi sống lâu là gì? Sống lâu là sống một thời gian dài trong năm tháng phải không? Sẽ khó thuyết phục, bởi vì ai cũng biết điều quan trọng là chúng ta làm được gì với những năm tháng chúng ta có chớ không phải nhiều năm tháng rỗng. Vậy, kéo dài sự sống không có nghĩa là tăng thêm số năm đúng không? Nếu đúng, thì kéo dài sự sống là làm triển nở sự sống, cả ý nghĩa và phẩm chất, của cuộc sống trong năm tháng đời người.
Dài hay ngắn của một cuộc đời không được đo bằng lượng thời gian, mà bằng phẩm chất cuộc sống, với những nỗ lực phát triển sự sống được tiến hành đồng thời trong nhiều khía cạnh của hiện thể người. Đó là thể chất, nội tâm, tương quan, siêu hình chớ không chỉ nhấn đến khía cạnh sinh học mà thôi. Chính khái niệm “sức khoẻ” cũng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y học, mà bao gồm trong nó sức khoẻ đạo đức và xã hội.
Đời sống trọn vẹn
Ai cũng sống và cố gắng hiện thực hoá một đời sống trọn vẹn, không ai phủ nhận đòi hỏi của những nhu cầu nhất định cả. Trong đó, người ta phân định những nhu cầu thiết yếu và nhu cầu tuỳ phụ, nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần, nhu cầu đệ nhất và thứ cấp. Phân định để dễ dàng đáp ứng hơn trong điều kiện cụ thể thôi. Bởi vì dù thế nào, người ta không thể chối bỏ những nhu cầu cơ bản: nhu cầu sinh lý (đói, khát, ngủ, nghỉ…), nhu cầu xã hội (môi trường xã hội phù hợp, thuộc về một cộng đồng, hoà nhập xã hội), nhu cầu về sự tôn trọng (sự công nhận của xã hội về địa vị, sự độc lập, kiến thức, danh tiếng), nhu cầu nhận thức (biết mình, phát triển cá nhân, sáng tạo và khả năng thể hiện). Đó cũng chỉ mới là nhu cầu cơ bản, chưa đủ để nói về phẩm chất cuộc sống, phải đi xa hơn tìm.
Phẩm chất cuộc sống phải bao gồm toàn bộ hiện diện về mặt chủ thể là nhân vị, xã hội và cả môi trường sống. Con người không chỉ thoả mãn những ước mơ hoài bão, mà còn tôn trọng và góp phần phát triển những giá trị luân lý, tinh thần. Con người sẽ bi phân tán nếu bị cuốn vào những mảnh phần của một vài thành công hay danh tiếng, hay vài khuôn mẫu tốt lành về sức khoẻ thể lý, vẻ đẹp thể chất, sung túc của cải. Phẩm chất cuộc sống đích thực là cái phân biệt con người với con vật, là đời sống tinh thần, là sự tròn đầy toàn diện.
Con người sống trong thời gian, nhưng khổ là không tìm thấy giải pháp của mình trong thời gian. Nói thế là vì con người luôn chỉ thấy mình thoả mãn thực sự khi trải nghiệm mọi thứ sờ mó hiện hữu. Teilhard de Chardin diễn tả: “Con người hạnh phúc là người, dù chưa trực tiếp chạm đến hạnh phúc, chắc chắn sẽ cảm nhận niềm vui, ngay trong chính hành động vươn tới sự viên mãn và đích đến của bản thân đang ở phía trước.” Con người khát khao vươn tới “con người tròn đầy hơn” của một “con người chưa tròn đầy”, mỗi người đang trên đường bước tới trong niềm hy vọng sống động.
Gợi ý ba bước cụ thể
- Tập trung vào chính mình bằng việc thống nhất chính bản thân và phát triển bản thân.
- Cởi mở với tha nhân để hợp nhất sự hiện hữu của mình với đồng loại, phát triển cộng đồng.
- Vươn tới một sự hiện hữu lớn lao hơn bằng cách quy phục một sự sống siêu việt hơn sự sống của chính chúng ta.
Con người là hữu thể tinh thần. Con người không thể chỉ sống để thoả mãn những nhu cầu hưởng thụ, đặt ra những ước mơ chúc tụng nhau, cũng chỉ loanh quanh đáp ứng thoả mãn nhu cầu. Con người thật sự có đòi hỏi thoát khỏi lối sống tiêu thụ vật chất, thoát khỏi giấc mơ ngây thơ giải quyết tận cùng ý nghĩa sự sống bằng khoa học công nghệ, tỉnh táo khi chạy theo tiến bộ của kỹ thuật, bớt an ủi nhau bằng những vẻ đẹp tạm bợ. Con người đòi hỏi vươn tới tính đặc thù tinh thần về vô tận của nhân tính, trong môi trường sống cụ thể, tương quan chân thành với người đời và đời người, với tình yêu vô vị lợi.