Trang chủNgẫm nghĩĐời & ngườiNgôn ngữ là công cụ...

Ngôn ngữ là công cụ…

-

Con người lữ hành (homo viator) phải bước đi trên những chặng đường đầy khó khăn. Cuộc sống con người là cuộc xuất hành qua nắng gió sa mạc cuộc đời, nhưng không phải là không có đích, và cũng không đơn độc. Chúng ta đi cùng nhau. Ngôn ngữ và giao tiếp là hoạt động mà qua đó, chúng ta nhận biết bản thân mình rõ hơn, đồng thời mở ra với người khác để hoàn tất cuộc hành trình. 

Với ngôn ngữ, ai cũng là chủ thể phát ngôn, để truyền đạt, thông tri cho người khác, tâm tư tình cảm, tấm lòng cảm xúc , ước muốn, thái độ, tri thức của mình. Nhưng việc người khác nắm bắt được nhiều hay ít, tuỳ thuộc nhiều vào sức diễn đạt qua ngôn ngữ mà từng người chọn dùng. Vô số hiểu lầm tai hại, thậm chí là dẫn đến xung đột, là tuỳ vào cách dùng ngôn ngữ diễn đạt của mỗi người.

Ảnh trong bài mình chụp quanh nhà, chèn vào cho đẹp, không minh hoạ nội dung.
    20200214 074943

    Ngôn ngữ loài người

    Nhờ ngôn ngữ, chúng ta học hỏi nhiều điều từ thế hệ trước, giao tiếp và truyền đạt với người cùng sống. Chúng ta không thể suy tư, hoặc suy tư bị bóp nghẹt nếu không có ngôn ngữ. Nội dung suy tư ấy chất chứa trong hình thức diễn tả của quy luật tư duy: khái niệm, phán đoán, lập luận (xem lại bài logic học). Không chỉ truyền đạt thông tin kiến thức, ngôn ngữ chuyển tải nội tâm, biểu đạt tình cảm, bày tỏ ý hướng và hiểu biết lẫn nhau. “Văn là người” – nó thể hiện trình độ, tầng lớp, thể loại của một con người trong hành trình hình thành mình. 

    Heidegger nói:

    Chúng ta nói cả khi thức cũng như khi ngủ […] Chúng ta nói bởi vì nói gắn liền với bản chất của con người. […] nói chính là điểm cho thấy con người khác với cây cỏ và thú vật, là một hữu thể sống. Nói như thế không phải là con người chỉ sở hữu khả năng ngôn ngữ, mà nó chỉ là một trong những khả năng khác nữa. Điều muốn nói ở đây là ngôn ngữ làm cho con người trở thành một hữu thể sinh động như nó là một con người”.

    20200214 081018

    Ngôn ngữ – tín hiệu

    Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu được dùng làm phương tiện truyền thông.” Xét theo câu nói này của A. Lalande thì, ngôn ngữ bao gồm những thể loại khác nhau của hệ thống tín hiệu, không chỉ là lời nói hay chữ viết. Một ánh sáng của đèn giao thông cũng là một loại ngôn ngữ, một bức ảnh, bức tranh cũng là một loại ngôn ngữ. Như vậy, ngôn ngữ là hệ thống những tín hiệu do con người tạo ra, quy ước với nhau, nhằm mục đích thông tin cho nhau một thông điệp, kiến thức nào đó. 

    Ngôn ngữ được nhận diện khi có đủ ba yếu tố cơ bản: chủ thể phát ngôn – chủ thể nhận thông tin – nội dung phát ngôn. Không thể thiếu một trong ba yếu tố này. Không có ai phát ngôn thì ngôn ngữ không được hiển lộ. Người ta cũng chẳng nói khi không có cái gì để nói và khi không có người nghe. 

    20200214 073656

    Ngôn ngữ – công dụng

    Nói cho ai, ai nhận thông tin? Đó là chức năng thông tri / truyền tin của ngôn ngữ.
    Đây là chức năng quan trọng nhất. Việc truyền tải thông tin cho nhau, với nhau thể hiện đặc tính xã hội của con người. Con người sống với người khác, liên lạc với người khác, liên đới với người khác, qua ngôn ngữ. Chính ngôn ngữ với chức năng thông tri này, làm cho mỗi cái tôi hiện diện sinh động hơn, tôi sẽ là tôi hơn khi đối diện với người khác, và ngược lại.

    Nói cái gì, nói về nội dung gì? Đó chính là chức năng mô tả của ngôn ngữ.
    Ngôn ngữ hướng đến diễn tả một đối tượng nào đó. Qua lời nói, chữ viết, cử chỉ, tín hiệu (nháy mắt, chắp tay…) giúp cho chúng ta gặp được sự vật, là chính đặc điểm, cấu trúc, chiều kích và những điều kiện hay cảnh huống của nội dung về sự vật ấy.

    Ai nói, ai phát ngôn? Đó là chức năng diễn đạt của ngôn ngữ.
    Chủ thể phát ngôn sẽ chủ động lựa chọn một hình thức ngôn ngữ phù hợp. Chính ngôn ngữ được chọn diễn đạt, biểu tả chính chủ thể phát ngôn. Qua cái nhìn của anh với cách chọn dùng ngôn ngữ, người ta nhận ra diện mạo của anh, tâm trạng, tâm tính, tâm lý của người sử dụng ngôn ngữ. Thậm chí, người ta còn biết được người nói thuộc tầng lớp nào. 

    20200214 075656

    Ngôn ngữ & Tư tưởng

    Ngôn ngữ và tư tưởng có là một không? Hay ngôn ngữ phân biệt với tư tưởng? Ngôn ngữ đến trước hay tư tưởng đến trước? Ảnh hưởng lên nhau thế nào? 

    Ngôn ngữ là công cụ quan trọng, chẳng phải bàn. Nhưng không vì thế mà ngôn ngữ đồng nhất với tư tưởng, và con người cũng không đóng băng tư tưởng vào ngôn ngữ. Ta có thể hiểu thế này: Một bên là tư tưởng / ý niệm trong đầu (verbum mentis) và một bên là từ ngữ / lời (verbum oris). Cái ở trong đầu (ý niệm) là tín hiệu tự nhiên của vạn vật mà con người có được nhờ khả năng suy tư, còn từ ngữ là tín hiệu quy ước, không có liên hệ gì với sự vật được trừu tượng hoá thành ý niệm kia. Với từ ngữ, có rất nhiều mã ký hiệu được dùng để cùng diễn tả một sự vật, một ý tưởng.

    Tư tưởng đến trước ngôn ngữ. Người ta suy nghĩ rồi mới nói, chọn ngôn ngữ phù hợp để diễn tả, truyền đạt. Bạn thấy một vật, nghĩ về nó, rồi cho nó một tên gọi, hoặc hỏi tên nó là gì > Đó là tiến trình cho thấy ngôn ngữ đến sau. Cảm nhận về một sự vật đến trực tiếp nhờ tư tưởng, không phải đến ngay từ đầu nhờ ngôn ngữ.

    Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, không thể thiếu trong giao tiếp và hỗ trợ việc nhận thức. Ví dụ em bé biết sự vật nào đó, dù chưa biết tên vật đó, khi đã biết tên rồi mà không có vật ở đó, nếu ai nhắc đến tên vật thì em bé biết nó là cái gì ngay. 

    Như vậy, một sự thật, sẽ là sự thật ngay trong sự vật (chân lý hữu thể luận), ngay trong tư tưởng (chân lý luận lý) và ngay trong ngôn ngữ (chân lý ngữ nghĩa). Tư tưởng con người sẽ không có sự thật nếu không có sự thật ở sự vật, không có sự thật ở ngôn ngữ nếu không có sự thật ở tư tưởng và ở cả sự vật. Thành ra, chúng ta có các môn học: hữu thể học, luận lý học (logic học) và ngữ nghĩa trong tiếng Việt.

    20200214 081254

    Tạm kết

    Ngôn ngữ là công cụ tuyệt vời. Sẽ không có gì cả: khoa học, thơ ca, nghệ thuật, triết học… nếu không có ngôn ngữ. Không có ngôn ngữ, thế giới này trở nên câm lặng. Thế giới con người thì lại không thể là thế giới câm lặng. Nhờ ngôn ngữ, con người được tách ra khỏi thế giới loài vật; con người được cho thấy bản chất phức hợp và phong phú nơi chính mình; con người trở nên độc đáo hoà hợp với môi trường sống và sâu sắc trong hiểu biết thực tại qua thơ ca, nghệ thuật, tôn giáo… Lựa chọn sử dụng ngôn ngữ thế nào khi diễn tả, để người nhận được nhiều nội dung nhất, nội dung chân thật nhất, là tùy thuộc mỗi người.

    tuanlionsg 8/2022

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận