Cái phanh

-

Đang giảng bài, bỗng thầy giáo hỏi cả lớp:

  • “Tại sao trong ô-tô hay các loại xe lại cần có cái phanh?
  • Thưa thầy, để dừng xe ạ. – Một học trò nhanh nhẩu trả lời.
  • Theo em, để giảm tốc độ và kiểm soát tốc độ của xe. – Một bạn khác nói.
  • Để tránh va chạm thầy ạ. – Một bạn khác trả lời.

Và còn có những câu trả lời khác tương tự. Thầy giáo nghe xong, mỉm cười và nói:

  • Tôi đánh giá cao tất cả các câu trả lời của các bạn. Tôi lại có góc nhìn khác. Theo tôi, phanh xe trong ô-tô để giúp nó chạy nhanh hơn.

Nghe vậy, mọi người nhìn nhau ngơ ngác. Thầy nói tiếp:

  • Thế này nhé! Giả sử chiếc ô-tô không có phanh, chúng ta lái nó với tốc độ tối đa là bao nhiêu? Chắc chắn là không có phanh ta sẽ không dám đi nhanh đúng không? Chiếc phanh đã cho chúng ta dũng khí để lái xe chạy nhanh hơn.

Mọi người im lặng, thầy giáo tiếp tục:

  • Tương tự, trong cuộc sống, chúng ta từng, đang, hoặc sẽ có nhiều chiếc phanh lắm. Đó là những kìm hãm từ khó khăn thử thách, những ngăn cản bất chợt.

    Nếu nhìn khác đi, chúng lại là động lực để ta tiến nhanh hơn về phía trước, để giúp ta an toàn, tránh được rủi ro nguy hiểm. Chiếc phanh ấy, đôi khi để đi nhanh đến nơi hơn, đôi khi ta cần phải dừng lại, thậm chí cần lùi lại phía sau.

    Những cú đạp phanh ấy, có thể là sự níu kéo kìm hãm của cha mẹ, thầy cô, người hướng dẫn, … vì họ muốn bạn đi nhanh hơn, an toàn hơn, vui hơn trong đời.

Đi đâu mà vội mà vàng?
Mà quên túi bạc, mà mang túi chì
.” (Ngạn ngữ)

Tại sao đôi khi ta lại phải … dừng?

Đời người như một con đường. Thời đại này ai cũng đạp ga chạy hết tốc lực với truyền thông. Càng chạy nhanh càng sống khỏe. Đôi khi, cứ cắm đầu cắm cổ chạy, chạy hoài, chạy mãi, ù tai chóng mặt, không thấy ai xung quanh mình, không gặp gỡ ai bên cạnh minh, chẳng thấy đâu là hay, đâu là dở, đâu là phải, đâu là trái, đâu là chính, đâu là phụ. Con đường đời lại quanh co vạn nẻo. Chạy giỏi đấy! Nhưng, chạy lạc đường. 

Có câu chuyện rằng, một người đi thuyền qua sông, vô ý đánh rơi chiếc đồng hồ xuống nước. Anh ta bèn đánh dấu vào mạn thuyền: “Đồng hồ ta rơi ở đây”. Rồi anh tiếp tục đi, không buồn dừng lại. Vào đến bờ, anh ta lặn xuống theo dấu trên mạn thuyền. Nhưng đồng hồ rơi ở đâu thì nằm chỗ đó. Nó có đi theo thuyền đâu mà tìm. 

Lắm khi, mình chỉ biết đi mà không biết đứng, biết chạy mà không biết dừng. Sang đến bến bờ kia rồi mới tỉnh ngộ thì đã muộn. Muộn là chậm thật. Muốn nhanh, đúng và tốt, đôi khi cần cái phanh để mà dừng, để mà lùi, đúng thời đúng lúc.

Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:

một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy;
một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa
.
(Giảng viên 3:3-8)

tuanlionsg 11/2022

Bài trước
Bài tiếp theo
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận