Đêm Giáng sinh

-

Ngoài phố bắt đầu có nhiều hang đá Giáng sinh. Ở các cửa tiệm, các trung tâm thương mại, các quán cafe, các gia đình. Những cây thông rực sáng chớp lòe màu sắc, hang đá đầy đủ gia thất với tượng Chúa Hài Đồng hồn nhiên. Thế nhưng, ở các nhà thờ, nếu để ý thì ta sẽ thấy họ chỉ bắt đầu làm hang đá và trang hoàng cung thánh từ ngày 17/12 trở đi. Hoặc nếu có làm sớm thì họ cũng che phủ nó lại. Và, họ chỉ đặt tượng Chúa Hài Đồng vào hang đá trong buổi tối canh thức 24/12 mừng đại lễ Giáng sinh thôi. Vì sao vậy?

Ý tượng trưng của hang đá Giáng sinh
Công giáo họ có 4 tuần trước lễ Giáng Sinh để chuẩn bị tâm hồn thanh tịnh gọi là Mùa Vọng (chờ dợi và hy vọng). Họ sống lại tâm tình chờ đợi Đấng Cứu Thế của dân Do Thái thời Cựu Ước. Và, đêm lễ Giáng sinh là khởi sự cho một thời mới – Tân ước – Chúa của họ giáng trần làm người phàm. Cái hang đá hàng năm họ làm, trước tiên là nó nhắc đến sự kiện Chúa Giê-su mà họ tin xuống trần gian làm người, sinh ra trong máng cỏ tại làng Bê-lem (Do Thái); tiếp đến là nó có thông điệp tín lý của đạo này. Chính thống giáo và cả Tin lành không làm hang đá.

Khi nào nhà thờ làm hang đá?
Họ sẽ không làm hang đá thắp đèn lung linh vui nhộn nhạc Giáng sinh khi họ đang sống tâm trạng chờ đợi, sửa mình của mùa Vọng. Chúa của họ đã đến đâu mà trang hoàng vui mừng! Cho đến hết 16/12 là bắt đầu giai đoạn 2 của mùa Vọng liên quan trực tiếp đến lễ Giáng sinh thì họ mới làm hang đá hoặc trang hoàng cung thánh. Thành ra, từ ngày 17/12, chúng ta sẽ thấy hầu hết các nhà thờ trưng bày hang đá và bắt đầu trang trí, nhưng bên trong hang đá không có tượng Chúa Hài Đồng.

Đặt tượng Chúa Hài Đồng khi nào?
Tượng Chúa Hài Đồng, sẽ được chủ tế đặt vào Hang đá Giáng sinh vào đêm canh thức đại lễ 24/12. Cũng chỉ là biểu tượng, nhưng cũng dễ hiểu một cách bình dân, rằng chẳng ai đặt Chúa Hài Đồng từ ngày đầu tiên mùa Vọng, mất đi ý nghĩa của mùa Vọng. Chúa đến đó rồi còn chờ gì nữa! Mùa Vọng thành mùa vô vọng. Kiểu như Chúa đã giáng sinh đâu mà có trong hang đá ấy.

Đặt tượng 3 ông đạo sĩ khi nào?
Chúng ta còn thấy ở hang đá có mấy ông đạo sĩ áo dài đứng chầu rìa ở ngoài hang đá. Đó là mấy ông đạo sĩ từ phương xa được kể trong Tân ước. Mấy ông này xuất hiện vào lễ Hiển linh – tức là 1 tuần sau lễ Giáng sinh.

Tháo cất hang đá khi nào?
Mùa lễ Giáng sinh sẽ kết thúc vào lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, tức là 2 tuần sau lễ Giáng sinh. Nên, nhà thờ thường tháo gỡ hang đá và mọi trang hoàng sau lễ này là vậy.

Sao gọi là đêm thánh Giáng sinh?
Chẳng có sách sử nào nói đích xác Chúa Giê-su sinh ra lúc nửa đêm. Lại thêm có chuyện các mục đồng đang chăn cừu thì tự nó không thể là bằng chứng không chối cãi rằng Chúa sinh ra vào lúc nửa đêm. Nhưng, nhà đạo Công giáo vẫn xem Giáng sinh như một biến cố xảy ra ban đêm. Chúng ta nghe rất quen những bản “Silence Night” hay “Holy Night” vào dịp Giáng sinh. Tại sao vậy?

Đêm tượng trưng cho bầu không khí đáng ngại và u ám. Đó là khoảng thời gian chẳng ai làm gì. Đêm đen liên quan đến sự yên nghỉ, của những rủi ro, nguy hiểm, của sự chết. Đêm cũng mang ý nghĩa tượng trưng thời “cứng lòng tin”, tội lỗi, phán xét. Cho nên, đêm 24/12 mọi nhà thờ có “đêm canh thức” với các hoạt cảnh, các bản hợp ca cầu nguyện là vậy. Phải canh thức, đừng ngủ quên, phải đứng dậy mà đi như ban ngày.

Đêm cũng có khuôn mặt khác, theo tình cảm con người. Đó là thời gian im lặng, dưỡng sức, phục hồi. Giữa đêm có lời kêu gọi đi đón vị tân lang đang đến, đêm là lúc của những giấc mơ thiên thai. Đêm như là một khởi điểm cho ban ngày và ánh sáng. Đêm như là cái tiềm tàng chưa hoàn thành, lời hứa còn đang được chờ đợi thực hiện, tiềm thể còn chờ để trở thành thực tại. Nên, thời điểm nào đó trong lịch sử đời người, hay lịch sử nói chung, mà mọi sự từ trong tiềm thể trở thành hiện thể, hoàn tất thì cái đêm ấy là đêm thiêng liêng. Đêm vừa là một khởi điểm, thiêng liêng, vừa là đêm thánh cho một khởi sự mới mẻ, khắp nơi hát vang bài ca Giáng sinh.

Đêm Giáng sinh thực chất là đêm mà dân có đạo can đảm để cho sự im lặng của đêm tối thâm nhập vào đời sống nội tâm của họ. Họ không chạy trốn vào trong những lăng xăng huyên náo, trong những ồn ào náo nhiệt và sự giả tạo làm cho họ lầm tưởng quên hết đi, để tránh né bí mật cao trọng của biến cố Thiên Chúa nhập thể làm người phàm. Ánh sáng dưới đất thường vẫn ngăn người ta nhìn thấy sao trời. Dân có đạo rất dễ bị cuốn vào việc đón lễ Giáng sinh bằng những hoạt động hời hợt bị tục hóa. Giáng sinh dẫu có được xã hội hóa thì nó không bao giờ hoàn toàn là cuộc lễ trần tục. Lời thành xác phàm chỉ được nghe thấy trong thinh lặng sâu thẳm nhất. Bản nhạc Silence Night được sáng tác trong bối cảnh ấy – Đêm của sự thinh lặng – nín thở chờ đợi giây phút khải hoàn để trở thành đêm thánh – Holy Night. Đêm anh bình và thánh thiện.

Đêm cô độc của nội tâmNgười công giáo gọi đêm im lặng ấy là một sự tĩnh mịch thánh, tâm hồn canh thức “một mình”. Nó là sự “cô độc” thanh thản và nhẹ nhàng. Con người trong khoảnh khắc cô độc sâu thẳm nhất của tâm hồn, là lúc dành chỗ cho sự cô độc, chẳng có ai hay thứ tạm bợ gì chiếm hữu ngoại trừ Chúa của họ. Người trú ẩn trong đáy lòng họ. Và, Giáng sinh là Lời thành xác phàm, Thiên Chúa ở thật gần, ở đó, từ góc kẹt im lặng nhất, lời yêu thương vô hạn. Chỉ cần bình thản, không sợ đêm tối, giữ thinh lặng, bằng không thì chẳng nghe được gì cả. Lời tối hậu chỉ được nói lên trong sự bình an của đêm đen, từ khi mọi người có một đêm thánh êm dịu của Giáng sinh, nhờ việc Thiên Chúa đã đến.

Kính chúc các bạn và tất cả mọi người mùa Giáng sinh an lành.

tuanlionsg 12/2022

Bài trước
Bài tiếp theo
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận