Hỏi “cái tôi là gì?” là câu hỏi chính mình hỏi mình. Có người cho rằng, con người biết một cái gì tức là biết về một đối tượng ngoại giới (đối tượng bên ngoài). Chủ thể biết là biết một đối tượng ngoài chủ thể. Còn biết về “cái tôi” là “nó biết về chính nó” – chủ thể biết về chính chủ thể – thì không thể. Nhưng, kinh nghiệm cho thấy, ý thức con người còn có khả năng “phản tỉnh”, chủ thể biết về chính chủ thể. Dĩ nhiên là ý thức về chính ý thức thì khác với ý thức về những đối tượng.
Có người khác lại cho rằng cái tôi dựa trên trải nghiệm và cảm xúc bên trong của dòng suối ý thức. Mà dòng suối ấy luôn luôn thay đổi. Nên không có “cái tôi” cố định, không có cái khuôn mẫu sẵn nào cho cái tôi. Trả lời cho câu hỏi “cái tôi là gì?” thì ta chỉ đối chiếu về trải nghiệm bản thân luôn luôn thay đổi mà thôi. Sự phức tạp này cho ta thấy cái tôi mang nhiều dạng thức và chính chúng ta cũng kinh nghiệm sự chuyển đổi từ dạng thức này sang dạng thức khác. Xem một số dạng thức của “cái tôi” như sau.
Cái tôi vị kỷ
Là một cái tôi tách biệt khỏi mọi thứ xung quanh. Sự tách biệt này rất mãnh liệt. Với cái tôi vị kỷ, tôi ý thức mình đang “ở đây”, mọi thứ ở ngoài tôi đang “ở đó”. Những gì hiện diện xung quanh tôi thì khác biệt với không gian của tôi và không xâm lấn sự hiện diện của tôi. Không ai có kinh nghiệm về điều tôi có, không ai cảm nghiệm điều tôi cảm nghiệm, ngược lại tôi cũng chẳng cảm nhận điều gì họ cảm nhận. Mọi điều tôi trải nghiệm, được chứa trong tập ý thức riêng tôi, tách hẳn với thế giới bên ngoài của người khác.
Có một sự ẩn khuất trong đời sống của cái tôi vị kỷ vì sự tách biệt ấy. Tôi trốn tránh người khác, người khác bị khuất khỏi tôi. Việc để hiểu người khác là một cuộc đánh vật mới có thể vượt thắng được của cái tôi vị kỷ. Cái tôi vị kỷ luôn cảm thấy không thoải mái, bị bao bọc bởi một thế giới tăm tối, mọi thứ bị che khuất khỏi tôi. Có một cái hố ngăn cách không thể vượt qua, cái hố mang lại đau khổ, tách biệt tôi với người khác. Tôi cảm thấy trở nên như người lạ, không cảm thấy tự nhiên khi sống với người đời, với đời người, với thế giới tự nhiên.
Nhưng với chính tôi, cái tôi vị kỷ lại thấy rất rõ mọi thứ nội giới. Thế giới bên trong tôi rộng mở tư tưởng, ý thức, cảm giác hiện diện rõ ràng tức thì một cách hoàn hảo. Nhiều người cho rằng ở thế giới bên trong này, có một sự minh nhiên và chân thật về tư tưởng, ý thức ở đó rõ ràng đến mức không bao giờ lừa dối tôi. Kinh nghiệm về nội giới của bản thân, được nhận biết và hiểu rõ một cách hoàn toàn.
Khả năng đồng nhất
Cái tôi vị kỷ có một khả năng lạ lùng, là đồng nhất với những tình trạng khác ngay trong nó. Chẳng hạn tôi đồng nhất mình với thể xác của mình, thể xác này là chính tôi. Tôi cảm nhận tôi bị bệnh. Cũng vậy, tôi đồng nhất mình với các tài năng tôi có, tôi cảm thấy hãnh diện khi được ca khen, hoặc tôi xấu hổ khi thất bại, vui sướng khi thành công. Tôi buồn khi đội bóng yêu mến của tôi bị thua, một cách nào đó, là vì đội của tôi là chính “tôi”. Tôi hãnh diện phấn khởi khi người thân thành công, vì gia đình là “tôi” theo cách nào đó. Rất nhiều kinh nghiệm như thế trong đời sống, cho thấy rằng tôi bị đồng nhất hoàn toàn với thực tại ấy.
Nhưng, ngay trải nghiệm về sự đồng nhất, sự tách biệt của thế giới bên trong tôi và ngoài tôi vẫn tiếp tục xảy ra. Thế giới bên trong của cái tôi vị kỷ gồm những điều tôi đồng nhất, là thể xác tôi, tài năng tôi, gia đình tôi, nhà tôi, đất nước tôi, đội của tôi, tôn giáo của tôi… Thế giới bên ngoài được tạo thành bởi những điều khác, không đồng nhất tôi với chúng. Cái tôi vị kỷ kinh nghiệm về sự sầu khổ hay phấn chấn trong nhiều tình huống, nhưng vẫn là trong thế giới ý thức riêng tôi.
Những vai trò trong đời
Một cách khác để nhận ra cái tôi vị kỷ của mình, đó là hãy quan sát các vai trò mà ta sống trong đời. Nơi những vai trò này, ta ý thức ta là ai. Một diễn viên đóng một vai diễn, để diễn thành công, anh ta đồng nhất mình với vai diễn. Anh ta và khán giả nhận biết anh như một người hùng hoặc một thủ ác. Khi diễn, anh gác tính chất cá vị bản thân qua một bên, giả định tính chất cá vị của vai diễn. Như anh ta, mỗi người chúng ta được giao một vai trò trong đời mình.
Chúng ta có vai trò trong gia đình (là cha, mẹ, anh, chị, em, con …), chúng ta có một vai trò trong trường học (nhiếp ảnh gia, giảng viên, sinh viên, học sinh…), chúng ta đóng một vai trò đặc biệt trong công việc (bác sĩ, thương gia, nhân viên, bảo vệ…). Những vai trò ấy cho ta một sự hiểu biết của một cái tôi tồn tại, hướng dẫn ta làm và thực hiện nó thế nào. Trong vở kịch, diễn viên nhập vai trong một khoảng thời gian và trả lại vai diễn. Đời sống chúng ta, vai trò chúng ta trở nên cái tôi cố định. Nếu ai đó hỏi “tôi là ai?”, rất có thể tôi trả lời bằng cái nghề – vai trò – mà tôi làm trong cuộc sống.
Với một vai trò, nó giả định tôi có thái độ với cuộc sống và với người khác theo giả định của vai trò đó. Từ vai trò đó, nó cho tôi một ý nghĩa rõ ràng, tôi có ý thức về mục đích của đời tôi, cản tính rõ ràng của cái tôi. Khi tôi gắn với một vai trò đặc thù, tôi có ý thức tôi là ai, một căn tính được kết nối với hành động hay chức năng mà tôi hành động. Tôi nhìn người khác từ quan điểm của vai trò này, vai trò chi phối đời sống tôi. Nhân viên bảo vệ thì nhìn mọi người đều có khả năng đột nhập, một thương gia thì xem mọi người có khả năng là khách hàng, giáo viên có khuynh hướng đối xử mọi người theo cách họ đối với học trò của họ, bác sĩ nhìn người thân mình với cái nhìn của bác sĩ. Với vai trò, căn tính của cái tôi tách riêng tôi ra khỏi người khác, một loại cái tôi vị kỷ.
Cái tôi trong lịch sử
Khác với cái tôi vị kỷ, tôi ý thức mình là một cá nhân tự do, sống với người khác. Mọi điều xảy ra với tôi là một phần của đời sống, bao gồm:
- Quá khứ: là kinh nghiệm cho tôi hiện tại. Nó gồm những dấu ấn vĩnh cữu trong đời sống tôi, ảnh hưởng của gia đình, văn hoá, quyết định, ý nghĩa mà tôi đã làm trong quá khứ.
- Tương lai: hình thành từ mọi điều mà tôi vươn tới. Gồm mục tiêu đời sống tôi, điều tôi mong muốn, điều tôi quan tâm, điều quan trọng đối với tôi. Tôi tồn tại như một người đang hướng tới những mục tiêu, giá trị và những mối quan tâm ấy.
- Hiện tại: hình thành từ những tình huống cụ thể mà tôi đang ở trong đó, với những âu lo, triển vọng, ý nghĩa của nó. Đó là những tình huống chịu ảnh hưởng của quá khứ, đang ứng đáp ở hiện tại, hướng về tương lai.
Toàn bộ tình huống này tạo nên con người tôi như là một cá nhân trong lịch sử đời tôi. Tôi nói với bạn về trải nghiệm của tôi trong quá khứ, về niềm hy vọng của tôi trong tương lai, về những thách thức của tình huống hiện tại, và những quyết định mà tôi nghiền ngẫm để có những quyết định đó. Tôi không phải là “ai nào đó”, tôi là “đời sống của tôi”, là lịch sử cuộc đời tôi.
Cái tôi dấn thân và chia sẻ
Tôi là một cá nhân được gắn vào trong những mối quan hệ cụ thể, đó là gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp, mọi người. Cái tôi được tìm thấy trong những liên hệ của đời sống tôi. Khi bạn kể về những người là một phần của đời bạn, chính là lúc bạn bày tỏ cái tôi của mình – cái tôi mở ra với người khác và nỗ lực trở nên “cá nhân”. Không phải là cái tôi có mối quan hệ, mà là cái tôi gồm những mối quan hệ. Trong người có tôi, trong tôi có người. Không phải là cái tôi như một ốc đảo vị kỷ. Cái tôi mở ra cho mọi người và đón nhận để trở thành tôi hơn. Tôi và những người đồng hành đi vào một sự tương tác và trở nên những cái tôi như những ngôi vị “quan hệ”.
Cái tôi vị kỷ có thể bị khép kín lại nơi chính mình, gắn chặt trong riêng tư chính nó, tách biệt bởi khoảng cách với người khác. Cái tôi ngôi vị quan hệ thì mở ra, ảnh hưởng tương hỗ với người khác, dự phần trong tương quan mới, phát triển tương quan cũ. Cái tôi ngôi vị sẵn sàng đáp trả, dấn thân, không riêng tư mà luôn mở ra và chia sẻ. Một đời sống như vậy thì luôn tươi trẻ và ngập tràn kinh ngạc với những con đường mới trong các mối quan hệ được mở ra chờ khám phá.
Cái tôi như hình ảnh về tôi
Nếu hỏi “tôi là ai?”, tôi có thể trả lời bằng cách mô tả hình ảnh mà tôi có về mình. Tôi có thể mô tả mình như một người xấu, hay tốt, luôn thất bại hay luôn thành công trong đời, như một người bạn chân thành, hay như kẻ luôn thui thủi một mình, như một cá nhân nhiều giá trị ,một người khôn ngoan, hay một kẻ dại khờ.
Hình ảnh về tôi có thể rất phức tạp, nhiều ý nghĩa khác nhau mà tôi có về mình. Có thể nó mơ hồ, không rõ về chính mình. Sự không rõ ràng về bức chân dung của bản thân, nó chi phối đời sống tôi, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống cá nhân tôi, có thể rất hạnh phúc lại có thể bất hạnh. Nếu tôi nhìn mình bất tài vô dụng như một kẻ thất bại đau đớn, một cách tự nhiên không có niềm vui tích cực cho tôi trong đời sống. Nếu tôi nhìn mình với bức chân dung lý tưởng quá, tự nhiên sẽ đòi hỏi bản thân rất nhiều, quá khả năng bản thân. Coi mình như một anh hùng hoàn hảo, sẽ cảm thấy thất vọng về bản thân vì thực tế là một đời sống khác biệt với vị anh hùng kia.
Những hình ảnh đó ở đâu ra? Một số là từ những tình huống tôi bị ném vào cuộc sống. Khám phá dần về sự quý báu trong tình yêu, gia đình, bạn hữu, niềm tin. Khám phá từ sự giới hạn của cuộc đời, những tai ương hụt hẫng, bệnh tật, cái chết, thất bại và cả những hành vi tội lỗi mà tôi chịu trách nhiệm. Đôi khi, hình ảnh của cái tôi lại được tạo ra từ những thái độ của tôi trong đời sống. Khi tôi chọn thất vọng và bỏ cuộc, tôi đã đưa ra một hình ảnh nào đó về mình, bác bỏ bản thân khi đưa ra hình ảnh tiêu cực. Khi tôi chấp nhận mình, tôi cho một hình ảnh tích cực. Tôi là ai?
Tạm kết
Như vậy, chúng ta trình bày hai loại cơ bản: cái tôi “vị kỷ” và cái tôi “ngôi vị”. Cái tôi vị kỷ có thể tìm thấy trong việc đồng nhất với một điều gì đó lớn hơn, hoặc như cái tôi đang đóng một vai trò trong đời sống. Cái tôi ngôi vị thì thể hiện trong lịch sử của cái tôi, những mối liên hệ và dấn thân của nó, và cuối cùng là cái tôi như hình ảnh về chính nó. Câu hỏi nhiều người hỏi tiếp ở đây là vậy thì cái dạng thức nào của cái tôi thì căn bản hơn cái nào? Dạng thức nào thì chân thật hơn dạng thức khác, tức là cái tôi nào thì chân thật hơn? Các dạng thức ấy của cái tôi có mối liên hệ gì với nhau không? Với bạn, khi khám phá cái tôi của mình, bạn sẽ nói về cái tôi nào?
tuanlionsg 7/2022