Trang chủBlogNgẫm nghĩCon người có tự do không?

Con người có tự do không?

-

Có một sự giả định chung giữa mọi người rằng con người thì tự do. Sự giả định ấy thể hiện trong vô số tình huống của đời sống. Mỗi người vẫn đang đưa ra rất nhiều quyết định trong từng ngày sống, từ đời sống nhân sinh đến nhân linh. Ai đó tặng tôi món quà, tôi giả định rằng họ tự do chọn lựa tôi để tặng món quà đó. Ai đó tấn công cướp của, tôi giả định rằng hắn đã lựa chọn tự do để hành động như vậy. Giả định ấy còn được thể hiện khi chúng ta tích cực đòi quyền tự quyết trong đời sống khi có ai đó cố giới hạn hoạt động của chúng ta. Mọi người giả định rằng con người có tự do, rằng con người có năng lực để xác định đời sống riêng của nó.

Nhưng, lại có rất nhiều hành động của tôi không là kết quả của một chọn lựa nào. Tôi không chọn để thở, để tiêu hoá thức ăn chẳng hạn. Cũng có những tác nhân khác ảnh hưởng trên đời sống của tôi mà tôi không lựa chọn. Đôi khi, tôi chẳng trả lời được tại sao tôi ở đây, trong cuộc đời này chẳng hạn. Vậy những tác nhân loại bỏ tự do con người ấy là những gì? Vậy, điều gì trong kinh nghiệm sống, cho thấy sự tồn tại của tự do? 

  • Ảnh trong bài là ảnh mình đi chụp lòng vòng ở Hồ Con Rùa, khi đang nghĩ về nôi dung bài này, mình chèn vô cho đỡ chán vì phải đọc nhiều chữ, chớ không có ý minh họa cho nội dung gì cả.
IMG 0187
Nội dung:

    Giới hạn vật lý

    Có câu rằng: “con người không nhất thiết đã là người”. Việc tôi ra đời như một sự phi lý. Dĩ nhiên câu ấy làm chói tai nhiều bạn. Nhưng cứ thử nghĩ, tôi đã không thể lựa chọn để được sinh ra hay không cần được sinh ra, và nên được chọn sinh ra trong một thời đại khác, để có người cha và người mẹ khác, để có một giới tính khác, để thuộc một giống nòi khác, để trong một không gian khác. Một người nam không thể có lựa chọn trở thành một bà mẹ, một người nữ không có tự do lựa chọn trở thành một người cha. Con người không có năng lực để chọn lựa như vậy. Những gì chúng ta được nhận từ khi ra đời trong cuộc đời lại chính là những giới hạn chúng ta. Chọn lựa của chúng ta chỉ có thể thực hiện trong giới hạn căn bản ấy. 

    Trong nhiều lãnh vực cuộc sống, chúng ta cũng đối diện với những giới hạn vật lý tương tự. Một người có chiều cao quá thấp thì không thể trở thành ngôi sao bóng rổ; một người có chỉ số IQ quá thấp không thể thực hiện các việc đòi hỏi trí não mức độ cao; một người khiếm khuyết về cao độ âm thanh thì không thể chọn là ca sĩ chuyên nghiệp. Rất nhiều điều tương tự như vậy trong đời sống. Những giới hạn đó là có thật, và chúng tước đoạt năng lực của tôi trong việc định đoạt đời sống chính mình. Nói cách khác, chúng tước đoạt tự do của tôi. 

    IMG 0203

    Giới hạn tâm lý

    Sợ hãi – Có câu rằng: “kẻ phá hoại tự do con người mãnh liệt nhất chính là sự sợ hãi.” Những tác nhân chủ quan tâm lý cũng ảnh hưởng tâm trí tôi, sự sợ hãi, ước muốn, giận giữ… Tôi từng không dám nói trước một người nào đó vì sợ phản ứng tiêu cực từ họ; tôi từng từ chối trở thành một giảng viên vì sợ xuất hiện và diễn đạt ý tưởng của mình trước đám đông. Rất nhiều chuyện tôi đã tránh thực hiện vì “cái sợ” – sợ một điều gì đó có thể xảy ra nếu thực hiện nó.

    Ước muốn – Bạn thấy vô lý khi một ước muốn lại có thể tước đoạt tự do của bạn phải không (?) Điều này dễ thấy khi một ước muốn trở nên quá mạnh mẽ khiến tôi không thể nói “không”. Đôi khi, vì cái ước muốn mãnh liệt ấy, khiến tôi làm điều tôi không muốn làm. Ước muốn đạt kết quả cao đã khiến một người gian lận trong thi cử. Ước muốn có nhiều tiền đã dẫn tôi đến những việc làm không đúng đạo đức. Với muôn hình vạn trạng tinh vi trong đời sống, tôi có thể trở nên nô lệ cho những ước muốn của chính tôi. Từ chỗ trân trọng tự do bản thân, tôi thấy mình phải đấu tranh với chính bản thân để không rơi vào cảnh nô lệ đó.

    Giận dữ – “Cả giận mất khôn” – cũng có thể tước đoạt việc điều khiển của tôi trong chính đời sống. Vì quá giận mà tôi đã nói điều đáng tiếc; quá giận mà tôi đã không tha thứ cho một ai đó… Cảm xúc của giận dữ có thể cai trị đời sống tôi. Như vậy, không phải kẻ thù của tự do đều ở bên ngoài tôi, chúng thường ở bên trong tôi. Chúng ẩn náu đâu đó trong sự sợ hãi của tôi, trong ước muốn sâu thẳm của tôi, trong sự giận dữ của tôi. Vượt thắng chúng sẽ là một người tự do thực sự.

    IMG 0016

    Giới hạn tình huống 

    Tôi luôn sống và hành động trong một tình huống cụ thể nào đó. Mà trong từng tình huống, tôi sẽ có những giả định sẽ chọn hành động theo hướng x, hướng y, hướng z… khác nhau. Nhưng, một số hướng được đề nghị “có thể” thực hiện theo tự do thì lại bị giới hạn. Tự do bị giới hạn bởi những tình huống mà tôi ở trong đó. Ví dụ như tôi không thể làm công việc của một nông dân nếu không có đất. Tôi không thể đi du lịch đó đây nếu không có khoản tiền cần thiết. Tôi không thể kết hôn với người mà tôi không bao giờ gặp. Tôi không thể nói chuyện trao đổi với người không có cùng ngôn ngữ với tôi. Cách nào đó, một tình huống cụ thể đã giới hạn chọn lựa tự do của tôi.

    IMG 0454

    Giới hạn do thói quen?

    Thói quen cũng giới hạn tự do của tôi. Thói quen có thể hình thành trong quá khứ mà không có một lựa chọn nghiêm túc nào của tôi, nó lại tác động vào điều tôi làm ngay ở hiện tại. Ví dụ, tôi có thói quen về ăn uống, thích một số loại món, thời gian ăn theo lịch, kiểu cách ăn, những thói quen này làm cho tôi thuận theo chúng một cách “tự nhiên” mà không cần nghĩ về chúng hay chọn lựa chúng. Tương tự là thói quen mặc, tôi mặc không vì lý do cụ thể nào, hay vì tôi có chọn lựa rõ ràng vì sao mặc theo cách đó. Nó đơn giản là một thói quen mà tôi theo nó, không có một chọn lựa nào của riêng tôi ở đó. 

    Khi thay đổi môi trường sống, thói quen phải thay đổi, tôi sẽ kinh nghiệm rõ hơn về việc thói quen đã từng điều khiển tôi hơn. Ví dụ việc di chuyển do công việc buộc tôi phải ăn nhanh và khó khăn so với thói quen lâu nay; nhà trường hay công ty bắt tôi mặc đồng phục; khi thực hiện bỏ hút thuốc thì nhận ra hút thuốc là do thói quen chi phối; buôn chuyện nói về người khác là một thói quen khó bỏ. Thói quen đã lấy đi tự do của những ai đang cố gắng để nó làm chủ đời mình.

    IMG 0270

    Giới hạn do động lực?

    B.F Skinner – nhà tâm lý học hành vi người Mỹ – cho rằng tự do chỉ là một ảo tưởng, con người không thực sự tự do. Ông nói phần thưởng và hình phạt hiện diện trong mỗi tình huống đã trở thành động lực, là nguyên nhân chính điều khiển hành vi con người. Tôi chọn đi học là để nhận được một kết quả tốt cho đời sống; tôi không chọn sử dụng ma tuý vì sợ nhận một hậu quả lên cơ thể. Điều tôi chọn lựa là dựa trên động lực tác động từ điều làm cho tôi hy vọng và điều làm cho tôi sợ hãi. Cha mẹ cố điều khiển hành vi đứa trẻ bằng việc thưởng khi chúng làm điều họ thích, và trừng phạt khi chúng làm điều họ không thích. Đứa bé lớn lên vào đời, lại tiếp tục bị chi phối điều khiển bởi “phần thưởng” và “hình phạt” của đời sống xã hội. 

    Ý kiến của bạn thế nào về khẳng định trên?

    Chúng ta thấy thật ra không chỉ có một tác nhân là tác động của sự thưởng-phạt trong một tình huống chi phối, mà còn có năng lực ý chí nơi mỗi cá nhân nữa. Có bao người vi phạm luật xã hội ngay khi họ ý thức rõ về trừng phạt có thể xảy ra. Có bao người chọn không nhận “phần thưởng” của một cơ chế tổ chức, họ lựa chọn hành động hợp với lẽ phải của họ. Có nhiều tình huống đặt ra phần thưởng được đề nghị rất lớn, hoặc hình phạt rất hãi hùng, việc phải chọn cho thấy anh ta bị điều khiển bởi tình huống, hoặc ý chí cá nhân anh ta chiến thắng. Khi ấy, anh ta hoặc mất hoặc được tự do. Như vậy, một lý do hay động lực của một tình huống, đặt ra nhiều áp lực, chúng ta có thể tự do, hoặc cũng có thể chính nó loại trừ tự do của chúng ta.

    IMG 0217

    Định mệnh & Tiền định?

    Nhiều câu chuyện trở nên khó giải thích đến mức nhiều người cho rằng có một năng lực đặc biệt hướng dẫn, định đặt sắp xếp, có tên gọi là định mệnh. Đôi khi, chúng ta cảm thấy có gì đó nằm đàng sau những gì xảy ra trong hiện tại trùng hợp với chọn lựa của chúng ta. Phải chăng những điều xảy đến với chúng ta được tiền định (định đặt từ trước) bởi một năng lực thần thánh bên ngoài chúng ta? Nếu có, tôi có còn tự do trong việc xác định đời sống riêng của tôi? Năng lực siêu nhiên đó nếu có thì là gì? Quá khứ, hiện tại, tương lai trong lịch sử mỗi cá nhân và nhân loại nằm trong năng lực của một thế giới siêu nhiên thiết lập thành định mệnh sẵn, con người chỉ việc tìm kiếm và khám phá ra cái lộ trình đó chăng? Riêng phần này, mình muốn dành một bài riêng để trao đổi cho đủ ý hơn khuôn khổ bài này. Xin hẹn lại.

    IMG 0056

    Vấn nạn đặt ra

    Con người có thể tự do xác định đời sống mình không? Nếu với sáu trở ngại ở trên, con người không thật sự tự do. Cũng có các tác nhân, cùng với tự do, xác định đời sống con người. Vậy ta phải chọn kết luận nào:

    • Các giới hạn: vật lý, tâm lý, tình huống, thói quen, áp lực xã hội, định mệnh, dù là thực hay không, mỗi cá nhân vẫn có một tự do trọn vẹn và hoàn toàn làm chủ đời mình. 
    • Con người không thực sự tự do, không làm chủ đời mình, vì giới hạn của sáu tác nhân vật lý, tâm lý, tình huống, thói quen, áp lực xã hội, định mệnh. 
    • Con người tự do, nhưng trong giới hạn. Vừa đối diện với sáu tác động này lại vừa đối thoại liên tục với tự do, vừa chị ảnh hưởng với chúng, lại có khả năng tự đưa ra chỉ dẫn cho đời sống mình.

    Bạn chọn kết luận nào?

    Chúng ta thử xem xét ý này, “mọi sự có thể xảy ra”. 

    Đó là một thái độ mở ra trong đời sống. Tôi có thể làm kinh ngạc chính mình. Tôi có thể khám phá những cơ hội mới, có thể ngạc nhiên bởi ngày hôm nay. Mặc cho những gì trong quá khứ, vẫn luôn có khả năng là tôi sẽ làm khác đi trong hôm nay. Tôi không bị ép buộc sống đời tôi hôm nay theo cách mà tôi đã sống nó hôm qua. Thái độ “mọi sự có thể xảy ra” ấy cho thấy cuộc sống tôi không được ấn định hay xác định sẵn, rằng mọi sự có thể xảy ra, với khả năng tự do của tôi. Luôn có con đường mở ra cho tôi, làm cho cuộc sống của tôi khác đi.

    IMG 0520

    Vấn đề trách nhiệm

    Kinh nghiệm cơ bản của đời sống con người là sự ý thức rằng con người chịu trách nhiệm cho đời sống của họ, cho mọi điều họ làm. Ai đó làm một việc, tôi giả định rằng họ có mục đích khi làm việc đó, chịu trách nhiệm cho hành vi của họ. Trong trách nhiệm đó, sự tự do hiện hữu. Qua việc họ chịu trách nhiệm, tôi giả định họ có thể làm chủ hành động của họ, điều họ làm dựa trên quyết định tự do của họ. 

    Trong đời tôi, tôi trải nghiệm với nhiều thử thách trong từng thời điểm, từng tình huống. Tôi không tồn tại như một đối tượng ngồi đó và dửng dưng. Những thử thách cho thấy trách nhiệm đáp trả của tôi, mong đợi tôi. Có những mong đợi tôi đáp trả với tự hào. Có đáp trả lại theo cách tôi cảm thấy tội lỗi về điều tôi đã làm. Một tình huống bất kỳ đều lệ thuộc vào thái độ đáp trả của tôi. 

    Có trường hợp, tôi quyết định không nói hay không làm gì, thì tôi cũng chịu trách nhiệm cho phép tình huống đó tiếp tục mà không có sự can thiệp nào từ phía tôi. Tôi vẫn phải chịu trách nhiệm cho điều đang xảy ra trong tình huống đó. Một sự việc trong xã hội mà tôi đang sống trong đó, sự dửng dưng như kẻ đứng ngoài lề tình huống, tôi nghĩ là tôi vô can, nhưng tôi đã liên đới trách nhiệm với tình huống cụ thể đó.

    Như vậy, một thách đố của trách nhiệm tỏ cho thấy tôi có thể đáp trả với nhiều cách khác nhau. Tôi làm thế nào là do tôi quyết định. Tức là tôi phải chọn lựa điều gì khi đó. Tôi không thể dửng dưng lờ đi những đòi hỏi. Điều đó cho thấy rõ ràng sự hiện diện của tự do trong tôi. Tôi được mời gọi chọn lựa, tôi có thể chọn và tôi phải chọn.

    IMG 0441 2

    Ý thức chọn lựa

    Hàng ngày, trong nhiều tình huống, chúng ta đối diện với một số chọn lựa và chúng ta sẽ chọn một trong số đó. Chúng ta ý thức sự khác nhau của từng điều có thể chọn trong từng tình huống.  Nếu chọn cái này, thì loại bỏ cái khác. Chúng ta ý thức rõ về sự tự do của chính mình. Dĩ nhiên, tôi không có chọn lựa tự do trong tất cả. Trải nghiệm về bệnh tật, buồn ngủ, tuổi già… không được chọn một cách tự do. Những thứ ấy là một phần của đời người vốn “không tự do”. Chúng hiện diện thật sự trong đời tôi, nhưng tôi không chịu trách nhiệm về chúng. Như vậy, trong đời sống, tôi ý thức rằng có lúc tôi chọn những hành động, lại có lúc tôi không chọn. Trong tình huống này, tôi sử dụng khả năng tự do, trong số khác thì tôi lại không sử dụng. 

    IMG 0370

    Thưởng & Phạt

    Chúng ta vẫn thường khen một ai đó và kết án một ai đó khác. Chúng ta thưởng cho một số người và chúng ta trừng phạt một số khác. Việc khen hay kết án, thưởng hay phạt là vì chúng ta phán đoán họ xứng đáng nhận chúng. Với điều đó, cho thấy chúng ta giả định con người tự do, họ chịu trách nhiệm cho hành vi của họ. Hành động của họ không phải là hạnh động của người máy, mà thể hiện tự do của cá nhân xác định chính đời họ. Chúng ta không thưởng cái xe hơi khi nó chạy tốt, phạt nó khi máy móc bị hỏng. Nó không chịu trách nhiệm cho điều đó. Con người thì trái lại, chọn cho mình cách thế để làm và chịu trách nhiệm. Cuộc sống xã hội phức hợp, mọi thứ được đặt trên nền tảng giả định đơn giản: hành động của anh được chọn lựa tự do.

    IMG 0277

    Tạm kết

    Bài này cố gắng trình bày những lý do để khẳng định con người tự do, con người có thể xác định đời sống của mình. Đó là sự mở ra trong đời sống, ý thức về trách nhiệm của mình và người khác, kinh nghiệm về việc chọn lựa một điều gì đó, giả định về tự do trong việc thưởng phạt trong đời sống xã hội. Kinh nghiệm bình thường của cuộc sống, có thể khẳng định con người có khả năng lựa chọn, con người thì tự do.

    tuanlionsg 7/2022

    2 BÌNH LUẬN

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    2 Bình luận
    Cũ nhất
    Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận