Đau khổ là gì?

-

Hai chữ “đau khổ”, đọc lên thì ai cũng biết là muốn nói gì. Nhưng để nói “đau khổ” là cái gì, thì thật khó mà nói cho thấu đáo, dù ai cũng ít nhiều từng trải, đời người ngập tràn khổ đau. Thường thì nhiều người có khuynh hướng tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp diệt khổ, nhưng có vài ý tưởng để phân biệt cũng là điều cần. Những người luận bàn về khổ đau là giới văn nhân qua các tác phẩm văn chương của họ, là các nhà khoa học luận giải, là các triết gia phân tích, là các nhà tôn giáo học. Họ cũng là những người không chỉ nghe nói, suy tư mà cũng phải chiến đấu cam go với vấn đề “đau khổ”. Mình chỉ là người học hỏi trong phạm vi, tổng hợp lại, không dám múa rìu qua mắt thợ hay đánh trống trước cửa nhà sấm, chỉ là học hỏi thế nào thì thưa thế ấy với lòng tôn kính và tìm kiếm lẽ sống cho mình.

    Qua các áng văn thơ, qua suy tư triết học, và qua cảm nghiệm của đời sống tôn giáo…v.v, con người mong tìm tòi được câu trả lời về nguồn gốc, ý nghĩa của đau khổ. Và hơn hết đó là tìm ra phương thế giúp con người tránh gặp phải đau khổ trên đường đời; hay nếu đang trong tình trạng đau khổ, khốn đốn thì con người sẽ phải làm gì để đương đầu với nó, và thoát ra khỏi vòng cương tỏa của nó. Từ xưa tới nay, chúng ta thấy có rất nhiều chứng nhân đã từng trải qua giai đoạn đau khổ nhất của cuộc đời. Từ những nhân vật có thực ngoài đời, đến những nhân vật có trong các tác phẩm nghệ thuật, họ đã có những kinh nghiệm cá nhân cách cụ thể của riêng bản thân khi đối diện với những đau khổ. 

    Đau khổ nói chung

    Đau khổ là mặt trái của hạnh phúc vốn là sự hòa điệu nội tâm, an nhiên tự tại. Một khi sự hòa điệu đó bị phá vỡ con người cảm thấy đau khổ. 

    • Đau khổ con người thường phải chịu xét về mặt thể lý: như đau đớn về mặt thể xác, đau bệnh, đau các cơ quan nội tạng…. 
    • Đau khổ xét về mặt tinh thần: Như mất công ăn việc làm, mất đi người thân, bị đối xử bất công, bị người khác xúc phạm…. 
    • Đau khổ mà con người phải chịu có thể đến từ thiên nhiên như: động đất, sóng thần, lũ lụt…v.v. 
    • Đau khổ có thể do con người gây ra cho nhau, có thể đến với con người một cách ngẫu nhiên, với nhiều cách thức và nhiều phương diện khác nhau.

    Trong ngành tâm lý học thì đau khổ là một trạng thái tình cảm phát sinh từ một khuynh hướng không được thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, trong thực tế, có mấy ai hoàn toàn mãn nguyện với chính bản thân của họ đâu? Và nỗi khát vọng sâu thẳm trong lòng người thì ai mà đo cho được?

    Với ngành hữu thể học: thì đau khổ được hiểu như là sự xấu đối nghịch với sự thiện. Sự xấu nơi chủ thể của nó, được hiểu theo nghĩa chất thể, điều này có nghĩa là chủ thể thiếu đi một sự thiện hay hoàn hảo mà nó phải có. Sự xấu làm cho chủ thể của nó ra xấu, thì đó là sự xấu theo nghĩa mô thể. Sự xấu là vắng bóng sự thiện.

    Chuyện Phật Tổ Thích Ca

    Đức Phật khám phá ra đau khổ phát sinh ở ngay trong nội tâm con người, trong chính cách nhìn, cách nghĩ, cách thấy và biểu lộ ra cách sống của mỗi người với chính mình, với cuộc đời và với người khác.

    Chuyện kể rằng, ngày chưa xuất gia, đương còn là một vị Hoàng thái tử trong cung điện nước Già-tỷ-la. Thân mẫu Ma-da-phu nhân mất sớm, hoàng phụ là Tĩnh-phạn vương hết sức lo lắng chiều chuộng nên đầy đủ các thứ hoan lạc, gọi là “ngủ – dục – ngủ – lạc”. Lẽ ra không biết đến đau khổ là gì. Nhưng vốn là người hay quan sát và ham tư duy, nội giới và ngoại tâm làm cho ngài càng nhận thấy đau khổ tràn ngập nhân gian. 

    Chẳng hạn, một hôm, đứng nhìn mấy luống cày dưới cánh đồng, thấy những con giun, con dế bị lưỡi cày cắt đứt, chịm trời sà xuống mổ lấy mà ăn, ngài động lòng trắc ẩn. Hay như trong truyện Tứ-môn-xuất-du, mấy lần ngài dạo chơi ở cổng thành. Ra cửa Đông gặp một ông lão thân hình tiều tuỵ, đầu tóc bạc phơ, mắt loà miệng móm, chân run lưng còng, tay chống cây gậy, lâu lâu mới đi được một bước. Ngài ra cửa Nam thì nghe những tiếng rên siết sầu thảm, như khóc như than, như ai như oán, một người bệnh tật nằm bên vệ đường. Ra cửa Tây, ngài lại thấy một người bên suối, trơ trơ như một khúc cây, bất động, mặc cho ruồi nhặng, sâu kiến lúc nhúc bò từ trên đầu xuống chân, xông lên mùi thối tha khó chịu, thì ra đó là một xác chết không biết tự bao giờ. Đó là những thảm cảnh đau thương vô cùng. Không biết tác giả đã nghe chính Phật Tổ diễn tả các đau khổ mà ngài đã chứng kiến hay là tự ngòi bút của họ tô điểm.

    Chuyện của Kitô giáo

    Tông Thư Salvifici Doloris nói về ý nghĩa đau khổ của con người, rằng đối với truyền thống Kitô giáo thì tự bản chất, hiện hữu là một thiện hảo, cái gì hiện hữu thì đó là một thực tại tốt đẹp; Kitô giáo tuyên xưng lòng nhân hậu của Đấng Tạo hóa và nhìn nhận các thụ tạo đều tốt đẹp. Con người phải chịu đau khổ là do sự dữ. Sự dữ là một thiếu sót, một giới hạn hay biến chất của sự thiện. Có thể nói, con người phải chịu đau khổ vì không tham dự vào sự thiện, hoặc theo một nghĩa nào đó, vì con người bị tước mất hay chính mình từ chối sự thiện. Con người phải chịu đau khổ, nhất là khi đáng lẽ phải tham dự vào sự thiện ấy trong trật tự thông thường, thì lại đã không tham dự.

    Tìm từ bản văn chính đó là bộ Thánh Kinh (cả Cựu ước và Tân ước gồm 73 cuốn). Những hình ảnh đau khổ về thân thể như chuyện người bệnh phong, bệnh bại liệt, bị quỷ ám… đến xin cứu chữa; hay đau khổ về tinh thần như một sĩ quan đến xin cho con mình khỏi thập tử nhất sinh, bà quả phụ đưa đám đứa con một của bà. 

    Có cả những diễn tả dụ ngôn để nói về đau khổ hoả ngục, như “chốn tối tăm ở ngoài, “nơi có lửa thiêu đốt”, “có khóc lóc và nghiến răng”. Chẳng hạn chuyện dụ ngôn Người Phú Hộ. 

    Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

    “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.

    Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”. 

    Dĩ nhiên, đoạn Luca 16:19-31, bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ, là dụ ngôn để nói về đau khổ ở đời này và đời sau của tôn giáo này. Các nhà truyền giáo thì diễn giải khôn cùng. Dân chất phác khi nghe thấy khủng khiếp thì hoán cải sống thiện, có người cảm xúc nhất thời, đâu lại hoàn đấy.

    Theo kinh Coran trong Hồi giáo

    Theo sách kinh Coran trong Hồi giáo và các bản tiểu sử của Mohamet, vị giáo chủ của đạo này, cùng các sách trong Hồi giáo, người ta nói là khó tìm được những câu văn diễn tả đau khổ. Có lẽ từ khởi đầu, Mohamet và các môn đệ với tính khí người Á-rập, một phần hướng theo huyền bí, một phần hướng đến việc chinh phục bằng vũ lực. Điều đó khiến cho người ta thấy nhiều lời lẽ chiến đấu quyết liệt, nhiều cảnh sát thương, gây nên thảm cảnh đau khổ hơn là những lời tạo cảm xúc về chúng. 

    Hồi giáo xem đau khổ là một hình phạt cho tội lỗi hoặc là một thử thách về đức tin. Tiến sĩ Sayyid Syeed, Chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Bắc Mỹ, phát biểu rằng các thảm họa xảy ra là để nhắc nhở người ta “tiếp tục biết ơn Thượng Đế vì những phước lành ngài ban và ý thức là mình phải giúp đỡ những người cần được giúp”.

    Theo các văn nhân, nghệ thuật

    Ngoài ý tưởng từ tôn giáo, có nhiều bức tranh, phù điêu, tượng ảnh diễn tả vè nỗi đau khổ, cảm động. Những tranh ảnh phù điêu về 14 chặng đàng thánh giá khổ nạn, bức phù điêu Đức Mẹ sầu bi nổi tiếng đến ngày nay… Bức tranh bộ xương của Ligier Richier trên ngội mộ René de Chalon, hình lực sĩ Milon ở thành Crotone bị sư tử xâu xé của điêu khắc gia Puget, bức tranh tai ương và khốn khổ vì chiến tranh của Callot, thảm sát ở Scio của Dalacroix… rất nhiều tác phẩm như thế về đau khổ âu sầu. Picasso có tác phẩm đề là Guernica vẽ theo lối mới được nhiều người ưa chuộng, nhắc lại thảm cảnh nội chiến tàn sát do chiến tranh ở Tây Ban Nha. 

    Trong văn chương, đau khổ là nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả. Như “Les Misérables” (Những người khốn khổ) của Victor Hugo. Trong đó có đoạn, một thiếu phụ nghèo đói chạy tiền nuôi con. Fantine học được cách làm sao để mùa đông cũng không phải đốt lửa, làm sao để chịu bỏ một con chim chỉ ăn của mình hai ngày mới hết một đồng tiền kẽm hạt kê, làm sao để lấy váy làm chăn và lấy chăn làm váy, làm sao để nhờ ánh sáng qua cửa sổ bên nhà trước mặt mà ăn cơm, tiết kiệm khỏi tốn đèn cày. Người ta không biết rất cả những gì một vài người yếu đuối nghèo khổ có thể làm với một đồng xu, chính họ đã sống cả đời trong tình cảnh thiếu thốn mọi sự, nhưng giữ lòng chất phác thật thà. Như thế thật là một cái tài. Fantine đã học được cái tài tuyệt diệu đó, và đã lấy lại được chút can đảm. Lúc ấy, cô nói với bà hàng xóm: 

    Chao ôi! Em tự nhủ mình: em chỉ ngủ 5 giờ và còn bao nhiêu thời gian thì lo may vá, như thế khi nào em cũng có thể gần đủ bánh ăn hàng ngày. Ròi khi nào buồn thì ăn ít. Cứ thế, nào đau khổ, nào lo âu, một bên có một chút bánh, một bên có những nỗi buồn sầu, tất cả những thứ ấy sẽ nuôi em.”

    Trong “Tội ác và Hình phạt” của Dostoievski, văn sĩ Nga là tấm thảm kịch của một thanh niên cướp của bà già. Một cảnh đau đớn của thân thể được tác giả diễn tả sinh động: “Bà kêu lên một tiếng nhỏ rồi bỗng nhiên ngã xuống đất sau khi đã đưa hai tay lên đầu… Máu chảy tuôn ròng như từ trong một cái ly lộn ngược; thân bà nằm dài… Bà chết rồi, hai mắt mở to dường như gần ra khỏi vòng xương, trán và cả mặt thì nhăn nhó không còn nhận được nữa vì những đường gân đều co quắc lại…”

    Tả về đau đớn khổ ải, Nguyễn Du viết rất nhiều đoạn, chẳng hạn:

    Thịt da ai cũng là người,
    Lòng nào hồng rụng, thắm rời, chẳng đau.
    Hết lời thú phục khẩn cầu,
    Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa
    .”

    Bà Đoàn Thị Điểm dịch thơ ông Đặng Trần Côn trong Chinh phụ Ngâm khúc cũng có câu:

    Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
    Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên sơn.
    Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,
    Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo
    .”

    Vô vàn tản văn, có nhiều câu chuyện khổ đau được kể, thảm thiết. Nghe những chuyện này, mà bây giờ, hàng ngày của truyền thông, đúng hay sai, thật hay tưởng tượng, thì phải nhận rằng cái tài diễn tả nỗi đau đớn cơ thể hoặc tinh thần là vô vàn kiểu cách. Thật hay giả, nhiều hơn hay ít hơn, đó cũng là tuỳ trải nghiệm của mỗi người. 

    Trong ngôn ngữ dùng hàng ngày

    Khoan hãy tìm nguyên nhân – hậu quả hay nguyên ngữ danh từ này. Chỉ liệt kê lại một chút cách diễn tả qua ngôn từ hàng ngày mà chúng ta từng nghe hoặc từng dùng. Người Việt mình khi nói đến đau đớn, đau khổ thì thích nói càng nặng càng nhiều qua từ ngữ. Người ta không muốn bộc lộ theo dạng bình thường, và thường hay nói lặp tiếng Hán + với tiếng Quốc ngữ. Chẳng hạn “phiền” nghĩa là “buồn” thì mình lại nói lặp là “buồn phiền”; tương tự “tân” là cay, khổ sở, buồn rầu; “ưu” là sầu buồn, “khổ” là đắng, đau đớn thì ta hay nói “tân cay khổ đắng trăm bề…”; hay như “muộn” là buồn bả, “bi” là thương xót, “ưu” là buồn sầu, thương hại. 

    Về tinh thần, có các từ chúng ta hay dùng để chỉ sự đau khổ:
    Khó chịu, bất mãn, đau đớn, đau thương, tê tái, buồn sầu, buồn rầu, buồn bã, phiền muộn, phiền não, chua xót, cay đắng, tân toan, khổ sở, đau khổ, bi thương, bi thảm, bi ai, bi ưu, thảm khốc, tân khổ, thống khổ, đau đầu, nhức não, chán chường, phát chán, chán như con gián…

    Về cơ thể có các từ như:
    Khó chịu, đau thương, nhức nối, tê tái, lao khổ, đau khổ, thấm mệt, mệt mỏi…

    Cục đá bị chẻ đôi, cành hoa bị cắt ngang, nó không đau. Con vật nó biết đau. Nhưng cái đau của nó chỉ là cảm giác đau. Con người còn có tri giác, tri thức, nhận thức, lại có ý thức về cái sự đau. Cái đau tinh thần. Nguyễn Du diễn tả:

    Cạn lời, hồn ngất, máu say
    Một hơi lạnh ngắt chân tay như đồng
    .”

    Theo các triết gia

    Nhà sinh lý học Bichat thì nói: “muốn biết đau đớn thật hay giả, cứ bắt mạch thì biết.” Có rất nhiều giải thích về cái sự đau đớn, đau khổ này, rằng là con người thấy đau rồi mới biết, hay biết rồi mới đau. Từ việc phân tích não bộ, cách vận hành xung điện não bộ, đến các nhà cảm giác học… tranh luận, thì tạm cho là biết trước rồi mới hành. Cái đau tác động từ bên ngoài, con người nhận biết, phản ứng hành động. Thành ra, đau khổ ở đây cũng chỉ là một trong các loại cảm xúc.

    Mà theo J.P. Sartre, cảm xúc là một cách thay đổi ngoại giới. Đưa tay lên hái chùm nho, cao quá với tay không tới, bèn nói thầm: “nho còn xanh quá!” rồi bỏ đi. Đó là ta gán cho cành nho một tính chất mà thực ra nó không có, nhưng vì có trở ngại, không thể thực hiện được, bèn tạo ra ý tưởng thay đổi sự vật. 

    Thấy một sự nguy hiểm bất chợt, tôi run lên, mặt tái mét, ngã lăn ra bất tỉnh. Đó là một cách “trốn thoát” – “ngã bất tỉnh là một cách tự nhiên để mình khỏi thấy nguy hiểm.” Sartre nói là vì tôi không tránh nguy hiểm bằng cách thông thường được, thì tôi phủ nhận nó bằng cách “hư vô hoá” nó đi, kể như không có nó. Nhưng cái bên ngoài đó thì làm sao huỷ đi được, nên chỉ còn cách là huỷ bỏ ý thức, tức là bất tỉnh. 

    Chạy trốn nguy hiểm không phải là trốn để mà tránh nó, mà trốn là vì “không thể bất tỉnh để hư vô hoá chính mình”. Khi người ta đau khổ, buồn sầu là vì ngoại giới buộc phải đối phó, nhưng người ta không có điều kiện thích ứng, thì thay đổi ngoại giới theo cách “nho còn xanh quá!”. Khi mất của cải, không còn điều kiện sống tốt. Tôi buồn sầu là để huỷ bỏ ý tưởng phải dùng của cải để hưởng thụ gì đó, thay đổi kết cấu ngoại giới bằng một kết cấu khác, về mặt cảm xúc. 

    Nhưng ông William James – chủ thuyết cảm xúc – lại nói khác. Ông cho rằng hành động phản ứng có trước rồi mới đau đớn sau. “Ta mất của, ta buồn rồi ta khóc; ta thấy con hổ, ta sợ, rồi ta trốn; một ai đó lăng nhục ta, ta giận rồi ta đánh. Thường thì người ta nói vậy. Tôi lại chủ trương trật tự như vậy không đúng. Một dữ kiện tinh thần không trực tiếp gây nên một dữ kiện khác, phải có biểu hiện cơ thể chen vào giữa hai dữ kiện đó. Xác nhận hợp lý là thế này, ta buồn vì ta khóc, giận vì ta đánh người, sợ vì ta run, chớ không phải ta khóc, đánh người, ta run, vì ta buồn, ta giận hay ta sợ, tuỳ theo trường hợp”.  Như vậy là hành động, cử chỉ có trước rồi đau đớn mới có sau, kiểu như cử động là nguyên nhân cho đau đớn như các cảm xúc khác. Hiểu là:

    • Nếu không có các tác động biến chuyển đó thì không có đau đớn cũng như không có cảm xúc. Một xúc cảm mạnh rồi thử tiêu trừ mọi ý thức về cảm giác đó đi, thì tất cả chỉ là không hề có gì, thản nhiên, trống trơn. Lange trong tác phẩm “các cảm xúc” nói rằng: “khi sợ hãi, diệt bỏ mấy cái triệu chứng cơ thể, giữ huyết mạch cho đều, nhìn cho nghiêm, sắc mặt bình thản, cử chỉ chắc chắn, nói năng hoạt bát, tư tưởng rõ ràng, thì còn gì là sợ hãi”.
    • Đau đớn thể lý hay tinh thần đều do nguyên nhân trong cơ thể. Có người diệt chúng bằng việc ăn ngon ngủ ngon, uống rượu hút thuốc… không thấy buồn phiền nữa. Có khi chỉ làm cho ngất ngây cơ thể chốc lát tạm thời, và chúng lại gây tai hại cho thứ khác. Chữa trị đau đớn nhất thời lại tạo ra đau đớn lâu dài.
    • Chóng mặt trước rồi mới thấy lờ mờ. Mặt đỏ, lúng túng rồi mới biết mình đang khó xử. 

    Ai cũng biết càng run, càng chạy thì càng sợ, tỏ ra can đảm có khi bớt sợ hơn. Người Việt Nam xưa hay chỉ cho trẻ, khi đi trong tối, thì bỏ ngón tay cái vào giữa bàn tay, cầm lại cho chặt, vì ma hay bắt hai ngón đó. Thực ra, hãy thử đi, sẽ thấy khi siết chặt lại, sẽ bớt sợ, bình tĩnh, mạnh mẽ hơn. Càng khóc càng thấy đau. Nếu làm bộ vui, cười, huýt gió, ca hát, thì thấy bớt đau bớt buồn. 

    Lại có ông Worcester phản đối chủ trương của W. James. Ông ví dụ: “Con gấu bị nhốt trong chuồng chỉ làm cho người ta muốn nhìn xem nó thế nào, nhưng người thợ săn thì vui thích khi gặp con gấu thong dong trong rừng.” Khi không có ý tưởng nguy hiểm đến tính mạng thì người ta không sợ. Chảy nước mắt nước mũi mà vẫn không sợ. Nghĩa là có nhiều thứ cảm xúc, nhiều thứ đau đớn, chứ không là một loại chung chung. Có khi dùng các hoạt động cơ thể cười nói để quên sầu buồn, nhưng có những thứ sầu buồn tê tái không dễ thắng nổi bằng tiếng ca hát nhảy múa hay nụ cười vui vẻ.

    Chúng ta thấy, cuối cùng, cái gì trái với điều mình chờ đợi mong muốn là đau khổ. Giá vàng tăng cao, một số người lấy làm đau khổ vì gom tiền chuẩn bị sắm vàng thì nó lại lên giá; một số người khác lại lấy làm sung sướng. Cái đến sau không tương hợp với cái ý mình mong muốn, nhận ra sự trái ngược đó là biết khổ. Cái mong muốn vốn là tự nhiên, ai cũng có, và có thể như nhau, hoặc do giáo dục, tập quán, văn hoá làm cho khác nhau. Nên cùng một sự, có thể người này sầu khổ, người khác thản nhiên. 

    Vậy nên, có người cho rằng đau khổ chỉ là vì không có vui thích chỉ là một cách nhìn tiêu cực. Người ta lại phân biệt nhiều tầng đau khổ, cường độ khác nhau. Nếu thoả mãn thì đi từ dễ chịu đến vui thích rồi sung sướng, nếu chưa hay không thoả mãn và ngược lại là đi từ khó chịu đến đau khổ. Đau thân xác hay đau tinh thần, nhanh hay kéo dài, mạnh mẽ hay yếu đuối, tuỳ đó. 

    Lại có khi buồn và vui đồng thời, cùng một việc với một người. Mình vừa coi bộ phim Purple Hearts trên Netflix, anh lính bị thương nặng, buồn rầu lo lắng vì sợ phải cắt chân, nhưng mừng vì sẽ được giải ngũ, về với người thân yêu. Vậy, đau đớn là một cơ quan nào đó bị hỏng, chớ không hẳn là toàn thân. Đau khổ tinh thần thì lại tuỳ vào ý. 

    Lại có khi thời gian làm cho buồn hoá ra vui, đau đớn thành thoả thích. Người mới về vùng thôn quê thấy yên lặng là buồn, sau lại thấy vui thích; ngược lại người vùng thôn quê lên đô thành ồn ào náo nhiệt, lúc đầu mệt mỏi, sau lại vui thích; người mới ăn chua cay thấy khó chịu, sau lại ghiền; người mới hút thuốc uống bia thì thấy đắng khét khó chịu, sau lại thèm. Người biết trước sẽ thi rớt thì ít buồn hơn kẻ tin chắc thi đậu, khi cùng xem kết quả. 

    Chủ thuyết duy thức

    Lại cho rằng đau khổ chỉ là một sự hiểu biết mà thôi. Leibniz, Wolf cho rằng đau khổ là vì biết được một khiếm khuyết. Không phải hiểu biết là đau khổ, vì hiểu biết mới có đau khổ, kiểu như vì hiểu rõ quá sự khác biệt với mong muốn, không vừa ý mình mong đợi, đòi hỏi, ao ước nên đau khổ, chứ không phải hiểu biết là đau khổ. Ở đây, khổ vì ngược với điều mong muốn trong lòng sâu xa. Buồn vì không muốn điều ấy, nó ngược với điều trong lòng muốn, buồn khổ vì không muốn có điều đó. Cho nên, cái xảy ra là hợp với ý (ý thức rõ là nó, đúng như nó là), nhưng phản với lòng (lòng mong muốn khác). 

    Schopenhauer lại nói ngược lại:

    Đau khổ là tích cực, có thật, còn vui thích, sung sướng là tiêu cực vì không có đau khổ. Nếu vui thích là nhu cầu muốn được thoả mãn, đau khổ là không thoả mãn. Mà có nhu cầu là có đau khổ rồi. Người đời thì nhu cầu này nối tiếp nhu cầu kia, mong muốn này chồng chồng lớp lớp mong muốn khác, cho nên mãi mãi chỉ là đau khổ.

    Vậy, 

    Đau khổ gồm có những yếu tố sau:

    • Một tác động gây ra tình trạng mới lên cơ thể hoặc trong tinh thần.
    • Tình trạng mới đó ngược với mong muốn, đòi hỏi, đợi chờ.
    • Biết rõ (cảm giác, tri giác, ý thức) tình trạng mới xảy ra đó.

    Nếu có chuyện xảy ra, nhưng không ngược với mong muốn, hoặc ngược với mong muốn nhưng bản thân người đó không biết không ý thức… thiếu một trong 3 điều trên thì không có đau khổ. Đau khổ là biết một tình trạng mới trong cơ thể hoặc tinh thần ngược với điều mong muốn đòi hỏi. Nếu không biết thì không đau khổ. 

    * Đến đây đã, phần sau thử tìm hiểu nhanh về hiện trạng, nguyên nhân, giải pháp của các nhà tư tưởng, tôn giáo.

    tuanlionsg 2002

    3 BÌNH LUẬN

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest

    3 Bình luận
    Cũ nhất
    Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận