Trang chủNgẫm nghĩĐời & ngườiNgười ta nói gì về đau khổ?

Người ta nói gì về đau khổ?

-

Trừ những người vì bệnh tật mà mất ý thức, hay nhờ tập luyện thế nào đó mà trong đời họ không biết đau khổ là gì. Nhưng mà không nhiều. Giả như bản thân mình được phúc không hề rơi luỵ, không bao giờ thở than, thì sao có thể không thấy nước mắt đầm đìa của tha nhân, không thấy khoé mắt, gò má, lằn môi, da trán, biểu lộ đau thương? Sao có thể không nghe tiếng kêu than chung quanh mình, không cảm thương những người khổ đau gặp trên đời, không chứng kiến những thảm cảnh do đủ loại sự dữ, tự nhiên và con người tạo ra? Dĩ nhiên ai cũng có trải nghiệm ít nhiều nỗi khổ trần gian. Hãy thử dựa vào thực nghiệm, mắt thấy tai nghe, rồi thử tìm hiểu nguyên nhân, hay khảo cứu các giải pháp.

    Người xưa trải nghiệm

    Khảo cổ dựa vào một vài dấu tích trong các hầm hố, cả triệu năm trước, con người đã chú trọng việc an táng người qua đời, nhiều dấu chỉ cho thấy chết là đau khổ cho cả người ra đi và kẻ ở lại. Những tín hiệu của một niềm tin chết là hết khổ. Có những bộ xương co quắp lại, muốn người ra đi trở về như khi còn trong lòng mẹ. Có những hình vẽ Totem, động vật tổ, để nhận mình là cùng dòng để không bị chúng làm hại. Người xưa đã thấy bao nhiêu là đau khổ, đã sống giữa bao đau khổ, thấy bất lực với bao tai ương thiên nhiên, thú vật, cuộc sống. Không hiểu chúng từ đâu đến, không nắm bắt được, nên gán cho nó một ý nghĩ huyền bí, tranh nó thì phải luỵ phục tôn kính chính cái thấy được, như sấm sét, bão lụt, ác thú, cây đa, cục đá.

    Văn minh Tiểu Á

    Văn minh các miền Assyri, Babylon, Ai Cập, Hy Lạp rất nhiều dấu hiệu của hình thức cúng tế, thờ phượng để tránh đau khổ, để được hạnh phúc. Đâu đâu cũng thờ nhiều thần linh, vì nhiều tai ương làm cho con người đau khổ, từ thiên nhiên mưa gió, sấm sét, lụt bão, giông tố, rồi dịch bệnh, chết chóc, tai nạn, chia rẽ, xa cách. Không hiểu từ đâu ra, quy tất cả cho các vị thần. Nào là thần Mardourk, thần Baal, thần các tinh tú, thần Mặt trời Amon-Ra… Họ tin thần có thể ban phúc hay giáng hoạ.

    Văn minh Ấn Độ

    Từ xửa xưa, trong lịch sử Ấn độ, họ đã theo đạo Bà-la-môn. Theo kinh Véda (Phệ-đà: nghĩa là Biết), trong mục những bài hát Véda (Rig-Véda), có gần 1.300 bài thánh vịnh từ thế kỷ XV – X trước tây lịch. Trong bộ kinh Sâm Vida tụng ở các lễ tế, Ya-jur-Véda tụng trong ngày rằm, mùng một, lễ mùa, cầu cho các vong linh là các lời thần chú trừ ma loại quỷ. Tất cả đều có nhiều lời lẽ về khổ ải trần gian của con người. Chỉ có thế giới thần linh là chân thật, hạ giới là hư không. Đã là hư không huyễn hoặc thì chỉ có khổ đau xấu xa. Tư tưởng triết học xưa cũng vậy: chân và thiện là thực thể, còn nguỵ và ác là vô thể. “Có” là hay là tốt, nên “Không” là dở là xấu, là đau khổ.

    Kinh Phệ Đà

    Thế kỷ X trước tây lịch, kinh Phệ-đà (Véda ) có hai bộ kinh Brabmana (Bà-la-ma-na) và Upanishad (Ưu-bà-ni-tát) nói nhiều về đau khổ, khuyên người ta buông bỏ càng nhiều càng hay, từ bỏ trần tục bao nhiêu là bớt đau khổ bấy nhiêu. Đạo sĩ Yàjnãvalkya  khuyên nên từ bỏ vạn sự, đem thân phiêu lưu không đâu là nhà, để không còn bám vào một chỗ nào, đâu đâu cũng là đau khổ, đi hành khất đủ sống để không còn bận tâm vào một vật gì, vì vật gì cũng làm cho đau khổ.  Học thuyết “vô nhị” (Advaita) giải thích Ưu-bà-ni-tát chủ trương “không có hai”, không có gì thứ hai cả. Hồn vũ trụ ở trong thế giới vật chất. Thế giới vật chất chỉ là hiện tượng của hồn vũ trụ, là một ảo tưởng chứ không có thực. Thế giới hữu hình chỉ là một thứ kỳ ảo ma thuật, đầy hư không và đau khổ. 

    Thế kỷ VIII trước  tây lịch, Kỳ-na-giáo (Jainisme) được thành lập bởi Parcavanatha. Tên Kỳ-na là vì ông có danh hiệu là anh hùng thắng trận, tiếng Ấn là Jina (Kỳ-na). Ông cũng dựa vào Ưu-bà-ni-tát gọi đời người là đau khổ, bao nhiêu hoạt động của con người đều gây nên đau khổ. 

    Phật Tổ và đạo Phật

    Thế kỷ VI trước tây lịch, có Phật tổ Thích Ca. Dựa vào câu chuyện cuộc đời và những lời giảng dạy của Ngài trong sách nhà Phật, phải công nhận chính sự đau khổ là nguyên nhân khiến cho Ngài thí phát xuất gia, và cũng là trung tâm điểm đạo lý của Ngài. Trông thấy những mối đau khổ, ngài đã phát bồ đề tâm: “Cho hay muôn loài trên mặt đất, chỉ phải vất vả giết hại lẫn nhau. Ở đời chỉ có đau khổ, chứ không có gì là hạnh phúc. Vậy ta phải làm thế nào để giúp cho chúng sinh hết khổ.” Một hoàng tử trẻ tuổi đã có những ý tưởng như thế! 

    Này các thầy Sa-môn, đây là phép mầu về sự khổ: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì ưa mà phải di dời là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ. Nói tóm lại triền miên trong ngũ trọc là khổ.” (Kinh Mahavagga, dịch bởi Phạm Quỳnh, Phật giáo đại quan). Đó là Diệu đế thứ nhất về vạn sự ở đời là đau khổ trong Tứ diệu đế căn bản tinh hoa của đạo Phật. Chính Phật tổ cũng dạy: “Nước mắt chúng sinh trong ba nghìn thế giới, đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn bể.”

    Như vậy, không biết bao nhiêu sách là từ lời của Phật tổ, nhưng biết chắc là Ngài đặc biệt lưu tâm đến vấn đề đau khổ. Từ khởi thuỷ đạo Phật đã chú trọng đến vấn đề đau khổ. Ở đạo Hồi, Mahaomet sáng lập từ đầu không nhấn mạnh đến vấn đề này. 

    Kinh thánh Do thái

    Kinh thánh của Do thái giáo chính là bộ Cựu ước (gồm 46 cuốn) nói nhiều đến đau khổ của nhân loại. Ngay trong sách đầu tiên là Khởi nguyên (Sáng thế ký) ở 11 chương đầu giải thích căn nguyên mọi sự, đặc biệt là nguồn gốc đau khổ của nhân loại. Sau khi chống lại Thiên Chúa, rời vườn địa đàng, loài người phải đau khổ trên gian trần. Đến đời ông Noê thì bị lụt Hồng thuỷ, sau này thì hai thành Sodome và Gomorrhe bị lửa diêm sinh thiêu tàn. Esau bị em là Jacob cướp phần trưởng nam. Con Jacob ganh ghét nhau, khiến cho Joseph bị bán sang Ai-cập, phải ở tù. Khi cơn đói khát mất mùa cả vùng, khiến cho gia đình Joseph phải sang Ai-cập nhờ đến ông cứu sống. Rồi đến ngày Moisen đưa dân Do thái trở về quê hương, nhưng gặp bao gian truân vất vả suốt hành trình 40 năm trên sa mạc. Nói về đau khổ thì phải nhắc đến cuộc đời ông Job, lương thiện lại bị bao nhiêu đau đớn bệnh tật, mất hết bạn hữu, mất sạch của cải. Ông phải kêu lên: 

    Nếu người có thể đem cân những nỗi đau khổ của tôi,
    Cũng còn nặng hơn hết cát ngoài biển
    …”

    Thiên Chúa giáo

    Các câu kinh đó đây nói nhiều về đau khổ, đời người như chốn lưu đày, là vũng đầy nước mắt, các bài thánh ca bi ai… nhưng đó là của các bậc khả kính đặt ra, trong bộ Phúc Âm không hề thấy nói cuộc đời là bể khổ. Chỉ có cuộc đời của Chúa Jesus (Giê-su) ở thế trần là đầy những đau khổ. Trừ vài dịp người ta tung hô chúc tụng vì Ngài dạy chí lý bùi tai, hay vì thấy Ngài làm những phép lạ cứu chữa người bệnh tật, hoặc khi dân muốn Ngài làm vua rồi tung hô Ngài, còn lại toàn đau khổ. Sinh ra ở máng cỏ hang lừa, chạy di cư sang nước ngoài, ẩn dật ở Ai cập. Trong lúc đi giảng dạy thì bị người ta ganh ghét, tìm đủ cách dèm pha nói xấu, vu khống ác hại, thậm chí họ đã bắt và nộp cho toàn quyền thuộc địa, xúi dục đám đông dân chúng kêu gào để Ngài phải chịu án tử trên thánh giá giữa hai tên trộm cướp. 

    Những việc Ngài làm hầu hết là lưu tâm đến cứu chữa những đau khổ thể chất đến tinh thần, từ chuyện nhỏ như bữa tiệc cưới hết rượu cho đến việc lớn như chữa lành bệnh tê liệt, cứu sống kẻ đã chết… Lời giảng dạy nhiều lần muốn người ta hiểu và tin đời sống trên mặt đất này chỉ là tạm một khoảng thời gian, ngày sau mới thực là sướng hay khổ. 

    Một người được cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì? Các con đừng sợ những người chỉ giết được thân thể mà không giết được linh hồn, chúng con hãy kính sợ Đấng có quyền bỏ cả thân thể và linh hồn vào hoả ngục.

    Đồ dại dột, đêm nay người ta đến hỏi linh hồn người, cái tài sản người đã lo tích trữ rồi để cho ai? 

    Các con đừng lo tích trữ kho tàng dưới đất, là nơi có mối mọt ăn đi, có trộm cắp đục tường và lấy mất. 

    Phúc cho những người bị bách hại vì công chính, nước trên trời là của họ. Phúc cho anh em khi người ta mắc nhiếc và bách hại anh em, vu khống mọi thứ xấu xa cho anh em vì Thầy. Anh em hãy hoan hỷ vui mừng vì phần thưởng của anh em vẫn lớn lao ở trên trời. 

    Các thầy giảng đạo

    Thường thì nơi các đạo, từ kinh đến lời giảng dạy, chứa chan lời nói đến đau khổ của con người. Điều đó hình thành suy nghĩ tự nhiên nơi mỗi người, hễ nhắc đến đạo là nói đến đau khổ, là không đáng sống, bi quan yếm thế. Có thể là sai lầm. Đã là tôn giáo thì chú trọng đến việc đi tìm cuộc sống hạnh phúc, dù cho có nói đến khổ đau, giải thoát, thiên đàng, hoả ngục, cực lạc, âm ty thì cũng vì muốn người ta thoát khổ và được hạnh phúc. Ở đời thì vẫn thường ham mê phù vân thế tục, ham mê những giả dối nhất thời, những hình thức bề ngoài, những vật chất nơi con người và xung quanh mình, chìm ngập mê man trong đau khổ, nên tôn giáo nhắc để mà tỉnh ngộ. Mấy người giảng đạo phải nói nhiều về đau khổ, về phù vân thế tục, về giả dối ở đời, đừng quá ham mê vật chất mà quên tinh thần, đừng quá bám tạm thời mà quên vĩnh cửu, đừng quá lo thân thể mà quên linh hồn. Kiểu vậy. Giống như bác sĩ trước bệnh nhân, nói rõ và nói nhiều về căn nguyên chứng bệnh, để bệnh nhân tự điều chỉnh, kiêng cữ, dùng thuốc chẳng hạn. Y khoa là khoa chữa bệnh chớ không phải khoa chuyên nói về bệnh tật. Đạo nào cũng nhận thấy có đau khổ trên mặt đất này, muốn cho người ta nhận thấy như vậy mà tìm phương thế tránh nó. Nhưng đó chỉ mới là phương thế tiêu cực. Xấu là tự nơi người, chớ không tự nơi đời người. Đường đi tự người ta làm cho dơ bẩn chớ tự nó không là sạch hay dơ. 

    Trong văn chương

    Hy Lạp cổ – Eschyle viết hơn 70 tấn bi kịch diễn tả những đau khổ chua cay dày vò của con người, hầu như đều do làm ham muốn mà ra. Ngược lại, Sophocle viết đến 100 bi kịch theo dạng thần thoại Hy Lạp nói đến những vận mệnh đau khổ oan ức của con người, không phải do họ tự gây nên, cố tránh mà vẫn không tránh được. Ai muốn đọc thì tìm chuyện Ajax và Ulysse hoặc chuyện Oedipe tréo ngoe tai ương kỳ lạ ở đời. Hoặc như Euripide để lại 17 tấn bị kịch thảm thiết và diễn tả nhiều tình huống ai oán. Tibullus viết 4 cuốn bi ca về chuyện phụ tình.

    Pháp thế kỷ 12, nổi tiếng quyển sách đầu tiên nói về khổ đau giết hại bởi Hồi giáo trong bài hát về Roland. Nhiều tiểu thuyết kể chuyện anh chàng Guigemar bắn mũi tên đi bị quay lui đâm vào chính mình. Chuyện phân ly rồi tái hợp đầy khổ ải của anh chàng Tristan. Mấy kịch bản danh tiếng của Corneille như Le Cid có lẽ ai cũng từng nghe đến, Horace, Cinna, Polyecte đều là những bi kịch. Như chuyện Chimène và Rodrigue tình duyên trắc trở, mắc vào vòng khổ đau giữa ái tình và ái quốc. Bà bá tước De La Fayette viết tiểu thuyết đầy tính cao thượng nhưng cũng đầy mối đau khổ thầm kín. Chuyện Princesse de Clèves éo le và đầy chi tiết hấp dẫn của nỗ lực vượt qua đau khổ. 

    Pháp thế kỷ 19, rất gần chúng ta, có nhiều tác giả nổi tiếng như Lamartine, A de Vigny, A de Musset than khóc vô vàn câu chuyện éo le trắc trở; lại có Vitor Hugo, Leconte de Lisle, De Noailles cũng viết đầy rẫy đường đời chứa chan bao đau khổ. Vitor Hugo có tiểu thuyết Lé Misérables (Những người khốn khổ) tả nỗi đau khổ của một số người như một tù nhân hoán cải Jean Valjean, hay thiếu phụ Faninte thương con là một thiếu nữ mồ côi Cosette… tất cả đều là nạn nhân của một xã hội đầy những con người ác độc hay mù quáng khắt khe của một thể chế. 

    Gần đây, với những ai thích triết hiện sinh, đều từng biết và từng đọc những tác phẩm hiện sinh nói lên những điều phi lý chán chường ở đời, để cho thấy đời là vô nghĩa vô lý, không đáng sống, đầy những khổ đau do ở đâu đâu, do ở cuộc vào sinh ra tử, chứ không phải tự mình gây nên, oan ức cho con người. Như A. Malraux với tác phẩm La condition humaine, les Conquérants, hay như ông Jean Paul Sartre mà mình hay nhắc đến trong những buổi nói chuyện đó đây, với tác phẩm La Nausée, Lé chemins de la liberté; Albert Camus với L’Étranger, La Feste, Fr. Sagan với Bonjour tristesse (Buồn ơi chào mi), A vez-vous entendu Brahms, Un certain sourire…

    Ở Ý, có thi sĩ trứ danh là Dante Alighieri với tập thơ La Divina Come địa nói đến hoả ngục, luyện ngục và thiên đàng chứa chan những lời than thở, nhớ lại mối tình xưa của thi sĩ với thiếu nữ Beatrice đã dẫn chàng qua các tầng ấy và giải thích về những đau khổ, gian nan, tội lỗi, những yêu ghét ở đời. Thế kỷ 19 có Leopardi viết về cuộc đời bi quan yếm thế, trách vũ trụ đa đoan, bất công bất nhân, ái tình lừa dối, danh giá hão huyền chính từ cuộc đời 39 năm của tác giả đầy đau khổ bệnh tật, cô độc tinh thần và những tang thương của đất nước.

    Ở Anh, đặc biệt thế kỳ 16 có Shakespeare tuy viết bi hài kịch, nhưng trong tiếng cười lại đầy ai oán, còn nỗi đau thương, chua cay éo le nhiều khi số mạng oái oăm theo đuổi để giày vò hành hạ con người. Romeo và Juliette, hai gia đình thù địch nhau, nhưng hai trẻ lại yêu nhau, rồi phải chết cùng nhau. Chuyện Hamlet thì cuộc trả thù gây bao thù oán và chết chóc. Chuyện Macbeth cũng đầy những thương vong từ nhiều mối liên hệ giữa con người với nhau. 

    Ở Đức, thế kỷ 18, 19 nổi tiếng có Goethe mượn chuyện Faust bán mình cho quỷ (Anh) để diễn tả khúc ly kỳ tân khổ của một người tham danh vọng và số phận đau khổ của con người. Bạn của Goethe là Schiller cũng yếm thế gặp nhiều đau khổ đã bực tức nói lên ấm ức trong các tác phẩm của ông. Werner và Kleist thì viết kịch diễn tả nỗi đau đớn vì vận mệnh con người. H. Heine vì thất tình viết thành câu đau thương. J. Kerne mộng mơ về cõi vô cùng và thấy dưới đất chỉ là nơi cần được giải thoát.

    Ở Nga, đầu thế kỷ 19 có Pouchkine và  viết những tấn kịch để nói những nỗi đau đớn và oan ức của chính cuộc đời họ trải qua. Go-Gol ấn tượng với kiểu dù là hài kịch mà cười ra nước mắt, như chuyện người bần cùng chỉ có ăn cắp một cái áo che thân mà phải bao nhiêu khổ đau nhục nhã. Giữa thế kỷ 19 lại có Riéchetnikov coi đời người nông dân chẳng khác gì thú vật. Lévitov với cuốn sách tựa là “Đau khổ ở xóm làng và thành thị”. Nekrasov vịnh thơ âu sầu của những người kéo thuyền kiệt sức trong cuộc sống với công việc vô nhân đạo. Tác giả này diễn tả lại chính trải nghiệm khổ đau thuở thiếu thời trông thấy thảm trạng tôi đòi và thiếu ăn đói khát. Dostoievski diễn tả những nỗi đau đớn của người nghèo, xã hội bất công, xấu xa, tàn ác, tâm hồn băn khoăn xao xuyến, cơ thể yếu đuối bệnh tật. Lev Tolstoi viết những lời kết án chiến tranh gây nên đau khổ, chê trách lối sống văn minh thờ ơ với con người bên lề cuộc sống. Tchékhov nói đến những người tri thức ích kỷ, do dự chán nản, gây đau khổ cho mình và người. Và, sau này thì có nhiều văn sĩ âm thầm lên tiếng nỗi đau khổ oan ức khác ở thời mới.

    Ở Tây phương thì còn nhiều lắm. Nhắc đến lại nổi máu đam mê. Ví như ở Ba Lan, Elza Orzeskona tả cảnh khổ ải của những người Do thái làm nghề thuyền chài, nông phu trên bờ sống Niemen. Boleslas Brus tả cảnh người dân ở chốn thôn quê và sự yếu đuối của người thành thị. Hay ở Mỹ, những lời văn yếm thế trong tác phẩm của Waldo Emerson, Hawthorne, H. Adams, Dos Iassos, Hamingway…

    Ở Trung Hoa, có Kinh Thi, có chuyện lịch sử, bao nhiêu cảnh tượng đau khổ, như của Khuất Nguyên, Đào Tiềm, Lý Bạch, Tô Đông Pha. Tiểu thuyết có Ngũ hổ bình tây, Tái sinh duyên, Hoàng phủ thiếu hoa, Mạnh lệ quân, Lưu yến Ngọc… đều lâm vào cảnh éo le đau khổ, mặc dù cảnh chuyện toàn đủ đầy danh lợi cả. Có nhiều chuyện lan truyền nhiều như Lương sơn Bá và Chúc anh Đài từng một thời đưa lên sân khấu khiến bao người rơi luỵ. 

    Việt Nam mình, từ thời chữ Hán, cũng nhiều lời than thở nói lên đau khổ ở đời như bài Sơ hạ của Chu An. Đinh Văn Chấp dịch rất hay. Bài thơ Cúc hoa của Huyền Quang:

    Thân thế nào hay có với không,
    Một giường lạnh ngắt kẻ ngồi trông,
    Giữa non năm cuối quên ngày tháng,
    Mạch tiết trùng dương cúc nở bông.

    Bài thơ Thuật hoài của Đặng Dung, ông Phan Kế Bính dịch trong Đại nam nhất thống chí:

    Việc đời bối rối tuổi già vay?
    Trời đất vô cùng, một cuộc say,
    Bần tiền gặp thời lên cũng dễ;
    Anh hùng lỡ bước gẫm càng cay.

    Vai khiêng trái đất mong phò chúa.
    Giáp gột sông trời khó vạch mây,
    Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
    Gươm mài bóng nguyệt biết bao ngày!

    Bài thơ Cảm hứng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng ông Phan Kế Bính dịch:

    Non sông nào phải buổi binh thời,
    Thù đánh nhau chi khéo nực cười,
    Cá vực, chim rừng ai khiến đuổi,
    Núi xương, sông huyết tham đầy vơi.

    Ngựa phi chắc có hồi quay cổ,
    Thú dữ nên phòng lúc cắn người,
    Ngán ngẫm việc đời chi nói nữa,
    Bên đầm say hát nhơn nhơ chơi!

    Đặng Trần Côn viết quyển Chinh phụ ngâm, bà Đoàn Thị Điểm dịch ra quốc ngữ có những câu:

    Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
    Khách mà hồng nhiều nỗi truân chuyên,
    Xanh kia thăm thẳm tầng trên.
    Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.

    Nguyễn Gia Thiều tước Ôn như hầu viết Cung oán ngâm khúc có câu:

    Đòi những kẻ thiên ma bách chiết,
    Hình thì còn, bụng chết đòi nấu!
    Thảo nào khi mới chôn nhau,
    Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra.

    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
    Ai bày trò bãi bể nương dâu.
    Trắng răng đến thuở bạc đầu,
    Tử, sinh, kinh, cụ, làm nau mấy lần?

    Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,
    Lớp cùng thông như đốt buồng gan.
    Bệnh trần đòi đoạn tâm can,
    Lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da!

    Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
    Mặt phong trần nắng nám mùi nâu.
    Nghĩ thân phù thế mà đau,
    Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

    Cụ Nguyễn Du với “Đoạn trường tân thanh” là truyện đầy đau khổ, tiếng nói về nỗi đoạn trường:

    Trải qua một cuộc bể dâu,
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

    Những chuyện viết để mà dạy luân lý ăn ở lương thiện sẽ gặp hạnh phúc cũng nhiều. Nói đến những cảnh gian truân oan ức như Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Kiều Nguyệt Nga bị bắt ép duyên, phải tự vẫn, Lục Vân Tiên thì mồ côi, bỏ thi, mù mắt, bị bạn bất lương âm mưu hãm hại. 

    Hồ Xuân Hương quen ngâm vịnh những lời mỉa mai, ngạo nghễ, lơ đãng khêu gợi, thân thế gian nan, hai đời goá bụa, cũng có những lời than thở chua cay:

    Trăm năm va vạn sáu nghìn ngày,
    Dẫu có nghìn vàng khó đổi thay!
    Trong núi nghìn năm cây vẫn có,
    Dưới đời trăm tuổi dễ chưa ai.

    Nghĩ đường danh lợi lòng thêm chán,
    Thấy kẻ gươm đao ruột lại đầy.
    Đắng đót ghê thay mùi tục luỵ,
    Bực mình theo Cuội tới cung mây.

    Bà Huyện Thanh Quan, bao giờ cũng nghiêm trang, nhưng tức cảnh sinh tình, không thiếu lời ai oán:

    Nhớ nước đau lòng con quốc-quốc,
    Thương nhà mỏi miệng cái gia-gia.
    Dừng chân đứng lại trời non nước,
    Một mảnh tình riêng ta với ta.

    Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
    Đến nay thấm thoát mấy tinh sương.
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. …

    Nguyễn Công Trứ, làm quan đến chức thượng thư, có tài thao lược, văn võ kiêm toàn, có tiếng vui chơi, theo thú ca xướng, có những tiếng kêu vui vẻ lại cũng có những câu than thở cuộc đời:

    Ngẫm cho kỹ bất nhân là tạo vật,
    Đã sinh người lại hẹn lấy năm.
    Kể chi thằng lên bảy, đứa lên năm,
    Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc. 

    Lại mang lấy lợi danh vinh nhục,
    Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan!
    Sầu trường mang mang tắc thiên địa,
    Giống ở đâu vô ảnh vô hình. …

    Cao Bá Quát thông minh có tài đặc biệt, văn chương xuất chúng, nhưng đường đời công danh trắc trở, thơ ông đầy những lời ngạo mạn và yếm thế bi quan:

    Thế sự thăm trầm quân mạc vấn,
    Yên ba thâm xứ hữu ngư châu.
    Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu,
    Đem mộng sự đọ với chân thân thời cũng hệt.

    Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, tinh thông hán học, nhưng phóng túng không chịu theo khuôn phép, thi mấy lần đều hỏng, không hợp với trường báo, lại có tiếng uống rượu làm thơ:

    Đời đáng chán, hay không đáng chán,
    Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm.
    Giá khuynh thành nhất tiếu thiên cầm,
    Mắt xanh trắng đỗi nhằm bao khách tục. 

    Khách phù thế, chưa hết câu phù thế,
    Người phong lưu càng đượm vẻ phong lưu.
    Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu,
    Truyện kim cổ một vài câu phải trái.

    Đời đáng chán biết thôi là đủ.
    Sự chán đời xin nhủ tri âm,
    Nên chăng nghĩ lại kẻo nhầm.

    Trong phong trào tả thực diễn tả lầm than đau khổ của lớp người nghèo, có truyện “Tôi kéo xe” của Tam Lang, “Lầm than” của Lan Khai. Nỗi khổ vì phong tục tập quán, xã hội như “Đoạn tuyệt” và “Lạnh lùng” của Nhất Linh Nguyễn Trường Tam, Nửa chừng xuân, Gia đình, Thoát ly, Đợi chờ của Khái Hưng. Thơ mới thì có Thế Lữ:

    Tiếng đưa hiu hắt bên nguồn,
    Buồn ơi! Xa vắng mênh mông là buồn.

    Hàn Mặc Tử, một thi sĩ trẻ tuổi chẳng may bị bệnh nan y thời bấy giờ:

    Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,
    Mỗi lời thơ đều dính đến não ta.
    Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt.
    Cho mê man chết điếng cả làn da.

    Của Xuân Diệu:

    Không gì buồn bằng những buổi chiều êm,
    Mà ánh sáng mờ dần cùng bóng tối.
    Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối,
    Đêm bâng khuâng đôi miếng lẫn trong cành…

    Của Huy Cận:

    Hỡi Thượng đế! Tôi cúi đầu trả lại,
    Linh hồn tôi, đà một kiếp đi hoang.
    Sầu đã chín, xin người thôi hãy hái,
    Nhận tôi đi dù địa ngục, thiên đàng.

    Nếu Chúa biết bao nhiêu hồn ly tán,
    Vì đã nâng bình lửa ấp lên môi.
    Thì hẳn Chúa cũng thẹn thùng hối hận,
    Đã sinh ra thân thế của con người…

    Nhiều lắm! Liệt kê không thể hết. Những văn sĩ hay thi sĩ, thường là những người có tài trí ít nhiều, trải nghiệm nơi bản thân hoặc nơi người đời và đời người những tình huống éo le, mâu thuẩn, trắc trở, ngược với điều mình mong muốn, đợi chờ. Họ cũng là những người có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động. Cảm xúc nơi họ như dây đàn không chờ bàn tay gảy vào mới kêu, mà chỉ cần một làn gió đã âm vang rồi. Cho nên, họ cảm nhận nhiều và rõ sự đời sâu thẳm, lại có sẵn lời văn lời thơ, viết ra những câu than thở. 

    Các Triết gia nói

    Triết học là tìm hiểu khôn ngoan. (Mình nói nhiều cái này trong các bài học nhập môn rồi). Tìm hiểu khôn ngoan, thế nào là khôn ngoan, làm sao để cho khôn ngoan là sứ mạng của triết học, và như thế có nói đến hạnh phúc, đau khổ của con người. 

    Các triết gia dẫu bàn về vô hình hay hữu hình, tinh thần hay vật chất, nói đến vũ trụ càn khôn hay tìm hiểu nguyên nhân đệ nhất của hữu thể, thì cũng là những thứ liên quan đến con người và đời sống con người, là đi tìm ý nghĩa cuộc đời sao cho hạnh phúc. Tìm hiểu hạnh phúc thì lại nhận ra những trái ngược hạnh phúc, là đau khổ. 

    Hésiode (thế kỷ VII trước tây lịch) nói: “Đất bể đầy những đau thương. Ngày đêm gieo rắc tai ương loài người.” Héroodte lại nói: “Con người chỉ là hoạn nạn”, ông khen người khôn ngoan khóc than khi sinh con và vui mừng lúc đưa đám.

    Platon là triết gia không nặng tình cảm âu sầu, cũng viết: “Nếu chết là không biết gì, chỉ là giấc ngủ mà người ngủ không chiêm bao, thì chết là ích lợi huyền diệu biết bao. Cứ chọn lấy một đêm như thế, ngủ một giấc say không có chút chiêm bao, so sánh với mọi ngày sống trong đời, nghĩ cho kỹ xem đời mình có được mấy đêm mấy ngày sung sướng hơn và êm ái hơn đêm ấy.”

    Epicure, mang tiếng chủ thuyết khoái lạc cũng than thở: “Cả hoàn cầu sống trong đau khổ, chịu đau khổ, không cần minh chứng cho từng người điều đó, chẳng có bậc vĩ nhân nào thoát khỏi điều đó.”

    Pascal: “ở đời này không có gì ngoài hy vọng một đời khác.”

    Diderot – một người cao ngạo không tin trời đất còn nói: “Sinh sống giữa đáy lòng đau khổ và nước mắt, một trò chơi vô định, của sai lầm, của nhu cầu, của bệnh tật, của hung ác và đam mê. Từ khi bập bẹ nói cho đến lúc ra đi tiếng nói đã khàn, mỗi bước đường ta đi là sống giữa những bọn gian dối lừa gạt đủ cách… không biết ta ở đâu đến, vì đâu ta đến, rồi ta đi đâu, đó là một thứ mà người ta gọi là một ơn rất trọng của cha mẹ ta và của thiên nhiên, đời sống con người là thế đó.”

    Schopenhauer – nhà tư tưởng bi quan tuyệt đối thì nói: “Một ý chí muốn sống, muốn tiến, bất chấp, phải tranh đấu với muôn nghìn trở ngại, khiến cho có muôn nghìn đau khổ. … Sống là hoạt động. Mà hoạt động bao giờ cũng phải nỗ lực. Nỗ lực nào cũng là đau khổ… Tình yêu là hai đau khổ gặp nhau để trao đổi cho nhau dự bị một đau khổ thứ ba.”

    Léopardi – nhà tư tưởng yếm thế người Ý: “Chính khi thoả mãn thì anh vẫn chờ đợi một thoả mãn khác lớn hơn và thật hơn, anh chẳng nhận thấy thế sao? Tức là, mọi thoả mãn anh có cũng là không thoả mãn.”  Tuổi nào cũng chỉ đầy đau khổ cay đắng. Trẻ thì sai lầm. Già thì chán nản. Nguồn mạch hoan lạc héo tàn, dù cho còn mong muốn thì cũng tuyệt vọng, đau khổ tiếp tục chồng chất không ngừng. Người ta cứ nghĩ đau khổ chỉ là ngoại lệ, tình cờ, không ngờ nó lại là điều tất nhiên, vì cuộc đời phải thế, không thể có đời không đau khổ. Những thú vui của tai chỉ là những màng nhện, mong manh, để cho buồn chán đi vào khắp nơi và chiếm đầy như không khí chiếm lấy màng nhện. Đời người chỉ là tấm dệt đau khổ và buồn chán. Bớt được đau đớn này lại sa vào đau đớn khác. Không phải đời của một ai, mà đời của mọi người, ai cũng thế.

    Ý cuối

    Những lời có thể quá quắt đó đủ thấy xưa nay, ở khắp nơi, đời này đời nọ, kêu lên những đau khổ đủ dạng cách. Thường thì ta chỉ nghe “đời là bể khổ” đó đây thì nghĩ rằng Đông Phương uỷ mị bi quan. Nhưng dẫu cho các nhà tư tưởng Đông phương có trách tạo hoá, “tạo hoá đố hồng nhan, con tạo trêu ngươi, con tạo cắt cớ”, hay tư tưởng Ấn độ vạn sự đều là hư vô, ảo ảnh, hay như Lão Trang lấy vô-vi làm đạo, tuy biết đời là đau khổ, cũng không có lời ai oán mạnh bạo như Tây phương. 

    Các nhà tôn giáo nói lên vấn đề đau khổ vì muốn con người hạnh phúc thấy một con đường hạnh phúc. Các văn nhân dùng văn hay thơ, để nói điều mình trải nghiệm chứng kiến trong đời người. Triết gia tư tưởng nói lên điều phản ngược với khôn ngoan và hạnh phúc, giằng co và xấu xé người đời. Mỗi người mỗi kiểu, mỗi tài năng riêng, ai cũng nói nhiều đến đau khổ, đủ loại hình mức độ, để thấy đau khổ có thật và có nhiều trên mặt đất này. Và, có lẽ ai cũng muốn diệt trừ đau khổ, bàn tiếp ở bài khác.

    tuanlionsg 2022

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận