Chẳng ai muốn đau khổ. Đau khổ lại luôn có đó trong dòng chảy nhân gian. Ai cũng muốn thoát khổ. Có những người biết đau khổ là gì rồi cho rằng chịu đau khổ để đền tội thì cũng chỉ là chịu khổ tạm thời, xem đó như phương thế để tìm đến hạnh phúc nào đó vĩnh cữu. Người ta nói nhiều và bằng nhiều cách khác nhau về đau khổ, nhưng chẳng có ai nhận đau khổ như là mục đích cả. Đau khổ và hạnh phúc không phải là mặt trái với mặt phải, tay phải và tay trái tuỳ theo góc nhìn về mặt nào của một thực tại. Đau khổ và hạnh phúc là hai thực tại loại trừ nhau, như ngày và đêm, như tối và sáng, có bên này thì không có bên kia. Bóng đêm là sự thiếu vắng ánh sáng. Đau khổ là sự thiếu vắng hạnh phúc.
Nát bàn
Phật Tổ Thích Ca dạy rằng dứt được khổ là Nát bàn (Nirvanra – có người đọc là Niết bàn).
Nhưng Nát bàn là gì?
Trong tiếng Phạn, có người giải thích chữ Nát bàn là ngưng chỉ, tiêu diệt, không còn ghét bỏ, tối tăm, không còn sinh, bệnh, tử… “Bàn” là rừng rậm, “Nát” là ra, Nát-bàn là “ra khỏi rừng rậm các nguyên tố sinh tồn”. Hoặc “Bàn” là “mọi thứ đau đớn trong vòng luân hồi”, “Nát” là “vượt qua”, Nát bàn là “vượt qua khỏi đau khổ luân hồi.”
ABHIDHARMA lại giải thích: “Bàn” là “sinh tồn”, “Nát” là “ra khỏi”, “Nát bàn” là nói về “tình cảnh sinh vật không còn dệt tấm vải gây ra nghiệp báo.” Trước Phật Tổ, trong đạo Bà-la-ma, đã dùng chữ “Nát bàn” để chỉ hạnh phúc của con người nhờ linh hồn được sát nhập vào Bà-la-ma là đại hồn vũ trụ. Như thế nghĩa là không phải huỷ diệt hay là tiêu tan, nhưng hợp với Đại hồn, không còn phân tách cá nhân. UPANISHAD có nói: “khi linh hồn được giải thoát trước Bà-la-ma: “Ngài là hồn của vạn vật, Ngài thế nào, con cũng thế ấy.” Ba-la-ma hỏi: “Vậy ta là gì?” Linh hồn thưa: “Ngài là thực thể.” Như vậy giải thoát ở đây lại là thoát khỏi ảo mộng hảo huyền của thế giới này, “hạnh phúc” là được thấy thực thể. Diệt khổ là diệt huyền ảo, không còn biết những hiện tượng, nhưng biết thực thể.
Samghabhadra – một nhà sư Ấn Độ thế kỷ thứ V – ví dụ “lửa đang cháy và tắt đi” là chỉ có ý nói linh hồn đi từ đau khổ đến giải thoát, chớ không có ý nói là bị tiêu diệt. Lửa tắt không phải là hết lửa, chỉ vì người ta không trông thấy, đèn vẫn còn là đèn, đèn có thể thắp sáng lại thì lại có lửa. Cũng có người theo quan niệm Pudgala cho rằng con người chỉ là tổng hợp những cảm giác ngũ uẩn, đến khi chết là tan rã thành không có gì. Tất cả đó cũng chỉ là quan niệm của các học phái trong Phật giáo, không hẳn là Phật giáo chính thống. Keith – một chuyên gia nghiên cứu Ấn độ học người Anh – nói theo quan niệm người Ấn, rằng ngọn lửa tắt không có nghĩa là tiêu diệt, mà trở về tình trạng trước đó, tinh tuyền vô hình.
Sách UPANISHAD nói: “Đấng chí tôn ví như một ngọn lửa đã hết củi”, nghĩa là củi hết nên không thấy lửa, chứ lửa vẫn không hết. Khi củi hết thì ngọn lửa trở về nghỉ nơi chốn đã sinh ra nguyên tuyền.” Ông KUMÂRALÂBHA cho rằng Phật tổ không nói Nát bàn là gì, ngài dạy rằng: “Một người bị mũi tên có tẩm độc, các bạn hữu bà con lo mời lương y. Nếu người ấy nói: “bao lâu tôi chưa biết ai bắn tôi, người ấy thuộc giai cấp nào, Bà-la-môn hay Sái-đế-lị, Tỉ-xá hay Thủ-đà-la, bao lâu tôi chưa biết thì tôi không để cho ai băng bó thương tích tôi. Hay là nó nói: tôi muốn biết người bắn tôi tên là gì, dòng họ nào, cao hay thấp, cái cung của nó thế nào. Bao lâu tôi chưa biết thì tôi không để cho ai băng bó thương tích tôi.” Nói như thế thì nó sẽ chết, chứ không ai cứu được. (MAJJHIMA NIKAYA, I, 426). Người đó chính là người muốn hỏi cho biết Nát bàn là gì.
Có chuyện rằng, một môn đệ là UPASIVA thưa hỏi Phật Thích ca rằng: “Bạch sư tôn, người được giải thoát là được vào Nát bàn có còn sinh tồn chăng?” Có được sinh tồn vĩnh viễn chăng? Có được giải thoát hết khổ chăng? Những điều đó sư tôn vẫn biết, xin sư tôn dạy cho tiểu đệ.” Ngài đáp rằng: “Người được vào Nát bàn thì không có thứ gì đo lường được, không có tiếng nào để nói được, không có ý nào để tư duy được. Vì thế không có một con đường ngôn ngữ nào.” Dường như không thể lấy tiếng nói, ngôn ngữ của con người để nói về Nát bàn được.
“Niết bàn là một cảnh giới cực lạc, trong đó, tất cả chúng sinh, vũ trụ đồng nhất trong Phật tính Nhất như, cho nên không còn phân biệt Nhân với Ngã. Do vậy, sự tế độ thương yêu người không phải là làm ơn làm phúc cho ai hết, mà làm phúc cho chính mình. Cứu đời là cứu chính mình, yêu người là yêu chính mình vậy. Niết bàn (Nirvana) với Luân hồi (Samsara) không phải là hai mà chính là một, nhìn trong vô minh thì là Samsara, mà nhìn khi giác ngộ là Nirvana, chẳng khác gì ở trong bóng tối nhìn cái dây thừng hoá ra con rắn, đến khi soi đèn con rắn lại là dây thừng.” (Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết Đông phương, quyển III, 204).
Phật tổ không để lại sách vở gì, nên không thể biết được ngài dạy thế nào về Nát bàn. Một khi đã tin ngài dạy về Tứ diệu đế, thì tin chắc Diệt đế là cần phải Diệt khổ, mà diệt được khổ là vào Nát bàn. Nhưng Nát bàn là gì thì ngài không dạy đến. Phật thông biết vạn sự, nhưng có lẽ người nghe ngài nói thì chưa thể hiểu thấu. Cũng có khi ngài dạy, mà mỗi môn đệ thuật lại mỗi cách, về sau lại có người phụ hoạ tô điểm theo ý mình. Chỉ biết chắc một điều, ngài dạy Nát bàn là được giải thoát, là không còn đau khổ, được hạnh phúc chân thực. Ngài cũng không dạy Nát bạn ở đâu, trong hay ngoài đời này. Chỉ biết rằng đã Diệt khổ thi không bao giờ quay lại khổ đau.
Ki-tô giáo
Nếu như hành trình diệt khổ đạt đến giải thoát của đạo Phật có thể nói là một nỗ lực hành trình của từng con người thì niềm tin Ki-tô giáo là nhờ Chúa của họ từ trời đến cứu họ. Hệ thống giáo lý và tất cả mọi sách thần học tín lý đều rút ra từ bộ Thánh Kinh (73 cuốn gồm Cựu ước và Tân ước). Trung tâm của tôn giáo này là Chúa Cứu Thế. Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm người chịu bao đau khổ, hi sinh trên cây thập giá, chỉ vì muốn cứu nhân loại, giải thoát họ khỏi đau khổ. Ngài đến dạy cho người ta biết Thiên Chúa là thân phụ trên trời, dạy về tình yêu vô hạn mà Thiên Chúa dành cho con người. Ngài lo cho con người còn hơn lo cho chim trời không gieo không gặt mà có đủ ăn, hơn cây huệ ngoài đồng không dệt không đan mà có hoa đẹp. Ngài dạy khổ không phải là bệnh tật, không phải là nghèo nàn, không phải là bị người ta ghét bỏ bách hại. Thậm chí cái chết là thất bại cuối cùng con người phải chịu thì cũng chỉ là cái chết thân xác. Phúc không phải là giàu có địa vị, không phải là danh thơm tiếng tốt được người ta kính trọng. Những thứ đó chỉ tạm bợ trần gian. Nên diệt khổ không phải là diệt những vật chất tạm thời ấy. Cái khổ muôn đời mới là cái khổ. Tránh cái khổ đời đời ở hoả ngục và được hạnh phúc vĩnh viễn trên thiên đàng.
Phần quan trọng nơi con người là tinh thần, yếu tính của tinh thần là hiểu biết. Càng hiểu biết bao nhiêu càng hạnh phúc bấy nhiêu. Hiểu biết hoàn toàn thì hạnh phúc hoàn toàn. Con người có tính hiếu tri, khao khát được biết. Sinh ra đã ngạc nhiên tò mò muốn biết. Muốn biết đầy đủ là biết tận nguyên nhân sâu xa. Những câu hỏi nguồn gốc ở đâu, nguyên nhân là gì, tại sao như thế. Khi hỏi là đi tìm để hiểu biết. Và, nguyên nhân đệ nhất đó chính là Tạo hoá, là Thiên Chúa. Chính ngài là chân lý. Bao lâu chưa biết ngài là chưa biết đầy đủ, chưa thoả mãn trọn vẹn, còn sai lầm. Khi biết ngài đầy đủ, tức là hưởng kiến dung nhan ngài, diện đối diện, thì lòng khát vọng không muốn gì khác nữa, không còn sai lầm, trường cửu. Thiên đàng là tình trạng diện kiến trực diện ấy của con người trước dung nhan Thiên Chúa. Hạnh phúc đích thực là thoả mãn tinh thần con người và vĩnh viễn, đó là hai điều kiện diệt được khổ đau.
Vĩnh viễn là không cùng, không còn ao ước tìm kiếm gì hơn, cũng không sai lầm, nên không tiến lên và cũng không hạ xuống, không thêm, không bớt, không thay đổi. Sống trong thời gian là còn thay đổi, khi thế này, lúc thế khác, có quá khứ, hiện tại, tương lai, đó là yếu tố đau khổ, bởi vì còn sợ mất, còn muốn thêm, còn tiếc dĩ vãng, còn muốn thay đổi quá khứ, còn mong chờ tương lai. Phú quý, vinh quang, địa vị, quyền thế, sức khoẻ, sắc đẹp, có ngày sẽ tàn, có thay đổi trong thời gian, nên chúng không là hạnh phúc đích thực. Sống trong vĩnh viễn là được soi sáng hiểu biết mãi mãi, không còn muốn gì hơn, đủ yếu tố hạnh phúc. “Biết” là được chiêm ngưỡng trên trời, không phải chỉ có lý luận của trí tuệ ở đời này.
“Sự sống đời đời đó là nhận biết Chúa Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.” (Yn 17,3)
Nghệ thuật
Mỹ học cũng chỉ một phương thế tiêu sầu thông qua mỹ cảm của con người. Quan năng cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật, không còn gói gọn trong phạm vi của một giác quan nào, mà là mở rộng và tương hỗ của nhiều quan năng khác nhau: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác. Cái đẹp của thị giác hoặc cái hay của thính giác cùng với các cơ quan cảm xúc khác có thể dịch chuyển từ vật chất đến tinh thần, từ ngoại giới vào nội tâm, từ sắc thái hay thanh âm đến tư tưởng hay tâm tình cảm xúc, từ hữu hình đến vô hình, có thể xoa dịu nỗi đau, niềm khao khát, một tâm tư hay một cảm hứng.
Một pho tượng khéo, một bức ảnh hài hoà, một bức tranh có hồn, một điệu múa đúng nhịp, một đoạn nhạc lâm ly, một câu văn thấm thía, dù vui dù buồn, đều có năng lực giúp người ta bớt đi buồn chán, thêm phấn khởi trong tâm hồn. Dĩ nhiên các nghệ sĩ ấy chẳng có mục đích rõ ràng như vậy đâu. Bản tính của nghệ thuật xuất tự cảm xúc mà biểu lộ. Chính vì mình, tự mình cảm hứng mà người được nhờ, chớ sáng tác mà đau đáu vì người thì lại không còn đẹp còn hay và mất đi đặc tính của nghệ thuật. Có thể nghệ sĩ có cảm thông với nỗi niềm chung của con người, nhưng khi sáng tác lại nhờ cảm hứng. Cảm xúc có thể tạo nên cảm hứng, cũng như cảm hứng tạo nên cảm xúc. Nghệ sĩ càng có tâm hồn thông cảm nỗi đau khổ càng có thể sáng tác những tác phẩm xoa dịu đau khổ. Cho nên, không thể nói nghệ sĩ nhắm mục đích diệt khổ ngay chính khi sáng tạo tác phẩm, nhưng nghệ thuật lại có năng lực tiêu sầu diệt khổ. Thế nhưng, hiệu lực ấy của nghệ thuật cũng chóng vánh, không lâu dài, không trừ tận căn nguyên đau khổ, chỉ là tiêu khiển, tiêu sầu, xoa dịu, cất lên lời nói thông qua ngôn ngữ của mỗi loại hình nghệ thuật, thoả mãn phần nào khao khát tìm kiếm cái đẹp, cái hay hoặc thỏa cơn hiểu biết mà thôi.
Công nghệ
Khoa học công nghệ phát triển chóng mặt. Nhìn chung thì mọi thứ công nghệ ra đời để giúp con người giảm bớt bệnh tật, yếu đuối, vất vả, mệt nhọc, làm cho con người thuận tiện hơn, dễ dàng hơn. Có khi thấy đâu đó máy móc cơ khí thay thế con người càng nhiều càng tốt, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Dĩ nhiên, con người tạo ra trí khôn nhân tạo, mọi thứ tinh vi, máy tính, máy suy nghĩ, thì khoa học công nghệ hy vọng giúp con người bớt phần khổ cực, thêm phần hưởng thụ hạnh phúc, chớ không ảo tưởng thay thế được con người đâu.
Một thế giới đầy ắp công nghệ, liên tục và bùng nổ. Tất cả cũng chỉ là để con người sử dụng, tức là giúp con người thoải mái hơn, vui vẻ hạnh phúc hơn, bớt cơ cực hơn. Mọi thứ giúp con người thực hiện nhanh chóng hơn, gọn gàng hơn, chắc chắn hơn, tốt đẹp hơn, nhưng luôn luôn cần con người sáng tạo, điều khiển, dù chỉ chạm một chạm vào màn hình cảm ứng, thì cũng cần con người. Khoa học công nghệ là để phụng sự con người.
Không khéo, con người tưởng mình đang làm chủ công nghệ, làm chủ máy móc, lại hóa ra đang trong tình trạng lệ thuộc, nô lệ chúng. Một ngày mất kết nối thế giới mạng, cảm giác trơ trọi cô độc, vô dụng trong công việc hàng ngày, mình như trở thành hư vô trong thế giới. Người ta đang rủ nhau sống tối giản, viết sách hô hào nhau sống tối giản, gắn bó với thiên nhiên hơn, giảm trừ dung dưỡng tiện nghi bớt, tạo ra các bậc thang về sự cần thiết và nhất thiết, … là một phản ứng cho dấu hiệu vong thân vì nô lệ một cách vô thức ấy. Công nghệ không là mục đích, hãy là phương tiện hỗ trợ con người triển nở hơn trong hành trình hiện thể hóa nhân vị.
Triết học
Triết học là đi tìm sự khôn ngoan theo nguyên ngữ “philosophia” (xem bài nhập môn suy tư của mình). Mà khôn ngoan là tránh khổ và tìm hạnh phúc cho mình và cho người. Nếu triết học không có tham vọng diệt khổ thì ít ra nó không thờ ơ với vấn đề của nhân loại. Nhưng nếu hiểu triết học đã không ở ngoài vấn đề diệt khổ thì phải nhận triết học đã thất bại. Bao ngàn năm con người suy tư “làm bạn với sự khôn ngoan” mà vẫn dẫy tràn khổ ải. Không. Triết học không thất bại. Nếu có thì phải chăng người ta đã theo triết lý sai lầm giống như có người theo giáo phái sai lầm nên vẫn còn khổ đau. Có thể nói có những triết lý đúng nhưng chưa hoàn bị, vẫn đang trên đường tư duy chưa đạt cùng đích, cũng như mọi khoa học chưa đến ngày chung tận.
Có triết học duy vật cho con người là sản phẩm vật chất, kể cả tinh thần. Loài người đi dần đến cõi “bồng lai” ở trần gian này. Lại có triết học nhận con người có vật chất lẫn tinh thần. Ai tin chết là hết thì họ nói hạnh phúc chỉ ở trên mặt đất này, thoả mãn những nhu cầu của con người xác hồn. Ai trọng tinh thần hơn thì cho rằng hạnh phúc thật là ở đời sau. Người thì nói phần vật chất sẽ tiêu tan nên phần hồn hưởng hạnh phúc vĩnh viễn. Người thì nhận hạnh phúc là cả hồn lẫn xác, linh hồn sẽ hợp nhất lại với thân xác, nhưng hợp cách nào thì triết học bó tay. Đứng trước bức tường sự chết, triết học dừng lại, nhường chỗ cho các môn siêu nhiên học trả lời.
Trước Socrate là thời các hiền triết thì cho rằng con người cần thuận theo một quy luật nào đó, chẳng hạn Pythagore tìm ra sự vận hành của lượng số tương ứng với vận mệnh đời người. Socrate thì đề cao tinh thần tự chủ của con người. Với ông, biết chính là đạo đức. “Người ta không thể làm điều tốt, nếu người ta không biết”. Khôn ngoan chính là đạo đức, đó mới thực là hạnh phúc. Socrate không tách Tri và Hành. Làm là tuỳ cái Biết, mà Biết đúng thì tất nhiên Làm đúng. Mà khôn ngoan là hiểu biết đầy đủ, không sai lầm. Nên khôn ngoan, đạo đức và hạnh phúc là Một.
Platon, đệ tử trung thành của Socrate, cho rằng hạnh phúc là diệt khổ, chính là mục đích tối hậu của đời người, là động lực cho mọi việc làm. Học trò của Platon là Aristote, chuyên quan sát và lý luận cho rõ ràng hơn, tri thức chính là chiêm ngưỡng Thượng đế, là chân phúc đời người. Epicure lại cho rằng diệt khổ là trừ diệt mọi băn khoăn, âu lo, thắc mắc, sợ hãi. Zéon thì kêu gọi theo lý tính mà đi đến cùng khắc phục mọi thứ do bởi vật chất mời gọi. Phái hoài nghi thì bảo đừng quyết định điều gì cả. Hobbes thì đề xướng bình an là diệt khổ. Rouseau đề cao tự do cá nhân… Platon cũng nói đến hạnh phúc, mà là hạnh phúc đời sau – chiêm ngưỡng thế giới ý niệm. Từ Augustin đến Thomas d’Aquin thì tin trí tuệ chiêm ngưỡng Thượng đế là chân lý, căn nguyên vạn vật, nguồn gốc muôn nghìn hạnh phúc. Spinoza gọi thì đem trí tuệ kính mến Thượng đế, Kant nói con người đạt đến chí thiện hoàn toàn (xem thêm trong bài luân lý học của mình).
Trang Tử ở Đông phương thì phân biệt hai thứ hạnh phúc. Con người tự do phát triển theo bản tính tự nhiên thì hạnh phúc tương đối, còn khi thấu hiểu bản tính vạn vật thì đạt hạnh phúc tuyệt đối. “Con chim bay đến đậu ở cổng thành nước Lỗ. Vua bèn ra đón tiếp chim, mở rượu linh đình, tấu nhạc cho nó vui, giết bò cho nó ăn. Con chim ngơ ngơ ngác ngác, rượu không uống, thịt không ăn, ba ngày thì chết. Như vậy là lấy cái nuôi mình để nuôi chim, chứ không lấy cái nuôi chim để nuôi chim.” Hạnh phúc là lấy bản tính của mỗi vật làm căn bản, và thoả mãn bản tính là cứu cánh. Tự do phát triển bản tính và khả năng ở đây nghĩa là theo luật thiên nhiên, chớ không phải tự do muốn làm gì thì làm. Ông nói đến hạnh phúc là hạnh phúc ở đời này, chớ không bàn đến hạnh phúc theo nghĩa tôn giáo.
Tạm dừng
Diệt khổ thì ai cũng muốn, nhiều luận bàn là vậy. Ai cũng mong hưởng hạnh phúc cả. Nhưng, có lẽ muốn biết cách diệt trừ thế nào, thì cần phải biết nguyên nhân vì đâu mà sinh ra đau khổ. Nguyên nhân đau khổ là bởi từ đâu? Chúng ta bàn ở bài tiếp theo.
tuanlionsg 9/2022