Tối qua, mình đi viếng đám tang. Đám tang của người bạn học mới tuổi ngũ tuần. Đột quỵ. Ở cái tuổi ấy, thường được cho bất ngờ. Mọi người đến viếng ngồi thủ thỉ rằng chẳng ai biết được thời khắc thần chết gọi tên mình. Ai cũng tiếc thương tuổi hưởng dương sớm ra đi. Cảnh khóc nức nở của gia cảnh làm động lòng người đến viếng.
Thiên hạ ai mà chẳng sợ chết và muốn sống lâu. Tham sinh úy tử là lẽ tất nhiên. Cái vắn vỏi của cuộc đời làm ta bừng tai chóng mặt, không phải là bị bớt đi dăm bảy năm, mà là thân phận con người lệ thuộc thời gian, lệ thuộc không gian, vẫn còn nguyên đó một khát vọng vô biên. Bởi thế, họ vẫn chúc nhau:
“Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau,
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.”
Nhưng có mấy tên tuổi ai cũng biết:
- Alexandre Đại đế chết năm 33 tuổi.
- Nguyễn Huệ, chết năm lên 40.
- Nhạc sĩ Mozart chết năm 35 tuổi.
- Hàn Mặc Tử chết năm lên 28 tuổi.
- Danh họa Van Gogh chết ở tuổi 37.
- … nhiều lắm. Có thể kể đến Chúa Giêsu chết năm lên 33 tuổi.
Chúng ta vẫn cứ phải hỏi sống lâu là gì? Sống lâu là sống một thời gian dài trong năm tháng phải không? Sẽ khó thuyết phục, bởi vì ai cũng biết điều quan trọng là chúng ta làm được gì với những năm tháng chúng ta có chớ không phải nhiều năm tháng rỗng. Vậy, kéo dài sự sống không có nghĩa là tăng thêm số năm? Nếu đúng, thì kéo dài sự sống là làm triển nở sự sống, cả ý nghĩa và phẩm chất, của cuộc sống trong năm tháng đời người.
Dài hay ngắn của một cuộc đời không được đo bằng lượng thời gian, mà bằng phẩm chất cuộc sống, với những nỗ lực phát triển sự sống được tiến hành đồng thời trong nhiều khía cạnh của hiện thể người. Đó là thể chất, nội tâm, tương quan, siêu hình chớ không chỉ nhấn đến khía cạnh sinh học mà thôi. Chính khái niệm “sức khoẻ” cũng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y học, mà bao gồm trong nó sức khoẻ đạo đức và xã hội.
“Thà rằng ăn nửa quả hồng,
Còn hơn ăn cả chùm sung chát lè.”
Người ta nói thế. Kiểu là càng sống lâu, người ta càng muốn sống, thích sống, thèm sống… không bao giờ người ta nói: “Tôi đã sẵn sàng” cả. Nhưng, sống lành, trọn vẹn nhân vị mới là quan trọng. Dù cuộc đời vắn vỏi, nhưng là cuộc đời tử tế, sống chân thành cao quý, thì đáng ước ao hơn đời dài mà chát lè sống sượng.
“Ai ham sống, sẽ mất sống” (Qui amat animam suam, perdet eam) (Yn 12,25)
Có những cái chết gọi là còn trẻ. Người người khóc thương. Biết đâu người ra đi không thêm khổ ải, thêm ủy mị, thêm bùn lầy. Xuôi tay nằm xuống, có kẻ vuốt mắt, nuốt lệ mà khóc.
Lại nói đến chuyện khóc, sinh ra đã khóc. Không khóc thì người lớn làm cho khóc. Trong đời thì vô số lần khóc. Khóc xuôi nước mắt cũng có, khóc chảy ngược nước mắt vào trong cũng có. Khóc vì tủi hờn, khóc vì quá vui, khóc vì người đời, mà khóc vì bản thân đều có cả. Đến cuối đường đời nằm xuống, không khóc được nữa, người thân đứng xung quanh khóc dùm.
Dẫu thế nào thì bạn đã hoàn tất hành trình làm người trước mình. Bạn đã đến đích trước. Ở cuối con đường ấy, giải thưởng không dành cho kẻ sống lâu mà cho kẻ sống lành. Mong bạn hưởng hạnh phúc miên trường. Bởi bạn biết mình từ đâu mà đến, sống để làm gì, chết rồi về đâu!
tuanlionsg 11/2022