Lễ Phục Sinh

-

  • Thứ Năm – lễ tiệc ly.
  • Thứ Sáu – nghi thức tưởng niệm Chúa chết.
  • Khuya thứ Bảy – đại lễ canh thức và Phục sinh.

Đó là 3 ngày trọng đại của người theo đạo Công Giáo Rô-ma.

Những ngày này, dù ít dù nhiều, cùng với rất nhiều nghi thức ở tất cả các nhà thờ diễn ra, cả những thêm thắt theo văn hóa bình dân tạo nên cảm xúc, thì người tin họ có những suy nghĩ nội tâm về câu chuyện Chúa mà họ tin đã chết và phục sinh. Mình cũng thế. Dẫu năm nào cũng xảy ra, nhưng nó cứ tạo nên một suy ngẫm vào dịp này.

Nếu sự sống lại của Chúa – Đấng tôi đang tin – chỉ là một kiểu an ủi cho sự chết, nếu đó chỉ là một lời hứa hẹn cho điều bất tử nào đó sau này, nếu việc sống lại của Ngài không phải là lý do duy nhất để sống ngay hiện tại này, thì có thể nói tôi đang tin một thứ tôn giáo của người chết. Đâu đâu cũng trưng bày cây thập giá của sự chết tức tưởi và ô nhục được tôn vinh. Chẳng phải là một hình thức thờ phượng người quá cố hay một loại công ty bảo hiểm nhân mạng chăng!

May thay, người tin Chúa Ki-tô không là người tìm an ủi cho sự chết bằng cách tin rằng linh hồn mình sẽ bất tử. Họ không tin vào sự sống lại của Chúa – mà đêm nay họ mừng lễ – chỉ vì lý do “linh hồn bất tử”. Ngược lại!

Ngược lại, họ tin có cái chết thật, không phải chỉ là giấc ngủ dài hay sự yên nghỉ nào đó. Con người chết thật. Họ tin vào tình yêu của Chúa dành cho họ hơn, tin rằng tình yêu đó lớn hơn và hiện thực hơn cả sự chết.

Cho nên, sự chết, thay vì là một điều đáng sợ hãi, là sự bỏ rơi cuối cùng, là sự mất mát tuyệt đối bản thân, với lòng tin ấy là lý do vững chắc nhất để họ tin vào tình yêu. Nếu Chúa của họ đã chiến thắng được sự chết, là Ngài biến cái chết thành lý do cho ta hy vọng, thay vì là một mối tuyệt vọng. Sự sống lại và đời sống mới của Ngài thoát ra từ trong cái chết, trong ân sủng, trong tình yêu và đức tin.

Phục sinh không phải là sự đền bồi muộn màng sau một tai họa thảm khốc. Thiên Chúa yêu con người đến cùng và đã chững tỏ tình yêu trọn vẹn đó bằng sự tự hủy mình đi trong cái chết của Ngài. Ngay khi bị bỏ rơi, bị phản bội, chịu khổ đau…, là lúc Ngài chiến thắng cái chết và nhận lấy sự sống Thiên Chúa với sự sống lại.

Phục sinh không phải là chối bỏ sự chết mà là vượt qua sự chết. Phục sinh không phải là ngụy trang sự chết dưới hình thức giấc ngủ, mà là can đảm đối đầu với sự chết, với sức mạnh hủy diệt của nó, biến nó thành cái chết nội tại và thành tình yêu tuyệt đối.

Phục sinh không phải là hành trình tiêu tan thân xác tồi tàn để cho linh hồn bất tử thoát ra. Phục sinh là cái chết của chính mình, thân xác và cả linh hồn, để không sống cho con người cũ, mà sống tư cách con người mới, trong đức tin Chúa của họ đã chiến thắng sự chết và họ sống huyền nhiệm phục sinh ấy ngay từ bây giờ, trong cuộc sống hiện thực này.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận