Trang chủNhiếp ảnhHọc chụp ảnhMẹo chụp ảnh phong cảnh đẹp - 6 bố cục gợi ý

Mẹo chụp ảnh phong cảnh đẹp – 6 bố cục gợi ý

-

Chúng ta có nghệ thuật truyền thông thị giác (hình ảnh), truyền thông thính giác (âm nhạc), truyền thông đa phương tiện (tổng hợp liên kết). Hình ảnh là cách truyền đạt một thông tin cho người khác của người chụp, cảm nhận, hiệp thông bằng con mắt. Việc đó sẽ hiệu quả nhờ giải pháp mà người chụp dùng để diễn tả các phần cảnh vật tạo thành khung ảnh. Một trong nhiều giải pháp có vai trò quan trọng để thực hiện đó là việc bố cục cho bức ảnh. Bài này áp dụng cho việc tạo “ảnh phong cảnh đẹp”.

Ảnh: tuanlionsg
Nội dung:

    Bố Cục Chụp Ảnh Phong Cảnh – Mời xem video giải thích rõ hơn cái hình ở trên.

    Bố cục - Ảnh phong cảnh (2 bích)
    • Phần thứ nhất là nội dung. Nó ở trong đầu người chụp ảnh. Đó là ý tưởng, chủ đề, đề tài, ý muốn diễn tả gì đó. Ví dụ ý tưởng trong đầu bạn muốn là một vẻ đẹp đầy năng lượng của thiên nhiên, chủ đề là phong cảnh, đề tài là cảnh bình minh trên thung lũng núi rừng. Ý tưởng đó được gọi là phần hồn của bức ảnh. Chúng ta hay nói “ảnh có hồn” là nói cái này.

    • Phần thứ hai là hình thức. Nó chính là những cái mà người xem ảnh nhìn thấy được bằng mắt. Trong nghệ thuật thính giác có hình thức là âm thanh thì người cảm nhận được sẽ bằng tai. Hình thức là phần xác (còn nội dung là phần hồn) cho ý tưởng / nội dung. Như vậy việc bố cục là giải pháp hình thức để thực hiện cái nội dung trên kia.

    Áp dụng cho việc chụp ảnh phong ảnh qua các gợi ý đơn giản như sau, các bạn chịu khó xem qua và thực hành cùng mình nha.

      459555229 2614793232056074 2466262216274655882 n

      Ảnh: tuanlionsg – Đà Lạt

      Tiền cảnh – trong ảnh phong cảnh

      Ai chụp ảnh phong cảnh cũng luôn chú ý đến tiền cảnh. Tiền cảnh trong một bức ảnh phong cảnh hài hoà. Sắp xếp tiền cảnh là mẹo bố cục bố trí cảnh hay các lớp cảnh vật từ gần cho đến xa trong bức ảnh. Bạn cứ hình dung cắt lớp theo chiều sâu một cảnh vật, có người hoặc chỉ vật thể, có các phần trong khung ảnh cần được bạn sắp xếp theo lớp, trật tự theo hệ thống với ý định của bạn. Ý định của bạn đại loại là bạn muốn cái gì xuất hiện trước, cái gì ở giữa, cái gì ở phía xa của bức ảnh phong cảnh.

      Người ta đơn giản hoá mẹo này gọi là “quy luật ba cảnh” – trước, giữa, và sau – hay gọi hoa mỹ là tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh. Tiền cảnh (First Plan / Gros Plan) là thành phần thường có vai trò không quan trọng, phụ hoạ được bố trí ở phía trước (gần người xem) để làm cho cảm nhận thị giác rằng một bức ảnh có chiều sâu, nhất là ảnh chụp phong cảnh ảnh có chiều sâu dễ tạo ấn tượng và cảm xúc hơn. Tiền cảnh khi đó sẽ là khoảng không gian cảnh vật ở gần người xem nhất.

      Ảnh: tuanlionsg

      Ảnh: tuanlionsg
      Tiền cảnh là đám cỏ lau ở gần máy ảnh, trung cảnh ở giữa là thung lũng sương sớm đang chuyển màu dần dần đến phía hậu cảnh phía xa là dãy núi với mặt trời nhiều tia sáng thu hút thị giác. Tất cả tạo cảm giác một chiều sâu nhiều lớp ảnh. Nếu bị hút mắt bởi mặt trời bình minh, chụp mỗi mặt trời thì ảnh sẽ ít lớp, ít hiệu ứng chiều sâu hơn.

      Đường dẫn – trong ảnh phong cảnh

      Kiểu như một hành trình của thị giác vậy. Thị giác con người sẽ di chuyển điểm nhìn từ cái này qua cái nọ, từ hướng này tới hướng kia theo sự thu hút tự nhiên của cảnh vật phong cảnh. Chẳng hạn từ trái qua phải, hay từ vùng sáng đến vùng ít sáng hơn, hoặc từ màu rực rỡ trước đến màu trung tính sau chẳng hạn.

      Trong mẹo sử dụng đường dẫn để chụp ảnh phong cảnh, là ứng theo quy luật đó để đôi mắt của bạn lướt theo con đường đã được định sẵn trong khung ảnh, và dừng lại ở nơi mà người chụp muốn bạn nhìn đến. Hành trình thị giác có tính toán này thường được gọi vắn tắt là “đường dẫn ảnh” và nhiều người chụp ảnh rất thích áp dụng.

      Ảnh: tuanlionsg

      Ảnh: tuanlionsg
      Cái đường mương nước là đường dẫn thị giác từ rìa dưới ảnh, đến nhân vật đang di chuyển, rồi dừng lại ở ngôi thánh đường ở xa tít. Hai mảng màu tách đôi bức ảnh giữa đường dẫn càng tạo nên sự tập trung vào điểm cuối đường dẫn ảnh. Ảnh này chụp trên đường từ Lagi về Saigon, đang chạy xe nhìn thấy thì xuống chụp thôi.

      Khung trong khung – khi chụp ảnh phong cảnh

      Đơn giản là kỹ thuật tạo “khung hình nhỏ trong khung hình lớn” thường được gọi là “khung trong khung” / “luôn kim se chỉ” … Người chụp thường tìm khung cửa, lối vào, khung có trong tự nhiên, vòm cây, kiến trúc, cửa kính, khe sáng … Mẹo này giúp người xem tập trung nhìn vào một nội dung nào đó trong khung nhỏ trong toàn bộ bố cục của khung ảnh lớn. Hoặc bạn cũng có thể tạo nội dung tương tác / liên kết giữa các khung với nhau trong bức ảnh phong cảnh.

      Ảnh: tuanlionsg

      Đường nét – trong ảnh phong cảnh

      Một kiểu khác trong việc ứng dụng giải pháp bố cục được gọi là đường nét trong bức ảnh. Các bạn quan sát nhiều bức ảnh, thấy tác giả họ canh khung ảnh có những đường thẳng, gấp khúc, cắt chéo, tam giác, song song… tự nhiên trong khung ảnh. Các đường xiên tạo cảm giác chuyển động, kết hợp với đường gãy gây cảm giác đột biến, được sắp xếp nhiều lớp trong một bức ảnh, giúp bức ảnh phong cảnh có chiều sâu.

      Trong thiên nhiên, khi chụp một cảnh vật, có rất nhiều đường nét tự nhiên. Cắt nhau, gấp khúc, chồng chéo… có lớp trước lớp sau rất dễ tạo cảm giác chiều sâu cho bức ảnh. Để tận dụng mẹo này, bạn cần quan sát khi đứng trước một cảnh vật, tìm xem có các đường nét tự nhiên không, tìm chủ động thì dễ thấy, bởi vì chúng ta dễ bị thu hút bởi đường chân trời theo thói quen.

      tuanlionsg duongnet 1

      Ảnh: tuanlionsg – Đà Lạt

      Không gian âm – trong ảnh phong cảnh

      Để dễ hiểu, người ta hay diễn tả một bức ảnh gồm có không gian trống trơn không chứa nội dung gì và không gian có chứa nội dung cảnh vật gì đó. Hai phần này tạo nên khung ảnh. Nếu để cho phần không gian không chứa nội dung chiếm diện tích đa phần của khung hình thì họ gọi là không gian âm – một cách diễn tả nó không chứa nội dung cảnh vật chính. Còn chủ thể trong ảnh chiếm diện tích nhỏ nhưng nổi bật, thu hút thị giác tập trung vào nó.

      Cách bố cục này cũng thông dụng và nhiều người thích áp dụng, nhất là ảnh phong cảnh. Nó giúp tạo cảm giác chênh lệch về trọng lượng thị giác, về kích thước các mảng màu sắc, kích thước chênh lệch giữa các vật thể hoặc đối tượng, không gian có nội dung và không gian trống… có sự chênh lệnh mạnh mẽ, rõ ràng.

      tuanlionsg khonggianam 1

      Ảnh: tuanlionsg – Bầu Trắng Bình Thuận

      Chi tiết ấn tượng – trong ảnh phong cảnh

      Một chi tiết đường nét nào đó trong cảnh quan mà nó nổi bật hẳn mọi thứ khác trong khung ảnh, nó sẽ tạo nên sức hút thị giác cho người xem. Đây là một phần ứng dụng lý thuyết “phân cấp thị giác”. Cái nào thu hút thị giác hơn thì nó sẽ được người xem thấy trước và lần lượt theo thứ tự thu hút của các khối màu sắc khác trong khung.

      Ứng dụng mẹo này trong ảnh phong cảnh, bạn có thể chọn một chi tiết có màu sắc nổi bật nhất, hoặc tương phản vùng sáng tối, hoặc chủ thể xuất hiện trong vùng sáng lớn nổi bật, hoặc sự tương phản về kích thước, hành động… tạo nên sự đột biến trong khung ảnh của bạn. Điều đó tạo nên ấn tượng cho mắt người xem ảnh.

      Ảnh: tuanlionsg

      Khi đã thành thạo …

      Khi đã thành thạo và bạn cần thể hiện cá tính nhiều hơn, hãy vứt mấy cái mẹo ở trên đi!

      Nếu luôn luôn sử dụng lập đi lập lại kỹ thuật xây dựng bố cục đường dẫn, phần ba, đóng khung… hay các mảng miếng tạo sức hút thị giác quen thuộc, có thể chúng khiến ảnh của bạn trở nên quá an toàn và dễ đoán. Và, theo trải nghiệm cá nhân, cảm hứng chụp ảnh sẽ suy giảm vào một thời điểm nào đó.

      Nhưng, với người bắt đầu, mình vẫn khuyên thực hành theo các mẹo này. Giống như tập chạy xe cần giữ thăng bằng, thì các mẹo kỹ thuật giúp cảm nhận sự hài hoà của một bức ảnh vậy. Sau ngon lành rồi, phi xe côn tay, vô số rít ga theo phản xạ tự nhiên thì tính sau. Điều quan trọng là thực hành thật nhiều.

      Nếu bài chia sẻ có ích, xin bạn chia sẻ cho nhiều người, cũng là khích lệ mình. Chúc vui.

      459682377 2617358351799562 9046921252069552449 n

      Ảnh: tuanlionsg – Hồ Lak

      Để nhận thông báo bài hay, quà tặng, sự kiện:

      *tuanlionsg tôn trọng quyền riêng tư của bạn.

      Bài dành cho bạn:

      Theo dõi
      Thông báo của
      guest

      0 Bình luận
      Cũ nhất
      Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
      Phản hồi nội tuyến
      Xem tất cả bình luận