Vì sao nó đẹp?

-

Nhìn một bức ảnh, trời bình minh, cây cối, bông hoa, chân dung, thân thể con người… bạn thấy đẹp. Bạn nghe một bản nhạc, bạn thấy nó hay. Bạn thiết kế các vật dụng, nội thất ngôi nhà, khu vườn, công trình bên ngoài… bạn thấy đẹp. 

Cái đẹp ấy, nó tựa như một trải nghiệm tự nhiên của con người. Nó hiện diện ngay trong thế giới thực nghiệm, xuyên ngang qua giác quan của bạn. Có phải khi bạn nhận diện một thứ gì đó được cho là đẹp, thì bạn để lại mọi thứ khác đàng sau tâm trí mình không? Ví dụ như, khi tâm trí bạn gặp gỡ nét đẹp tuyệt vời nơi một cảnh đẹp nào đó, chi tiết thiết kế tinh tế của một vật dụng thú vị, hoặc cái hay ho gì đó trong nhạc phẩm, bạn quên khoắng đi nỗi lo lắng về công việc đang phải lo, tạm ngừng suy nghĩ về những rắc rối cuộc sống đang phải đối diện, bạn chẳng còn nghĩ về những vấn đề công bình hay lẽ phải, bạn cũng không phải đối diện với một thế giới thần linh nào để mà thờ lạy cả. Cái đẹp trong khoảnh khắc ấy, nó cầm giữ lấy bạn, bạn cảm thấy tự do thoáng chốc, kiểu như bản thân mình được vụt biến khỏi thế giới hiện tại này trong thoáng chốc ấy.

Nội dung:

    Bạn thấy đó! Cái đẹp nó còn đẩy chúng ta đi xa hơn, xa hơn những cái cảm giác của giác quan nhìn thấy những vệt sắc màu trên một bức ảnh, vài giọt mực dầu trên một bức tranh, hoặc tai mình nghe được một chuỗi những nốt nhạc. Bạn từng có trải nghiệm cái đẹp của mặt trời hoàng hôn, một buổi bình minh đỏ rực… có thể nó đã từng bắt bạn ngừng lại và khen thưởng nó trong chốc lát. Cái đẹp của âm nhạc có thể đã từng khiến ta rơi lệ. Nét đẹp của thân thể một phụ nữ có thể lôi kéo một nam nhi nào đó dấn thân đông chinh phục bắc. Mà bạn thấy đó, năng lực ấy không phải là lực vật lý, cũng chẳng là luật luân lý, luật lệ bó buộc nào dù là thiên định hay nhân định, nhưng nó lại có thể tác động con người rất lạ lùng đến vậy. Giá trị của cái đẹp là một động lực đàng sau vô số hoạt động và kết quả của con người đạt được. Cái đẹp ấy đến từ đâu? Tại sao nó có một năng lực và ảnh hưởng đến chúng ta như vậy? Tại sao bạn gọi một cái gì đó là đẹp?

    R020257 4
    Ảnh: Hải Ô

    Gốc gác văn hoá cho cái đẹp

    Mỗi một nền văn hoá cụ thể thì sẽ có tiêu chuẩn nào đó về cái đẹp. Mọi người sống trong cùng nền văn hoá thì có chung nhận thức về cái đẹp. Bạn nhìn cái áo này và bạn thấy nó đẹp là vì nó hợp với thời trang trong vùng văn hóa bạn sống. “Hợp thời trang” ở đây có nghĩa là bạn đã được hướng dẫn hay đóng khung bởi nền văn hoá vốn đặt sẵn kiểu mẫu hay quy chuẩn cho bạn rồi. Bạn không phải là người đưa ra kiểu mẫu nào thì hợp thời trang, kiểu mẫu nào thì không hợp thời trang. Nhận thức của bạn chỉ là ráp vào một quy chuẩn đã được nền tảng văn hoá thiết lập sẵn tiêu chuẩn. Bạn nhận thức thứ gì đó là đẹp vì “họ” xem nó là đẹp, vì đám đông ngoài kia cho nó là đẹp. Ngược lại, khi bạn xem ảnh y phục của một nền văn hoá nào đó khác, thời cổ xưa hay của dân tộc khác, bạn cảm thấy nó lạ lùng, không đẹp, thậm chí dị thường. Khi đó, bạn cũng đã được định hướng bởi nền văn hoá của bạn cho nhận thức “lạ lùng” và “không đẹp” ấy rồi. Bạn nhận thức thứ gì đó là không đẹp vì “họ” – những người trong cùng nền văn hóa với bạn – đã và đang xem nó là không đẹp. Tương tự như vậy với âm nhạc. Bạn có khuynh hướng thích một bản nhạc thịnh hành, bạn có ấn tượng mạnh mẽ với một dòng nhạc trào lưu nào đó, thậm chí là của một idol do truyền thông đám đông tạo dựng. Khi đó, bạn đang nhận thức điều người khác nhận thức, một cái thú vị, cái hay ho, cái tuyệt mỹ nào đó của đám đông, của một nền văn hóa nhất định.

    Như vậy, khi bạn xem một khung cảnh và cho nó là đẹp, nghe một âm thanh và cho nó là hay… là chính lúc bạn thể hiện nhận thức về cái đẹp, cái hay ấy như một thành phần của một nền văn hoá. Loại nhận thức mà bạn có, đã được hướng dẫn bởi nền văn hoá thiết lập sẵn tiêu chuẩn đó cho nhận thức của bạn.

    Thế thì câu hỏi là, tại sao cái biết / nhận thức về sự đẹp ấy lại thuộc về nền văn hoá đặc thù như vậy? Tại sao ở nhận thức về cái đẹp ấy dường như là đẹp thuần tuý tuyệt đối, không hề có dấu vết nhận thức về sự tốt / xấu của luân lý đạo đức trong đó? Có thể nói rằng, chúng ta vẫn đang dễ dàng dựa vào quy chuẩn mà một nền văn hoá quy định hướng dẫn sẵn, nhưng điều đó chưa thoả mãn câu hỏi tại sao ta có thể nhận biết một thứ gì đó là đẹp?

    street photography art of composition 07

    Cái đẹp là nguyên nhân của khoái lạc

    Giả sử bạn có sở thích ngắm mặt trời bình minh rực rỡ ánh sáng vàng, hoàng hôn đỏ rực đầy cảm xúc, hay ngắm một bông hoa tươi xinh, hoặc ngắm một thiếu nữ có vóc dáng thướt tha. Bạn cho là đẹp, vì khi ngắm nhìn, chúng đã mang lại cho bạn sự thích thú khoan khoái trong tâm trí. Hoặc tương tự vậy, khi bạn nghe một bản nhạc, một bài diễn văn, rồi bạn cho là chúng rất hay và những lời bạn nghe được ấy là rất đẹp, là vì bạn đã cảm thấy khoan khoái thú vị khi nghe chúng. Chính khi đó, cái đẹp này được giải thích như là một kết nối với những khoan khoái có từ kinh nghiệm cảm xúc của cái nhìn, cái nghe… của giác quan. Đây là kinh nghiệm cụ thể nhất mà chúng ta có được từ những gì là đẹp. Nó rất mãnh liệt. Có khi, chúng ta khao khát muốn tiếp cận nó cho bằng được. Ví dụ, tìm cách phải làm một chuyến du lịch thật xa, thậm chí khó khăn cần vượt qua, chỉ để ngắm nhìn một cảnh đẹp. Hoặc như, có những thứ nó đẹp đến nỗi, bạn nhìn ngắm nó, và băn khoăn mong muốn sở hữu nó luôn, chẳng hạn như muốn mua một món đồ đẹp, một vật dụng, một đồ chơi nào đó. Sự hấp dẫn của cái đẹp có sức hấp dẫn cầm giữ ta như tù nhân, dính chặt vào nó, lạ lùng.

    Sự khoái lạc ở đây khác biệt với sự khoái lạc của việc nếm một món ăn ngon trong bữa ăn, hay việc cảm nhận một cái gối mềm của giấc ngủ, hay việc ngửi một mùi thơm nào đó. Những khoái lạc kiểu này có khuynh hướng hấp thụ chúng trong bản thân ta. Khi vui thích món ăn ngon, thoải mái với cái nệm êm ái, ta tìm được sự thoả mãn khoan khoái trong chính bản thân. Còn sự khoái lạc của cái đẹp, nó có khuynh hướng tạo sự gợi hứng làm cho ta quên đi chính mình, đưa ta vượt lên khỏi đối tượng đẹp ấy, để khơi lên những suy nghĩ và gợi hứng một lối sống trong cách thế mới mẻ. 

    Thử nhớ lại sự phấn khích khi nghe bản nhạc hay, nhìn thấy một bức tranh đẹp… chúng đưa bạn tiến tới đời sống mới rất khác. Khoái lạc dường như không dừng lại ở yếu tố trọng tâm là khoái lạc. Chúng ta có thể nhận thức về cái đẹp mà không dính dáng tới khoái lạc chút nào. Bạn có thể chìm đắm trầm tư bởi một bộ phim hay ngay chính lúc bạn nhận thức điều đó gây ra sự buồn đau cho bản thân. Kinh nghiệm ấy đưa bạn vượt lên trên thực tại của chính mình, một kinh nghiệm của cái tôi cô độc, vị kỷ khi nhìn vào cuộc sống bên ngoài và người khác xung quanh. Khoái lạc và đau đớn là trải nghiệm của một cái tôi vị kỷ vượt lên trên cuộc sống hiện thực như thế. Hơn nữa, cái đẹp lại không thể được cân đong đo đếm trong giới hạn của khoái lạc mà nó tạo ra thông qua xúc cảm của con người. Cái đẹp ở ngoài con người. Vậy, đâu là giá trị khách quan của nó? 

    tdm street photography awards 2021 12

    Hướng nhìn khách quan của cái đẹp

    Tại sao chúng ta gọi một thứ gì đó là đẹp?

    Nhiều người cho rằng tự thân đối tượng ấy đẹp thì ta thấy nó đẹp. Cái đẹp được nhận thấy trong đối tượng. Kiểu như một cái cây hay một bông hoa đẹp là vì có cái đẹp ở trong cái cây và bông hoa ấy rồi. Bạn gọi một bản nhạc nào đó là hay, bởi vì nó có nét đẹp trong chính nó. Nghĩa là, với câu trả lời này, cái đẹp không do bởi cảm xúc của chủ thể nhìn ngắm mà có, mà ngay trong phẩm tính khách quan của đối tượng ấy đã có, khi ta thấy hay nghe chúng. Cái đẹp có tính khách quan, tự nó đẹp là đẹp thế thôi, không phải vì tính chủ quan của người ngắm nhìn, rồi cảm thấy đẹp thì nó mới đẹp.

    Cũng khó chấp nhận phải không? “Tôi không thấy nó đẹp thì nó chẳng bao giờ được biết là đẹp”. Nhiều người phản biện. Vậy, ta thử mô tả những phẩm tính khách quan là nền tảng của cái đẹp xem thế nào. Phẩm tính đó thường được chúng ta diễn tả bằng những từ ngữ đại loại như: sự hài hoà, cân bằng, cân đối, trật tự, mạch lạc … Chẳng hạn với âm nhạc, một nhạc phẩm được cho là hay thì chuỗi âm thanh trong đó đã được sắp xếp một cách hài hoà bằng kỹ thuật hòa âm; với thơ ca, một vần thơ đẹp thì nhịp điệu âm vận của nó đi liền với thông điệp mà nó truyền tải; một bức ảnh đẹp thì lại cần sự hài hoà giữa các thành phần trong cấu trúc bố cục phù hợp với các dấu hiệu sắc màu và thông điệp của nó. Cho nên, đôi khi một nốt nhạc lạc điệu có thể phá huỷ bản nhạc, một vệt sắc màu không phù hợp có thể phá huỷ hiệu quả của bức ảnh bức tranh, một đường nét vụng về của điêu khắc gia có thể làm cho bức phù điêu trở nên xấu xí, vô nghĩa. Như vậy, một đối tượng đẹp thì tự thân chúng sở hữu một sự thống nhất nào đó bên trong, các thành phần bên trong nó có sự kết cấu với nhau thế nào đó, sao cho cân xứng hài hoà, mạch lạc, cân đối.

    Vậy thì có sự hoàn hảo của cái đẹp theo hướng nhìn khách quan này không? Nghĩa là điều gì đẹp là điều hoàn hảo, tràn đầy không còn thiếu gì cả, nó có thể là gì thì nó đã là tròn đầy rồi, không cần phải bổ sung, chỉnh sửa gì nữa cả. Có không? Kiểu như, một con ngựa đẹp là một con ngựa được phát triển đầy đủ, hoàn hảo như là một con ngựa. Một nhạc phẩm hay thì không thể và không cần điều chỉnh gì thêm nữa cả. Một câu nói, một đoạn văn đẹp thì phải có một số từ ngữ hoàn hảo về mặt ngôn ngữ. Một bức tượng đẹp thì tràn đầy một cảm hứng tinh thần truyền tải nào đó. “Nó thể hiện nó là tất cả theo cách nó là”. Cứ như thế thì trong cái đẹp không có chỗ cho sự biểu lộ không đầy đủ, sơ sẩy, thiếu sót.

    Nơi con người thì sao? Con người về mặt tổng thể, qua kinh nghiệm ta thấy luôn có những thất bại, bất toàn, không hoàn hảo, không đầy đủ ngay trong chính cuộc sống của chính mình, vì con người là giới hạn. Chính vì thế, con người đã và đang luôn tìm mọi cách để đấu tranh, cố gắng vượt lên trên giới hạn của chính con người, để đạt tới cái đẹp. Có một cái đẹp hoàn hảo tuyệt đối.

    5284507 untitled 13

    Vậy, nơi thiên nhiên có chứa sự hoàn hảo của cái đẹp? Lịch sử tư tưởng của con người cho thấy, ý thức về sự hoàn hảo của cái đẹp được nối kết với sự hoàn hảo của thiên nhiên vũ trụ. Thiên nhiên tự nó hướng tới sự đầy tràn – một sự đầy tràn trọn hảo của cái đẹp. Một bông hoa thì đẹp trong khoảnh khắc nở rộ của nó; biển cả tỏ lộ sự đầy tràn quyền năng khi đập vào vách đá; một nghệ sĩ đạt tới cái đẹp trong việc sáng tạo ra tác phẩm của chính anh (không phải là chế tạo / chế tác), khi anh có khả năng tái lập được sự hoàn hảo mà anh tìm thấy được trong thiên nhiên, vạn vật mà anh sống.

    Thế nhưng, ta lại thấy có một cái gì đó trong nhận thức bên trong con người về cái đẹp hơn là những phẩm tính của đối tượng là bông hoa, của bức tranh ảnh, của bản nhạc, của bức tượng trước mắt ta. Có phải bạn đã từng phân tích để tách rời từng thành phần của một tác phẩm, những đường nét chính, những loại cấu trúc bố cục vốn làm cho nó đẹp phải không? Đó chính là cách mà chúng ta – nhận thức chủ quan – tiến gần tới nhận thức về cái đẹp khách quan. Nhưng nếu phân tích quá tiểu tiết kiểu cách khoa học, như việc tách rời những nốt nhạc với sự hài hoà trong bản giao hưởng, ta sẽ đánh mất nét đẹp của nhạc phẩm đó. Nếu bạn khảo sát chi li tỉ mỉ từng từ ngữ cũng như lược đồ ngôn ngữ của một bài thơ, thì nó không còn đủ sức đánh động cảm xúc bạn nữa. Nếu bạn nhìn thật gần những đường nét một khuôn mặt xinh đẹp, nó chẳng còn sức hấp dẫn. Như vậy, cái đẹp rõ ràng là một điều gì đó vượt hẳn đường nét, nốt nhạc, màu sắc, các yếu tố có thể cảm nhận bằng giác quan của ta. Cái đẹp sử dụng tất cả những thứ đó, nhưng nó vượt lên trên tất cả chúng, “hơn hẳn” những điều đó.

    DSC 9659

    Cái đẹp là khái niệm siêu vượt

    Cái đẹp sử dụng những đường nét, nốt nhạc, sắc màu, ánh sáng…, nhưng nó vượt lên trên chúng, “hơn hẳn” những điều đó. Vậy thì cái “hơn” mà ta nhận thức trong khi gặp gỡ một thứ đẹp là gì? Khi bạn chiêm ngưỡng một bức tranh, bức ảnh, bạn bắt gặp nhiều thứ hơn là mốt số màu sắc trên đó đúng không? Khi bạn ngắm một cảnh đẹp núi sông rừng biển, bạn cảm nhận một thứ gì đó nhiều hơn là nước, là đá, là cây đúng không? Lắng nghe một bản giao hưởng hay, bạn nắm bắt một điều gì đó hơn hẳn một vài nốt nhạc mà phải không?

    Plato là triết gia đã nỗ lực trả lời cho câu hỏi này. Ông khẳng định rằng trong cảm thức của ta về cái đẹp, ta bắt gặp một ý tưởng siêu siêu vượt. Cái mà ta cho là đẹp ấy, là một phân mảnh đã được tham dự vào điều gì đó vĩnh cữu, hoàn hảo và tuyệt đối. Nhờ sự tham dự này, khi nhận thức về cái đẹp, ta ý thức một điều gì đó trọn vẹn vĩnh cữu, tuyệt đối hoàn hảo. Ta sống trong thế giới tinh thần của ý tưởng thông qua kinh nghiệm về thế giới vật chất, hình thể, dạng thức, âm thanh. Người say mê cái đẹp, là người có thể cảm nhận một điều thiêng liêng thánh thiện, ví dụ như cảm nhận một cảnh đẹp, một người đẹp chẳng hạn. Plato giải thích lý do chúng ta thinh lặng, kính trọng thực tại là vì đáng kính sợ nơi sự hiện diện của cái đẹp.

    Do vậy, một nghệ sĩ có thể hy sinh rất nhiều thứ trong cuộc đời để tái tạo nên cái đẹp. Ai ai cũng cố gắng nỗ lực để tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, làm đầy đời sống với nét đẹp. Trong trái tim con người có một sự quan tâm tuyệt đối cho cái đẹp, xem cái đẹp như có một giá trị tuyệt đối.  Plato cho rằng nhận thức về cái đẹp bao gồm cảm xúc bên trong của sự khoái cảm, nhưng vượt lên hẳn khoái cảm. Nó bao gồm cả những đường nét trên một mảnh giấy, vài âm thanh nối kết, nhưng vượt hơn hẳn chúng. Cái đẹp dính dấp một sự tồn tại trong thế giới ý tưởng của giá trị vĩnh cửu, bên trên thế giới vật chất hữu hình này. Cái đẹp thì vĩnh cửu. Khi trải nghiệm sự thông dự này trong thế giới vạn vật, ta “nếm ngửi” một phần thế giới mới mẻ thông qua cái đẹp.

    71761056 1242534615948616 485422005567356928 n

    Trải nghiệm cái đẹp như một thế giới mới

    Đến giai đoạn tư tưởng hiện sinh đương đại, triết gia Martin Heidegger (1889-1976) – một ông tổ của triết học hiện đại, hồi năm 1960 đã viết ra tiểu luận khởi thủy của tác phẩm nghệ thuật – cố gắng mô tả trải nghiệm công việc nghệ thuật như là một trải nghiệm hướng vào trong thế giới hoàn toàn khác biệt của con người. Ông cho rằng, khi ta nhận thức một việc nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc, ta làm điều gì đó hơn hẳn việc quan sát đối tượng đặc thù trước mặt. Ta đi vào trong một thế giới con người toàn diện và sống ở đó với tất cả sự đầy tràn của nó. Nhờ sống trong đó, ta có thể gặp gỡ công việc nghệ thuật đặc thù này và nhận thức cái đẹp của nó. 

    Heidergger lấy bức tranh “đôi giày của người nông dân” của Vincent Van Gogh làm ví dụ. Việc nghệ thuật hơn hẳn việc giới thiệu một đôi giày. Ông đoán đó là giày của một nông dân và nhìn thấy từng mũi kim khó nhọc đâm qua da, nhận ra luống cày mấp mô trên lằn đế, ngửi được mùi đất ruộng ẩm mốc trên bề mặt giày. Nhìn bức tranh, ông còn liên tưởng ngay đến tội ác chiến tranh của nước Đức và phong trào tôn thờ kỹ nghệ sau Thế chiến II. Khó mà bác lại những gì được Heidegger diễn tả bằng ngôn ngữ của một triết gia thượng thặng, song sức mạnh của ông nằm trong suy diễn và không tránh bị đả phá, chẳng hạn như bởi nhà sử học nghệ thuật Mỹ Meyer Schapiro (1904-1996), một cây bút sắc sảo. Năm 1968, Schapiro đả kích Heidegger không chịu nhìn tranh mà chỉ chăm chăm tìm ẩn ý đằng sau để lạm dụng nó minh họa cho các luận thuyết của mình. Cuộc công kích của Schapiro lại nhận được phản pháo từ triết gia Pháp Jacques Derrida (1930-2004). Thậm chí Derrida cả quyết chân lý không ở giữa, mà nằm đâu đó bên ngoài hai thái cực mang tên Heidegger và Schapiro. Tác phẩm của Van Gogh xứng đáng được quan tâm về mỹ học chứ không nên dùng đó làm minh chứng cho quan điểm nghệ thuật hay triết học. Và Derrida có lý khi đặt câu hỏi: Liệu đó có phải một đôi giày không, hay là hai chiếc giày trái? Quả thật, người ta nói có thể hai chiếc giày được xỏ dây khác nhau, một chuyện rõ ràng mà do mải cãi cọ nên người ta không nhìn thấy! 

    Ở đây, nói về trải nghiệm cái đẹp như là cách thế để bước vào một thế giới mới theo Heidegger. Ta thấy ngang qua công việc nghệ thuật, ta bị nắm bắt vào trong một nhận thức rất mạnh và phong phú, một nhận thức có sức giáo dục, làm giàu cuộc sống và đưa ta vượt lên trên chính mình. Điều đó có được là vì ta nhận thức được bức tranh đó đẹp.

    69375996 229539574603388 1892052287820398592 n
    Ảnh: VanGoghstory

    Tạm kết

    • Cái đẹp là điều mà một nền văn hoá cụ thể cho là đẹp.
    • Cái đẹp là điều đem lại cho tôi khoái lạc.
    • Cái đẹp là điều sở hữu một số phẩm tính khách quan.
    • Cái đẹp là điều dẫn tới ý tưởng tuyệt đối.
    • Cái đẹp là một thế giới mới đang mở ra với tôi.

    Chúng ta cố gắng giải thích “thực tại” của cái đẹp. Khi ta nhận thức một cái đẹp đích thực, là khi ta đối diện với một điều gì đó rất thực. Nó rất thực. Nhận thức về cái đẹp là một nhận thức rằng chính là nó. Làm sao ta có thể đáp trả một thực tại tuyệt đối như thế? Làm sao ta có thể phù hợp với nó trong phần còn lại của cuộc sống? Ta có thể đi vào huyền nhiệm này và hiểu nó phần nào không? Dường như, cái đẹp theo cách này, theo cách khác, vẫn là một huyền nhiệm. Có một điều kỳ lạ, là nhận thức cái đẹp đến và đi, rõ ràng là chúng ta không làm chủ được nó. Lúc này, tôi đang nghe một bản giao hưởng và nó đánh động tâm can tôi sâu xa lắm. Tôi thấy nó tuyệt hay. Một hôm khác, tôi nghe lại bản nhạc đó, tôi lại chẳng thấy đánh động gì. Trong nhận thức của tôi, có một điều gì đó mở ra và khép lại ngay tại nhận thức về cái đẹp của chính tôi. “Điều gì đó” là điều gì? Chúng ta tiếp tục tìm… (ở các bài tiếp theo nha).

    tuanlionsg 7/2022

    Để nhận thông báo bài hay, quà tặng, sự kiện:

    *tuanlionsg tôn trọng quyền riêng tư của bạn.

    Bài dành cho bạn:

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận