Người ta kể rằng, một thanh niên say xỉn dễ bốc đồng cuồng nộ đã trở nên bình tĩnh và lấy lại sự tự chủ khi được Pythagoras cho nghe một đoạn nhạc có điệu thức Hypophrygian. Còn nếu để anh ta nghe điệu thức Phrygian thì anh ấy dễ trở nên cuồng nộ hơn. (Pythagoras là một triết gia Hy Lạp trung cổ. Hypophrygian và Phrygian là 2 trong 8 điệu thức âm nhạc Tây Âu trung cổ).
Bản chất con người có khuynh hướng cảm thấy chịu hơn khi thả mình chìm đắm trong các giai điệu du dương, và khó chịu khi phải nghe những điệu nhạc trái tai. Khuynh hướng này không chỉ có ở một độ tuổi nhất định, tính khí nhất định, hay sở thích nào đó, mà nó liên quan đến mọi khuynh hướng, mọi độ tuổi, tất cả đều bị ảnh hưởng một cách tự nhiên và tự nguyện bởi các giai điệu âm nhạc. Chẳng lứa tuổi nào không hứng thú với những ca khúc ngọt ngào. Người ta giải thích điều này thế nào?
Sự hài hòa
Trong con người hiện hữu một sự hài hòa cân đối mà Platon gọi là “tâm hồn thế giới được tạo bởi sự hòa hợp của âm nhạc”. Sự hài hòa trong bản thân con người giúp cảm nhận được sự hài hòa của âm thanh, thích thú với chúng, vì khi ấy, con người nhận biết một sự tương đồng nào đó. Sự giống nhau ấy khiến chúng ta hài lòng khoan khoái, còn sự trái ngược thì khiến chúng ta khó chịu.
Luật của Âm thanh
Môn đệ của Pythagoras là Hippasus là Lasus đã nói đến tốc độ và chuyển động để tạo ra hợp âm. Ông lấy 2 cái bình có cùng kích thước và hình dạng. Một bình để trống rỗng, bình còn lại thì ông đổ chất lỏng vào nửa bình. Nếu gõ vào hai bình thì âm thanh phát ra cách nhau một quãng 8. Một bình trống và một bình chứa chất lỏng 1/4 bình thì tạo ra quãng 4. Bình thứ hai chứa 1/3 chất lỏng thì âm thanh 2 bình tạo ra quãng 5… Từ đó, ông rút ra kết luận có một tỷ lệ là 2/1 trong quãng 8, 3/2 trong quãng 5, 4/3 trong quãng 4.
Âm thanh và con số
Như vậy, tỷ lệ cấu thành hợp âm thể hiện qua con số. Những tỷ lệ như vậy nằm trong chuyển động: nhanh sẽ cho âm thanh cao, kiểu như cái gì đập liên tục và nhanh trong không khí; còn chuyển động chậm thì cho âm thanh thấp, kiểu như những cái chậm chạp hơn. Từ đó, mọi điều được biết đến trong cõi đời này đều ẩn chứa một con số nào đó, không có số thì không thể biết hay tư duy bất cứ điều gì. Pythagoras cho rằng đức hạnh chính là sự hài hòa, sức khỏe hay mọi điều tốt đẹp tinh thần cũng vậy. Vạn vật được kiến tạo dựa trên sự hài hòa.
Pythagoras là người tiên phong khẳng định nguồn gốc vạn vật là con số. Giữa nỗi khiếp sợ của sự bất tận của vũ trụ, họ tìm các con số với một quy luật giới hạn hiện thực, gán cho nó một trật tự có thể nhận biết. Ông và trường phái này đánh dấu sự ra đời của quan điểm toán học thẩm mỹ về vạn vật. Chúng có một trật tự thống nhất bởi chúng khớp với các định luật toán học, vốn là sự tồn tại của của cái Đẹp.
Điều này, giúp chúng ta hiểu vì sao từ thời Cổ đại, người ta gán Cái Đẹp với tỷ lệ, dẫu cho thế giới Hy-La luôn gắn tỷ lệ với sức hút thị giác của màu sắc và ánh sáng. Có thể tìm hiểu các triết giá thời Thượng cổ trước Socrates (7 TCN) như Thales, Anaximandros, Anaximenes từng luận về căn nguyên vạn vật (nước và khí). Họ cố tìm một tổng thể có trật tự và chịu chi phối bởi một quy luật nào đó. Họ nhận ra một sự đồng nhất nào đó giữa Hình thức và Cái Đẹp. Và, như ta vừa tìm hiểu, đến Pythagoras và trường phái của ông mới khẳng định rõ ràng bằng cách kéo vũ trụ học, toán học, khoa học tự nhiên và mỹ học lại gần nhau.
Tỷ lệ hài hòa trong quãng nhạc
Các môn đệ của Pythagoras nghiên cứu độ dài của dây và độ cao của âm, để xác định một sự hài hòa của âm nhạc gắn liền với các quy tắc tạo ra Cái Đẹp. Quan niệm về tỷ lệ này lưu truyền từ thời Cổ đại đến Trung cổ, trong các sách của triết gia Boezio (4-5 SCN). Có chuyện kể là ông thầy Pythagoras quan sát người thợ rèn đập búa lên cái đe. Pythagoras nhận ra chiếc búa khác nhau sẽ tạo ra âm thanh khác nhau, tức là có một mối quan hệ giữa các âm trong thang âm thu được tương ứng với trọng lượng của búa. Có một tỷ lệ nhất định.
Rồi, họ biết được các điệu thức âm nhạc (giai điệu) khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đến tâm lý cá nhân. Các nhịp điệu trầm, giai điệu ổn định, nhẹ nhàng uyển chuyển thì thích hợp cho việc giáo dục trẻ.
Những ai theo trường phái Pythagoras, họ thường tạm quên đi lo lắng căng thẳng thường nhật, đặc biệt dễ đi vào giấc ngủ ngon, bằng cách nghe các bản cantilena. Cantilena là kiểu hát liền tiếng liên tục, đều đặn, tự nhiên, thoải mái từ âm nọ sang âm kia, không vuốt qua một âm trung gian nào. Kiểu hát này biểu hiện tính mềm mại,, uyển chuyển, duyên dáng của giai điệu. Đó là kiểu hát cơ bản nhất của kĩ thuật luyện thanh nhạc trên thế giới tận đến ngày nay. Còn khi thức dậy, thì những người theo trường phái này sẽ nghe các giai điệu khác, có tác động thức tỉnh cơ thể khỏi trạng thái mụ mị.
Cái Đẹp – được hiểu như các tính từ biểu đạt khác như “xinh xắn”, “duyên dáng”, “dễ thương”, “tuyệt trần”, “tuyệt đỉnh”, … và nhiều cụm từ khác tương tự, là tính từ mà chúng ta hay dùng để chỉ những thứ chúng ta thích. Cho nên, theo ý đó thì cái gì đẹp cũng như cái gì tốt, là cái chúng ta có khuynh hướng mong muốn cho bản thân – hướng về cái Tốt và Đẹp.
Xem thêm: Music of the Spheres and the Lessons of Pythagoras
(còn tiếp…)