“Em được làm công việc em thích, mọi người đều hài lòng về em; ở nhà, mọi sự đều tốt như mọi người vẫn mong ước. Em đi ra ngoài đường vào một dịp đang rộn rã lễ hội, mọi thứ chuyển động như mọi khi, vui và đẹp. Nhưng trong em, không thấy có chút gì vui cả, không có chút gì đẹp cả. Tâm hồn em dửng dưng với tất cả. Chẳng cái gì có ý nghĩa với em cả.
Tại sao thế nhỉ? Em giật mình, bản thân mình đang có vấn đề chăng! Một tuần sau, em viết đơn xin nghỉ việc. Em dừng lại mọi thứ đều đặn được một năm rồi. Em nhận ra, thật là may mắn, em đã có quyết định đúng. Ban đầu em nghĩ em bị trầm cảm. Ai mà không trầm cảm. Chỉ là ít hay nhiều thôi. Sau thì em thấy, tâm hồn em cần được nuôi dưỡng, để có khả năng cảm nhận cuộc sống này một cách đúng như nó đang là anh ạ.”
Đó là một tâm sự của một người bạn. Thế là bạn ấy đã dừng lại tất cả, công việc, mối quan hệ xã hội, kiếm tiền, thời gian cày cuốc hơn một năm rồi. Khi được hỏi, kế hoạch sắp tới. Bạn ấy bảo em đang sắp xếp, nhưng chắc chắn sẽ phải làm em thật vui, bản thân cảm nhận được nó. Bạn ấy kể thêm: “Hôm tết, nhiều người chúc em luôn được thong dong. Em tự hỏi, thong dong là gì, làm sao để mọi lúc luôn được thong dong nhỉ, có hay không? Bản thân em biết mình, là người thích lồng lộn, đột phá, đam mê… có ngược với thong dong tự tại, thư thả không?“
Cuộc sống của công nghệ hóa
Con người như bị ném vào vũ trụ và cõi đời này mà chẳng được hỏi ý kiến. Những trật tự và lề luật sẵn có tạo thành một lộ trình theo kế hoạch nào đó của người lớn, của xã hội. Mọi thứ được cho là định luật cuốn con người đi như một vòng quay họ cho là hợp lý, học hành, lớn lên, lập gia đình, cày cuốc kiếm tiền, hưởng thụ, thỏa mãn, chết đi. Dừng lại là một điều đi ngược vòng quay. Chưa kể, xung quanh là những chi phối, dư luận, chuẩn mực, … Con người gắng tìm kiếm một thứ gì đó để dung hòa.
Công nghệ được đào bới và tận dụng đến từng chi tiết nhỏ của đời người. Công nghệ hứa hẹn giúp giải phóng con người. Làm thay con người nhiều việc, viết thay con người những thông tin, vẽ thay con người những bức ảnh, tính toán thay con người những tình huống, giúp con người bớt động tay động chân. Công nghệ mở ra một viễn cảnh, lấy lại thời gian trống cho con người, để con người tập trung hơn vào tương tác con người với con người, đối thoại với chính mình hơn.
Nhưng, không được, chính công nghệ lại gặm nhắm nát bét thời gian của con người hơn. Không những thế, còn bắt con người lo âu nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến từng thứ nhỏ nhặt. Không giúp con người triển nở chất người nhiều hơn, nuôi dưỡng tâm hồn con người hơn, thậm chí lại làm cho con người teo não đi hơn, yếu đuối hơn, lệ thuộc hơn. Con người có dư thừa thời gian giải trí hơn, nhưng lại không có được sự nhàn hạ.
Cuộc sống với sự giải trí, tiêu khiển, thư giản
Nhịp sống đều đặn của bạn, dù là ai, có những hoạt động khác xen vào, làm gián đoạn nhịp đều đặn ấy, được gọi tên là thời gian giải trí (entertainment), tiêu khiển hay thư giản (relaxation). Chúng thay thế nhau cắt lát vòng xoay của đời sống công nghệ hóa (technique life) tại từng thời điểm, đó có thể là lễ hội của xã hội tạo ra, có thể là bạn chủ động tạo ra vào dịp nghỉ cuối tuần chẳng hạn. Nhưng thứ gọi là giải trí, thư giản ấy được coi là một giải pháp giúp bạn tách biệt ra khỏi những bận rộn thường nhật. Nhưng, nhưng rồi bạn nhanh chóng trở lại ngay với những áp lực đều đặn ấy ngay vào ngày hôm sau, hết kỳ nghỉ. Vậy, tiêu khiển giải trí ấy, đâu thể là giải pháp tận gốc cho guồng quay bận rộn suốt cuộc đời của bạn?
Nhàn hạ lại là một thái độ sống, là một trạng thái bao hàm khái niệm “silentium” (silence / tĩnh lặng). Khác với giải trí, thư giản, tiêu khiển, nhàn hạ không chỉ là thời gian rảnh, một kỳ nghỉ lễ, một buổi cuối tuần. Nhàn hạ là một thái độ sống, một quyết định quan trọng cho thấy sự tồn tại của bản thân trong thế giới này. Nhàn hạ là tình trạng con người rơi vào lặng thinh để đón nhận năng lượng, để chiêm nghiệm, để tìm cách lý giải cuộc đời, để định hướng “trở thành” hoàn hảo chân tướng người hơn.
Platon cho rằng mục tiêu của con người sống là hành trình tìm kiếm “sự thật”, “thiện hảo”, “cái đẹp” và chúng là chìa khóa cho một cuộc sống tốt đẹp (a good life). Đó là hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống bằng độc thoại và đối thoại. Độc thoại là thời gian suy nghĩ, chiêm nghiệm, suy tư triết học, phát triển bản thân. Đó là một hoạt động trong chặng đường tìm hạnh phúc, niềm vui sâu thẳm trong bản thân. Sự nhàn hạ giúp phát triển trí tuệ và đạo đức, giúp thời gian sống của con người khác biệt sự lộn xộn bận bịu và đen tối của thế giới thực tại.
Aristote thì cho rằng con người bị kìm hãm trong giới hạn của công việc và sự nghiệp, cản trở họ có cuộc sống đẹp. Sống đẹp theo Aristote là không gắn liền với công việc. Đó là phát triển các mối quan hệ xã hội, kết nối các hoạt động nghệ thuật, thể thao, tri thức, phát triển trí tuệ, thấu hiểu con người. Biết nhiều hơn, những điều tốt, đẹp, hữu ích là chìa khóa giúp người ta hạnh phúc hơn. Điều đó cải thiện và đặt nền tảng cho hạnh phúc.
Công việc và nhàn hạ
Nhiều người theo tinh thần thực dụng (utilitarianism) thì cho rằng bận rộn công việc mới được xem là tiêu chuẩn cho hiệu quả cuộc sống. Dùng thời gian cho nhàn hạ thì không đánh giá được gì cả. Thậm chí, có người cho nhàn hạ là lười biếng, ngược với lao động, công việc, sự nghiệp và năng suất tạo ra của cải, nhàn hạ có hại cho cả thể xác lẫn tinh thần. Kiểu như “nhàn cư vi bất thiện” vậy.
Số khác thì nhấn mạnh sự quan trọng của nhàn hạ. Nhàn hạ là cần thiết cho quá trình cô độc (solitude’s contemplative reflection) của từng người. Phản tĩnh bản thân, để phản biện cuộc sống, tìm cho mình một lộ trình cân bằng. Đó là con đường dẫn đến kiến thức, trí tuệ, chuyển động nội tâm, hài lòng cuộc sống.
Có những âm thanh bạn không thể nghe được ở chốn ồn ào. Chốn ồn ào ở đây là chính sự bận rộn liền tay liền chân, đầu óc dính liền và bị công nghê lẫn các thiết bị chi phối, đó là quá nhiều tiểu tiết của lòng con người, của sự đối đãi của xã hội, của cách con người ứng xử, của thang giá trị mà một xã hội tiện nghi và hưởng thụ dựng lên… chúng là sự ồn ào. Âm thanh ấy chỉ nghe được trong trạng thái nhàn hạ. Nhàn hạ được hiểu là trạng thái cô tịch, lặng thinh, phản tỉnh bản thân, nhìn thấu bản thân, nhận ra giá trị thực của cuộc đời cho bản thân. Đó là sự thật, là sự thiện, là sự đẹp mà ai cũng hướng đến như tối hậu của đời mình trước khi kết thúc hành trình trần gian này.
Nhàn hạ ngay trong cuộc sống và ngay khi giải trí tiêu khiển?
Chúng ta không thiếu thời gian cho những hoạt động giải trí, tiêu khiển, giải trí… nhưng thật khó tìm đâu ra thời gian để bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn. Chúng ta chỉ được nuôi dưỡng thế giới nội tâm trong nhàn hạ là vậy. Ngồi trong bóng tối để nhìn thấy ngoài sáng.
Thật tuyệt nếu ai đó có thể giữ cho mình được trạng thái nhàn hạ, ngay khi lao động làm việc theo đuổi sự nghiệp, ngay khi họ ở trong một dịp nghỉ, một thời gian giải trí thư giản. Thật khó để đồng nhất nhàn hạ và sự quay cuồng của cuộc sống. Giải trí chỉ tách chúng ta trong chốc lát rồi quay lại với vòng quay áp lực lẫn ưu phiền. Nhàn hạ sẽ giúp tìm lại được bản ngã và phát triển cuộc sống đúng nghĩa.
tuanlionsg 2/2023