Nhiều người đã từng đứng trước một cảnh vật tuyệt đẹp, bao la hùng vĩ của núi rừng biển cả, thốt lên: “Ôi, đẹp quá!” Họ đưa máy ảnh lên, bấm nút, mong muốn ghi lại cảm xúc ấy. Họ từng không hài lòng với bức ảnh vừa chụp. Bức ảnh không thể hiện được vẻ đẹp hùng vĩ mà họ vừa nhìn thấy. Vì sao? Ngoài sử dụng thành thạo thiết bị, hiểu đặc điểm của một bức ảnh phong cảnh, kinh nghiệm bố cục… thì có còn gì nữa không? Về kỹ thuật thì học vèo cái thôi, theo mình thì tư duy hình ảnh cần thời gian ngấm dần.
Cái đẹp qua ống kính máy ảnh
Ống kính máy ảnh có cái nhìn tỉ mỉ, chi tiết hơn mắt người.
Nó được ví như người thư ký trung thành, ghi chép toàn bộ những gì người chụp nhìn thấy ở cuộc đời. Người chụp tận dụng tối đa khả năng của nó, thay đổi cự ly tiêu cự, khẩu độ, tốc độ cửa trập, hầu làm rõ hơn đối tượng vô khung hình. Cái ống kính máy ảnh là một cỗ máy công nghệ tuyệt vời, nó ghi lại những hiện thực một cách vô tư khách quan.
Sau cái ống kính máy ảnh là con mắt của con người.
Ống kính và mắt người có cấu trúc hội tụ hình ảnh gần như nhau, nhưng lại khác. Khi nhìn xuyên qua ống kính, con người lại muốn tìm cho mình cái đẹp, thẩm mỹ theo ý mình. Con mắt người không ghi chép sự vật vô tư như ống kính. Họ nhìn một đối tượng, tức thì họ quan sát, cảm nhận, cộng thêm những trải nghiệm đời, kiến thức lẫn văn hóa, triết lý sống, quan điểm của cái tôi… tất cả xuất hiện cùng lúc với cái nhìn qua ống ngắm, tức thì hình thành một nhận định, đánh giá, tạo thành một sự chú ý nào đó trong đầu óc họ. Cái đó có thể gọi là cảm quan riêng tư của người cầm cái máy. Họ bắt đầu sắp xếp lại trật tự của cái đẹp cho riêng họ trong khung hình.
Khi đó, họ chỉ cần biết quy luật về cái đẹp trong tự nhiên, quy luật của sự sáng tạo bằng máy ảnh cho phù hợp với cảnh vật. Cuối cùng, Bằng máy ảnh là vật vô tri vô giác, có sự tham gia của con mắt tư duy, bức ảnh khi đó không chỉ tả cảnh vật khách quan như cái nhìn của ống kính nữa, mà họ đã tạo ra một điều gì đó. Cho nên, khi bắt đầu chọn chụp cái gì, người ta không làm việc của một con ong xây tổ như bản năng, mà là việc của một kiến trúc sư xây một căn nhà có ý riêng. Người ta nói nhiếp ảnh có thể diễn tả “sự thực” mà lại giả dối đây. Nhiếp ảnh vừa lệ thuộc hiện thực khách quan ngoài đời, lại đồng hóa với tư duy ý tưởng của con mắt người chụp. Nó vừa phù hợp quy luật cảm xúc thị giác lại vừa phù hợp quy luật cái đẹp tự nhiên. Đó là sự hài hòa về mặt thẩm mỹ trong nhiếp ảnh.
Nhưng, để có tấm hình với tính hài hòa trên là thật khó. Mới thấy bao nhiêu ảnh na ná nhau, lập đi lập lại. Khó lắm. Nhìn đời và cuộc sống bằng hai con mắt bị chi phối bởi động cơ khác nhau: cặp mắt tư duy của con người và con mắt vô tư của thấu kính quang học. Có những bức ảnh thuần túy biểu diễn khả năng của công nghệ và quang học, lại có những bức ảnh bất chấp giới hạn quang học chỉ để diễn tả cái con mắt tư duy. Hình thức và nội dung. Nếu được cả hai thì tốt hơn. Không nên phủ nhận tính quan trọng của công nghệ thiết bị và cũng không nên “bố thích thì bố bấm nút” bất chấp quy luật cái đẹp của tự nhiên.
Cái đẹp trong chính bức ảnh
Có câu rằng “nhìn ảnh nói chuyện”. Cái đẹp trong chính bức ảnh là thị hiếu của người chụp. Nhiều người thích hình thức – cách diễn đạt của bức ảnh; nhiều người khác lại thích nội dung. Bình thường thì khó tách bạch lắm.
Nội dung thường được coi là hiện thực được kể trong bức ảnh nhưng vốn bị tác động bởi một lý tưởng thẩm mỹ nào đó. Nội dung có được lại phải dựa vào hình thức. Sử dụng hình thức tốt sẽ giúp nội dung có cơ hội dễ tạo cảm xúc cho người xem. Nội dung và hình thức kiểu như hai mặt của một chỉnh thể.
Nhờ một hình thức nào đó chuyển tải, cái đẹp trong bức ảnh sẽ là cái đẹp cụ thể, trực giác, không phải trừu tượng. Hình ảnh là cái đẹp của khoảnh khắc, ngưng đọng tức thì cái vĩnh viễn không lặp lại. Nó khắc sâu vào tâm trí cái làm cho người xem ấn tượng mạnh trong khoảnh khắc đó. Còn hình thức thì lại được sử dụng tốt bởi:
- Bức ảnh được ghi lại nhờ chất liệu ánh sáng và kỹ thuật sử dụng thiết bị. Thị giác con người tiếp nhận thế giới bằng hình ảnh. Hình ảnh cụ thể về cuộc sống hiện thực. Người chụp tìm cái cá biệt nhưng để thể hiện một ý phổ quát nào đó. Hình tượng ấy là hình tượng cảm xúc. Kiểu như chỉ một ngọn cỏ héo úa với hậu cảnh cày cấy, người chụp thể hiện những khổ đau, ao ước cũng như niềm vui nào đó trong cộng đồng mà họ đang sống.
- Bức ảnh thường tùy thuộc nhiều vào kiến thức, triết lý sống, văn hóa, quan điểm, mối bận tâm, những khắc khoải, tâm tư ước muốn, trải nghiệm cuộc sống … và cả trình độ kỹ thuật của bản thân người chụp. Nay, ta thấy giới chụp ảnh giao lưu với nhau rất rộng và nhiều, không biên giới, thích nghi văn hóa, cùng một lối sống lối chơi, định hướng tư tưởng vô thức hoặc ý thức, mang mác hình ảnh có dấu vết giống nhau phần nào sự cảm thụ về cuộc sống, thế giới và con người. Ít đi cái “tôi” trong ảnh.
- Sự hài hòa là quy luật từ tự nhiên mà có. Con người có cảm xúc về cái đẹp từ quy luật hài hòa ấy. Cái hài hòa trong ảnh lại thể hiện qua cấu trúc ánh sáng, sắp xếp bố cục, đường nét, hình khối, diễn tả nội dung đời sống. Nhiếp ảnh khai thác triệt để sự hài hòa này sao cho hiệu quả nhất việc diễn tả một nội dung cuộc sống.
Cái đẹp nơi người chụp tìm kiếm
Nói thì nói vậy, chớ cái đẹp ở ngoài đời thực và cái đẹp của bức ảnh để hòa hợp cho đến nay là cả chặng dài lịch sử. Công nghệ ngành ảnh phát triển đáp ứng nhu cầu ghi nhận lịch sử bằng ảnh, nhưng cũng nâng cái máy chụp ảnh lên tầm thẩm mỹ nữa. Cho nên, dù gì thì cái đẹp của nhiếp ảnh không tách khỏi hiện thực. Nó mô tả trực tiếp một sự đời. Đối tượng dù là con người hay cảnh vật thì luôn ở trong một bối cảnh, môi trường nào đó; và dĩ nhiên đối tượng hay cảnh vật ấy có giá trị hiện thực nhất định.
Có vài phong trào ảnh, sở dĩ đang đi vào con đường bế tắc, hạn chế sáng tạo, chỉ tìm hình thức mà rời xa nội dung, lý do là họ cổ súy nhau tôn vinh sự sắp đặt giả tạo. À, sắp đặt tái hiện một hiện thực có thể là khác. Sự giả tạo xa rời hoặc có khi không có trong hiện thực, thì nhiếp ảnh tự rời bỏ thị hiếu về thẩm mỹ thị giác. Cho nên, cái đẹp của ảnh đầu tiên là cái thực, có trong đời. Nếu nội dung của cái đẹp ấy là cuộc sống, thì đó là cuộc sống trong khoảnh khắc. Cho nên, trong nhiếp ảnh, yếu tố cảm xúc rất quan trọng. Cho nên, cảm xúc người chụp dễ tạo ấn tượng mạnh hơn yếu tố công nghệ thiết bị ở điểm này.
Công nghệ máy ảnh phát triển như tàu cao tốc vùn vụt. Theo không kịp. Cầm cái máy lên chụp thử, xoạch! Ôi trời! Một bức ảnh được tạo thành. Và, không ít người cho rằng máy ảnh xịn đóng vai trò quan trọng hơn người chụp. Cũng đúng thôi, nếu người chụp ảnh không ghi nhận hiện thực, cách nghĩ, cách cảm, cách tư duy, cách nhận định bối cảnh, cách nhìn thế giới, hiểu bản thân trong đời … thì dễ chỉ tìm kiếm thỏa mãn khả năng công nghệ. Người chụp ảnh cần đưa lại cho người xem một nội dung mới nào đó trong cách họ cảm hiện thực. Đó là cơ sở cân đong phẩm chất người sáng tạo.