Kinh nghiệm từ lúc thích thích chụp ảnh, sắm máy, đổi máy, nghiện thiết bị… và biết chụp ảnh là gì: “Có lần, đang khi nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi chợt phát hiện ra một điều. Tôi chắc mẩm trong đầu rằng sự nghiệp của tôi phải là nhiếp ảnh – phải là một nhiếp ảnh gia. Tôi thích kể lại việc mình bước vào nhiếp ảnh theo cách như thế. Nhưng, thực ra, tôi đến với nhiếp thật tình cờ. Tôi nhìn thấy một ông bạn có chiếc máy ảnh trông rất “oai phong”. Một chiếc DSLR cỡ bự, đen bóng và hết sức hấp dẫn.
Thế rồi một hôm, sau khi đã kiểm tra lại số tiền mình đang có và tìm kiếm trên trang web rao vặt hàng đầu. Trời ạ ! Có vẻ như mình đã có thể mua được một chiếc máy ảnh nhà nghề rồi đây ! Và tôi đã mua. Nhưng đấy mới chỉ là bước đầu. Sau một thời gian chụp ảnh với chiếc DSLR, tôi bắt đầu mua các ống kính, lần lượt hết loại này đến loại khác.
Tôi hết mua rồi lại bán các chiếc máy ảnh như điên, khiến gia đình nhà vợ tôi cứ thắc mắc không biết tôi có làm nên nghề ngỗng gì không, bởi vì gần như tháng nào tôi cũng đổi một chiếc máy hay ống kính mới. Thực ra, tôi không giàu có gì, chẳng qua là mọi sự đều diễn ra trên chợ mua bán rao vặt: tôi bán đi một số thứ, mua lại một số thứ khác, thế đấy.
Có đợt, theo phong trào hoài cổ, phải đeo cái máy ảnh phim trước ngực. Tôi tậu một chiếc máy ảnh phim khổ lớn, kiểu Graflex (loại máy ảnh khổng lồ, phổ biến từ 1940 – 1970), có thể chụp đến cả trăm bức ảnh; nhưng rồi chỉ mới chụp được có ba tấm là tôi đã bán tống bán tháo nó đi. Thậm chí tôi còn có cả một chiếc máy ảnh cỡ trung cùng với một hộc đựng đầy những cuộn phim cùng cỡ; với nó tôi cũng chỉ chụp vỏn vẹn có hai cuộn phim và cho đến nay nó vẫn cứ lạc hậu.
Ở đây tôi không có ý định kể lể về cái thói nghiện trang thiết bị của mình, nhưng hy vọng nêu bật được một điểm cơ bản mà khó khăn lắm tôi mới nghiệm ra được: Chuyện không phải là bạn đang có chiếc máy ảnh như thế nào – nhưng là, với chiếc máy ảnh ấy, bạn làm được những gì.
Chất lượng chiếc máy ảnh của bạn.
Trước khi đi sâu hơn, chúng ta hãy nói thẳng với nhau một điều. Có thể bạn đã từng nghe nói đến chuyện đừng quá bận tâm đến thiết bị hay chiếc máy ảnh của bạn, nhưng hãy để tôi chia sẻ với bạn rằng tôi tin là có, có đấy. Ý tôi muốn nói, tất nhiên là về chất lượng chiếc máy ảnh của bạn, sao lại có thể không quan tâm được nhỉ ? Muốn chụp ảnh những con chim mà chiếc máy ảnh của bạn lại không có một ống kính tele/super-tele, thì gần như không thể, trừ phi bạn có khả năng tiến đến thật gần may ra mới có cơ hội chụp được. Điều cần nói ở đây là tất cả các loại máy ảnh, cách nào đó, đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, và vì thế mà có những loại ảnh không thể chụp được với một loại máy ảnh nhất định nào đó. Hãy thử chụp bằng một chiếc điện thoại thông minh không có đèn flash, trong điều kiện ánh sáng rất yếu và xem tôi nói có đúng không. Dù cho thuật toán cải thiện thì ảnh trông không tự nhiên. Hình ảnh tốt là nó được trông như mắt người nhìn thấy.
Thế thì sao nào ?
Thực ra không cần quá chú trọng đến chất lượng chiếc máy ảnh của bạn. Tôi biết, nói vậy nghe ra có vẻ “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong”. Kỳ thực, không phải hễ là loại máy ảnh hiện đại thì lúc nào cũng chụp được hết mọi thứ; điểm cơ bản ở đây là, với máy ảnh của bạn, luôn có một số thứ bạn có thể chụp được và một số thứ khác thì không. Nếu cứ mải tập trung vào những gì mình không thể làm được, sớm muộn gì bạn cũng tự đẩy mình đến chỗ nghiện trang thiết bị, vì LUÔN có thứ gì đó bạn không thể làm với chiếc máy ảnh bạn đang sở hữu.
Đấy chính là điều đã khiến tôi tiêu tốn tiền triệu vào những thứ trang thiết bị mà chẳng bao giờ thực sự cần dùng đến. Nào là máy ảnh của tôi bự quá, máy ảnh của tôi trông không đủ “ngon lành”, hoặc nó không có ống ngắm, v.v… Tôi có thể tìm thấy đủ loại vấn đề trên thế giới khi cần biện bạch cho việc mua sắm tiếp theo của mình. Nhưng, sau khi đã tiêu tốn nhiều triệu để mua đi bán lại các trang thiết bị, sau khi đã sử dụng hầu hết các thể loại và hệ thống có trên thị trường, tôi chỉ có thể nói lên một điều – Chuyện không phải là bạn đang có chiếc máy ảnh như thế nào – nhưng là, với chiếc máy ảnh ấy, bạn làm được những gì.
Tôi nhớ lại đám cưới của một người bạn. Tôi đã phải kinh ngạc đến há hốc mồm khi nhìn thấy những bức ảnh mà người thợ ảnh được thuê để chụp. Anh ta sở hữu một chiếc máy ảnh với đầy đủ trang thiết bị đồ nghề ngon lành.
Nhưng, trời ơi, tôi không thể nào mô tả được các bức ảnh anh ta chụp. Chúng hoàn toàn vô hồn – đúng là chúng được chụp bằng một bộ đồ nghề trị giá hàng chục triệu nhưng kết quả lại giống như được chụp bằng loại máy ảnh pns. Tôi dùng chiếc máy khiêm tốn của mình và tự chụp lấy vài bức. Đôi tân hôn cảm ơn và nói với tôi, “Nếu không có cậu chụp thêm, chắc là tụi mình chẳng có được bức ảnh nào ra hồn”.
Tôi đã bắt gặp nhiều bức ảnh rất tẻ nhạt được chụp từ những chiếc máy ảnh trị giá hàng chục triệu. Tôi cũng đã nhìn thấy nhiều bức ảnh tuyệt đẹp do những chiếc máy ảnh rẻ tiền nhất mang lại. Tôi cho rằng mọi sự đều nằm ở cách bạn biết tận dụng tối đa tiềm năng chiếc máy ảnh của bạn. Điều mà về sau này tôi mới nhận ra (và đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc), đó là tôi có thể chụp được một số bức ảnh hấp dẫn với bất cứ chiếc máy ảnh nào mình có. Từ loại đắt nhất cho đến loại rẻ nhất. Trước mắt bạn, tất cả những bức ảnh trong bài viết này đều được chụp bằng một chiếc máy ảnh loại bỏ túi, có cảm biến nhỏ và không còn được lưu hành trên thị trường hiện nay.
Hãy là chính mình
Có một điều gì đó mà tôi càng lúc càng tích lũy được, không chỉ trong nhiếp ảnh mà cả trong cuộc sống nói chung. Giống như một người thoạt đầu chỉ có vài trăm ngàn nhưng cuối cùng thì trở thành triệu phú. Trong cuộc sống, không phải được phát những lá bài nào thì chúng ta cứ khư khư giữ lấy những lá bài ấy, nhưng là cách chúng ta biết làm gì với chúng. Tất cả chúng ta đều có thể ngày càng tầm cỡ hơn, ngon lành hơn…hoặc là gì gì đi nữa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta biết làm cho những gì mình đang sở hữu trở thành hiệu quả nhất.
Tôi cho rằng càng hiểu rõ được nguyên lý ấy, bạn càng tự tin vào chính mình hơn. Tôi nghĩ là nhiều người trong chúng ta cảm thấy tự tin khi sở hữu được một chiếc máy ảnh, như tôi đã từng. Nhưng tôi cho rằng sự tự tin ấy càng mạnh mẽ hơn nếu được đặt vào trong năng lực của bạn khi làm người chụp ảnh. Bạn có thể tự mình chứng tỏ điều đó bằng cách làm được những gì tốt đẹp nhất với chiếc máy ảnh bạn đang sở hữu.
Nói tóm lại, chất lượng máy ảnh của bạn ư ? – thì đã sao nào ? Những bức ảnh tuyệt đẹp đều có thể được chụp với bất cứ loại máy ảnh nào, bởi vì, chuyện không phải là bạn đang có chiếc máy ảnh như thế nào – nhưng là, với chiếc máy ảnh ấy, bạn làm được những gì. Tự tôi đã chứng tỏ được điều đó. Còn bạn ? Hãy là chính mình, cứ việc tập trung và tiếp tục chụp ảnh”.