Có hai chữ “yêu” và “hiểu” thôi, nhân loại đã viết bao nhiêu sách, làm bao nhiêu vỡ kịch, thiết kế bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật, vô số bộ phim. 

1 – Với một chữ “yêu”

Thánh nhân Augustino nói rằng “yêu đi rồi muốn làm gì thì làm(ama et fac quod vis). Áp dụng thì nếu bạn thinh lặng thì thinh lặng vì yêu, nói thì hãy nói vì yêu; nếu phải sửa sai góp ý thì hãy sửa sai góp ý vì yêu; nếu tha thứ thì tha vì yêu. Nhưng, có mấy ông bố bà mẹ gây bao vết thương sâu thẳm cho con, bao nhiêu là giáo viên làm tổn thương trẻ con ghê gớm, bao người chăm sóc trẻ để lại những hư chấn tâm hồn khó lành cho con trẻ …. mà khi họ làm, họ nói họ đã làm điều đó vì yêu đấy! 

Cả nhóm hơn ba mươi bạn nhỏ háo hức tham gia một hoạt động trải nghiệm STEM sáng cuối tuần, thì một cậu bé cùng lớp phải ngồi nhà. Người cha nói: “Không đi đâu cả! Muốn đi thì đêm nay làm hết số bài tập toán luyện thi giải rồi đi!” Và đêm đó nó không thể hoàn tất. Người lớn biết được gì trong cõi lòng và tận sâu hố sâu cảm xúc của nó khi nó ngồi xem hình ảnh và video của các bạn gửi lên nhóm?

Một bà mẹ khác tâm sự: “Dạo này em cảm thấy bất lực với con bé nhà em! Giờ không nói gì nó nghe cả!” Mình tìm hiểu bạn nhỏ ấy khi ở trường lớp, không phải ở nhà, thì được biết nhiều lần bạn ấy bật khóc thành tiếng trước mặt các bạn. Bật khóc vì nhận kết quả bài kiểm tra chỉ 9 hay 9.5 điểm. Với bạn ấy, phải luôn là 10 hoàn hảo. Một áp lực điểm số khủng khiếp. Có lẽ trên vai con trẻ là đầy ắp ước mơ của người lớn.

Thời này, có lẽ ít ai đồng thuận với chuyện “thương cho roi cho vọt” nữa. Nhưng cái roi cái vọt ngày nay thay đổi nội hàm một cách tinh vi. Nó núp sau những cái gọi là “cha mẹ thương con, lo cho con nên mới muốn con như thế”. Không chỉ là cây roi lên thể chất nữa, mà những cây vọt đánh thẳng vào tinh thần. Đó có thể là những lời nói nhẹ nhàng, bí hiểm, như dao cắt, khoét sâu vào tâm khảm, tạo một chấn thương khó hồi phục của con trẻ, thậm chí cả người lớn, đồng nghiệp, quản lý và nhân sự, quan hệ xã hội… Họ vẫn hồn nhiên thanh thản rằng họ làm thế vì yêu.

Vậy thì “yêu đi rồi muốn làm gì thì làm” mà thánh nhân nói trên kia, chúng ta lại phải coi coi hiểu làm sao cho đúng. Chưa kể lý lẽ của con tim thúc đẩy yêu, mà mang lý lẽ của cái đầu lại không thể hiểu được. 

2 – Với một chữ “hiểu”

Xưa nay, ta quen cụm từ “biết người để dùng người” hơn. Nhiều sách nói về cái biết người lắm. Cái câu ta nghe nhiều và có lẽ nói cũng nhiều, là “tri nhân tri kỷ bách chiến bách thắng” ấy.

Nay, đang có trào lưu “giao tiếp thấu cảm” hoặc “giao tiếp hoà ái“. Phong trào ấy xuất đi tự tinh thần một cuốn sách của Marshall B. Rosenberg có tựa “Non-violent communitcation” (giao tiếp phi bạo lực / bất bạo động).

Xuyên suốt cuốn sách ấy là một nỗ lực diễn tả giải pháp sử dụng loại ngôn ngữ của lòng trắc ẩn thay thế cho bạo lực. Bạo lực thể lý lẫn tinh thần, đặc biệt qua biểu đạt ngôn ngữ. Giao tiếp không bạo lực, lấy sự “hiểu” để thấu nhu cầu khát vọng, để cảm thông với đối phương, để đáp ứng cho nhau những niềm vui mà ai cũng xứng đáng. Trước khi “thấu hiểu / thấu cảm” ấy thì “lắng nghe không phán xét”. Không giải thích, không cắt nghĩa, đừng phân tích, đừng thuyết minh. Giảm trừ tất cả sự “gán nghĩa” đi, bóc tách sự “ngoạm lấy” của tiền ý (ta hay gọi là ý thức/ nhận thức), giảm trừ tất cả để chỉ chiêm ngắm cái chân tướng chính xác như là chính nó. Tháo gỡ tất cả cái “noème” thiên vạn diện hằng hà sa số màu sắc ra khỏi cái “noèse” của tôi, chỉ giữ lại thái độ vô tư thuần tuý – cái khởi điểm có sao nói vậy, có sao tả vậy.

Đúng-sai, tốt-xấu hay có thể hoặc không thể, mình khoan hãy bàn. Chỉ nói đến một phong trào đang lan rộng. Có lẽ, tinh thần ấy là một mong muốn sự “tôn trọng” cảm xúc của chủ thể đối diện đạt đến hoàn hảo. Nhưng sự thấu hiểu ấy thật khó khăn! Có lẽ chỉ dừng lại ở biết, biết được điều gì đó khi đối phương nói ra. Nhưng việc hiểu thấu và cảm nhận thì lại cần một sự dấn thân quyết liệt hơn để biết thật rõ. Vô tri bất mộ – không biết thì không yêu được. Không biết, không hiểu thì cũng chẳng thể cảm, chẳng thể yêu. Nên, lại phải tìm kiếm xem thế nào là biết, chúng ta có thể biết được gì, có thể hiểu được gì? Cái biết hay cái hiểu ấy có thật không? Quá trình hình thành một cái biết cái hiểu ấy thế nào? Và yêu rồi mới cảm mới hiểu, hay là hiểu rồi mới yêu?

3 – Với chữ “biết để hiểu và để yêu”

Trong sách Hồng Phạm Cửu Trù có câu: “Minh tắc triết”, nghĩa là: sáng thì khôn. Trong Kinh Thư, thiên Cao Đạo Mộ có câu: “Tri nhân tắc triết”, nghĩa là biết người thì khôn.  Như vậy tư tưởng Đông Phương vẫn coi sự khôn ngoan (triết) như là một cách hiểu biết rõ ràng, sáng sủa, phân minh, nhất là khi đó là sự hiểu biết về con người

Biết người không phải chỉ là cố gắng biết để hiểu người khác, mà là biết chính mình và biết người khác. Đây là một điều khó khăn vì con người tuy mang thân xác, có những biểu hiện bên ngoài giống như các sự vật và sinh vật nhưng con người còn có những ý nghĩ, những tâm tình ở bên trong, là điều luôn kín ẩn và phức tạp. Người Việt nam cũng nhận định rằng: “sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng. ”Vậy bây giờ làm sao? 

4 – “Hãy tự biết mình”

Câu châm ngôn nổi tiếng này, được khắc trên mặt tiền của ngôi đền cổ Delphi và được Socrates áp dụng – sống. Bằng cách “hiểu rõ bản thân”, bằng cách nhìn thấy rõ bên trong chính mình, con người có cơ hội tìm thấy sự khôn ngoan. Nếu không thực hiện việc này với bản thân, cuộc sống là vô giá trị theo Socrates. “Một cuộc sống không được khám phá thì không đáng sống”. Khám phá chính mình. Không phải tự vấn để mà tự vấn, hỏi để tiếp thu thêm kiến thức, mà là một cách tự vấn bản thân như hình thức tự chăm sóc bản thân. Tìm thấy sự khôn ngoan là gì?

Sophia có hai nghĩa chính:

  • Một nghệ thuật sống,  một thứ “luân lý” giúp ta có thể sống một cách hợp lý, tránh được sai lầm và có thể đương đầu với những khó khăn một cách sáng suốt.
  • Một sự hiểu biết căn bản sâu xa, như Aristote đã nói là sự “hiểu biết những nguyên lý căn bản và những nguyên nhân đầu tiên.”

Vậy, theo nguyên ngữ và theo tinh thần của người Hy Lạp, một người khôn ngoan (sophia) vừa là một hiền nhân (sống tốt), vừa là một nhà bác học (hiểu biết sâu xa). Trong tinh thần nguyên thuỷ của người Hy Lạp, hiền nhân và bác học là một, người khôn ngoan vừa là người biết sống cho hợp lý, vừa là người hiểu biết ngọn nguồn của mọi sự.

Đối với người Hy Lạp cổ đại, có một mối tương quan mật thiết giữa hai ý niệm trên. Triết lý vừa là một cách thức sống vừa là một sự hiểu biết. Tư tưởng này phải có nhiệm vụ dẫn đưa tới sự an bình, tạo được sự giải thoát, nhờ những hiểu biết mà nó cung cấp. Người bất lương, kẻ tội lỗi, trước hết, chính là vì không biết; đúng như Socrate đã nói: “Không ai tự nguyện là một người bất lương.”

4 – Để là người “sophia” thì phải làm sao?

“Philo” do động từ Philein, nghĩa là yêu mến, trở nên bạn bè. (Eros: yêu loạn xạ ích kỷ – Phelein: yêu bằng sự khôn ngoan sáng suốt – Agapein: yêu hi sinh tự hiến vì yêu)

Philo-sophia – Triết lý là một sự tìm kiếm hơn là việc sở hữu được sự khôn ngoan. Chúng ta là người lữ hành (homo viator) trên đường tìm kiếm chân lý, chứ chưa phải là người đã nắm chắc chân lý. Người khôn ngoan đích thực là người luôn tìm tòi, không bao giờ dừng lại, không bao giờ thoả mãn với sự hiểu biết đã có của mình và luôn biết đón nhận chân lý một cách sáng suốt. 

Tinh thần như thế, trái hẳn với tinh thần cuồng tín, quá khích (fanatique). Tinh thần cuồng tín là thái độ coi mình như đã nắm chắc chân lý, không cần tìm hiểu thêm, không muốn đặt lại vấn đề, không dám hồ nghi sự hiểu biết đã có của mình. Tinh thần cuồng tín luôn có khuynh hướng muốn áp đặt chân lý của mình lên người khác. Ngược lại, tinh thần khiêm tốn, vì biết rằng chân lý không thuộc về tôi, cũng không thuộc về anh, nhưng nó đang mời gọi chúng ta. Sự khôn ngoan là lý tưởng mà cả anh và tôi đều phải lên đường tìm kiếm.

Con người khôn ngoan là con người không chỉ biết điều này, hiểu điều kia, nhưng còn là con người “biết mình biết”, nghĩa là trở thành người đón nhận, một cách tự chủ, sáng suốt, những suy nghĩ và thái độ của mình trong cuộc đời. Chính thái độ suy tư phản tỉnh như thế là tinh thần “biết rõ chính mình” và là điều kiện để đi vào toà lâu đài khôn ngoan của nhân loại một cách đúng đắn. Mở ra cửa ngõ để hiểu mình, hiểu đời, hiểu người – yêu đời & yêu người. 

5 – Té ra …

Chúng ta thường tìm để biết để hiểu cái bên ngoài ta, để phản ứng với nó hơn là để lắng nghe nó rồi quay về lắng nghe mình. Để mà làm cái động tác ít ai biết làm, chịu làm, cố gắng làm, là để biết mình, hiểu mình, yêu mình … để mà cùng lúc biết người, hiểu người, yêu người đồng thời. Khi ấy, “yêu đi rồi muốn làm gì thì làm(ama et fac quod vis) – thinh lặng thì thinh lặng vì yêu, nói thì hãy nói vì yêu; nếu phải sửa sai góp ý thì hãy sửa sai góp ý vì yêu; nếu tha thứ thì tha vì yêu; mọi giao tiếp người hiện thế với người hiện thế được đặt trên nền tảng “yêu” này.

Khởi đi từ việc “hiểu chính mình” chớ không phải từ một đối tượng ngoại giới. Một nỗ lực để hiểu chính mình và hiểu rồi yêu thế giới mà mình sống trong đó. Nói thì nói vậy, nhưng mỗi cuộc đời, mỗi con người bằng xương bằng thịt trong hành trình trần gian này, từ là con người làm việc sinh tồn (homo faber), đến con người khôn ngoan (homo sapiens), đến con người suy tư (homo philosophicus) thì con người ấy lại là một lữ khách (homo viator) lữ hành chông chênh bước đi giữa những nghiêng ngã trần đời.

Là một hành trình khám phá chính mình, phản tỉnh để hiểu chính mình – con người – để yêu mình, yêu người, yêu đời. Hành trình đó như nào? Bạn có sẵn sàng và quyết tâm đi không?

tuanlionsg 12/2024

    Theo dõi
    Thông báo của
    guest
    2 Bình luận
    Cũ nhất
    Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả bình luận