Mình là người may mắn trải nghiệm camera của tất cả các dòng điện thoại Oppo. Mình tiếp xúc với camera Oppo từ 2012 nhưng bắt đầu ấn tượng từ khi ra mắt N1 (2013). Với việc chụp ảnh góc lạ của N1 xoay 206 độ, rồi chụp khá nhiều ảnh ưng ý với chiếc Find7 và liên tiếp với các dòng Find cho đến Find X5 Pro mới đây, các dòng Reno nhiều cải tiến đột phá, tròn 10 năm. Thật sự nhận thấy đây là một quãng thời gian Oppo đầu tư camera của họ rất nghiêm túc. Nếu nói sự mong muốn của một người thuần tùy thích chụp hình thì vẫn thích một thiết kế chụp góc lạ như N1, chất lượng được xác nhận trong giới ảnh như Find 7, có camera góc rộng ổn định chất lượng của F3, công nghệ mạnh mẽ với AI của F7, những đóng góp của các đời cao cấp khác cho đến chiếc camera bá đạo Find X5 Pro vừa ra mắt.
Nhìn lại một quá trình gần mười năm qua, có thể nói sự đầu tư camera trên các dòng điện thoại của họ rất “vì người dùng” và “luôn có điều mới”. Oppo thống kê đã có đến 61.000 bằng sáng chế, hơn 8.300 phát minh về camera, vi xử lý hình ảnh NPU 6nm tự phát triển. Mình chú ý đến sự thay đổi qua từng bức ảnh được chụp hay từng đoạn video mình quay thực tế hơn các con số do hãng công bố. Bản thân cũng không có thói quen dùng các từ hoa mỹ khi làm review. Nhưng đến chiếc Find X5 Pro, mình đã phải dùng cụm từ “một camera điện thoại bá đạo” tại một buổi chia sẻ. Có thể nhìn lại những điểm mốc của quá trình phát triển này theo góc nhìn trải nghiệm của cá nhân mình.
Ra đời giữa năm 2013, Oppo mong muốn Oppo N1 sẽ là chiếc điện thoại đại diện cho hướng đi của một đi tạo góc nhìn lạ cho người chụp hình. Họ đã thiết kế cụm camera có thể xoay và sử dụng chụp ảnh thông thường lẫn chụp selfie với góc xuay 206 độ. Lúc này, Oppo rất tự hào về công nghệ về thuật toán xử lý Pure Image với hy vọng đạt đến kết quả là những bức ảnh giống với thế giới thật nhất. Và thực tế là ảnh từ N1 có màu sắc trung thực như họ muốn. Nhưng, vào thời điểm khởi đầu cho trào lưu ảnh điện thoại ấy, rất khó cho tham vọng một cảm biến ảnh bé bằng hạt đậu, đòi kết quả ảnh tốt hết các điều kiện về màu, tương phản, chuyển màu, độ mịn ảnh ở mọi hoàn cảnh ánh sáng phức tạp được. Tuy nhiên, ở hoàn cảnh ánh sáng tốt, ít có độ chênh sáng, vật thể không phẳng lì, N1 cho ảnh tốt, màu ấn tượng. Đó là một khởi đầu tốt.
Đây là chiếc điện thoại có cụm camera rất thành công của Oppo vào thời điểm cạnh tranh khốc liệt và nhạy cảm nhất cho việc tạo thói quen người dùng chụp ảnh bằng điện thoại. Qua các mẫu Find trước đó, thì mình bị kích thích trải nghiệm nhiều nhất bằng chiếc điện thoại này. Mình không ngần ngại nói rằng, sau chiếc Lumia 1020 tạo cảm hứng chụp hình bằng điện thoại cho bản thân, thì Find 7 là chiếc điện thoại đã thúc đẩy khai thác nhiều kỹ thuật chụp ảnh nhất vào lúc đó.
Một chủ đề chuyển động có tính chất chung là sự dịch chuyển và thay đổi liên tục. Vì dịch chuyển liên tục, nên hình thù không bao giờ giống hệt nhau. Bầu trời quang với bãi đá trên mặt biển, nếu chụp bắt dính chuyển động của gợn sóng, ánh sáng hài hoà, chi tiết đầy đủ, nhưng sẽ khó nhấn mạnh được đâu là thành phần chính nổi bật đâu là phụ. Muốn một cây cầu gỗ nổi bật hơn, được nhấn mạnh hơn trong một buổi sớm mai trên mặt nước biển, có thể sử dụng kỹ thuật chụp “slow shutter” (màn trập chậm) khoảng 8s, 16s hoặc 32s. Nhưng khó khăn là khẩu độ ống kính điện thoại luôn cố định.
Với Find7, không có hiệu chỉnh ISO mặc định, nếu chọn tốc độ màn trập thì kiểu như ưu tiên tốc độ và máy tự động cân đối các thông số khác. Vì vậy, để ở tốc độ màn trập chậm, giảm lượng sáng vào cảm biến theo thời gian, bạn có thể dùng một kính lọc ND (Neutral Density filter). Điều kiện là chiếc điện thoại có tuỳ chọn tốc độ màn trập chậm đủ để mặt nước gợn sóng mịn màng. Và, như tấm ảnh bên dưới, tốc độ màn trập chậm, bóng người đi trên cầu mờ nhoè, cây cầu dưới ánh sáng vàng nổi bật lên trên nền nước và nền trời. Find7 cho phép bạn tuỳ chỉnh tốc độ “slow shutter” lâu nhất là 32giây. Ở các dòng điện thoại khác, bạn có thể sử dụng kính lọc, hoặc chụp nhiều tấm rồi chồng hình, hoặc chụp bằng sự hỗ trợ của App, tuy nhiên, sự tự nhiên sẽ suy giảm. Vào thời điểm đó, Find 7 xứng đáng đặt dấu ấn quan trọng cho Oppo nói chung và trào lưu chụp ảnh bằng điện thoại nói chung.
Oppo luôn muốn thay đổi một điều gì đó khi ra mắt một điện thoại mới. Sau khi rất thành công và để lại những nỗi nhớ về Find 7 suốt mấy năm, tưởng chừng họ bỏ luôn dòng Find này, thì đột nhiên họ giới thiệu mẫu mới mang tên Find nhưng với hệ thống tên đi kèm khác. Find X chuẩn bị cho X-series là một dòng cao cấp nhất của hãng này.
Trải nghiệm lạ lẫm nhất với Find X nằm ở cụm camera trồi lên sụt xuống của nó. Mỗi khi mơ-tơ vận hành bạn sẽ nghe tiếng chuyển động nhỏ và cảm nhận thật sự rằng có gì đó đang di chuyển. Kiểu này khá kích thích, giống như cách mà tiếng tách tách và cái đập của màn trập mang lại cho bạn khi cầm máy ảnh đi chụp hình. Không, bạn không cần phải làm gì để cụm camera này vận hành, mọi thứ đều được tự động hết. Bạn muốn chụp hình, mở giao diện camera bằng nhiều cách: vẽ lên màn hình, cài phím cứng hay chạm và kéo app camera… cụm ống kính tự động trồi lên và chuyển động núp đi khi bạn không chụp nữa. Hình như có một tương tác nào đó kích thích chụp.
Tiếp tục với dòng Find X-series, cũng vậy, Oppo lại làm một cái gì đó mới cho chiếc X3 Pro. Họ tạo cho chiếc Find X3 Pro trở thành một chiếc điện thoại cao cấp và ghi hình được hầu hết mọi thể loại: Micro-Scope – Siêu hiển vi với độ phóng đại 60x, cho đến góc rộng 110 độ, dải màu 10bit với định dạng file ảnh thô cho người làm ảnh chuyên nghiệp HEIF.
Nếu đi du lịch hay trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt đó đây, một chiếc điện thoại có đủ camera góc rộng, hẹp, cận cảnh hay hiển vi và các tính năng đa dạng khác, như chiếc Oppo Find X3 Pro, thì đủ dùng cho nhiều tình huống. Ảnh chụp với hệ thống quản lý màu 10bit dịnh dạng HEIF, nên mình convert luôn trên máy. Dải màu khá rộng là điều cảm nhận được rõ ràng khi hậu kỳ, thoải mái cho ai thích hậu kỳ. Chẳng khác gì một chiếc máy ảnh bỏ túi mạnh mẽ và đáp ứng đủ mọi nhu cầu chụp phổ thông và công việc.
Là chiếc điện thoại đã làm cho mình thốt lên, lần đầu tiên, dùng từ hơi kích thích – “Một chiếc điện thoại có camera bá đạo.” Oppo đã hợp tác với Hasselblad – Find X5 Pro sử dụng phần mềm xử lý ảnh và các tính năng mới từ hãng máy ảnh này. Find X5 Pro thừa hưởng khả năng cân màu tự nhiên nổi tiếng của Hasselblad (Natural Colour Calibration) cho phép cảm biến sử dụng 13 kênh màu sắc mới, cùng với thấu kính được hoàn thiện tốt, giúp máy kiểm soát quang sai và cho màu sắc chính xác hơn. Cụm thấu kính cao cấp với ống kính thủy tinh cải thiện độ chính xác của màu sắc và loại bỏ quang sai màu đến 77% so với chất liệu nhựa.
Một tính năng mới, mình rất thích, Find X5 Pro tích hợp chế độ Xpan cho chất ảnh cổ điển, tỷ lệ 65:21 và giao diện máy ảnh phim Hasselblad. Chế độ này cho phép người dùng chụp những tấm ảnh siêu rộng với góc nhìn điện ảnh, giúp khung hình có hồn và giàu cảm xúc. Có hai chế độ xử lý, màu và đen trắng. Bấm chụp xong, chờ vài giây, mình nhìn thấy hiệu ứng như kiểu âm bản buồng tối tráng rọi phim vậy.
Nhưng đó không phải là điểm nhấn duy nhất trên Find X5 Pro. Đây là smartphone đầu tiên sử dụng MariSilicon X – NPU do chính OPPO phát triển. NPU tiến trình 6nm này đảm nhiệm việc chuyên xử lý hình ảnh với khả năng tính toán 18.000 phép tính/giây, kết hợp với AI để tối ưu chất lượng ảnh chụp. Theo đó, Find X5 Pro tăng tốc độ xử lý hình ảnh, cho bạn tấm ảnh và video tốt nhất với lượng tiêu thụ pin thấp hơn. Điều này giúp bạn chụp được nhiều ảnh hơn, quay video 4K bền bỉ hơn trong hành trình dài vi vu khám phá. Quay video Ultra 4K, với hệ thống chống rung 5 trục (2 trục thấu kính và 3 trục cảm biến), quay thiếu sáng và ban đêm hiệu quả.
Khi đi trải nghiệm ảnh ọt trước ngày ra mắt ở Việt Nam, mình có một chuyến đi từ Bình Định – Phú Yên vào Khánh Hòa, mình đã cảm thấy Find X5 Pro có một cụm camera với nhiều nâng cấp giá trị – một camera phone bá đạo.
Chắc không thể quên cuộc chiến chụp ảnh “đêm như ban ngày” của các loại điện thoại vào thời điểm cách đây khoảng 5-7 năm. Oppo R17 đã có một bước đi ngoạn mục khẳng định vị thế cho camera của dòng Reno. Không phải là điện thoại phát triển tiên phong tính năng chụp đêm, nhưng camera của điện thoại Oppo R17 có tính năng chụp đêm gọi là Ultra Night Mode hiệu quả và ấn tượng. Oppo kết hợp nhiều thứ cả phần cứng lẫn phần mềm cho tính năng này.
Mình đã chụp rất kỹ tính năng chụp đêm từ đô thị đến mọi thứ thể loại ban đêm, một số chụp bằng chế độ thông thường, một số khác thì chế độ thủ công, và phần nhiều là thử bằng chế độ chụp đêm này. Có phần hơi sharpen một chút, ít nhiễu hạt, dải sáng rộng hơn và tốc độ xử lý khá nhanh. Và Reno 17 khởi đi cho những lời khen và ủng hộ phân khúc này tương tự như chiếc Find 7 tạo đà cho dòng flagship Find X-series vậy. Khởi đầu cho một trào lưu kể chuyện ảnh cuộc sống về đêm.
Các mẫu Reno tiếp theo, làm vây cá mập phục vụ selfie cho các bạn trẻ với Reno 2, hoàn hảo hơn tính năng chụp chân dung tách nền hậu cảnh với Reno 3, quay video chồng hình, tách từng kênh màu với Reno 5, thuật toán xử lý bokeh – vùng ảnh không rõ nét – kích thích sáng tạo với Reno 7… Luôn luôn có một điểm gì đó mới, cả phần cứng lần phần mềm xử lý hình ảnh, tái tạo màu sắc, hoàn hảo hơn các tính năng đã phát triển, dòng Reno vẫn là dòng được yêu thích.
Mình có cơ hội chụp ảnh thử bằng Camera Oppo từ dòng F1 – F3 – F5 – F7… và tương tự với các dòng A Nhận thấy một số điều mà hãng này đầu tư rất nghiêm túc cho cụm Camera qua các đời máy dòng F là dòng trung cấp của họ, và mình cũng thấy một số điểm ưa thích của dòng đời trước mà đời sau không được như thế và có phần tiếc. Mình chia sẻ như một người trải nghiệm cầm máy, từ giao diện công cụ chụp đến hiệu năng của máy thể hiện chụp hình thực tế, có những điểm cái này kích thích cảm hứng chụp, cái khác lại ít hơn. Dĩ nhiên về tổng thể thì càng về sau thì công nghệ được đầu tư mạnh mẽ hơn, nhưng trải nghiệm cá nhân là thế này:
Chẳng hạn, cầm cái F1 với giao diện chụp thủ công rất có cảm hứng chụp bằng chế độ thủ công này. Mặc dù các dòng sau cũng có chế độ Expert nhưng không hiểu vì sao chụp thử lại không ngon bằng. Đến đời Oppo F3, có lẽ khoái nhất là camera selfie góc rất rộng, có lẽ là rộng nhất trong các đời máy của hãng này. Điểm hấp dẫn là thuật toán chỉnh độ méo góc với camera góc rất rộng ấy, chụp đông người bằng camera trước, mỗi người thấy được mình trong khung hình và tự chỉnh sửa tạo dáng vừa ý, góc ít méo, hài hòa và nếu chụp khéo, rất khó nhận ra người cầm máy và những người khác.
Đến Oppo F5, chất lượng camera sau được nâng cấp tốt hơn, chụp thiếu sáng tốt hơn, và có lẽ ai dùng Oppo, thích chụp ảnh và biết chụp ảnh thật sự sẽ vẫn thích F5. Đến chiếc Oppo F7 mới đây, họ đã muốn dồn thuật toán AI cho camera selfie với chế độ làm đẹp (beauty) hài hòa hơn, AI hoạt động tốt hơn ở các dòng máy trước. Riêng chế độ Ultra HD của F7 hiệu quả hơn, ít bị tình trạng bóng mờ khi dùng thuật toán chồng nhiều hình với một cú bấm chụp, tốt hơn các dòng trước.
Hơn 100 năm trước, Kodak có câu nói nổi tiếng rằng “You push the button, we do the rest” (Bạn chỉ việc bấm nút, còn lại chúng tôi lo). Người dùng máy ảnh được khuyến khích chụp ảnh mà không phải bận tâm quá về kỹ thuật. Kiểu như giơ máy lên là bấm, bấm hoàn toàn tự động, nhưng vẫn muốn bức ảnh có vẻ đẹp. Người ta gọi đó là ảnh Snapshot. Một bức ảnh chụp vội (snapshot), một bức ảnh chụp nhanh, một cách thoải mái, thường thì không nhằm mục đích nghệ thuật, không hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Những bức ảnh như thế lưu nhanh những khoảnh khắc cuộc sống, sự kiện hàng ngày.
Hơn bao giờ hết, ngày nay, mọi người đều chụp ảnh với kiểu “snapshot” này rất nhiều, mọi lúc mọi nơi. Những chiếc máy cho tuỳ chỉnh các thông số dành cho những người “biết chụp” hoặc cần thời gian nhiều hơn. Vì vậy, việc cần một chiếc máy đơn thuần chụp “auto”, không phải điều chỉnh các thông số phức tạp, mà ảnh cho ra ưng ý là một đáp ứng nhu cầu số đông. Oppo là một hãng luôn “vì người dùng” như vậy. Mọi cải tiến, nâng cấp, trang bị thêm, đều nhắm đến phục vụ nhu cầu thực sự của cuộc sống.