Chụp hình – được nhiều người cho là một môn nghệ thuật dùng hình ảnh được ghi nhận nhờ một thiết bị cơ khí hoặc kỹ thuật số làm phương tiện biểu đạt. Nghệ thuật hình ảnh thị giác.
Vì được gọi như thế, nên đối tượng và nội dung của chụp hình sẽ cũng giống các nghệ thuật khác. Đó là “cuộc sống muôn màu muôn vẻ”, trong đó chủ yếu là cuộc sống của con người. Có thể liệt kê ra muôn hình vạn trạng của tư tưởng, tình cảm, tâm tư thăng trầm của con người đang hành trình trên mặt đất này. Dù cho người chụp hình quan tâm, cố gắng ghi nhận lại bất kỳ hiện tượng nào của cảnh vật hay cuộc sống thì điều mà họ nhìn thấy bằng mắt, làm cho tâm can họ chú ý, ngạc nhiên, xúc động, khắc khoải… và họ muốn bấm máy ghi nhận lại cũng để người xem ảnh của họ cũng chú ý, ngạc nhiên, xúc động, khắc khoải… như chính họ. Đó có thể là một cảnh núi rừng biển cả, một ngôi nhà, một thung lũng đầy sương, một dòng sông thơ mộng, một cảnh hoàng hôn, một đêm trăng bập bùng lửa lãng mạn, một đàn chim, một bầy cá, một lễ hội hay một bức chân dung…v.v… Miễn ở đó có một liên hệ nội dung, thông điệp hay ý nghĩa cuộc sống đời người và người đời… mà khung hình đó thể hiện, cách nhìn và sự rung động hay khắc khoải của con người trước những hiện tượng cụ thể đó và trước cuộc sống hay cuộc đời.
Ý của người chụp
Trong thế giới hình ảnh, người chụp không chỉ muốn nói, lưu giữ và tái hiện cuộc sống, một hiểu biết về khía cạnh nào đó của cuộc sống đa dạng, về vũ trụ muôn loài, mà còn bày tỏ thái độ chủ quan của chính bản thân, muốn nói một ước mơ, khao khát, ấm ức hay lo âu, tâm sự hay hạnh phúc… về mọi thứ quanh con người và cuộc sống. Có thể nói một khung hình được chụp nghiêm túc là một hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là vậy đó! Người chụp ảnh cắt một lát, đóng một khung để nói gì đó mà họ muốn nói. Rất chủ quan, ngay trong thế giới kia luôn khách quan. Thế thôi.
Cái đẹp muốn hướng đến
Một khung hình, đã đóng tĩnh nhưng chính bối cảnh tự thân nó có lịch sử của nó, phải như nó vốn có (hiện hữu). Nghệ thuật lại là một thế giới tốt hơn, một sự soi sáng nào đó mang tính thẩm mỹ. Thể hiện cách này cách khác, thủ pháp này thủ pháp khác, trực tiếp hay gián tiếp thì “cái nên có” chính là cái mà khung hình là “cái hiện có” muốn hướng đến. Cho nên, cái đẹp của chụp hình không chỉ là những cái đẹp thị giác đơn thuần, hay chỉ là những câu chuyện đẹp đơn thuần, mà quan trọng là “cái nên có” bất kể là một cảnh tượng vui lẫn cảnh tượng buồn, cảnh tượng tích cực lẫn tiêu cực, giữa lòng xã hội cụ thể, con người đối đãi với con người, con người đối xử với thiên nhiên, những sự thật (chân), những cái tốt (thiện), và cái đẹp (mỹ) mà khung hình muốn nói, muốn hướng đến.
Sự động lòng trước một vẻ đẹp
Khoa học thì tư duy logique, nghệ thuật thì tư duy hình tượng. Chụp hình từ việc ghi nhận và tái hiện một sự sống bằng hình tượng, là cách làm cho sinh động, cụ thể – cảm tính, với đường nét, màu sắc… chứ không vu vơ bằng khái niệm trừu tượng như khoa học.
Vì thế, trí tưởng tượng sáng tạo, khả năng chuyển một ý tưởng thành hình tượng, suy nghĩ, lập luận, cảm xúc bằng hình tượng là yếu tố quan trọng để giúp người chụp thành công, ngoài việc có trí tuệ, tình cảm, khả năng thuyết phục, hiểu biết phong phú và niềm tin bản thân.
Tư duy hình tượng và sinh hoạt tình cảm, xem hình & sự xúc động thường liên hệ với nhau. Hình tượng hay cảm xúc đều là biểu hiện trực tiếp tự cảnh sống nào đó, có tính chất cụ thể, cảm tính, sinh động và hàm chứa vẻ đẹp thẩm mỹ. “Đủ biết có cái hình xuất hiện, thì cái đẹp sẽ nảy sinh. Cảnh vật vô tri vô giác kia mà còn đẹp rực rỡ như thế, huống gì con người có tâm lẽ nào chẳng có động lòng trước một vẻ đẹp.”
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người chụp hình là người có khả năng cảm nhận cuộc đời, cuộc sống một cách có hình ảnh, sinh động, là người nhạy cảm, dễ xúc động… và khi, những năng lực ấy khô mòn, chây lỳ, chán nản thì khả năng chụp hình của họ cũng tụt dốc cạn kiệt.
Hình ảnh & cảm xúc
Một đặc tính hình ảnh ở Á Đông khá phổ biến, là tính biểu cảm, cảm xúc, cho rằng chụp ảnh là tiếng nói của sinh hoạt tình cảm. Đó là những mối quan tâm đến vấn đề nhân sinh, đến cuộc sống tâm linh hay tình cảm, tách bạch hoạt động con tim khỏi lý trí. Nhiều khuynh hướng chụp ảnh lấy động lực từ sự cảm động lòng người, cảm thông của đám đông về một mảng sống nào đó giữa con người với nhau trong xã hội và trong thời gian và không gian nào đó.
Trong thực tế thì người ta nghĩ ra nhiều quy luật, nhiều thủ pháp, về cấu trúc khung hình (bố cục) đến ánh sáng hay cả màu sắc… để xem như một cách thế để có kết quả truyền tải nội dung và đánh động lòng người xem. Và, hệ quả là thông điệp gốc của bức ảnh đôi khi mai một theo thời gian, hoặc trở thành một tiểu thuyết mà dân chúng diễn giải ngoại suy theo lịch sử hay theo sở thích, sự rung động, đôi khi cả sự bịa đặt hay áp đặt một ý chí tư tưởng nào đó lên thông điệp gốc của bức hình. Câu chuyện này chưa thể có kết thúc, các nhà chụp ảnh vẫn còn đang thẩm vấn nhau.
Độc đáo & mới mẻ
Đặc tính độc đáo và mới mẻ luôn luôn được đặt ra mới mọi loại hình nghệ thuật, không riêng gì chụp hình. Một bức hình được tạo ra, luôn trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, trong một điều kiện lịch sử xã hội nhất định, luôn có tính chất “một đi không trở lại”, mà người chụp hình hay gọi là khoảnh khắc. “Nghệ thuật là tôi, khoa học là chúng ta” – Claude Bernard (1813 – 1878) “L’art c’est moi, la science c’est nous”. Nghệ thuật chụp hình cũng vậy, đi từ cái riêng đến cái chung, không thể ngược lại đi từ định lý chung áp lên tất cả mọi tác phẩm.
Người chụp hình bị thu hút bởi những cái riêng, cá biệt, đặc sắc…, ghi nhận lại cái riêng, cá biệt, đặc sắc ấy trong khung hình của mình, đôi khi chẳng cần chú ý cái chung ẩn đàng sau cái riêng ấy là như nào, dẫu chúng luôn ẩn chứa một ý nghĩa chung nào đó tiềm ẩn.
Người chụp ảnh luôn tìm kiếm, tìm cái mới, cái mới trong không gian mới và không gian trước đó. Cái mới và cái độc đáo gắn với nhau. Không độc đáo không mới thì khó lòng chen chân. Đôi khi, nghệ thuật chụp hình không cần đến những thợ chụp khéo tay, ghi hình theo một vài kiểu mẫu có sẵn hoặc sắp đặt cổ điển, mà cần đào sâu, tìm tòi, khơi nguồn chưa ai khơi, sáng tạo ra những khung hình.
Ngôn ngữ hình ảnh
Nếu gọi chụp hình là nghệ thuật, thì đó là môn nghệ thuật dùng hình ảnh ghi nhận lại được để làm phương tiện biểu đạt, truyền tải. Có thể gọi đó là một dạng “ngôn từ/ ngôn ngữ” mà người chụp hình dùng để truyền tải một lượng thông tin cho người xem qua trung gian bức hình họ chụp. Dạng ngôn ngữ này tác động vào thị giác, người khác tiếp nhận khi nhìn vào một bức hình được trưng bày ra.
Với chất liệu là ngôn ngữ hình ảnh, nghệ thuật chụp hình tạo ra sự chú ý quan tâm phần lớn những gì “hiện diện” hơn là sự liên tưởng, suy diễn ngoài những gì mắt nhìn thấy. Người xem cảm thụ một cách rõ rệt, xác định bằng mắt (thị giác), có thể cả xúc giác, không phải cố tưởng tượng đôi khi mơ hồ ra hình ảnh như đọc tác phẩm văn chương. Vì vậy, bức ảnh luôn có sức hấp dẫn riêng.
Những quy luật về cả bố cục, màu sắc, ánh sáng… hay thủ pháp chụp hình mà nhiều người giới thiệu hay dạy cho người mới, tất cả chúng đơn thuần chỉ là một định hướng, phương tiện hình thành tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất một chủ ý / điều muốn nói nào đó cho người khác. Điều muốn nói của người chụp làm sao để người xem tiếp nhận rõ ràng, trọn vẹn, hấp dẫn nhất dĩ nhiên phụ thuộc nhiều yếu tố khác, khách quan lẫn chủ quan, kỹ thuật lẫn mỹ thuật, nhưng rút cuộc nó vẫn là một loại ngôn ngữ đậm cá tính của người chụp muốn diễn đạt.
Và,
Sống là sống với ai, sống thì cần sống với ai. Việc trao đổi thông tin, giao tiếp là thiết yếu. Việc chụp hình cũng là một hình thức giao tiếp ấy. Bằng khung hình chụp được, người chụp muốn làm cho mọi người cảm thông, hiểu biết gì đó, chia sẻ ưu tư nào đó, muốn một đồng cảm nỗi niềm hay khát vọng nào đó, tìm một sự đồng điệu nào đó… về thiên nhiên vạn sự, về xã hội chính trị, về đời người và người đời. Và nếu thành công, người xem ảnh đôi khi là tri kỷ tri âm vậy.